Ký ức giữ vùng trời Tổ quốc

Đã bước qua tuổi 90, hơn 50 năm là Bộ đội Cụ Hồ, Thiếu tướng Phan Khắc Hy vẫn nhớ về những ngày tháng anh dũng, kiên cường không quân nhân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ vùng trời Tổ quốc.

Ký ức giữ vùng trời Tổ quốc

TUẤN PHONG

Thứ Hai, 28-12-2020, 16:25

+ | Print

Ông, bà Phan Khắc Hy - Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Ông, bà Phan Khắc Hy - Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Đã bước qua tuổi 90, hơn 50 năm là Bộ đội Cụ Hồ, Thiếu tướng Phan Khắc Hy vẫn nhớ về những ngày tháng anh dũng, kiên cường không quân nhân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ vùng trời Tổ quốc.

1. Ngồi bên vợ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, người mà ông chia bùi sẻ ngọt gần 70 năm qua, ông từ tốn kể: “Là người con của một dân tộc mất nước nên ngay từ thời trẻ với lòng dũng cảm, lúc 18 tuổi tôi đã tiếp bước cha, một cán bộ Việt Minh. Tháng 4-1945, tôi đã tham gia cách mạng với bí danh Thành Công”.

Đồng chí Phan Khắc Hy tham gia khởi nghĩa tại quê nhà Quảng Bình. Sau năm 1954, ông là Chủ nhiệm Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Ban Nghiên cứu sân bay. Năm 1964, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hợp nhất hai quân chủng phòng không và không quân, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm Chính trị, rồi Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân. Đến năm 1967, Bộ Tư lệnh Không quân được thành lập, ông được đề cử làm Chính ủy đặc trách công tác chính trị và tổ chức, tuyển chọn người làm phi công, xây dựng đội ngũ cán bộ không quân. Đến nay, ông vẫn nhớ lời dặn của Bác Hồ: “Tổ tiên ta xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm đó trước hết là của các chú”.

Hai phi công Trần Hanh (phải) và Phạm Ngọc Lan kiểm tra phim xạ kích sau trận đánh ngày 4-4-1965. Ảnh tư liệu

Hai phi công Trần Hanh (phải) và Phạm Ngọc Lan kiểm tra phim xạ kích sau trận đánh ngày 4-4-1965. Ảnh tư liệu

2. Lực lượng không quân Việt Nam lúc đó còn non trẻ với những chiếc MiG “cổ lỗ” đã liên tiếp bắn rơi máy bay hiện đại của địch khi chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền bắc nước ta. Năm 1965, mặt trận trên không được mở ra và không quân ta đã đánh thắng ngay trận đầu. Từ tin tình báo cho biết ngày 3-4-1965, Mỹ đem hàng loạt máy bay ném bom cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), một điểm xung yếu trên tuyến chi viện bắc nam, phi công Phạm Ngọc Lan chỉ huy biên đội tiến công đã bắn hạ hai chiếc F8E, niềm tự hào của không lực Mỹ thời điểm đó. Ngày 4-4, biên đội tiến công do phi công Trần Hanh chỉ huy bắn hạ hai chiếc cường kích F105.

Ngày 12-5-1967, phi công Ngô Đức Mai đã “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, bắn rơi máy bay của đại tá phi công Mỹ Gaddi Norman Carl, được xem là chuyên gia không chiến của Mỹ, chỉ ở cự ly 53 m trên bầu trời Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy từ 1965 đến 1968 bắn hạ bảy máy bay Mỹ (hai chiếc F105, năm chiếc F4). Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát từ một người lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của không quân Việt Nam, từ 1966 đến 1972 đã bắn hạ sáu máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý khi mới 27 tuổi… Phi công chúng ta chỉ có vài trăm giờ bay đã bắn rơi những máy bay cường kích, tiêm kích hiện đại do những phi công lành nghề có hàng nghìn giờ bay điều khiển.

3. Tháng 5-1971, đồng chí Phan Khắc Hy được điều về làm Chính ủy Đoàn 470, ngày tháng gắn bó với quân chủng Phòng không - Không quân vẫn luôn khiến ông rất đỗi tự hào. Ông chia sẻ, chính tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, vì miền nam ruột thịt, dù hy sinh mất mát vẫn sẵn sàng xung phong của quân dân ta đã làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Đây là chiến thắng của con người Việt Nam với khát vọng hòa bình, với chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ngày đó, những chiếc MiG đã thoắt ẩn thoắt hiện trong mây rồi bất ngờ xuất kích tiến công khiến nhiều máy bay chiến đấu đời mới của Mỹ bốc cháy. Người Mỹ từng tuyên bố B.52 là “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”, nhưng khi vào bầu trời Việt Nam đã bị hỏa lực phòng không dày đặc bởi dàn pháo cao xạ và các phi công ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam là Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều tiêu diệt. Cùng với thắng lợi trên các mặt trận chính trị, ngoại giao, quân sự…, người Mỹ phải ngồi lại vào bàn hội nghị tại Paris, ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi trên bàn hội nghị đã đưa đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với chiến thắng ngày 30-4 lịch sử.

KỶ NIỆM VỚI ĐOÀN KHÔNG QUÂN TRIỀU TIÊN

Tướng Hy vẫn nhớ kỷ niệm với đoàn không quân chiến đấu Triều Tiên. Ông kể: “Ngày đó, đầu năm 1965 khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền bắc bằng không quân, với tinh thần đồng chí và tham gia chiến đấu để rút kinh nghiệm, từ năm 1965 đến năm 1969, phía nước bạn Triều Tiên cử sang Việt Nam hai đoàn sĩ quan, cán bộ không quân. Đoàn thứ nhất từ năm 1965 đến cuối năm 1966; đoàn thứ hai từ năm 1967 đến đầu năm 1969. Qua thực tiễn, không quân nước bạn đã rút được nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên không; kinh nghiệm nhân dân tham gia bảo vệ lực lượng không quân, khôi phục và sửa chữa sân bay; kinh nghiệm về xây dựng con người không quân về tư tưởng, kỹ thuật, tinh thần chủ động sáng tạo và đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-chinhtri/ky-uc-giu-vung-troi-to-quoc-629815/