Kỳ tích nữ phi công 19 tuổi một mình vòng quanh thế giới, suýt bị tên lửa Triều Tiên bắn rơi!

Vào tháng 8/2021, cô gái 19 tuổi người Bỉ gốc Anh khởi hành từ sân bay Kortrijk miền tây nước Bỉ trong hành trình 51.000 km, trải qua 5 lục địa và 52 quốc gia, và đã trở về vào thứ Hai vừa rồi. Đó là Zara Rutherford, người vừa trở thành nữ phi công trẻ nhất một mình bay vòng quanh thế giới.

Một mình vòng quanh thế giới

“Hãy tránh xa các tên lửa vừa được phóng ở Triều Tiên!”, lời cảnh báo từ một trạm kiểm soát không lưu ở Hàn Quốc phát đến chiếc máy bay nhỏ bé của cô gái 19 tuổi đang bay ngang qua. “Cái quái gì vậy? Hãy đợi đã”, Rutherford đáp lại trong sửng sốt.

Cô gái 19 tuổi người Anh gốc Bỉ Zara Rutherford vẫy tay từ chiếc máy bay siêu nhẹ Shark trước khi cất cánh tại sân bay Kortrijk ở Wevelgem, Bỉ vào ngày 18/8/2021.

Đó có lẽ là trải nghiệm đáng sợ nhất trong hành trình bay vòng quanh thế giới của nữ phi công trẻ Zara Rutherford, dù rằng trong hơn 150 ngày phiêu lưu trên bầu trời, qua 5 lục địa và 52 quốc gia, cô đã phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy.

Rutherford nhớ lại: “Họ thử một quả tên lửa mà không hề cảnh báo trước. Lúc đó, tôi chỉ còn 15 phút nữa là bay qua không phận mà người ta không mời mà đến”.

Cô phát tín hiệu cho bộ phận kiểm soát để hỏi xem mình có thể vượt qua không phận Triều Tiên để đến Seoul hay không. “Ngay lập tức! Dù bạn đang làm gì, đừng đi vào không phận Triều Tiên!", họ lập tức trả lời. May mắn thay, điều tồi tệ đã không xảy ra. Thậm chí, cô còn được học thêm một bài học về địa chính trị!

Nhưng dù thế nào thì rút cuộc Rutherford, ở tuổi 19, cũng đã hoàn thành giấc mơ khi hạ cánh thành công chiếc máy bay một chỗ ngồi Shark Aero của mình trở lại Kortrijk vào hôm thứ Hai vừa rồi, sau hơn 150 ngày một mình vòng quanh thế giới. Cô đã trở thành người phụ nữ trẻ nhất làm được điều này, vượt qua kỷ lục trước đó của phi công người Mỹ Shaesta Waiz ở tuổi 30.

Đam mê bay lượn vốn đã ăn vào máu của Rutherford, khi cha và mẹ cô đều là phi công. Cô thường xuyên có mặt trên những chiếc máy bay nhỏ cùng gia đình mình từ khi lên sáu. Năm 14 tuổi, cô bắt đầu tự bay và đã có khoảng 130 giờ bay một mình, trước khi bước vào cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới trên chiếc máy bay siêu nhẹ Shark Aero (Máy bay Cá mập) được đặt riêng của mình.

Chiếc máy bay Cá mập thực ra chẳng khác gì một con ruồi khi bay trên không trung, đặc biệt chỉ là một chấm nhỏ so với những chiếc phi cơ khổng lồ tại sân bay JFK ở New York mà “cô bé” người Anh gốc Bỉ từng hạ cánh này.

Nhưng Rutherford và chiếc máy bay nhỏ bé của mình lại vừa vừa thổi bùng ngọn lửa lớn về tinh thần hàng không cho các phụ nữ hay trẻ em gái trên toàn thế giới. Đó là khát vọng nghiên cứu khoa học chính xác, toán học, kỹ thuật, công nghệ và trên hết là khát vọng chinh phục bầu trời.

