Ký ức chạy giặc Trung Quốc: Thị xã tan hoang và những xác chết trương thối

Quân ta chuyển bộ đội lên tiếp viện rất đông, xe chạy cả ngày lẫn đêm, pháo to, pháo nhỏ, hỏa tiễn 40 nòng... trực chỉ hướng Lạng Sơn.

(VTC News) - Những ngày tháng 2/1979, quân ta chuyển bộ đội lên tiếp viện rất đông, xe chạy cả ngày lẫn đêm, pháo to, pháo nhỏ, hỏa tiễn 40 nòng... trực chỉ hướng Lạng Sơn.

Quân ta bắt đầu chuyển bộ đội lên tiếp viện rất đông, xe chạy cả ngày lẫn đêm. Có những đơn vị hành quân bộ, pháo to, pháo nhỏ, hỏa tiễn 40 nòng... tất cả trực chỉ hướng Lạng Sơn thẳng tiến. Những chuyến xe ngược lại thì bịt bạt kín mít nhưng ai cũng hiểu đó là những xe chở thương binh, tử sĩ…

Dồn dập chiến sự

Rồi những thông tin chiến sự dồn dập truyền về, nào là Trung Quốc đánh chỗ này, đánh chỗ kia, lính đông lắm; bộ đội mình bắn đỏ nòng, hết đạn mà không xuể, rồi nó đã chiếm thị xã đang chuẩn bị lực lượng đánh sâu về đây... Đặc biệt, cái thông tin thám báo của nó đã mò đến cây số 16 chân đèo Sài Hồ bên kia rồi làm dân tình ở Đồng Mỏ lúc này cứ nháo nhác cả lên...

Bố tôi bàn tính gửi mấy anh em tôi về Hà Nội trước, nhưng nghe mấy chú lính bên thu dung bảo Tàu biết mình chuẩn bị phản công nên rút khỏi thị xã rồi. Thấy thế, cả gia đình tôi quyết định không đi nữa. Những ngày này, được sự giúp đỡ của những người dân nơi đây, mấy đơn vị bộ đội nên gia đình tôi cũng không bị đói lắm. Hàng ngày, lũ trẻ con chúng tôi chỉ quanh quẩn với mấy chú bộ đội hóng chuyện xong lại chạy về truyền đạt lại cho mọi người nghe.

Bố tôi làm lái xe bên Dịch tễ thuộc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, thời gian này cơ quan cũng sơ tán về đây. Đến một hôm, ông bảo phải đưa cán bộ y tế về để tẩy trùng trong thị xã. Hôm đó, ông cho tôi theo cùng, lúc này Tàu mới rút khỏi thị xã, chỉ có mấy đơn vị bộ đội tiếp quản là được đi lại trong khu vực.

Xe chạy qua đèo Sài Hồ, tôi cứ để ý xem có dấu tích gì của thám báo Tàu không nhưng chỉ thấy rất nhiều pháo đủ loại bố trí trên đèo. Xe về đến cách thị xã 3 cây số thì gặp một cái barie của bộ đội ngăn lại, các bác xuống xe lấy giấy phép để đi vào thị xã, có 2 chú bộ đội lên xe đi theo cùng cả đoàn.

Vào đến đầu thị xã tất cả xuống đi bộ, chỗ này về nhà tôi cũng gần nên 2 bố con đi bộ về xem nhà cửa. Số còn lại chuẩn bị xăng bột và thuốc gì đó cho vào cái bình đeo trên lưng, họ chia nhau đi theo hướng dẫn của 2 chú bộ đội. Do Tàu mới rút nên lúc này khu vực thị xã rất nguy hiểm, thám báo, mìn gài, đạn chưa nổ nhất là đạn cối cắm đầy đường thò cái đuôi xòe như bông hoa lên, 2 bố con vừa đi vừa tránh mấy quả đạn.

Hình ảnh đổ nát ở Lạng Sơn

Hình ảnh đổ nát ở Lạng Sơn

Quả thực lúc đó bé quá chả biết sợ là gì, vừa nắm tay bố vừa đi vừa ngoái lại xem. Bố tôi có vẻ cũng hiểu biết về súng đạn giải thích là đạn cối lép không sợ đâu. Dọc đường, nhà cửa bị phá tan hoang, cây cối đổ ngổn ngang đầy đường.

