Ký ức Điện Biên phủ: Mở gần 100 km đường bằng cuốc, xẻng
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trôi qua hơn 70 năm, nhưng trong trí nhớ của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đình Danh vẫn như mới hôm qua. Đó là những ngày tháng khoét núi làm đường đưa thực phẩm, đạn dược, thuốc men thông suốt đến chiến trường vất vả nhưng rất đáng tự hào.
Sáng mùa hè tháng 4, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Danh (97 tuổi) trú tại xóm 3, xã Hưng Chính, TP Vinh (Nghệ An), cựu thanh niên xung phong (TNXP) trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.
Bên bàn gỗ đặt ngay giữa sân nhà, ông Danh kể: Ngày ấy, ông là TNXP thuộc Đại đội 206, đội 34. Đây là một trong những đơn vị TNXP được thành lập để chuẩn bị mở Chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ theo chỉ thị của Bác Hồ. Theo đó, Đoàn TNXP Trung ương được tổ chức thành các đội 34, 36, 38, 40, 46 và 48. Nhiệm vụ của đoàn là san, mở đường, tháo gỡ bom mìn, vận chuyển thương binh, lương thực thực phẩm và khi cần bổ sung cho lực lượng bộ đội chủ lực chiến đấu đánh căn cứ Điện Biên Phủ.
Năm 1952, ông gia nhập Đoàn TNXP Trung ương khi đã bước qua tuổi 25. Ngay sau đó, ông được đưa thẳng lên Lai Châu, bắt đầu tiến hành mở đường. “Thời điểm ấy, cùng với nhiều đội TNXP khác, Đại đội 206, đội 34 của chúng tôi tiến hành mở đường từ Lai Châu đến sát biên giới Trung Quốc với chiều dài hơn 90km. Đây là con đường mở mới, nhằm phục vụ vận chuyển thực phẩm, thuốc men, đạn dược… Cả đội chúng tôi triển khai làm đường trong điều kiện hết sức khó khăn, bí mật. Nhiều đoạn làm xong, mưa khiến đất từ trên cao sụt xuống, sạt lở hàng vạn khối, khiến con đường vừa hình thành lại phải làm lại từ đầu” - ông Danh nhớ lại.
Cũng theo ông Danh, sau khi con đường được làm xong, cứ tầm 20km lại có một hệ thống kho bãi. Nhu yếu phẩm được cất giữ tại đây, do đó đơn vị còn có nhiệm vụ vận chuyển những mặt hàng thiết yếu từ điểm này đến điểm kia, mỗi lần cả đi về từ 25-30km đi bộ. Tất cả mọi hoạt động đều bí mật, tuy điều kiện sống vô cùng gian khổ nhưng ai cũng nêu cao tinh thần vì Tổ quốc, nên đường bị hỏng, sạt lở lại được khắc phục ngay sau đó.
“Trung tuần tháng 12/1953, khi chuẩn bị dụng cụ để đi làm, cả đội chúng tôi được nghe cấp trên thông báo có đoàn cấp cao về thăm. Ngày hôm sau, khi đoàn chúng tôi đã đang làm đường, từ phía xa, thấy 2 người đàn ông cưỡi trên 2 con ngựa. Khi tới gần nơi các TNXP đang mở đường, cả hai người đều xuống ngựa, một người đi bộ phía trước, người còn lại dắt 2 con ngựa theo sau. Sau khi đi gần hơn 1 chút, chúng tôi mới nhận ra là Bác Hồ, Bác mặc bộ áo nâu giản dị. Chúng tôi ai cũng vui mừng khôn xiết, không ngờ giữa bốn phía là rừng núi, lại được gặp Bác, vậy nên ai cũng cảm thấy rất tự hào” - ông Danh kể.
Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, những TNXP như ông Danh rất vui. “Sau khi về, với suy nghĩ của tuổi trẻ, chúng tôi nghĩ đến chuyện đi học. Riêng tôi, do ở nhà có học y, nên chọn đi học ngành y”, ông Danh nhớ lại. Về nhà nghỉ 7 ngày, ông tiếp tục học thêm nghề y tá, sau khi học xong, ông về làm Trưởng Trạm Y tế xã Hưng Chính và được kết nạp Đảng vào 1964. Năm 1968, lại tiếp tục công tác cứu chữa thương bệnh binh khi Mỹ mở rộng đánh phá Bến Thủy (TP Vinh) trong chiến tranh phá hoại miền Bắc. Rồi những năm sau đó, ông được chuyển công tác sang nhiều đơn vị khác. Ông chính thức nghỉ hưu vào năm 1982. Với những đóng góp của mình, năm 1978 ông được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều giấy khen của địa phương, nơi ông từng công tác.