Ký ức của những người lính ở Trung tâm thương binh Thuận Thành
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của cuộc chiến vẫn mãi còn đó, nó hiện hữu trên cơ thể của những thương bệnh binh phải suốt đời ngồi trên chiếc xe lăn hay những cơn đau triền miên lúc trái gió trở trời. Cơn đau vật vã khiến họ phải sống trong vô thức, dù vậy, những ký ức về tình đồng đội, về cuộc chiến khốc liệt vẫn in đậm trong ký ức họ không bao giờ mờ phai.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành hiện nuôi dưỡng, điều trị 91 thương, bệnh binh nặng ¼ (tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên) thuộc 23 tỉnh, thành phố trên cả nước, ở 3 thế hệ: chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới. Trong số đó có nhiều người vừa bị thương, vừa nhiễm chất độc da cam, nhiều người mắc các chứng bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan, loét lưng… Hầu hết các thương binh đều bị liệt nửa người phải di chuyển bằng xe lăn, máy móc, có người phải nằm một chỗ suốt hơn 40 năm qua.
Chiến tranh đã qua đi, đất nước không còn tiếng bom đạn, thế nhưng với những người thương bệnh binh thì nỗi đau, nỗi ám ảnh về những trận đánh khốc liệt vẫn luôn in đậm và dày vò tâm trí họ. Họ đã trở về nhưng sự về ấy không được trọn vẹn khi một phần thân thể của họ đã để lại nơi chiến trường khốc liệt. Họ lại tiếp tục sống và chiến đấu trong một “trận chiến” mới, đấu tranh để chiến thắng bệnh tật và vượt lên chính mình.
Với thương binh Đinh Văn Bách (quê ở Thái Sơn, Thái Thụy, Thái Bình), chiến tranh như vừa diễn ra ngày hôm qua. Khi kể về cuộc chiến, ông kể một cách say sưa, những ký ức chắp vá về trận đánh ở thành cổ Quảng Trị 1972 luôn hiện về trong mỗi câu chuyện.
Ông Bách sinh năm 1953, nhập ngũ tháng 1/1972. Ông từng tham gia chiến đấu tại chiến trường B5, Quảng Trị - trận chiến ác liệt nhất trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đến khi ký kết xong Hiệp định Paris.
Ngày 29/4/1975, tức là chỉ 1 ngày trước khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông bị thương nặng trong trận đánh vào cửa mở Tân Uyên (thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay) để mở đường cho các lực lượng tiến vào. Ông được đưa về điều trị ở Bệnh viện Sài Gòn, là thương binh loại 1, với mức độ tổn thương cơ thể là 91%, sau đó ông được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành từ năm 1976 đến nay.
Gần 50 năm phải di chuyển trên chiếc xe lăn, gần một nửa thế kỷ đã đi qua nhưng ký ức về những tháng ngày tham gia cuộc chiến oanh liệt vẫn in dấu vẹn nguyên. Ông Bách kể, cuộc chiến 81 ngày đêm trong Quảng Trị đến giờ vẫn ám ảnh tôi trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Đến bữa, cứ bưng bát cơm lên là lại nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh. Ngày ấy, bộ đội tham gia cuộc chiến chỉ được ăn gạo rang, lương khô và uống nước chiến hào. Cuộc sống rất khắc nghiệt.
Thành cổ Quảng Trị khi đó vào mùa mưa, ông và các đồng đội phải vượt sông, nước rất lớn và chảy xiết, một số người không biết bơi nên phải buộc một cái phao hoặc thả một cái thúng rồi nhét đồ và súng đạn vào đó. Trong quá trình vượt sông, có người không biết bơi, bị nước cuốn trôi về biển cả. Một số bơi được sang bờ bên kia, tiếp cận vào trận địa để giữ Thành cổ Quảng Trị.
Trời mưa liên miên, ông và các đồng đội phải mặc quần đùi, cởi trần và đi chân đất để chiến đấu, ngâm mình cả ngày dưới chiến hào ngập nước, da tay, chân bị trợt, bong ra, nhưng anh em vẫn phải kiên trì bám chốt để giữ vững được Thành cổ. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu không biết bao nhiêu bom đạn của giặc Mỹ. Lực lượng của ta mỏng nên những lúc như vậy tất cả chỉ nghĩ đến vận mệnh của đất nước, bất chấp xông lên để chiếm lại từng góc hào, chiến hào của thành cổ.
Nghẹn ngào, xúc động, ông Bách kể tiếp, cuộc chiến diễn ra ngày càng cam go, đồng đội hy sinh nhiều. Đại đội của ông có hơn 50 người, ngày nào cũng hy sinh từ 15-25 người. Cứ hôm trước bổ sung thêm lực lượng thì ngày hôm sau lại hy sinh tiếp, dòng sông Thạch Hãn là minh chứng cho sự hy sinh, mất mát, đau thương ấy. Chiến trường khốc liệt, buộc phải an táng các đồng đội dưới chiến hào. Mỗi hố chôn từ 5-7 người. Nhiều lần đang xúc đất an táng đồng đội thì giặc Mỹ lại dội bom, tất cả phải tránh bom để bảo toàn lực lượng chiến đấu. Khi quay lại, bom đã nã trúng chỗ các anh nằm, bom, pháo đã làm xương tan thịt nát, hòa máu thịt của các anh vào từng tấc đất Thành cổ.
