Ký ức của người chiến sĩ Công an từng bảo vệ kho bạc ngày giải phóng
Tháng Tư lịch sử, ký ức tuổi trẻ hào hùng lại hiện về trong tâm trí người lính từng tham gia tiếp quản Sài Gòn năm xưa. Những câu chuyện của 45 năm về trước, trong ông vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua...
Đoàn quân “cọp xanh”
18 tuổi, Đặng Tài Ô là một trong số ít thanh niên của tỉnh Bắc Ninh được tuyển chọn vào lực lượng CAND vũ trang. Sau thời gian học tập, huấn luyện, ông được tăng cường cho Công an tỉnh Hà Tĩnh. Ngày đó, những người lính như ông đều mang trong mình khí thế của tuổi trẻ, hăm hở lên đường ra tiền tuyến.
Mặt trận Hà Tĩnh giai đoạn 1972 - 1973 được ví như “chảo lửa” bom đạn. Những trận giội bom của địch xuống Đèo Ngang, Ngã ba Đồng Lộc luôn khốc liệt, tang thương. Tiểu đội của Đặng Tài Ô được lệnh bám trụ tại “vựa bom” cùng dân quân du kích, bộ đội địa phương Hà Tĩnh.
Ngày nào đạn pháo cũng bắn xối xả từ biển vào, trên trời thì máy bay ném bom quần thảo, gầm rú. Đặng Tài Ô không bao giờ quên được hình ảnh những o du kích xứ Nghệ kiên cường, quả cảm, hiến dâng máu thịt của mình để bảo vệ mỗi tấc đất quê hương.
Vì quá thân thương với nhân dân mà Đặng Tài Ô đã được CAND vũ trang Hà Tĩnh xin về. Bộ Công an đồng ý, ông chính thức trở thành một thành viên của B17 (Đoàn Hà Tĩnh). Mùa xuân năm 1973, Đặng Tài Ô tranh thủ về quê cưới vợ theo sự sắp đặt của bố mẹ. Ngày cưới cũng là ngày đầu tiên cô dâu và chú rể biết mặt nhau. Ông chỉ ở nhà với vợ được đúng 3 ngày.
Cuối năm 1974, tại Tiểu đoàn 15 CAND vũ trang đóng ở Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội), 9 đoàn cán bộ chi viện cho miền Nam được lệnh xuất phát. Đặng Tài Ô thuộc biên chế của Đoàn Hà Tĩnh (C.282Q) bao gồm 34 cán bộ, chiến sĩ. Họ được tình báo Mỹ gọi là “cọp xanh”, một lực lượng vũ trang tinh nhuệ.
Những chiếc xe Zin chạy thần tốc trên cung đường Trường Sơn, chẳng mấy chốc đã đến bờ sông Bến Hải. Kia là cầu Hiền Lương, bắc ngang vĩ tuyến 17, nơi tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền. Ngay bờ sông, có một cổng chào thật to với dòng chữ “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, không ai bảo ai, những người lính trong đoàn quân giải phóng miền Nam thấy cảm xúc dâng trào.
Con đường vào miền Nam khi đó đầy rẫy hiểm nguy, mỗi tấc đất đều bị bom đạn cày xới. Một gốc cây, ngọn cỏ đều nhuộm máu người. Phó đoàn C.282Q Hoàng Minh Duyệt đã diễn tả sự gian khổ, khó nhọc, hiểm nguy của hành trình vào Nam bằng những câu thơ:
“Đường Trường Sơn
Đường dốc quanh co
Những cái “ổ gà” to hơn hố pháo
Bọn chúng tôi ngã nhào
năm bảy lượt trên xe
Có đoạn qua khe, đoạn vượt dốc
Lính trẻ lăn lóc cười xòa
Xe vẫn nối đoàn,
bụi mịt mù trong nắng
Chiếc khẩu trang,
ngày ra đi em tặng
Màu trắng tinh khôi,
chuyển màu vàng,
sang màu đất xạm...”.
Hơn 2 tháng hành quân vào Nam, đoàn “cọp xanh” có mặt tại trạm C1 - Ban Kinh Tài R (thuộc Trung ương Cục miền Nam đóng tại Tây Ninh). Trong thời gian chờ lệnh tiến về Sài Gòn, đoàn hằng ngày tập luyện, thể thao, văn nghệ nâng cao tinh thần chiến đấu.
