Kỳ tích trên 'Cánh đồng chó ngáp'
'Ðồng chó ngáp' vốn là cánh đồng rộng lớn bạc màu, phèn úa ngập úng, cỏ dại um tùm. Nổi tiếng một thời nghèo khó, vậy mà giờ đây, cũng trên chính đồng đất này, người dân xã Ninh Thạnh Lợi A huyện Hồng Dân đã làm nên một kỳ tích mới về sự năng động và giàu có.
Đồng chó ngáp hóa thành “bờ xôi ruộng mật”
Xã Ninh Thạnh Lợi A được thành lập năm 2008, từ xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Địa phương này có diện tích gần 7 ngàn héc ta, với hơn 7 ngàn hộ dân.
Để có được diện mạo khang trang như hôm nay, bà con ở vùng đất này đã vượt qua bao khó nhọc. Và những câu chuyện được người dân hôm nay kể lại với một niềm tự hào vì họ là những chủ nhân biến đất phèn thành những cánh đồng "bờ xôi ruộng mật".
Trong tâm thức của người dân Nam bộ, Cạnh Đền là nơi heo hút, "Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh". Chính vì sự "trắc trở" về điều kiện đi lại, nên vào thời gian đầu khẩn hoang, người dân phải đối mặt với không ít hiểm nguy.
Từ "sương lam chướng khí", đến muỗi mồng rắn rết. Tất cả những thử thách của tự nhiên thời còn hoang sơ đều có thể đe dọa đến đời sống của đoàn người đi khai hoang mở đất. Hùm beo, cá sấu là nỗi ám ảnh vẫn còn trong tiềm thức của bao lớp người.
Ngã tư Cạnh Đền này là nơi giáp giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, là địa danh được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm biên khảo về thời khẩn hoang ở vùng đất phương Nam.
Trong truyện "Cô Út về rừng", nhà văn Sơn Nam kể lại câu chuyện ông Hương Cả Ba ở làng Long Tuyền, Bình Thủy, nay thuộc thành phố Cần Thơ đã quyết định gả cô con gái út cho con trai một địa chủ ở xứ Cạnh Đền. Không ngăn được quyết định của chồng, bà Cả Ba than thở: "Mình có mụn con gái, gả đi xa xôi không nói làm chi. Ngặt xứ đó kỳ quái, hiểm nguy. Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm...".
Cạnh Đền là tên gọi có nguồn gốc từ xa xưa. Khi người dân đến đây khai phá, họ phát hiện một ngôi đền đã đổ nát. Do ngôi đền được xây dựng trên một gò đất cao, nên người dân dựng nhà gần đó để ở tạm, và quen miệng nói với nhau là ở Cạnh Đền.
Giai thoại về tên gọi Cạnh Đền còn được lý giải là vào cuối thế kỷ 18, khi chúa Nguyễn Ánh trên bước đường tránh nạn đã đi qua nơi này. Một người con của chúa Nguyễn Ánh không may mắc bệnh và qua đời, nên ông cho dựng một ngôi đền để làm chỗ an nghỉ cho con gái. Rồi sau đó, khi những lưu dân đến đây, dựng nhà gần nơi có ngôi đền, đi đến đâu cũng giới thiệu là mình ở Cạnh Đền, lâu ngày quen dần thành tên gọi.
Ông Võ Thanh Xuân - Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Tương truyền rằng vua Gia Long có đến nơi đây trong cuộc bôn tẩu của mình. Và trong thời gian đó thì có người con gái tên là Ngọc Hạnh bị bệnh. Mặc dù được các ngự y ra sức chữa trị, nhưng không qua khỏi. Khi nhà vua chôn cất công chúa ở vùng đất này và cho dựng lên đền. Người nói với đoàn tùy tùng của mình rằng ai muốn ở lại vùng này để khai phá sinh sống và canh cái đền con ta, thì cứ ở lại. Rồi riết người ta đến đây ở rồi đi khắp nơi để làm ăn, như đến U Minh, đến Miệt Thứ làm ăn, người khác hỏi ở đâu đến, thì người dân nói là ở Cạnh Đền. Địa danh Cạnh Đền xuất hiện từ đó.
