Ký ức

Tôi và 7 đồng đội là giáo viên dạy bổ túc văn hóa trong số 35 học viên được trường văn hóa quân khu điều động sang chiến trường K bổ sung cho các đơn vị tiền phương, nhận quyết định về Sư đoàn 8.

Gần cả tháng dài nằm tại Trạm khách T80 đợi đơn vị đến rước mà chẳng thấy đâu. 8 người bọn tôi quả thật đã ngán ngẩm cảnh ăn rồi lại nằm đợi ăn. Thế là không cần họp hành mất thì giờ, khi tôi nêu ra đề nghị tự lực về đơn vị, tất cả 8 cánh tay đều đưa lên. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản chút nào. Thoạt đầu, khi nghe tôi trình bày phương án xin được tự lực về đơn vị, đồng chí trưởng trạm khách lắc đầu không một chút đắn đo. Lần thứ hai, Quang cùng tôi lên gặp vị trưởng trạm. Lý do Quang thuyết phục được vị đại úy ấy chính là nói rõ cho anh biết chúng tôi đều là lính tình nguyện nên chuyện bỏ ngũ sẽ không xảy ra. Thì ra là vậy, Quang nhỏ hơn tôi đến vài tuổi mà xem ra cậu ta tinh ý, hiểu đời hơn. Rồi trên đường đi, cũng chính Quang chứ không ai khác hỏi đi nhờ xe, xin cơm ăn bằng tiếng Campuchia hẳn hoi. Hóa ra trong thời gian gần tháng trời ở trạm khách, trong khi chúng tôi ăn rồi đi chơi thì Quang đã chịu khó học tiếng nước bạn bất cứ lúc nào có thể.

Nói là ở Kampot nhưng nơi sư đoàn bộ đóng quân cách trung tâm tỉnh đến hơn 10km. Qua trạm vệ binh đầu tiên, chỉ còn khoảng vài trăm mét nữa là đến nơi, bất chợt 8 đứa chúng tôi đều dừng lại, trố mắt nhìn. Con gái bộ đội! Mặc dù đang lui cui cuốc trồng nhưng có lẽ linh tính con gái cho biết có người đang nhìn mình, 4 cô đồng loạt quay ra đường. 8 con mắt kèm theo 8 cái bím tóc lắc lư làm mấy thằng chúng tôi lúng túng như đứa bé ăn vụng bị bắt gặp. Trước khi quay đi, tôi vẫn còn kịp nhìn thấy một bông hoa màu tím trên mái tóc cô gái đứng gần nhất. Con gái thì vẫn là con gái, dù đang ở đâu cũng vậy, một chút làm duyên càng làm cho cuộc sống thi vị hơn. Chưa hết, cũng cô gái có cài bông hoa ấy nói với theo: "Đồng chí ơi! Sao đồng chí không vác súng mà lại vác đàn vậy? Đồng chí đó hát cho đồng chí này nghe đi!".

Minh họa: MAI MINH.

Minh họa: MAI MINH.