Có hai thống kê nổi bật cần nhắc lại sau hành trình một mình vòng quanh thế giới của Rutherford. Đó là chỉ 5% phi công thương mại và 15% nhà khoa học máy tính là phụ nữ. “Khoảng cách giới là rất lớn”, cô bình luận về điều này.

Tuy nhiên, khi mái che buồng lái được hạ xuống cho một hành trình dài, thực ra những điều cao cả trên đều bị lùi lại phía sau, để nhường chỗ cho một điều quan trọng duy nhất: sự tập trung vào chính bản thân mình.

Vượt qua những hiểm nguy

Việc bay một mình trên một chiếc may bay siêu nhẹ như chiếc Shark Aero gần như hoàn toàn phụ thuộc vào trực quan, về cơ bản tất cả đều chỉ diễn ra trong tầm nhìn. Bởi vậy, nguy hiểm còn lớn gấp bội khi Rutherford phải thực hiện các chuyến bay qua đêm, trong mây mù hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Zara Rutherford nhìn ra từ buồng lái của khi bay qua Hollywood ở Los Angeles, Mỹ

Khi băng qua California để đến Seattle, Rutherford và chiếc máy bay tí hon của mình bất ngờ bắt gặp một đám cháy rừng khổng lồ đang thiêu rụi toàn bộ khu vực phía dưới. Cô cố đưa may bay lên cao để tránh khói - lên đến 10.000 feet (3048m) - nhưng càng lên càng gặp nhiều khói hơn.

Rutherford cho biết: “Khói bốc lên nghi ngút, đến mức toàn bộ cabin chiếc máy bay cũng nghi ngút khói. Tôi không thể nhìn thấy gì ngoài một màu cam loang lổ hắt lên từ những ngọn lửa ở phía dưới”. Nhưng rất may cho Rutherford, cô đã kịp đưa máy bay quay lại và xin hạ cánh khẩn cấp xuống Redding, California.

Rồi trong khi bay qua Siberia, ánh sáng đã đánh lừa thị giác của Rutherford, đôi khi khiến cô nghi ngờ không biết mình nhìn thấy núi hay mây để quyết định bay qua hay không! “Đối với tôi, những đám mây thực sự là một vấn đề lớn. Đặc biệt là ở Nga với cái lạnh buốt giá”, Rutherford chia sẻ.

Theo các chuyên gia, khi cắt qua những đám mây như vậy, băng tuyết còn có thể tích tụ ở 2 bên cánh máy bay, có thể khiến chiếc Cá mập của Rutherford vỡ vụn, ít nhất cũng làm tê liệt khả năng kiểm soát. “Tại thời điểm đó máy bay của bạn không còn là máy bay nữa”, cô giải thích thêm.

Còn nhiều sự cố hiểm nguy khác ở Siberia như việc cô chỉ có thể nhìn thấy một ngôi làng sau 6 giờ bay liên tục. “Tôi nhận ra lúc đó rằng nếu có chuyện gì xảy ra thì mọi thứ sẽ chấm dứt. Tôi đang cách xa hàng giờ đồng hồ để một đội cứu hộ nào đó có thể tìm đến và nhiệt độ đang là -35 độ C. Cuộc sống của tôi mong manh như số nhiên liệu ít ỏi còn lại của chiếc máy bay”, Rutherford nói.

Cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới một mình trên máy bay còn mang lại cho cô những trải nghiệm rất đặc biệt khác. Rutherford kể rằng cô từng phải thay đổi kế hoạch bay qua Trung Quốc để đến Hàn Quốc. Lý do vì Trung Quốc từ chối cho cô bay qua không phận với lý do… Covid-19. Rutherford kể rằng lúc đó cô “hơi bực bội vì tôi đang ở trên máy bay với độ cao 6.000 feet (1.800 mét). Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu mình có thể truyền virus ở độ cao như vậy!”.

