Ký ức của vị Thượng tá về cái Tết đầu tiên nơi trận tuyến và món quà cuối của đồng đội

Cứ mỗi khi có dịp hồi tưởng lại từng trang ký ức bi tráng, hào hùng mà mình và đồng đội đã trải qua trong chiến tranh bom rơi đạn lạc là người cựu chiến binh Lương Mạnh Linh lại đau đáu về những kỷ niệm khó quên nơi chiến trường.

Xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ

Trong không khí của những ngày cả nước hướng về tri ân các anh hùng, thương binh liệt sĩ (27/7), phóng viên báo Người Đưa Tin tìm về tư gia của Thượng tá, nguyên Phó Chủ nhiệm hậu cần bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam Lương Mạnh Linh (SN 1953), hiện đang sinh sống tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hình ảnh đầu tiên hiện trước mắt chúng tôi đó chính là những tấm giấy khen, bằng khen và cả những kỷ vật được người lính già bài trí trong căn phòng khách.

Xem video: Ký ức về những trận chiến khó quên của vị Thượng tá

Thấy chúng tôi, người cựu chiến binh ấy không giấu nổi sự xúc động, bởi hàng năm cứ đến những ngày lễ tri ân là lòng ông lại có những cảm xúc khó tả. Ông nhớ về những ngày chiến đấu cùng các đồng đội, nhớ cả giây phút đồng đội hy sinh và vẫn luôn đau đáu tìm hài cốt đồng đội…

Nhấp một ngụm trà, ánh mắt của người lính Trường Sơn năm nào lại nhớ về những năm tháng sống, chiến đấu trên đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong đội hình 559.

Ông Linh nhớ lại: “Năm 19 tuổi, tôi đang là sinh viên trường Xây dựng, như bao sinh viên của các trường đại học khác nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi đã gác sách bút lên đường và được điều động vào mặt trận Quảng Trị.

Thời điểm năm 1972, là thời điểm địch tăng cường đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn, chi viện người và vũ khí cho chiến trường. Vì thế, đoàn của chúng tôi hành quân vào ban đêm, lúc thì đi xe ô tô khi thì đi bộ.

Cựu chiến binh Lương Mạnh Linh xúc động khi nhắc về những kỷ niệm nơi chiến trường năm nào.

Cựu chiến binh Lương Mạnh Linh xúc động khi nhắc về những kỷ niệm nơi chiến trường năm nào.

Vừa hành quân, vừa huấn luyện thần tốc, sau một tháng thì chúng tôi vào chiến đấu tại đường 9 Nam Lào. Nhiệmvụ của đơn vị là hành quân lên cao nguyên Bô-lô-ven, phối hợp với sư đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam và nhiều đơn vị khác chiến đấu giải phóng thị trấn Pắc Xoòng trên cao nguyên Bô-lô-ven”.

Ông Linh nói rằng trong suốt hành trình “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước ấy, có muôn vàn khó khăn gian khổ, đặc biệt đến với vùng xa xôi của nước bạn Lào, ngôn ngữ khác nhau nên mọi thứ càng khó khăn gấp bội. Nhưng, bằng tinh thần chiến đấu, giữ gìn tinh thần đoàn kết quốc tế, cả đoàn của ông đã anh dũng chiến đấu đến giây phút cuối cùng.

Đón Tết đầu tiên trên trận tuyến

Trong quá trình tham gia chiến đấu, người cựu chiến binh già chia sẻ ông có nhiều kỷ niệm mà có lẽ cả đời mình ông không bao giờ quên. Ông Linh chia sẻ, để nói về kỷ niệm trong thời chiến thì ngoài bom đạn, máu xương và sự hy sinh của các đồng đội, còn có những câu chuyện rất đỗi bình dị giữa những người lính.

Đầu năm 1973, khi chuẩn bị ký Hiệp định Pari, địch tăng cường quân từ Pắc Xế (địa danh của Lào - PV) ra để cố thủ và cắm cờ các vị trí quan trọng. Ở các địa thế trọng điểm, địch cho máy bay quần đảo đánh phá và dùng trực thăng đổ quân chiếm lĩnh. Chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, địch tăng cường hỏa lực và phương tiện nhằm chiến lĩnh toàn bộ cao nguyên.

“Năm 1973, đơn vị chúng tôi nhận được lệnh đón giao thừa sớm để sẵn sàng chiến đấu quyết tâm phối hợp các đơn vị giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven trước khi Hiệp định Pari ký kết.

17h ngày cuối năm đơn vị tổ chức ăn Tết sớm, với thịt gà mà dân bản cho, bộ đội chúng tôi ăn Tết dưới ánh đèn pháo sáng của địch và tiếng nổ của pháp bẫy bắn vu vơ, ăn xong thì tráng miệng bằng chè bí đỏ mà chúng tôi xin ngoài nương của dân bản về, và tức thì chúng tôi đã xuất khẩu thành thơ “Từ từ chân bước vào nương. Tay nâng quả bí lòng thương đồng bào.

Đó là cái Tết đầu tiên mà chúng tôi những người lính trẻ được đón trên trận tuyến. Cái Tết sặc mùi thuốc súng và tràn ngập nỗi nhớ quê hương, gia đình và bạn bè”, ông Linh chia sẻ.