Rõ ràng là cô ta muốn ám chỉ tôi, chỉ vì cây đàn guitar trên vai. Sau này khi quen nhau, cứ mỗi lần tôi nhắc lại lần gặp gỡ đầu tiên ấy, Duyên-tên cô gái cài hoa-lại cười và nói: “Ai biểu anh đi bộ đội mà còn nghệ sĩ quá! Đi đâu cũng vác theo cây đàn”. Về đơn vị, được bổ sung vào phòng chính trị sư đoàn, tụi tôi bắt đầu cho những tháng ngày làm anh lính tình nguyện trên đất bạn. Chỉ mới thoát khỏi cái họa diệt chủng không bao lâu, đất nước Campuchia đang ở vào giai đoạn đầu của sự khôi phục. Mệt nhưng rất vui. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của tôi lại chính là Duyên. Cô bộ đội báo vụ xinh xắn và hồn nhiên. Chúng tôi cùng biên chế ở phòng chính trị nên thời gian gặp gỡ, bên nhau không thiếu. Hóa ra cùng là người Cần Thơ với nhau. Chúng tôi yêu nhau thật bình dị như chính bản chất của người lính. Duy chỉ có Quang, dường như cậu ta có điều gì đó khang khác. Trước kia, trong số 8 người thì tôi và Quang thân nhau nhất. Đi đâu hai đứa cũng bên nhau, có bất cứ điều gì thắc mắc, suy nghĩ, Quang đều tìm tôi để trao đổi. Nay hình như Quang cố tình tránh mặt tôi thì phải. Cậu ta ít nói và làm việc tích cực hơn. Cứ mỗi lần vào rừng lao động, Quang lại cố tìm bằng được một, hai dò phong lan nhưng sau đó khi về đơn vị, tôi không thấy cậu ta treo ở phòng mình bao giờ. Trong khi xung quanh nơi ở của tổ báo vụ, phong lan ngày càng nhiều hơn. Có lẽ cậu ta đang để ý ai đó, tôi lờ mờ nghĩ vậy.

Khi chúng tôi sang Campuchia được hai năm thì cũng là lúc Duyên sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Niềm vui được trở về quê hương, được gặp lại những người thân yêu làm Duyên vui lắm, nụ cười tươi tắn luôn hiện diện trên môi. Lần nào gặp nhau Duyên cũng nói: “Em về trước. Ngày anh ra quân em sẽ đón anh, rồi chúng mình cùng về Phong Điền quê em”. Phần tôi, sắp phải xa Duyên nên tôi rất buồn, nhưng nghĩ đến ngày hai đứa gặp nhau tại Cần Thơ thì nỗi buồn đó cũng qua đi. Tôi đếm từng ngày và thấy rằng thời gian nhanh, chậm đối với tôi bây giờ thật có ý nghĩa.

Chỉ còn một tuần lễ nữa sư đoàn sẽ làm lễ tiễn các đồng chí hoàn thành nghĩa vụ quốc tế về nước. Sáng nay, tôi có lệnh ra bưu điện tỉnh Kampott nhận thư từ gửi cho đơn vị. Thư từ khá nhiều, ngoài ra còn có hai bức điện mà nội dung của nó vẫn trở đi trở lại trong đầu tôi từ bấy đến giờ. Bức thứ nhất: "Trường văn hóa quân khu triệu tập một đồng chí trong tổ giáo viên về tập huấn ngắn ngày và nhận sách giáo khoa". Đọc xong nội dung bức điện, tôi đã hét to lên mừng rỡ, bất chấp những gì diễn ra xung quanh. Còn ai vào đây nữa khi tôi là tổ trưởng và tuyệt vời nhất là trong chuyến về nước tới đây còn có cả Duyên. Nhất định tôi sẽ tranh thủ ghé thăm quê Duyên. Bức thứ hai: "Quang xin phép về gấp, cha bệnh nặng". Trời ơi! Sao mà đúng lúc thế này. Tổ giáo viên có 8 đồng chí, không thể cùng lúc hai người vắng mặt. Lịch công tác đã sít sao lắm rồi. Tôi bước ra khỏi bưu điện mà đầu óc ngổn ngang những suy nghĩ, tính toán quên luôn cả việc mua một số đồ dùng mà đồng đội dặn. Để Quang thay tôi về nước lần này ư? Còn Duyên, còn lời hứa về quê em? Xin phép thủ trưởng cho cả hai cùng về? Không, không thể nào được! Liệu ba Quang có bệnh nặng thật không? Hay là gia đình muốn Quang về cưới vợ như trước kia cậu ta đã có lần nói với tôi? Tôi dừng lại khi còn khoảng 1km nữa là đến đơn vị. Ngồi nghỉ chân cạnh bờ suối, đưa tay vốc nước suối mát lạnh lên rửa mặt, tôi sực nhớ có lần Duyên và tôi đã đến đây. Lần ấy, khi ngắt một đóa hoa sim cài lên mái tóc của em, tôi đã lén hôn thật nhanh lên mái tóc dài, đen huyền ấy. Duyên biết nhưng em vẫn vờ không hay trong khi trái tim tôi đập rộn rã còn đầu óc thì ngất ngây bởi hương tóc, bởi mùi hương con gái mà những cực khổ đời lính vẫn không làm nhạt phai. Thôi thì mình về lo mọi chuyện thật nhanh rồi ghé lại nhà Quang xem sao. Nếu ba Quang bệnh thật sự, khi sang đây, mình sẽ đề nghị đơn vị cho Quang về phép, còn mình sẽ làm hết tất cả công việc của Quang để lại. Lật xấp thư lấy tờ điện tín gửi cho Quang ra, tôi đọc lại nó một lần nữa rồi xé vụn thả xuống suối. "Hãy tha lỗi cho mình Quang nhé!"-tôi tự lẩm bẩm với mình rồi sau đó bước thật nhanh về đơn vị.

