Ký ức bảo vệ cán bộ giữa lòng địch
Những cậu bé, cô bé tuổi chỉ mới 14 -15, nhưng dám chấp nhận hiểm nguy, kể cả hy sinh để góp sức cho cách mạng.
Nhờ có họ kiên gan bền lòng tiếp tế lương thực, thực phẩm, nuôi giấu cán bộ cách mạng, rải truyền đơn, nắm tình hình địch, móc nối với cơ sở để có những chuyến đò chở gạo vượt sông lên căn cứ, đưa bộ đội về đánh đồn, tiêu diệt địch, góp phần tạo nên chiến thắng vĩ đại. PLVN tìm gặp lại những người có công tại Thừa Thiên – Huế, đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến.
Anh dũng thời chiến
Huyện Phú Vang từng là địa bàn trọng điểm phía Đông Nam Thừa Thiên - Huế, là căn cứ lõm vùng sâu đảm bảo cho các lực lượng cách mạng đứng chân và tiến công vào sào huyệt đầu não của kẻ thù, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Những cậu bé, cô bé năm xưa từng tham gia nuôi giấu cán bộ, giờ đã thành ông già, bà lão, nhưng ký ức ngày nào vẫn còn vẹn nguyên. Năm nay đã bước qua tuổi 80, bà Huỳnh Thị Hòa vẫn nhớ như in hồi ấy, chính tay bà đào hầm nuôi giấu cán bộ. Đêm đêm, bà cùng người thân bí mật đào hầm. Những sọt đất đào lên, lại được bí mật đem đổ xuống những hố đào sẵn để trồng cây. Tránh tai mắt địch, mọi người phủ đất cũ lên, che đi đất mới.
Những căn hầm tự tay bà Hòa đào, chính là nơi ẩn thân của chồng bà cùng đồng đội. Bà Hòa vẫn nhớ như in một ngày của năm 1969, khi địch cho xe cày ủi, lùng sục tìm cơ sở, bà vội chạy ra đồng, vờ đi hái rau, mục đích để đậy nắp hầm. Ngụy trang xong, phải đi giật lùi từng bước, tài tình xóa dấu vết, giúp mọi người thoát chết trong gang tấc.
Trong ký ức bà Hòa, còn có những mất mát đau thương không bao giờ phai khi em ruột chồng bà và đồng đội bị địch phục kích, hy sinh ngay tại hầm. Những đau thương mất mát ấy đã tôi luyện cho ý chí của người phụ nữ nhỏ bé càng kiên trung với cách mạng.
Với bà Hồ Thị Huê, cách đây hơn 50 năm từng dọc ngang rải truyền đơn ngay trước đồn địch, trong ấp chiến lược, kiên gan qua mắt địch, tiếp tế thức ăn cho cán bộ. Những tháng ngày ấy, dù bà chỉ là một cô gái nhỏ 15 tuổi, nhưng lại có một trái tim đầy cứng cỏi, kiên cường, không bao giờ chịu lùi bước trước hiểm nguy, dù có thể hy sinh cả tính mạng.
Mỗi lần nhớ lại quãng thời gian tham gia hoạt động cách mạng, đôi mắt bà Huê lại lấp lánh tinh anh. Vào những năm 1968 – 1969, dân các xã Vinh Phú (cũ), Vinh Thái (cũ) bị địch rốt ráo dồn vào ấp chiến lược.
Bên ngoài các ấp là những hàng rào dây thép gai chi chít, chọc thẳng lên trời. Việc mang truyền đơn vào rải trong ấp chiến lược, rồi rải trước đồn địch gặp rất nhiều nguy hiểm. Việc tiếp tế thức ăn cho cán bộ cách mạng đang ẩn nấp trong các hầm bí mật, hay ngoài các bờ tre, ngoài sông, trong núi cũng gặp vô vàn khó khăn.
