'Ký ức chiến trường' của Hà Xuân Phong

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vừa diễn ra Triển lãm 'Ký ức chiến trường', giới thiệu 64 ký họa về chiến trường của liệt sĩ - họa sĩ Hà Xuân Phong. Triển lãm đã thu hút đông đảo công chúng quan tâm, thưởng ngoạn.

Nhà điêu khắc Phạm Hồng - người lưu giữ, bảo quản tác phẩm của Hà Xuân Phong suốt 30 năm qua, trước khi bàn giao lại cho gia đình họa sĩ đã có cuộc chuyện trò tại triển lãm.

Tranh ký họa của Hà Xuân Phong tại triển lãm “Ký ức chiến trường”

Tranh ký họa của Hà Xuân Phong tại triển lãm “Ký ức chiến trường”

Năm 1989, lúc này tôi là Ủy viên thư ký của Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng và là người phụ trách mỹ thuật nên được hội giao trách nhiệm nhận bàn giao toàn bộ tranh ký họa của Hà Xuân Phong từ họa sĩ Thế Vinh – người được Hà Xuân Phong tin tưởng gửi gắm gìn giữ tác phẩm của mình tại chiến trường khu V (từ 1973 đến lúc họa sĩ hy sinh). Họa sĩ Thế Vinh cho biết, số tranh ông giữ gồm 145 bức. Sau ngày đất nước thống nhất, ông có giới thiệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chọn mua 14 bức. Số tranh còn lại 131 bức ông bàn giao cho Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng cùng một số tiền do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hỗ trợ để gia đình họa sĩ sửa sang mồ mả. Cần nói thêm, mộ của Hà Xuân Phong trước đó ở nghĩa trang Hòa Hải, sau chuyển về nghĩa trang tộc họ ở Sơn Trà, rồi lại chuyển về khu tộc họ Hà ở Gò Cà. Trước khi khai mạc triển lãm, chúng tôi được gia đình đưa đến thăm mộ phần Hà Xuân Phong nay đã khang trang.

Theo ông, vì sao họa sĩ Thế Vinh lại có được toàn bộ số ký họa của Hà Xuân Phong để lại trước khi hy sinh?

Lúc đó anh em chúng tôi, cả Thế Vinh và Hà Xuân Phong đều cùng cơ quan. Năm 1973, Hà Xuân Phong cùng Thế Vinh ra Hà Nội. Năm 1974, sau khi vào lại chiến trường, đi chiến dịch Nông Sơn xong, Hà Xuân Phong gửi lại toàn bộ tranh của mình cho Thế Vinh. Do đó, những bức ký họa ấy còn được lưu lại đến ngày nay, trước hết phải ghi nhận và trân quý sự giữ gìn, bảo quản chu đáo của họa sĩ Thế Vinh. Năm 1989, sau khi được Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng giao trách nhiệm nhận tranh từ họa sĩ Thế Vinh để lưu giữ cho quê nhà, thỉnh thoảng tôi vẫn chọn ra một số tác phẩm gửi tham dự các cuộc triển lãm trên toàn quốc và đã được in ấn rộng rãi trên nhiều tạp chí, sách báo…

Trong quá trình lưu giữ những bức ký họa Hà Xuân Phong, bản thân ông hoặc cơ quan Hội VHNT có lúc nào tính đến chuyện trưng bày giới thiệu đến công chúng như cuộc triển lãm lần này hay không?

Là người được giao gìn giữ những bức ký họa của họa sĩ Hà Xuân Phong, tôi luôn đau đáu mong một ngày những tác phẩm này được công chúng biết đến. Tôi nghĩ, những ký họa của Hà Xuân Phong không chỉ là của anh ấy, mà đã lưu giữ cả những chân dung, hình ảnh, những thời khắc của những anh hùng liệt sĩ đã đóng góp cho công cuộc kháng chiến cứu nước một thời đã qua… cho nên tôi rất trân trọng và có trách nhiệm trong công việc bảo quản. Nay cùng với việc chính thức bàn giao cho gia đình họa sĩ Hà Xuân Phong và được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với gia đình thực hiện cuộc triển lãm này cũng như tiến hành các bước lưu giữ tiếp theo. Tôi cũng mong sao, sắp tới, các đơn vị cá nhân liên quan nên in một tập sách về ký họa Hà Xuân Phong thật đẹp và trang trọng. Bởi đây là những tư liệu quý giá không chỉ của địa phương mà còn cho cả nước.

Ông cảm nhận như thế nào khi triển lãm đã đón nhận được sự quan tâm của công chúng?

Tôi cảm thấy mãn nguyện khi mình đã hoàn thành việc này với họa sĩ, liệt sĩ Hà Xuân Phong, đồng thời một người bạn cùng tôi ở chiến trường khu 5 xưa. Ngày ấy, anh Phong luôn đau đáu một ngày trở về quê hương, với kỷ niệm tuổi thơ và những dự định cho nghệ thuật. Là người cũng từng ký họa ở chiến trường, nay nhìn lại những bức ký họa của Hà Xuân Phong, tôi nghĩ rằng, anh ấy cũng như nhiều họa sĩ được đào tạo ở Liên Xô thời trước có lối tạo hình và bố cục rất chắc tay. Có thể nói mỗi bức ký họa của anh ấy bố cục gần như hoàn chỉnh, chỉ cần chuyển chất liệu là trở thành tác phẩm. Tranh của anh luôn toát lên điều gì đó rất cảm xúc, rất có hồn. Theo tôi, ký họa của Hà Xuân Phong có thể gọi là tranh trực họa. Bởi cách giải quyết về bố cục, về các chi tiết trong tranh rất thoát… và mạnh mẽ, kể cả từ các bức đen trắng, bút sắt cho đến màu nước… Rất tiếc là anh mất đi lúc còn quá trẻ, trong giai đoạn đang sung sức. Tôi tin rằng, nếu còn sống đến hôm nay, chắc hẳn anh sẽ trở thành một trong những họa sĩ có vị trí xứng đáng của quê hương đất Quảng cũng như của cả nước.

Theo ông lớp họa sĩ trẻ hiện nay có thể học hỏi được những gì từ “Ký họa chiến trường”?

Mỗi giai đoạn, đều có những sự phát triển, khác biệt nhất định, tuy nhiên tôi cho rằng ký họa của lớp trẻ hiện nay còn ít gặp những tác giả thực sự có cái tâm, bắt được cái tinh thần của từng nhân vật. Trong khi ký họa của Hà Xuân Phong rất đáng học hỏi ở chỗ ngay cả những chân dung, thiên nhiên hay các sự kiện luôn luôn toát lên cảm xúc, thể hiện sự chuẩn bị tương lai cho những sáng tác của mình, gợi lên một bức tranh sơn dầu, sơn mài hoặc những chất liệu khác.

Xin cảm ơn ông về cuộc chuyện trò thú vị nói trên!

Họa sĩ Hà Xuân Phong sinh năm 1937, quê ở làng chài Mân Thái, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Ông hoạch hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và sau đó tiếp tục sang học tại Trường Đại học Nghệ thuật Ukraina. Về nước năm 1968, ông xin về chiến trường Khu 5, công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5. Người chiến sĩ, họa sĩ tài hoa này đã hy sinh vào cuối năm 1974 trong một chuyến công tác tại Quảng Nam, để lại hàng trăm bức ký họa chiến trường.

Trần Trung Sáng thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ky-uc-chien-truong-cua-ha-xuan-phong-90624.html