“Để giành thắng lợi, chúng tôi buộc phải căng mình để chiến đấu và giữ gìn bằng được Thành cổ. Cuộc chiến diễn ra dài đằng đẵng, không tính được ngày, tôi và các đồng đội luôn nghĩ, sống được ngày nào hay ngày ấy. Tôi vô cùng đau xót khi chứng kiến đồng đội mình hy sinh, những hình ảnh tan thương đó khiến lòng nhiệt huyết của chúng tôi trào dâng, bấy giờ chỉ biết sống và chiến đấu, trả thù cho đồng đội”, ông Bách ngậm ngùi kể.
Nhớ lại thời khắc mình bị thương, ông Bách cho biết, trong một lần đang phục kích ở Tân Uyên, ông và các đồng đội băng qua một cánh đồng mướp đắng, đói, khát, nên tất cả cùng vặt mướp đắng để ăn. Không may ông dính đạn của giặc Mỹ và bị thương trên cánh đồng mướp đắng đó, bất tỉnh nhân sự, rất lâu sau ông mới được đồng đội tìm thấy và đưa ra băng bó, đưa về điều trị tại bệnh viện quân đoàn 4 dã chiến của Ngụy, sau này về điều trị ở Bệnh viện Trung ương 108.
“Khi chiến đấu, tôi nghĩ sự sống không quan trọng nữa, chỉ biết cầm súng và chiến đấu, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. May mắn cho tôi là khi bị thương đã được cứu chữa kịp thời. Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội khác là được sống đến ngày hôm nay. Với thương tật 91%, tôi được về sống tại ngôi nhà chung là Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành, đã 48 năm rồi”, ông Bách nói.
Trở về sau 3 năm là “liệt sĩ”
Trong căn phòng nhỏ ở Trung tâm thương bệnh binh Thuận Thành, thương binh Đỗ Văn Thế (80 tuổi, quê ở Ý Yên, Nam Định) bị thương với tỷ lệ thương tật 91%, ông đang bị ốm và bị hành hạ bởi những cơn đau do di chứng chiến tranh để lại. Ông tham gia bộ đội đầu năm 1964. Tháng 8/1964, chiến tranh bắt đầu bùng nổ ở miền Bắc, ông tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông bị thương và bị địch bắt tù đày.
Chiến tranh quá khốc liệt, loạn lạc, tan thương, không ai biết tung tích ông ở đâu, tất cả cứ đinh ninh là ông đã hy sinh. Thế rồi giấy báo tử được gửi về địa phương. 3 năm sau (1973), khi Hiệp định Paris được ký kết, chiến tranh kết thúc và trao trả tù binh bên bờ sông Thạch Hãn, ông trở về địa phương.
Vợ ông, sau 3 năm để tang chồng đã đi thêm bước nữa. Còn bản thân ông, sức khỏe giảm sút, bị liệt một nửa cơ thể nên từ đó đến nay ông ở vậy, không lập gia đình nữa. Trung tâm thương binh Thuận Thành chính là ngôi nhà thân thương và là quê hương thứ 2 của ông với gần 50 năm gắn bó.
Tuổi cao, sức yếu, mọi sinh hoạt hàng ngày của ông Thế hoàn toàn phải nhờ đến sự trợ giúp của các hộ lý, nhân viên y tế. Trí nhớ của ông không còn minh mẫn, thế nhưng, khi nhắc đến cuộc chiến năm xưa, tất cả như một cuốn phim quay chậm ùa về và đó là ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời ông.
Di chứng mà các thương binh mang trên mình ròng rã suốt những năm sau chiến tranh, không chỉ là những căn bệnh hiệm nghèo mà còn có cả những vết sẹo tinh thần không thể nào mờ đi trong tâm trí. Tuy vậy, họ vẫn lạc quan và cho rằng, mình được trở về và được sống đến ngày hôm nay là may mắn lắm rồi, may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống rất nhiều lần.
Ở tuổi đôi mươi xung phong ra chiến trường chiến đấu và bị thương do trận bom đạn năm 1972, ông Lê Đức Luân (quê ở Vĩnh Phúc), thương binh hạng 1/4, mất sức 92%, Rời quê nhà, ông Luân gắn bó với trung tâm đến nay đã gần 50 năm. Bị tổn thương cột sống không thể di chuyển, từ ngày đó, cuộc sống của ông Luân gắn chặt với xe lăn. Khi trái gió trở trời, vết thương thể xác giày vò ông Luân, nhưng nỗi đau đó chẳng thể nào đau đớn hơn vết thương tinh thần.
Trở về từ chiến trường, dù mang thương tật vĩnh viễn, ông Luân nhận thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều anh em, đồng đội đã nằm lại trên chiến trường. Vì vậy, ông quyết phải sống, sống xứng đáng để "tàn nhưng không phế".
Ông Luân cho biết, tháng 7 về luôn mang lại cho ông thật nhiều cảm xúc, đó là sự tri ân, sự biết ơn của các thế hệ sau với thế hệ đi trước, những người đã hy sinh xương máu để dành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Ông nhắn nhủ với các thế hệ sau rằng: “Chúng tôi đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, tuy vậy, bằng lòng quyết tâm vẫn có thể chiến thắng và sống được đến ngày hôm nay. Với thế hệ trẻ bây giờ, các cháu được học hành đầy đủ, được đào tạo bài bản, có điều kiện sống tốt hơn. Tôi tin rằng, thế hệ trẻ sẽ không chỉ nối tiếp mà còn phát huy tốt hơn nữa để xứng với sự hy sinh to lớn của những anh hùng đã ngã xuống. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng tôi vẫn muốn sống lâu để chứng kiến sự phát triển của đất nước, sự cống hiến của các thế hệ tiếp nối”.