Với ông Linh chiến tranh đã mãi mãi lùi xa nhưng ký ức nơi chiến trường vẫn còn đó.

Với ông Linh chiến tranh đã mãi mãi lùi xa nhưng ký ức nơi chiến trường vẫn còn đó.

Mùa xuân năm 1973, cao nguyên Bô-lô-ven được giải phóng, nhưng ở nơi đó cũng có những đồng chí, đồng đội của ông Linh đã mãi mãi nằm lại mảnh đất này vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Nói đến đây, giọng của Thượng tá Linh chúng xuống, điều mà ông nhớ nhất chính là món quà của người đồng chí đồng đội dành tặng cho đơn vị ông, đó là món quà cuối cùng của thủ trưởng Đặng Tính.

“Sau khi giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven, có đoàn cán bộ do Đại tá Đặng Tính (Chính ủy Bộ Tư lệnh 559) đến thăm, chúc Tết và giao nhiệm vụ mới. Đơn vị chúng tôi hái hoa rừng, hoa lan trang trí các khu vực doanh trại. Đoàn đến thăm tặng chúng tôi một gói quà và chúc mừng năm mới các chiến sĩ”, ông Linh chia sẻ.

Nhưng, có một điều vô cùng đau xót, khi đoàn cán bộ di chuyển lên cao nguyên Bô-lô-ven, đây là đoạn đường địch hay gài mìn đánh xe nên theo kế hoạch xe chạy phía sau phải đè lên bánh của các xe chạy trước tránh vào mìn.

“Tuy nhiên, đến một chiếc cầu nhỏ xe của Chính ủy Đặng Tính bánh sau láng nhẹ sang bên và chạm phải mìn chống tăng của địch, mìn nổ xe bị hất tung, Chính ủy Đặng Tính và các thành viên trên xe đều hy sinh. Sự việc xảy ra quá đột ngột, khiến chúng tôi ai nấy đều khóc thương không nói nên lời”, người lính già chia sẻ.

Món quà chúc Tết của thủ trưởng dành tặng cho những người lính dù không có giá trị về mặt vật chất nhưng đó là tất cả những tình cảm, tâm tư của đồng chí, đồng đội dành cho nhau. Và cho đến bây giờ, ông Linh chia sẻ rằng ông và các đồng đội vẫn giữ mãi gói quà là kỷ niệm cuối cùng của thủ trưởng Đặng Tính với cán bộ chiến sĩ E59 tại cao nguyên Bô-lô-ven, Nam Lào.

Nhắc tới sự hy sinh, cựu chiến binh Lương Mạnh Linh nói bằng giọng cứng rắn của người lính được tôi luyện nơi trận mạc: “Chiến tranh nào cũng có hy sinh, đó là sự hy sinh, thiệt hại vô bờ bến từ cả hai phía. Nhưng, vì danh dự của dân tộc, vì danh dự và tình nghĩa quốc tế, chúng tôi không thể chùn bước”.

Sau chiến tranh, trở về miền Bắc ông Linh tiếp tục phục vụ trong quân ngũ, là thương binh hạng 4/4, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam 41%. Nhưng, ông Linh vẫn luôn cảm thấy mình là người may mắn sống sót trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy. Vì vậy, ông cùng người vợ của mình có trở lại chiến trường Nam Lào với mong muốn tìm lại hài cốt của những đồng đội đã ngã xuống. Nhưng, đất bạn Lào rất rộng, lại quá lâu nên không thể tìm được.

Ông và vợ thăm mộ liệt sĩ từng tham gia kháng chiến trên chiến trường cao nguyên Bô-lô-ven Nam Lào (Ảnh tư liệu).

Ông và vợ thăm mộ liệt sĩ từng tham gia kháng chiến trên chiến trường cao nguyên Bô-lô-ven Nam Lào (Ảnh tư liệu).

“Tôi tìm lại các địa điểm mà mình đã chiến đấu ngày xưa nhưng không còn gì, sau khi tôi về tới nghĩa trang Trường Sơn thì tìm được hai mộ liệt sĩ đã được quy tập, trong đó có liệt sĩ Đinh Văn Tiêu (Thanh Liêm, Hà Nam), hy sinh năm 1973 tại cao nguyên Bô-lô-ven. Khi thấy bia mộ của liệt sĩ, tôi vô cùng xúc động, cảm xúc thật khó tả”, ông Linh bày tỏ.

Giờ đây, khi đã về hưu thế nhưng ông Linh chưa cho phép bản thân mình nghỉ ngơi. Nhớ lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Linh đã cố gắng phấn đấu trong lao động và tích cực tham gia công tác xã hội, luôn ý thức và phát huy giữ gìn truyền thống bộ đội Cụ Hồ. Được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ trong Đảng, đoàn thể.

Ông Linh nhấn mạnh: “Những sự tín nhiệm đó càng khiến tôi cần phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc góp một phần tiếng nói của mình vì sự phát triển, tiến bộ của xã hội. Đồng thời, tôi cũng mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi mà cha ông ta đã không tiếc máu xương ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc”.

Hoàng Bích - Mỹ Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-uc-cua-vi-thuong-ta-ve-cai-tet-dau-tien-noi-tran-tuyen-va-mon-qua-cuoi-cua-dong-doi-a443282.html