Kỳ tích 'mùa vàng' ở Thống Nhất
Trước đây, cánh đồng thôn Thống Nhất của xã An Ninh luôn được nhiều người xem là vùng 'tử địa'. Thế nhưng, với sự sáng tạo và tinh thần cần cù chịu khó của người dân, khoảng 15 năm trở lại đây, vùng đất khắc nghiệt này đã trở thành một trong những vựa lúa luôn có năng suất cao hàng đầu huyện Quảng Ninh…
Đánh thức vùng… "tử địa"
Cánh đồng thôn Thống Nhất có tổng diện tích khoảng 250ha, nhiều nơi có mặt bằng thấp hơn từ 0,3-0,5m so với mực nước biển. Sở hữu một vùng diện tích khá rộng lớn nơi đầm phá Hạc Hải, thế nhưng, cánh đồng của địa phương này lại bị thấp trũng, nhiễm mặn, chua phèn, thường xuyên phải gánh chịu nhiều đợt lũ lớn từ phía thượng nguồn đổ về, các đợt thủy triều từ biển xâm nhập lên…
Trước đây, khi hệ thống đê bao, thủy lợi chưa được đầu tư xứng tầm, rất nhiều diện tích của cánh đồng này hầu như bị bỏ hoang, số còn lại chỉ phục vụ sản xuất một vụ lúa đông-xuân. Riêng vụ hè-thu coi như bỏ hoang, vì đầu vụ thường gặp lũ sớm, bị nhiễm mặn, phèn chua, cuối vụ thì nguy cơ lũ lụt gây mất trắng cao…
Dẫn chúng tôi dạo quanh cánh đồng thôn Thống Nhất, ông Nguyễn Duy Viên, Bí thư Đảng bộ bộ phận, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (gọi tắt là HTX Thống Nhất) cho hay: "Kể từ năm 2000 đến 2005, được sự quan tâm tích cực của tỉnh, huyện và chính quyền xã An Ninh, cánh đồng thôn Thống Nhất dần được đầu tư về hệ thống thủy lợi, đê bao khá mạnh, chiều dài ước chừng 600m, chiều cao đạt 0,5m. Nhờ có hệ thống đê bao, thủy lợi để ngăn lũ, thau chua rửa mặn, giai đoạn này, địa phương chúng tôi đã chủ động sản xuất "ăn chắc" được 220ha ở vụ lúa đông-xuân và hè-thu đạt 80ha".
Nhận thấy công tác đầu tư cho hệ thống đê bao, thủy lợi đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa nước đáng kể cho mỗi mùa vụ, HTX Thống Nhất đã quyết định bàn bạc và đi đến thống nhất quy định mỗi hộ dân trong thôn nộp 15kg thóc/sào (500 m2)/năm. Toàn bộ khoản đóng góp này được đầu tư trở lại cho công tác xây dựng đê bao, thủy lợi.
Bước vào giai đoạn 2005-2010, nhờ việc chú trọng xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp hệ thống đê bao và thủy lợi, ước tính diện tích sản xuất vụ lúa đông-xuân ở địa phương được mở rộng lên tới 248ha (cơ bản hết diện tích, không còn tình trạng để đất hoang), diện tích vụ hè-thu được tăng lên 220ha.
Song hành với việc đầu tư mạnh vào hệ thống đê bao, thủy lợi, HTX Thống Nhất còn mạnh dạn đứng ra đảm nhận toàn bộ các khâu dịch vụ nông nghiệp cho xã viên, nông dân trong thôn, như: làm đất, cung cấp phân bón, giống chất lượng, diệt chuột, điều hành tưới tiêu, dự báo và triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bao tiêu sản phẩm…
Ông Nguyễn Duy Viên tự hào cho biết thêm: "Từ một địa phương thuần nông chuyên cày cấy bằng sức trâu, lội bùn gặt lúa bằng tay, phải dùng bạt để vận chuyển lên chỗ cao, năng suất và sản lượng hàng năm đều ở mức trung bình của huyện…, nhờ được đầu tư mạnh về hệ thống đê bao, thủy lợi, cánh đồng "tử địa" của thôn Thống Nhất đã được "đánh thức" trở thành một vùng đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ, nức tiếng trong vùng. Bằng chứng là trong khoảng 15 năm trở lại đây, năng suất lúa hàng năm của thôn Thống Nhất luôn nằm ở tốp đầu của huyện…".