Để qua mặt kẻ thù, những người nuôi giấu cán bộ có khi phải tháo cán cuốc thay bằng cán tre non ruộc rỗng, bỏ thức ăn, gạo, thuốc vào rồi vờ vác cuốc ra đồng, chờ khi không có địch thì giấu gạo, giấu thuốc vào hốc cây. Đêm xuống, quân ta lại theo ám hiệu ra lấy về.
Có lần để vượt qua kiểm soát gắt gao của địch, bà gánh trên vai gánh phân sặc mùi, bình tĩnh đi ra đồng. Kẻ địch có nằm mơ cũng chẳng thể ngờ trong những gánh phân ấy, là những gói lương thực đã được bọc kín, sau đó sẽ được đem đến cất giấu cùng ám hiệu vào vị trí gần hầm bí mật của cán bộ nằm vùng.
Ông Trần Đình Thiên ở thôn Mộc Trụ (xã Vinh Phú cũ), cũng bắt đầu nuôi giấu cán bộ từ thuở mới 13 -14 tuổi đầu. Cha ông Thiên, chính là mọt trong những cán bộ cách mạng đầu tiên mà ông Thiên bảo vệ, ngay trong căn hầm được đào giữa nhà.
Ông Thiên bảo, việc bảo vệ người thân của mình là động lực đầu tiên để một cậu bé như ông quên hết mọi hiểm nguy để dấn thân. Xuất phát từ tình cảm tự phát đó, dần dần cậu bé theo thời gian đã rèn luyện cho mình một tinh thần quả cảm, để từ đó nuôi giấu rất nhiều cán bộ hoạt động bí mật tại địa phương.
Nhiệt huyết thời bình
Ông Thiên, bà Hòa, bà Huê và rất nhiều người con ưu tú của Vinh Phú, Vinh Thái ngày đó như ông Hoàng Tùng, bà Hồ Thị Cam, bà Nguyễn Thị Xanh, bà Nguyễn Thị Thước… đã một lòng đi theo cách mạng.
Nhờ có họ kiên gan, bền lòng tiếp tế thực phẩm, nuôi giấu cán bộ, rải truyền đơn, nắm tình hình địch, móc nối với cơ sở, để có những chuyến đò chở gạo vượt sông Đại Giang, sông Thiệu Hóa lên căn cứ; đưa bộ đội về đánh đồn, tiêu diệt địch, góp phần tạo nên chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông Đỗ Viết Tư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Gia chia sẻ: “Mảnh đất nơi đây rất tự hào vì có những người con kiên cường, dũng cảm trong các cuộc chiến tranh cứu nước. Càng tự hào hơn khi họ giữ mãi ngọn lửa đó để vượt qua bao khó khăn, thử thách, đi qua những năm tháng dài, cho đến tận hôm nay, chung tay phát triển quê hương”.
Ông Trần Đình Thiên đã trải qua hai nhiệm kỳ trong vai trò Bí thư chi bộ thôn Mộc Trụ. Ông Thiên đã vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt chung tay xây dựng nông thôn mới.
Trước tấm lòng nhiệt huyết, đầy trách nhiệm của ông, người dân đã tin tưởng, nghe theo, hiến đất, hiến công, mở rộng, bê tông hóa các tuyến đường thôn. Như hộ ông Lê Tuyến, hộ ông Lê Duy, hiến tổng cộng hàng trăm m2 đất.
“Thời gian chuẩn bị sáp nhập hai xã Vinh Phú và Vinh Thái, một số người dân còn nghi ngại, chưa thống nhất, nhưng nghe phân tích của vị Bí thư chi bộ thôn, chúng tôi đã hoàn toàn thông suốt, để từ đó đồng lòng cùng nhau làm ăn, phát triển”, ông Nguyễn Văn Hải (thôn Mộc Trụ) bày tỏ.
Bà Hồ Thị Huê, ông Trần Đình Thiên, bà Huỳnh Thị Hòa, đều được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Ba, Huy chương Kháng chiến.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/ky-uc-bao-ve-can-bo-giua-long-dich-540026.html