Ký ức bi hùng về trận chống càn ở thôn Nội

Những ký ức về trận chống càn không cân sức ngày 21.1.1953 của bộ đội, dân quân du kích ở thôn Nội, Tân Dân (Chí Linh) vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của các nhân chứng sống cho đến ngày nay.

Các nhân chứng kể về nơi diễn ra trận đánh chống càn ở thôn Nội 68 năm trước

Các nhân chứng kể về nơi diễn ra trận đánh chống càn ở thôn Nội 68 năm trước

Trận chiến đấu bi hùng chống càn của địch ở thôn Nội, xã Tân Dân, huyện Chí Linh (nay là khu dân cư Nội, phường Tân Dân, TP Chí Linh) ngày 21.1.1953 khiến cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh nhiều, song địch cũng thiệt hại nặng nề. Các nhân chứng của trận đánh 68 năm trước, nay nhiều người còn sống.

Ngày 21.1.1953, trên địa bàn thôn Nội đã diễn ra trận chiến đấu của Đại đội 911, Bộ đội địa phương huyện Chí Linh cùng dân quân, du kích xã Tân Dân, chống cuộc càn quét của quân Pháp vào làng. Trận đánh không cân sức khiến hàng chục cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh. Ngày 21.1.1953 (tức ngày 7.12 Nhâm Thìn) trở thành ngày giỗ trận của khu dân cư Nội.

Chúng tôi về phường Tân Dân đúng dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân vẫn có nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp để thăm hỏi, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh và gia đình thân nhân liệt sĩ, người có công.

Đồng chí Nguyễn Văn Bảy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Dân thông tin trên địa bàn phường có tới 225 liệt sĩ, 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 160 thương binh, bệnh binh và người có công... Tân Dân là một trong những phường có nhiều liệt sĩ nhất TP Chí Linh, trong đó có hàng chục liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chống càn của quân Pháp vào thôn Nội ngày 21.1.1953.

Cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ hằng năm, phường đều quan tâm thăm hỏi, tặng quà tri ân tới thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Kinh phí ngoài ngân sách trên cấp theo quy định, phường huy động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn và nhân dân đóng góp, xây dựng Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa", số tiền lên tới hơn 200 triệu đồng/năm.

Từ sự giới thiệu của đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy phường, chúng tôi tìm hiểu về trận đánh bi hùng chống càn của quân và dân Chí Linh hơn 68 năm trước. Ông Nguyễn Văn Duy, sinh năm 1924, hơn 70 năm tuổi Đảng, còn rất minh mẫn, hiện đang sống ở khu dân cư Nội, là một trong những nhân chứng trong cuộc chống càn của Đại đội 911 và dân quân, du kích thôn Nội năm xưa. Ông Duy còn là anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Hinh, Phó Tiểu đội trưởng du kích thôn Nội, một trong số những người hy sinh trong trận đánh bi hùng ngày ấy.

Ông Duy kể, đêm 20.1.1953, Đại đội 911 hành quân từ xã An Lạc (Chí Linh) về thôn Nội, xã Tân Dân để tổ chức tập huấn, phối hợp với dân quân, du kích của xã để đào công sự, huấn luyện chiến đấu, nhằm xây dựng phong trào, tổ chức chiến tranh nhân dân, cách đánh du kích; đồng thời bàn cách đánh, ngăn chặn quân Pháp ở khu vực sông Kinh Thầy, quốc lộ 18, "chia lửa" với mặt trận Điện Biên Phủ. Bộ đội và dân quân, du kích được quán triệt, học tập đường lối quân sự của Đảng, chủ trương tác chiến của quân khu, Tỉnh ủy Hải Dương và Huyện ủy Chí Linh.