Việc sinh sống ở vùng này vào những thế kỷ trước vốn rất khó khăn. Nhà văn Sơn Nam mô tả xứ Cạnh Đền là "rừng thiêng nước độc". Nhiều người vì mưu sinh mà đến đây, nhưng không phải ai cũng có thể bám trụ bền lâu bởi thực tế khắc nghiệt của thiên nhiên đỉa nhiều muỗi lắm. Cánh đồng nơi đây còn được dân gian gọi là "cánh đồng chó ngáp". Nhiều người đến rồi đi nơi khác vì không thể sinh sống được nơi đất hoang hóa, phèn chua.
Theo những lão nông đã gắn bó cả đời với vùng đất này, thì đất hoang ngày ấy có diện tích rất lớn, nước nhiễm phèn nên chỉ có một số cây hoang dại, cỏ năn, dừa nước là sống được. Đất rộng, người thưa, thích bao nhiêu thì khai phá bấy nhiêu nhưng do không canh tác được nên người khai phá cũng không nhiều.
Cánh đồng chó ngáp ngày trước ở vị trí giáp ranh giữa 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Phần lớn cánh đồng ngày ấy giờ thuộc 2 huyện Phước Long và Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu.
Lão nông Lê Văn Thể, ở ấp Nhà Lầu I, xã Ninh Thạnh Lợi A cho biết: “Từ xa xưa ông bà nói là cánh đồng chó ngáp, từ Phó Sinh tới Kinh Dân quân, không trồng được cây gì hết, chỉ có mùa nước người ta tới để cầm trâu thôi. Cánh đồng này gọi là cánh đồng chó ngáp”.
Còn ông Lê Trung Hiếu ở ấp Nhà Lầu I, xã Ninh Thanh Lợi A, huyện Hồng Dân nói: “Ngày trước ở đây người dân nghèo lắm, rất nghèo. Ở đây là cánh đồng phèn nặng, chỉ năng thôi, sau đó mới có người đến trồng trúc, trồng tràm, trồng khóm, rồi từ từ mới phát triển lên”.
Một số người có kinh tế khá ở nơi khác đến đây khai hoang đất đai rồi cho người dân thuê lại, gọi là địa chủ, được hiểu như người chủ có nhiều đất. Có ông địa chủ tên Tô Chu, bà con gọi là ông Hai Chu, tính tình hiền lành, cho người dân thuê đất giá rẻ, lại thường giúp đỡ người lưu tán nên ai cũng thương. Ông dựng cơ ngơi là ngôi nhà bằng gỗ có gác lửng, là ngôi nhà lớn nhất trong xóm. Tá điền qua lại trầm trồ, mơ ước sau này mình cũng có ngôi nhà lầu như vậy. Ngày qua ngày, người dân truyền tai nhau và cố gắng làm ăn. Ngôi nhà gỗ của ông địa chủ nay không còn, nhưng bể chứa nước được xây dựng trong ngôi nhà gỗ ngày xưa vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn.
Ông Lê Văn Thể ở ấp Nhà Lầu I, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, cho hay: Nói về ngôi nhà gỗ ngày xưa, tôi nghe ông bà kể lại, thì bây giờ còn cái hồ nước. Cái hồ nước này ngày xưa ông Hai Chu là điền chủ, ổng cất cái nhà gỗ trên đây. Nhà ngày xưa như vậy gọi là nhà lầu rồi, nên giờ mang danh là nhà lầu. Ngày xưa phải là điền chủ mới cất được nhà lầu, nên mang danh tới giờ luôn.