Cũng do đại dịch Covid-19, Rutherford không được phép tham quan các địa điểm ở một số quốc gia. Dẫu vậy cô nói: “Dù không phải lúc nào tôi cũng được phép đi thăm thú, dạo quanh và xem các viện bảo tàng và nhà hàng, nhưng tôi luôn có thể nhìn thấy chúng từ trên không và điều đó cũng thật đáng kinh ngạc”.

Kỷ lục, giấc mơ và hơn thế nữa

Cùng với các vấn đề khác như thời tiết xấu, thủng lốp và các rắc rối về thị thực đã khiến hành trình bay vòng quanh thế giới của Rutherford phải kéo dài thêm 2 tháng so với tổng thời gian dự định ban đầu 3 tháng cho toàn bộ chuyến đi.

Rutherford chụp với trẻ em địa phương khi cô đến Greenland

Và những sự trì hoãn đó đã cho cô thời gian để suy ngẫm về sự thay đổi của số phận. “Khi bạn lo sợ cho sự sống của mình, bạn sẽ tiếp cận được những khía cạnh khác của cuộc sống. Ví như một đám mây, chỉ một đám mây thôi, cũng có thể giết chết bạn”.

Tất nhiên, thế giới rộng lớn, mà giờ đây đã trở thành “hành tinh nhỏ” với cô, còn có nhiều thứ tuyệt vời hơn là sợ hãi. Cô say sưa kể về những sa mạc mênh mông tuyệt đẹp ở Ả Rập Saudi, sự cằn cỗi của Alaska, Công viên hình tròn Apple hay cảnh tượng về ngôi nhà đơn độc nhất thế giới trên hòn đảo hoang vắng Ellioaey của Iceland.

Rutherford đã trở thành nữ phi công trẻ nhất bay một mình vòng quanh thế giới, thậm chí chỉ nhiều hơn một tuổi so với kỷ lục của nam phi công trẻ nhất, thuộc về Mason Andrews, khi anh thực hiện hành trình ở tuổi 18 vào năm 2018.

Chuyến bay vòng quanh thế giới kỳ tích của Rutherford đã kết thúc, song đây chỉ là sự khởi đầu cho cuộc phiêu lưu lớn hơn của cuộc đời cô. Nữ phi công 19 tuổi này năm sau sẽ bước vào cánh cửa đại học để hiện thực hóa giấc mơ trở thành phi hành gia.

Dẫu vậy, Rutherford cũng nói rằng: “Không chỉ có những cuộc phiêu lưu lớn mới thực sự thú vị. Bạn biết đấy, xem TV cùng với một chú mèo cũng có những điều đặc biệt. Nó cũng rất độc đáo!”.

Hải Anh

Shark Aero - Máy bay Cá mập

Shark Aero là một chiếc máy bay thể thao siêu nhẹ, một động cơ, có một hoặc hai ngồi tùy đơn đặt hàng. Nó được cất cánh lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 8 năm 2009 và được đóng tại Slovakia bởi công ty Shark.Aero. Máy bay Cá mập có mức giá khoảng 150.000 USD.

Rutherford bên một chiếc Shark Aero

Một số thông tin về máy bay

Phi hành đoàn: một

Sức chứa: một hành khách

Chiều dài: 6,715 m

Sải cánh: 7,90 m

Chiều cao: 2,51 m

Trọng lượng: 275 kg

Trọng lượng cất cánh tối đa: 472,5 kg

Dung tích nhiên liệu: 100 lít

Động cơ: Rotax 912ULS, 98,6 mã lực

Tốc độ tối đa: 300 km/h

Tốc độ hành trình: 250 km/h

Tốc độ hạ cánh: 64 km/h

Tốc độ lên cao: tối đa 5,1 m/s

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-tich-nu-phi-cong-19-tuoi-mot-minh-vong-quanh-the-gioi-suyt-bi-ten-lua-trieu-tien-ban-roi-post177872.html