Kỳ tích sông Hàn – Bài học quý giá
Từ một quốc gia nghèo sau chiến tranh thế giớ thứ 2, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu ở Châu Á.
Quốc gia Đông Bắc Á này đã tạo nên một “làn sóng Hàn Quốc” ảnh hưởng đến không chỉ châu Á mà cả thế giới, với những “gã khổng lồ” nổi tiếng toàn cầu như SamSung, Huyndai, KIA, LG, Electronics hay GM Deawoo…
“Kỳ tích Sông Hàn” là đánh giá của thế giới về sự bứt phá nhanh chóng của Hàn Quốc trong mấy thập kỉ gần đây. Sau chiến tranh,dân số Hàn Quốc lúc đó khoảng 48 triệu trên diện tích chưa đầy 100.000km2 (bằng 27% diện tích Việt Nam); địa lý Hàn Quốc có tới 70% đất đai là đồi núi, diện tích đất màu chỉ chiếm 2,1 % và không có dầu mỏ, khí đốt… Không những nghèo tài nguyên khoáng sản, Hàn Quốc lại ở thế gọng kìm về mặt địa chính trị. Vậy, điều gì đã làm nên một Hàn Quốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những thành tựu ấn tượng?
Tăng thêm thể diện quốc gia từ những việc nhỏ
Tôi từng tới thăm Hàn Quốc nhiều lần. Tuy chưa thăm được nhiều nơi, nhưng tôi thấy ở thủ đô Seoul cũng như một số tỉnh, thành phố lân cận tốc độ đô thị hóa nhanh và khá đồng đều, độ chênh lệch không lớn. Dù ở Jeju - một hòn đảo du lịch có tốc độ phát triển nhanh, hay ở thành phố Jecheon cách Seoul tầm 120km, ở trên phố hay trong siêu thị khách sạn, nhà cửa cao tầng đều rất hiện đại văn minh, sạch sẽ.
Trình độ dân trí ở Hàn Quốc khá cao. Tôi từng thất thần vì bỏ quên máy ảnh trên xe bus, chặng đường hơn 100km từ Seoul đến thành phố Jecheon. Lo lắng tìm các bạn Hàn Quốc và phiên dịch cùng đi để chia sẻ, bạn nói: “Anh cứ yên tâm, chúng tôi sẽ liên hệ với nhà xe để tìm lại”. Không ngờ, mấy giờ sau tôi nhận lại được máy ảnh nguyên vẹn.
Còn nhớ, hôm đó chúng tôi dạo bộ tham quan một khu rừng quốc gia Hàn Quốc, trên một đoạn đường có các công nhân đang đào một đường cống qua đường. Thấy chúng tôi đến, họ tắt máy để không bị ồn, rồi lấy ván bắc qua và mời chúng tôi đi không để phải chờ đợi.
Khi vào các nhà hàng, hay cả lúc lên xe buýt, dù chỉ ít khách tôi thấy mọi người đều xếp hàng, tuyệt nhiên không có sự chen lấn. Cùng bước đến thang máy, bao giờ họ cũng ra hiệu cho người bên cạnh vào trước. Đường phố không ai vứt một mẩu giấy, kẹo hay mẩu thuốc lá. Rác chỉ đưa ra trước cửa nhà vào buổi tối, vào hai hộp chứa rác khác nhau (một loại để tái chế, một loại là rác hữu cơ)...
Chỉ riêng những chuyện nhỏ này cũng làm tôn thêm thể diện quốc gia của Hàn Quốc và làm ấm lòng du khách.
Ý chí vươn lên mạng mẽ
Năm 1963, với quyết tâm đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia thịnh vượng, Tổng thống Park Chung Hee đã đưa ra các kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, 10 năm... tập trung đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế theo hướng xuất khẩu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ trương xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn.
Sau nhiều năm triển khai, sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết, và ý chí vươn lên mạnh mẽ của cả dân tộc đã giúp Hàn Quốc làm nên “kỳ tích Sông Hàn” với sự ra đời của hàng loạt các tập đoàn lớn như: Samsung, Deawoo, Huyndai, hay LG... Những thương hiệu đã đưa quốc gia Đông Bắc Á này trở thành một trong bốn “con rồng” kinh tế châu Á vào đầu những năm 90 của thế kỉ XX, làm sống lại niềm tin cho người dân nước Hàn. Tinh thần tự tôn dân tộc và “khát vọng Đại Hàn” chính là động lực thôi thúc Hàn Quốc vượt qua mọi nghịch cảnh, trỗi dậy mạnh mẽ để trở thành một nước có tầm ảnh hưởng thế giới.
Cú hích Thế vận hội
Qua hai kỳ Olympic năm 1986 và 1988, Hàn Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh ra thế giới, với việc xây dựng sân bay quốc tế mới, các trung tâm hội nghị, biến thủ đô Seoul thành đô thị toàn cầu.
Chính phủ Hàn Quốc triển khai dự án làm sạch nguồn nước Sông Hàn. Các hệ thống thoát nước hiện đại đặt bên hai bờ sông, mở rộng hệ thống tài điện ngầm, cũng như các tuyến đường liên thông trong và ngoài nội đô Seoul. Dự án đã làm thay đổi bộ mặt đô thị Seoul. Tiếp đó, các dự án nhà ở cao cấp và phổ thông lớn được triển khai ở ngoại ô và nội đô Seoul.