Ông Phan Hoàng Phúc, ở âp Nhà Lầu I, xã Ninh Thanh Lợi A chia sẻ: “Nhà lầu với Cánh đồng chó ngáp nó gắn liền với Bạc Liêu. Lý giải tên ấp Nhà lầu là ngày xưa nơi đây có căn nhà lầu, thực ra nó là căn nhà gỗ gác lửng thôi, là nhà của ông địa chủ ngày xưa. Sau đó người ta gọi là ấp Nhà lầu luôn”. Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta và khai thác thuộc địa. Ninh Thạnh Lợi là nơi diễn ra cuộc nổi dậy do ông Trần Kim Túc đứng đầu đã chiến đấu với lực lượng của thực dân để giữ gìn đất đai, nhà cửa. Ông Trần Kim Túc là địa chủ, có uy tín nên được bầu làm Hương chủ, người dân gọi là ông Chủ Chọt.
Ông thương dân lưu tán, thường giúp đỡ bà con đất ruộng và tiền bạc để làm ăn. Khi thực dân Pháp khai thác thuộc địa, đàn áp người dân, ông Chủ Chọt đứng về phía dân nghèo, chấp nhận hy sinh để bảo vệ thành quả mà dân xứ Cạnh Đền chắt chiu có được.
Ông Phan Văn Bé, Cháu nội ông Trần Kim Túc (ông Chủ Chọt) cho biết: Ông Chủ Chọt là từ Sóc Trăng xuống đây, ông đã tạo lập được 2000 công đất. Tây đưa ông lên làm Hương Chủ. Ông thông minh, kêu dân tập trung lại để đào kênh, xây dựng nơi ở và chống lại người Pháp. Cho nên có nhiều trận đánh. Vùng đất được gọi với những cái tên lạ tai ngày trước là Cạnh Đền, cánh đồng chó ngáp, qua thời gian cùng với ý chí của bao lớp người đã trở thành "bờ xôi ruộng mật".
Ấp nhà lầu
“Cánh đồng chó ngáp” xưa kia vốn hoang hóa, lung trũng, phèn mặn, đầy cỏ năn thì nay được người dân khai hoang, áp dụng thành công nhiều mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế khá cao và bền vững như: mô hình “con tôm ôm cây lúa”; mô hình lúa - cá- tôm; lúa – cua - tôm…Những xóm nhà lầu, xóm nhà tường mọc lên ngày càng nhiều. Danh sách các “tỉ phú đồng năn” cứ dài thêm theo năm tháng.
Dấu mốc quan trọng của sự chuyển mình ngoạn mục ấy bắt nguồn từ chủ trương ngọt hóa bán đảo Cà Mau được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo thực hiện. Tuyến kênh kết hợp với giao thông đường bộ Quản lộ Phụng Hiệp được đào mới, mở rộng, dẫn nước ngọt từ dòng sông Hậu đổ về các kênh nhỏ Một Ngàn, Hai Ngàn, Ba Ngàn, giúp tháo chua, rửa phèn, làm ngọt hóa vùng đất này.
Ông Lê Văn Thể ở âp Nhà Lầu I, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu nhờ lại: “Năm 1995 nhà nước cho đào kênh, thì lúc đó người dân mới lên liếp trồng trúc, trồng khóm. Tới năm 2000 mới nuôi tôm, nhờ nuôi tôm trúng dân mới phát triển được. Nhờ con tôm, rồi vụ lúa vụ tôm thì dân ở đây phát triển hơn nơi khác. Có tôm, có lúa, rồi tôm càng nữa.
Nhờ chủ trương ngọt hóa bán đảo Cà Mau, bà con cần cù hăng say lao động, nhạy bén trong việc tìm kiếm mô hình phù hợp mà cánh đồng chó ngáp ngày nào nay là đất vàng đất bạc, bà con ổn định cuộc sống.
“Nhân dân nào ở trung vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau đều rất tự hào và rất mang ơn bác Kiệt. Chương trình điện khí hóa nông thôn, từ năm 2000 bác Kiệt cũng cho kéo về đây, trước đó chỉ ở trục chính thôi, sau này phát triển phủ khắp”, ông Phan Hoàng Phúc ấp Nhà Lâu xã Ninh Thành Lợi A chia sẻ.
Người dân ở trung vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau tự hào và rất mang ơn bác Kiệt. Chương trình điện khí hóa nông thôn, từ năm 2000 bác Kiệt cũng cho kéo về đây, trước đó chỉ ở trục chính thôi, sau này phát triển phủ khắp". ông Phan Hoàng Phúc ở âp Nhà Lầu 1, xã Ninh Thanh Lợi A, huyện Hồng Dân cho hay.