Đúng như tôi dự đoán, lần về nước tới đây sẽ có cả tôi và Duyên. Quang vẫn bình thản như mọi khi. Còn tôi, mỗi lần gặp cậu ta đều cảm thấy áy náy vì mặc cảm phạm lỗi, nhưng nhớ tới Duyên, nhớ tới gương mặt rạng rỡ của em khi nghe tôi báo tin cùng về đã làm cho sự cắn rứt ấy nhẹ đi. Chỉ còn hai ngày nữa chúng tôi sẽ lên đường. Đang tính toán suy nghĩ cho những việc mình sẽ làm khi về thăm nhà, tôi chợt nghe tiếng gọi của Duyên. Quay lại, trước mắt tôi là một cô bộ đội trong đồng phục chỉnh tề. Duyên nói: "Em phải xuống tiểu đoàn huấn luyện để hướng dẫn học viên mới một số thao tác truyền tin. Ngày mai em sẽ về, anh nhớ chuẩn bị sẵn sàng nhé!".

Đêm ấy, sau ca gác, tôi không tài nào ngủ được mà cứ nằm căng mắt đợi sáng. Đã hơn hai giờ, giữa sự tĩnh lặng của núi rừng chợt vang lên tiếng súng nổ dữ dội. Không hiểu tại sao vừa nghe tiếng súng nổ, tôi chợt cảm thấy thắt ngang lồng ngực như có ai đó vừa đưa tay nắm lấy quả tim mình giật ra một cách tàn nhẫn. Có tiếng của đồng chí trực ban tác chiến: “Địch tập kích tiểu đoàn huấn luyện. Hai quân nhân hy sinh. D trinh sát hành quân chi viện gấp!”. Tôi chụp khẩu AK chạy nhanh ra ngoài nhưng đồng chí trực ban ngăn lại. Những bóng người qua lại trước mắt tôi mờ ảo như không có thật. Tiếng ai đó trong tổ giáo viên nói: “Thằng Quang đi theo D trinh sát rồi!”.

Tin Duyên hy sinh đến với tôi quá đột ngột. Đã bao lần tôi gọi tên em và nhắm mắt lại chờ đợi tiếng “Dạ!” thân thương phát ra từ bờ môi của người mà mình nguyện gắn bó suốt đời, để rồi khi mở mắt ra lại đối diện với nỗi đau của chính mình. Nhìn ánh mắt đau đớn của Quang, tôi chợt hiểu thì ra từ lâu, cậu ta cũng đã yêu Duyên, một tình yêu đơn phương lặng thầm như những dò phong lan rừng, kín đáo, đơn sơ nhưng cũng không kém phần nồng nàn, dữ dội.