Đến năm 1989, Chính phủ nước này quyết định tập trung xây dựng năm thành phố vệ tinh là IIsan, Pumdang, Sanbon, Pyong Chon và Chungdong. Kế hoạch này nhằm đảm bảo Seoul trở thành trung tâm của một vùng đô thị rộng lớn với hơn 20 triệu dân. Nền tảng công nghiệp từ lao động của nước này được thay đổi bằng công nghệ cao với tốc độ chóng mặt, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin. Lĩnh vực này cũng thu hút đầu tư nước ngoài và các công ty đa quốc gia, đồng thời đầu tư mạnh ra thế giới, thu hút các lực lượng lao động nhân công rẻ từ các quốc gia.
Chiến lược quyền lực mềm
Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, Hàn Quốc đã thành hình mẫu trong phát triển kinh tế năng động và là một trong 10 quốc gia hàng đầu về xuất khẩu văn hóa. Sớm nhận ra vai trò của “quyền lực mềm” dựa trên ba “chân kiềng” văn hóa, kinh tế và chính sách đối ngoại, Hàn Quốc kiên định mục tiêu “xuất khẩu” văn hóa ra thị trường quốc tế. Điều này đã đưa Hàn Quốc trở thành “cường quốc” về công nghiệp giải trí.
Nước này đã đưa văn hóa trở thành vấn đề trọng đại trong chiến lược phát triển quốc gia như: “kế hoạch 10 năm phát triển văn hóa”, “tầm nhìn văn hóa 2025”, “chiến lược cool Korea”... Xuất khẩu văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa là một chính sách ngoại giao khôn khéo, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Hàn Quốc ra thế giới. Các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc như phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, nghệ thuật đã thâm nhập vào nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Văn hóa Hàn Quốc đã trở thành “hiện tượng” của văn hóa khu vực và thế giới, mang lại giá trị nhiều tỷ USD mỗi năm, bên cạnh những lợi ích vô giá khác... Cùng với các ngành công nghiệp, công nghệ điện tử, văn hóa và hàng tiêu dùng sản xuất tại Hàn Quốc “Made in Korea” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Giáo dục và khoa học công nghệ
Theo thống kê, Hàn Quốc có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông thường cao 97%, thuộc tốp cao nhất thế giới và nổi bật về tính trong sạch, hiện đại của nền giáo dục. Bất cứ người làm giáo dục nào nhận tiền hay quà tặng có giá trị đều bị xử lý kỉ luật từ cảnh cáo đến sa thải. Việc học Anh ngữ từ bậc Tiểu học được ngành Giáo dục nước này đặc biệt chú ý.
Nhằm đảm bảo khi tốt nghiệp phổ thông, các học sinh Hàn Quốc đều nói và dịch tiếng Anh ở mức độ chính xác, Chính phủ Hàn Quốc bỏ ra nhiều tỷ USD để cải tổ hệ thống Anh ngữ. Trong đó, việc sử dụng sách giáo khoa điện tử từ bậc Tiểu học được đặc biệt chú trọng. Chính phủ nước này cũng chi nhiều tỷ USD để đào tạo chất lượng cao các ngành khoa học mũi nhọn ở bậc Đại học và sau Đại học.
Tôi đã được đến thăm Đại học Quốc gia Hàn Quốc và chứng kiến những tòa nhà lớn được trang bị phương tiện hiện đại. Đây chính là sự hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế lớn của đất nước nhằm tạo điều kiện cho giáo sư và sinh viên tiến hành nghiên cứu các dự án để ứng dụng cùng nhà sản xuất.
Ngay từ những năm 2008-2010, Bộ giáo dục và Khoa học công nghệ Hàn Quốc đã quyết định đầu tư hơn 1.000 tỷ Won (tương đương với hàng tỷ USD) để đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước. Trong giai đoạn 2010-2020, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc cũng đã triển khai 47 dự án phát triển tài năng trẻ, đào tạo 13.000 sinh viên thuộc các ngành năng lượng, viễn thông, tiếp thị toàn cầu, y học, công nghệ sinh học...
Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ lựa chọn 45 nhiệm vụ trọng tâm, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, chính phủ đầu tư mở rộng bốn trường đại học lớn, hợp nhất phát triển một số sinh viên nghiên cứu khoa học công nghệ cao, đẩy mạnh việc đưa sinh viên ra nước ngoài nghiên cứu, mặt khác cũng tiếp nhận nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài đến Hàn Quốc học tập và nghiên cứu.
Năm 2009, Hàn Quốc đã gửi 2.500 sinh viên sang Mỹ. Theo thỏa thuận với Washington, mỗi năm Hàn Quốc sẽ gửi 5.000 lưu học sinh sang Mỹ. Ngược lại cũng có những chính sách đón tiếp mỗi năm nhiều nghìn sinh viên nước ngoài đến Hàn Quốc. Hiện đang có khoảng 3.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang tu nghiệp ở Hàn Quốc.
Rõ ràng không phải từ tài nguyên thiên nhiên, khí hậu địa lý mà chính là lòng tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm của những bộ óc lãnh đạo, cộng với một nền giáo dục, khoa học, công nghệ không ngừng đổi mới, đã làm nên cái gọi là Kỳ tích Sông Hàn.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-tich-song-han-bai-hoc-quy-gia-168114.html