Lạng Sơn trước chiến tranh là một thị xã rất đẹp với những hàng phượng vỹ, nhội và đặc biệt là cây dã hương to cỡ 1-2 người ôm tỏa bóng mát trên những con đường nho nhỏ xinh xinh. Giờ cây bị bật gốc, cây bị đạn pháo phạt ngang, phạt dọc, nhựa cây tứa ra thâm đen. Mặt đường hố đạn pháo chi chít dày đặc.

Hai bố con đi đến đầu phố thì có 2 chú bộ đội chặn lại xét hỏi, bố tôi trình giấy của Ban Quân quản và bảo: "Nhà tôi ở phố này về xem nhà cửa thế nào!". May mắn nhà tôi không bị quả pháo nào, chỉ bị bay ngói. Trên bàn giữa nhà chình ình một quả đạn B40, bố tôi sợ có mìn gài chạy ra gọi 2 chú bộ đội khi nãy vào bảo họ bê đi cho.

Xem xét một hồi thì thấy tủ, rương, hòm bị cậy phá tung tóe hết. Mấy cái cánh cửa thì bị lấy đi làm ván lát hầm. Trong hầm vàng chóe toàn đạn nhọn AK có khi phải đến mấy trăm viên. Lúc này, 2 chú quân quản bảo không nên ở đây lâu, vì thế bố con tôi lại đi.

“Nhà báo Nhật Isa Takano chết ở đây”

Nhưng bố tôi cũng gan lắm, ra khỏi tầm nhìn của 2 chú kia là dắt tay tôi đi một vòng bên Tỉnh (Ở Lạng Sơn chia làm 2 khu: Bên Kỳ Lừa và bên Tỉnh ngăn cách nhau bởi con sông Kỳ Cùng. Bên Tỉnh chủ yếu cơ quan nhà nước còn bên kia là buôn bán).

Vừa ra đến đầu Chợ Tỉnh chỗ có cái gốc cây Sung (bây giờ là chợ Chi Lăng) bố tôi chỉ tay bảo: " Người chết kìa"! Theo tay ông chỉ, tôi thấy một cái xác mặc quần áo màu xanh Tô Châu, cắm đầu vào gốc cây người trương to, ruồi nhặng bay vo ve. Đi tiếp ra đến UBND tỉnh thì ôi thôi... ngôi nhà thời Pháp rất đẹp với 2 khẩu thần công để ở cổng mà lũ trẻ con chúng tôi vẫn thường ra chơi giờ chỉ còn là đống gạch vụn.

Tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê - Ảnh: Trường Sơn

Tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê - Ảnh: Trường Sơn

Ngó sang bên này đường cũng vậy, tất cả những ngôi nhà to được xây từ thời Pháp rất đẹp đều bị phá hủy. Đến trước cổng UBND tỉnh, tôi thấy có 1 cái biển cắm giữa đường chèn bằng mấy hòn gạch. Bố tôi lại gần đọc: "Nhà báo Nhật Isa Takano chết ở đây". Sau này họ có làm cái bia tưởng niệm dịch vào phía hè đường và đến bây giờ thì họ đã chuyển lên Nghĩa trang Hoàng Đồng.

Tiếp tục đi ra gần bờ sông Kỳ Cùng đập vào mắt tôi trước tiên là một cái xe bọc thép cháy đen thui, sườn xe thủng một lỗ to tướng. Nhìn về phía cầu Kỳ Cùng thì cây cầu đã bị đánh sập gục xuống dòng sông, nhưng con chó đá ở chân cầu thì vẫn còn.

Đứng được một tí, bố tôi lại giơ tay chỉ xuống chỗ nước sông quẩn lại ở đó một đám xanh xanh đen đen lập lờ dập dềnh trên mặt nước trôi ra rồi lại trôi vào ông bảo: "Người đấy". Bố con tôi cũng không dám ở lâu vì thấy bộ đội bảo trong thị xã, nhất là bên kia sông có thể vẫn có thám báo nó hoạt động vì vậy vội quay về chỗ để xe ô tô.