Tôi xin ở lại trường văn hóa quân khu cho đến ngày xuất ngũ. Tôi không dám trở lại đơn vị cũ vì nơi ấy có quá nhiều kỷ niệm của Duyên và cũng vì tôi sợ gặp lại Quang, cái mặc cảm phạm lỗi sau ngày Duyên hy sinh càng trở nên nặng nề hơn. Sau này, nghe đâu Quang đã tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội và trở thành một sĩ quan ưu tú. Phần tôi, rời quân ngũ, cuộc sống lại cuốn vào những lo toan mới. Tôi định lần này gặp Quang sẽ kể rõ tất cả và nói lời tạ lỗi với cậu ta. Có thể cậu ta sẽ cười và cho tôi lẩm cẩm vì cả hai thằng trên đầu đã có ít nhiều sợi bạc. Nhưng tự tôi hiểu rằng, nếu không nói ra được với Quang câu chuyện đã gần hai mươi năm về trước, tôi sẽ không bao giờ có được sự bình yên trong lòng cho đến ngày nhắm mắt.

Đến Rạch Giá, sau khi tìm chỗ nghỉ ngơi, tắm rửa xong thì trời đã về chiều. Nhà Quang ở phía bên kia cầu Đúc, trước đây tôi đã có dịp ghé thăm khi còn là anh lính mới tò te. Đây rồi! Chắc chắn Quang đang ở trong ngôi nhà có giàn hoa giấy màu tím kia. Nó giống như hình ảnh mà tôi vẫn nhớ suốt mười tám năm qua, có điều, dường như bụi thời gian đã phủ lên đó tấm áo choàng cũ kỹ. Sự vắng lặng của ngôi nhà làm cho tôi có cảm giác bất ổn. Quang đâu? Rồi vợ con cậu ta đâu? Một người đàn bà khoảng ngoài năm mươi tuổi từ trong nhà bước ra: "Chào cậu! Cậu hỏi ai ạ?". "Thưa dì! Cháu là đồng đội cũ của Quang. Dì cho cháu hỏi đây có phải là nhà của Quang không ạ?".

Người đàn bà nhìn tôi bằng cặp mắt thật lạ. Bà im lặng không nói nhưng lại mở rộng cửa cho tôi bước vào. Quang kia rồi! Vẫn cặp mắt sáng và nụ cười ấy. Nụ cười mà ngày xưa tôi đã có lần nói với Quang ẩn phía sau đó là nỗi buồn. Đại úy rồi kia à? Chúc mừng cậu nhé! Giọng người đàn bà vang lên, đều đều: "Cha thằng Quang mất khi nó đi bộ đội được hơn hai năm. Nó đã không được về nhìn mặt cha lần cuối vì nghe đâu tình hình chiến trường lúc ấy căng thẳng lắm. Cái thằng! Lẽ ra khi hết hạn nghĩa vụ thì về nhà chăm sóc mẹ và em gái, đằng này lại đi học sĩ quan rồi ở miết bên ấy. Mẹ nó, phần buồn vì cái chết của chồng, phần nhớ thằng con trai độc nhất cứ đi biền biệt nên cũng bệnh và qua đời mấy năm sau đó. Còn con em gái nó bơ vơ một mình, nghe lời bạn bè bỏ đi đến giờ cũng không biết sống chết ra sao? Khi em nó đi rồi thì thằng Quang có về đây một lần. Nó nhờ tôi sớm hôm nhang đèn cho ông bà rồi lại trở qua bên ấy. Một năm sau nó hy sinh...".

Biết bao kỷ niệm, những hồi ức từ ngày còn là anh lính tình nguyện trên chiến trường Campuchia đổ ập về như một dòng nước lũ phá vỡ mọi rào chắn, mọi thành trì bảo vệ mà tôi đã cố công xây dựng bằng hạnh phúc gia đình, bằng cuộc sống hiện tại. Tôi như chìm vào cơn hôn mê, ký ức và thực tại lẫn lộn. Có lúc tôi thấy mình đang ngồi bên bờ suối cùng Duyên, rồi lại thấy tôi và Quang đang lăn lê bò toài trên thao trường, rồi cả Quang và Duyên trong đồng phục bộ đội đang đứng từ xa vẫy tay, miệng cười rất tươi...

Truyện ngắn của NGUYỄN TRUNG NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ky-uc-627762