Tháo được chua, rửa được phèn, người dân nơi đây bắt đầu tìm phương hướng phát triển kinh tế. Đầu tiên là mô hình trồng khóm, rồi sau đó đến mô hình nuôi tôm, và mô hình lúa tôm kết hợp.
Một năm Ninh Thạnh Lợi A thực hiện 1 vụ lúa 2 vụ tôm chính, kết hợp nuôi tôm càng. Nếu như trước đây, lúa chỉ vài giạ mỗi công thì hiện tại, lúa ở Ninh Thạnh Lợi A đạt năng suất 30, 40 giạ mỗi công. Mô hình con tôm ôm gốc lúa đã khẳng định là mô hình bền vững, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa hạn chế việc sử dụng các loại thuốc hóa học trên đồng ruộng.
Ông Phan Thanh Sung - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cho biết, đời sống người dân Ninh Thạnh Lợi A phát triển từ mô hình nuôi tôm, sau đó là trồng lúa và nuôi tôm. Đây là mô hình rất thuận lợi và bền vững góp phần giúp đời sống người dân phát triển. “
"Có điều đặc biệt là vùng đất Ninh Thạnh Lợi A sản xuất 2 tôm 1 lúa. Lúc nuôi tôm thì nó tạo ra độ màu mỡ và do đó, khi trồng lúa người dân không cần dùng phân thuốc nên lúa rất ngon. Đây cũng là mô hình thích ứng với biến đối khí hậu, nên người dân mạnh dạn áp dụng. Mô hình được các nhà chuyên môn đánh giá rất ổn định, nên người dân cũng mở rộng, góp phần giúp bà con tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích”, ông Sung cho biết thêm.
Có thu nhập cao, ngoài tái đầu tư cho sản xuất, dành dụm để xây dựng nhà cửa, bà con chú tâm lo cho con cái ăn học. Ngôi trường mang tên Nhà Lầu là bằng chứng sinh động nhất.
Nếu như trước đây, nhà lầu chỉ là mơ ước của người dân thì hiện nay đã thành hiện thực và còn là đơn vị hành chính của xã. Và người dân nơi đây cũng tự hào khi được sống trong “ấp Nhà Lầu” như thực tế đang hiện hữu – Những ngôi nhà cao ráo khang trang.
“Thực hiện chương trình phát triển du lịch của huyện Hồng Dân thì địa danh Nhà Lầu, Chủ Chọt cũng sẽ được triển khai để nằm trong tua tuyến phát triển du lịch. Đây cũng là cách góp phần phát huy giá trị của những di tích, của địa danh này”, ông Phan Thanh Sung - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A cho hay.
Thực hiện chương trình phát triển du lịch của huyện Hồng Dân thì địa danh Nhà Lầu, Chủ Chọt cũng sẽ được triển khai để nằm trong tua tuyến phát triển du lịch. Đây cũng là cách góp phần phát huy giá trị của những di tích, của địa danh này” ông Phan Thanh Sung - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A cho hay. giá, nhân dân ăn tết rất sung túc” ông Phan Hoàng Phúc ở ấp Nhà Lầu, xã Ninh Thạnh Lợi.
“Năm nay xã Ninh Thạnh Lợi A ăn Tết vui vẻ lắm vì được mùa được giá, nhân dân sung túc”, ông Phan Hoàng Phúc ở ấp Nhà Lầu, xã Ninh Thạnh Lợi phấn khởi nói.
Trong câu chuyện đầu xuân ở ấp Nhà Lầu, việc làm ăn và những kế hoạch cho tương lai được bà con trao đổi sôi nổi. Cánh đồng chó ngáp ngày nào giờ là đồng lúa, đầm tôm. Xứ Cạnh Đền muỗi kêu như sáo thổi giờ là vùng đất ăn nên làm ra, đời sống của bà con rất khá giả.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-tich-tren-canh-dong-cho-ngap-10273191.html