Những hệ lụy còn dai dẳng

Sau khi Tàu rút, gia đình tôi tiếp tục ở lại Đồng Mỏ với rất đông người sơ tán từ các nơi về, tập trung nhiều tại khu Mỏ Chảo, Than Muội... Những túp lều được dựng lên vội vã bằng tranh tre nứa lá. Mọi người bắt tay vào cuộc sống mới tại nơi ở mới. Thời gian này, phần vì chưa quen, phần vì sau chiến tranh nên mọi thứ vô cùng khó khăn. Trong khi các khu vực từ thị xã Lạng Sơn trở lên biên giới, chính quyền chưa cho dân về ở, do tình hình vẫn chưa ổn định. Mặc dù Tàu rút về biên kia biên giới, nhưng hai bên vẫn xảy ra chạm súng liên miên.

Video toàn cảnh cuộc chiến biên giới 1979

Gia đình tôi cũng đã làm một cái nhà nhỏ tường vách đất, mái lá tranh gần cổng ra vào khu Mỏ Đá 4 bên Quốc lộ 1 bán dăm ba điếu thuốc, chén nước kiếm sống và tôi được đi học trở lại. Thời gian này, không khí vẫn sặc mùi chiến tranh, thỉnh thoảng từng đoàn tàu chở các thiết bị quân sự vẫn ngược lên phía Bắc, trên đường quốc lộ, những đoàn xe tăng, thiết giáp, xe tải chở người chở đạn vẫn nối đuôi nhau.

Gần khu chúng tôi sống, một bộ phận của đơn vị thu dung đã chuyển hẳn vào gần khu tập thể của Mỏ nhưng giờ chủ yếu là họ giữ cái kho súng đạn thập cẩm thu hồi từ các chiến trường về. Chính thời gian này, một thằng bé 9 tuổi như tôi được làm quen với súng đạn nhiều nhất. Cứ rảnh là cùng vài cậu bạn mới quen cùng lứa như Sơn Nấm, Quỳ Cò, Tân Bệu, Thắng Còi... vào kho của bộ đội lục lọi tìm súng đạn để nghịch.

Trong cái nhà ba gian cấp 4 to đùng họ để nhiều nhất là lựu đạn quả dứa, lựu đạn chầy cứ từng rổ thép xếp chồng lên nhau không có hòm xiểng gì cả, rồi thuốc nổ miếng như bánh xà phòng. Còn súng được chất đống nhưng toàn súng hỏng đủ loại từ đại liên, B40, B41, AK, RPD, K44, K50, Cạc-bin, CKC, M79, AR15... nhưng tịnh không có khẩu súng ngắn nào. Đạn các loại chỗ thì cho vào bao, chỗ thì đựng ở rổ thép, chỗ thì cho vào hòm đạn pháo. Được cái, 2 chú lính trông kho cũng hiền, còn dạy chúng tôi cách bắn. Cứ vác ra bờ suối sau khu tập thể bắn bì bọp suốt ngày.

Mãi cho đến năm 1982, gia đình tôi mới về lại thị xã Lạng Sơn, kết thúc thời gian mà người dân gọi là "Chạy Tàu".

Cuộc chiến chính thức đã qua nhưng hệ lụy của nó còn dai dẳng đến tận mãi những năm 1986-1988, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân nơi biên giới nói chung và gia đình tôi nói riêng. Cơ sở vật chất bị tàn phá, cuộc sống bị đảo lộn, vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Để kết thúc, xin được thắp lên một nén tâm hương tưởng nhớ những con người đã ngã xuống trên mảnh đất biên cương để bảo vệ đất nước. Cầu mong cho linh hồn của họ được siêu thoát và dù cho có thế nào đi nữa, với tôi, họ là những vị Thánh của nước Việt.

Thanh Sơn

>> ĐỌC TIẾP...

Nguồn VTC: http://vtc.vn/ky-uc-chay-tau-thi-xa-tan-hoang-va-nhung-xac-chet-truong-thoi.394.595860.htm