Ông Nguyễn Văn Tùng, chiến sĩ Đại đội 911 (ngồi giữa) kể về trận đánh ngày 21.1.1953

Ông Nguyễn Văn Tùng, chiến sĩ Đại đội 911 (ngồi giữa) kể về trận đánh ngày 21.1.1953

Sáng 21.1.1953, khi bộ đội và dân quân, du kích đang tập huấn thì đồng chí Nguyễn Văn Hãn, du kích thôn Nội, hôm đó đi qua bốt Thiên, vào báo cáo tình hình, địch đang tập trung rất đông, có khả năng càn vào làng. Nhận được tin báo, đồng chí Chiến (chưa rõ họ), Chính trị viên Đại đội 911, tổ chức họp với các đảng viên cốt cán trong đại đội và thôn để bàn biện pháp chống càn của địch. Mọi người đều thống nhất "địch đến dù có hàng trăm tên cũng quyết đánh!". Tinh thần ấy được phổ biến đến toàn đại đội và tiểu đội du kích thôn. Sau đó, bộ đội, dân quân, du kích tổ chức sơ tán nhân dân; đào công sự, xác định từng ngôi nhà để cố thủ đánh địch…

Khoảng 14 giờ ngày 21.1.1953, quân Pháp tập trung từ bốt Thiên, cách thôn Nội khoảng 1 km, xuống bao vây thôn Nội. Chúng cho máy bay "bà già" trinh sát trên bầu trời, bắn pháo vào làng. Sau đó, chúng vào làng. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt giữa ta với địch, khiến chúng không thể vào được làng. Khi các hướng tiến công trên bộ gặp phải sự chống cự quyết liệt của ta, địch thay đổi chiến thuật, dùng ca nô chở quân theo sông Kinh Thầy, cách làng Nội khoảng 500 m rồi đổ quân lên.

Với hai gọng kìm trên bộ và đường thủy, đến khoảng 17 giờ chiều, chúng vào được làng, đốt nhà dân, trong đó có nhà của ông Chanh, ông Xê… Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 911, cùng dân quân du kích chiến đấu dũng cảm, giành giật từng ngôi nhà, góc ngõ. Đến khi tương quan lực lượng không cân sức, bộ đội ta rút vào nhà ông Lê Văn Sàng và một số ngôi nhà khác, quyết đánh "giáp lá cà" với địch. Đạn hết, bộ đội ta giấu súng dưới ao hồ để địch không lấy được; rồi dùng giáo mác, vỏ chai thủy tinh để đánh địch. Địch phải dùng pháo (mortie) bắn vào các ngôi nhà bộ đội và du kích của ta cố thủ, khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Ông Nguyễn Văn Tùng, chiến sĩ Đại đội 911 hôm ấy đã thoát được sự truy quét của địch nhớ lại: "Địch vào được làng, bắt được cán bộ, chiến sĩ của ta, chúng tập trung ở sân nhà ông Sàng và bắn từng người một. Máu bộ đội và du kích chảy lênh láng. Đồng chí Chiến, Chính trị viên đại đội cũng hy sinh anh dũng. Khi tôi cùng hai đồng chí cố thủ ở nhà ông tổng Tễu, địch bắn chết cả hai người, tôi ẩn nấp trong bụi cây dứa dại gần đó nên địch không phát hiện được. Đến chiều tối, địch rút, tôi trở về đơn vị".

Trận chiến đấu bi hùng chống càn của địch ở thôn Nội ngày 21.1.1953, cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh nhiều, song địch cũng thiệt hại nặng với hàng chục tên bị bắn và giết chết bằng giáo, mác, dao, vỏ chai... Các nhân chứng của trận đánh 68 năm trước, nay nhiều người còn sống. Rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, hội thảo để sự kiện lịch sử này được ghi nhận; đồng thời xây dựng nên bia tưởng niệm, để đến ngày giỗ trận, người thân và bà con trong khu dân cư Nội đến thắp hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

ÐÌNH XUÂN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/ky-uc-bi-hung-ve-tran-chong-can-o-thon-noi-173972