Kỳ tích "mùa vàng" ở Thống Nhất
Ông Trần Đức Thuận, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết: "Hơn chục năm trở lại đây, năng suất lúa của thôn Thống Nhất luôn nằm ở vị trí nhất, nhì, ba ở huyện. Vụ đông-xuân 2016-2017, năng suất lúa của thôn Thống Nhất đạt 72,67 tạ/ha (bình quân toàn huyện là 62,63 tạ/ha). Tương tự, vụ đông-xuân 2017-2018, năng suất lúa của thôn Thống Nhất đạt 74,51 tạ/ha (bình quân toàn huyện là 63,40 tạ/ha); vụ đông-xuân 2018-2019, năng suất đạt trên 73 tạ/ha (bình quân toàn huyện khoảng 63 tạ/ha); vụ đông-xuân 2019-2020, năng suất đạt 75,98 tạ/ha (bình quân toàn huyện khoảng 61,99 tạ/ha)…
Dẫn chúng tôi đến một ruộng lúa vàng ươm, nơi có những chiếc máy gặt đang hoạt động, anh Võ Văn Thoa, Trưởng thôn Thống Nhất tâm sự: "Bây giờ, ô tô tải trọng hàng chục tấn có thể vào tận ruộng thu mua nông sản cho bà con. Từ năm 2010 đến nay, việc sản xuất lúa nước tại thôn Thống Nhất đã được cơ giới hóa 100%. Hiện toàn thôn có tới 13 chiếc máy làm đất, 6 chiếc máy gặt cùng trên 10 xe ô tô vận tải. Không chỉ chú trọng đầy tư xây dựng về hệ thống đê bao, thủy lợi, những năm qua, HTX Thống Nhất còn đẩy mạnh kiên cố hóa hệ thống đường giao thông nội đồng. Nhờ vậy, cánh đồng này hiện có 3 trục đường giao thông chính rộng 6m, nhiều trục đường phụ đều có bề rộng từ 4,5m trở lên. Nông dân ở đây bây giờ sản xuất lúa khỏe lắm, hầu như họ chỉ có tốn công gieo cấy mà thôi, mọi khâu khác đã có HTX đứng ra đảm nhận cả. Nếu hộ nào muốn bán cả lúa và rơm rạ thì đã có thương lái và HTX ra đến tận chân ruộng để mua, nông dân chỉ có việc…"cầm tiền về" mà thôi! Để tránh việc thương lái ép giá sản phẩm lúa mỗi vụ, hầu như năm nào, HTX Thống Nhất cũng đứng ra cam kết thu mua đúng theo giá mặt bằng thị trường, thậm chí còn cao hơn. Nhờ vậy, nhiều thương lái buộc phải trả cao hơn để cạnh tranh việc thu mua với HTX, nông dân được hưởng lợi…".
Ông Nguyễn Duy Viên cho biết thêm, thôn Thống Nhất hiện có 460 hộ (trong đó trên 100 hộ là phi nông nghiệp, 340 xã viên). Việc sản xuất lúa rất khó để làm giàu nhanh chóng như các ngành nghề khác, nhưng nhờ biết cách đầu tư có hiệu quả, hoạt động sản xuất lúa nước đã mang lại một nguồn thu rất đáng kể cho người dân thôn Thống Nhất.
Từ việc chú trọng cơ giới hóa và HTX đảm nhận toàn bộ các khâu dịch vụ nông nghiệp, hiện nay, nông dân trong thôn đã có thêm quỹ thời gian nông nhàn khoảng 9 tháng/năm để mở mang thêm nhiều ngành nghề, như: dịch vụ, vận tải, xây dựng…
Đến nay, toàn thôn có khoảng 300 nhà cao từ 2 tầng trở lên, số còn lại đều kiên cố. Mức thu nhập bình quân đầu người thôn Thống Nhất được tăng lên 40 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 8 hộ. Cùng với toàn xã An Ninh, cuối năm 2020, thôn Thống Nhất được công nhận cán đích nông thôn mới. Đây chính là động lực để toàn thôn nỗ lực giữ vững danh hiệu và nâng cao chất lượng các tiêu chí…
Theo ghi nhận của phóng viên, vụ đông-xuân 2020-2021, bà con thôn Thống Nhất vừa được mùa, vừa được giá. Năng suất lúa dự báo bằng hoặc cao hơn vụ đông-xuân 2019-2020, giá 1kg thóc cũng được thương lái trả giá ngay tại chân ruộng khoảng 7.200 đồng (năm 2020 khoảng 6.500 đồng).
Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202105/ky-tich-mua-vang-o-thong-nhat-2189714/