Những đêm trăng sáng xuyên qua khe lá giữa rừng già, trăng tròn vành vạnh in xuống mặt nước đọng trên hố bom, Đặng Tài Ô nhớ đến người vợ phương Bắc. Ngày chia tay, vợ khóc thật nhiều, chỉ mong cho miền Nam được giải phóng để gia đình đoàn tụ.
Bảo vệ tài sản Quốc gia
Sáng 30/4/1975, từ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), Đoàn C.282Q nhận lệnh tiến quân về Sài Gòn. Từ Tây Ninh, Đoàn đi theo hướng Hậu Nghĩa (Long An) qua căn cứ Đồng Dù, là hậu cứ của Sở Chỉ huy Sư đoàn bộ binh Mỹ số 25 nằm trên quốc lộ 1 (cách Sài Gòn 30km về phía Tây Bắc). Ðịch xây dựng nơi đây thành một căn cứ lớn để khống chế các tỉnh Hậu Nghĩa, Tây Ninh, tạo thành một tấm lá chắn bảo vệ phía Tây Bắc Sài Gòn.
Khi tới Ngã tư Bảy Hiền được chứng kiến những chiếc máy bay, trực thăng bốc cháy ngùn ngụt trên phi trường Tân Sơn Nhất, đoàn quân giải phóng như được tiếp thêm lửa, hừng hực khí thế tiến công. Hai bên đường vào trung tâm thành phố, từng dòng người đổ ra cổ vũ, hò reo, vui sướng vẫy tay chào mừng bộ đội giải phóng. Đặng Tài Ô, Hoàng Minh Duyệt, những người chỉ huy “đạp lên cái chết” vào thời khắc thống nhất Nam - Bắc, họ ôm nhau trào nước mắt.
Sáng 1/5/1975, Đoàn C.282Q được giao nhiệm vụ tiếp quản hệ thống ngân hàng và kho bạc của chế độ cũ. Những ngày đó, mừng vui không tả nổi, vinh dự đến chảy nước mắt vì được cấp trên tin tưởng giao cho trọng trách rất nặng nề và phức tạp. Đó là kho vàng, kho bạc với những thỏi vàng nặng trịch, óng ánh và những hộp tiền còn nguyên đai nguyên kiện. Một khối tài sản khổng lồ được đặt lên vai 34 người lính “cọp xanh”. Họ phải tiếp nhận và bảo vệ an toàn tuyệt đối.
Tiểu đội trưởng Đặng Tài Ô được phân công chỉ huy tiếp quản 3 ngân hàng: Vườn Chuối, Đa Kao và Phú Nhuận. Một bên là tiền vàng, một bên là cán bộ, nhân viên làm việc cho chế độ cũ đòi hỏi cán bộ tiếp quản phải khéo léo ứng xử, nhạy bén hành động. Buổi đêm là thời điểm khó khăn nhất, lực lượng bảo vệ rất mỏng, mỗi ngân hàng chỉ có một chiến sĩ canh gác.
Họ tập trung cao độ, đói không dám ăn, mệt không dám nghỉ. Sau khi bàn giao ngân hàng cho đơn vị khác, Tiểu đội của Đặng Tài Ô tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ Căn cứ kho vận Thủ Đức. Đây là kho lương thực, thực phẩm khổng lồ, có thể nuôi sống toàn bộ lính Mỹ -ngụy ở Sài Gòn trong vòng 3 năm. Dưới sự chỉ huy của Đặng Tài Ô, trong suốt thời gian tiếp quản, kho vận không mất một cân đường, hộp sữa.
Kể lại những câu chuyện của 45 năm về trước, Đại tá Đặng Tài Ô ngập tràn niềm vui sướng. Ông luôn tự hào vì đã sống đúng lý tưởng cách mạng. Ông bảo rằng, ngày ấy, nếu như muốn lấy một ít vàng, tiền hoặc bất cứ thứ gì đều có thể làm được và không bị ai phát hiện, nhưng ông chưa bao giờ có suy nghĩ thấp hèn như thế. Đồng đội của ông, những con người chân chất, áo vải, sống giữa hào quang vật chất cũng chẳng hề tơ hào, vương vấn.