Ký ức hình đôi mắt

Khi bước vào tuổi bảy mươi cũng là lúc cha tôi thường hay mất ngủ. Cha ngày một tiều tụy nên ai trong nhà cũng sốt ruột, lo âu. Gia đình và những người thân tìm hết cách này đến cách khác nhưng tất cả đều không thuyên giảm.

Trong lúc gia đình đang không biết phải làm sao thì mấy chú đồng đội cũ của cha đến nhà chơi và bảo rằng họ cũng thường mất ngủ như ông. Một nỗi trằn trọc khôn nguôi trong lòng. Cứ mỗi mùa mưa lại xộc lên, làm những đêm nghe lắc rắc bên hiên nhà, là lòng lại xốn xang rất lạ.

Cha và mấy chú quyết định đi thăm lại chiến trường năm xưa, nơi họ gửi gắm gần hết tuổi thanh xuân và mang về nhiều nỗi buồn vui giấu sâu vào trong tâm tưởng. Ban đầu, cả nhà ai cũng lắng lo cho chuyến đi xa này nhưng cha thuyết phục quá, cộng với dấu hiệu khởi sắc của giấc ngủ khi ông bàn về chuyến đi, làm cả nhà phần nào yên dạ.

Cha đi gần cả tháng mới về. Ngày về, sắc mặt ông tươi tắn hẳn. Ông cười nói nhiều hơn, như cái cây khô lâu ngày được tưới bằng mùa mưa mát ngọt. Cha lấy từ ba lô ra tấm hình, ông mừng rỡ khoe với tôi. Trong hình là cả nhóm đồng đội của cha và một người đàn ông da ngăm, tóc quăn, mắt sâu và rất sáng, đứng bên cha tôi với nụ cười rạng rỡ. Nhìn mãi mà tôi vẫn không nhận ra người đàn ông ấy là ai. Cha nói: “Này là thằng Sun, nó là anh cả của con đó”.

 Minh họa: THÁI AN.

Minh họa: THÁI AN.

Tôi ngỡ ngàng, kết nối những câu chuyện rời rạc mà cha hay kể bâng quơ. Bỗng dưng thấy chúng xếp thẳng tắp thành hàng thành lớp, trải ra trước tôi câu chuyện. Nơi đó là thanh xuân, là ký ức của những người lính già, từng một thời vào sinh ra tử...

***
Cũng như những ngày trước đó, pháo nổ từ phía xa gầm gừ như nghiến răng với đất. Sun đã thôi giật mình khóc thét như những ngày đầu. Tai nó đã chai lì với tiếng pháo. Mới mấy hôm trước, Sun còn chạy ra trước cửa, lượm những chiếc lá rơi, chơi vô tư như chính tuổi thơ của nó. Đêm đó, khi mặt trăng còn ngủ quên trên bầu trời, cả làng thức dậy, cha mẹ giục nó thức dậy. Sun nghe tiếng heo, gà kêu la, tiếng người ta gánh đồ đạc chạy ngoài đường. Trong cơn lũ người túa ra con lộ lớn, thằng Sun lấy tay chùi con mắt vẫn còn đóng ghèn. Khi nhìn lại, nó không thấy mẹ cha đâu hết. Sun bị một cái gánh hất té vào trong lề, không lâu sau, mọi người đi hết, tiếng im lặng của đêm lại trở về. Thằng Sun bắt đầu mếu máo khi nó nhìn thấy mẹ nằm trên vũng máu ở giữa đường. Nó chạy nhanh ra ôm mẹ khóc. Nhưng người mẹ nó lạnh tanh, nó bắt đầu thấy sợ. Nó biết mẹ nó chết rồi. Sun vừa khóc vừa chạy, nó cũng không biết chạy đi đâu nữa. Nó cứ chạy, cứ chạy đến khi thấy bầu trời hửng sáng rồi lại tối om lại trong đôi mắt khép của nó...

Sun dần dần tỉnh dậy khi sương đêm xuống ướt nhẹp trên mặt. Sun không biết mình nằm trên tay một người bận áo xanh lạ lẫm từ lúc nào. Sun lấy tay vuốt mấy giọt nước mắt lăn dài trên mặt, cố tình nhìn thật kỹ như không tin những gì mình thấy. Nó mở mắt nhìn trân trân vào người đó, rồi ngồi bật dậy chạy ra xa. Nó lại chạy về phía mẹ. Sun kéo xác mẹ vào một ngôi nhà, đóng cửa, rồi ngồi trong ô cửa nhỏ nhìn ra phía bên kia, nơi những người áo xanh đang đóng quân ở đó.

Từ sáng hôm đó tới trưa, nó không có một hột cơm nào trong bụng. Mùi mì gói bên kia đường làm bụng nó cồn cào. Sun ló đầu ra khung cửa, nhìn về những người xa lạ. Họ nhìn nó, rồi bàn tán gì đó. Họ ngoắc tay với nó. Sun đóng cửa lại, tim đập mạnh liên hồi, mùi mì gói lại xông lên mũi. Nó mở cửa nhẹ ra, một tô mì nằm đó. Nhanh tay, Sun lấy ngay tô mì, ăn ngon lành. Buổi chiều, nó vẫn thấy mấy người lạ đó đem đến một tô cơm, có mấy mẩu bánh mì. Nhưng nó chợt nghi ngờ lòng tốt của họ, khi họ quá xa lạ và tiếng nói khác thường.

Đêm hôm sau, xác mẹ nó bắt đầu phân hủy, lũ ruồi cứ vo ve xung quanh. Nó chạy ra ngoài, mấy người lạ mặt đó chạy vào ngôi nhà, đem xác mẹ nó đặt vào một cái bao ni lông rồi kéo khóa lại. Nó chạy theo. Họ đào một cái huyệt để mẹ nó xuống và lấp đất lại, nghiêm trang.

Mấy ngày sau đó vẫn vậy, mỗi bữa, Sun vẫn có một phần ăn như họ. Nó thấy đàn kiến bò lại tha ổ bánh mì ăn. Sun nghĩ ổ bánh mì này không độc, nó cầm ổ bánh mì ăn ngấu nghiến. Những ngày sau Sun vẫn lấy ổ bánh mì để gần ổ kiến, đến khi nào kiến tha ăn nó mới tin và ăn. Đến lần thứ hai chục gì đó, họ gọi nó í ới, nó lấy can đảm lại gần để nhận một ổ bánh mì. Họ cười thật tươi. Từ đó trở đi, Sun không còn sợ những người áo xanh nữa. Hằng ngày, Sun chạy đi khắp những ngôi nhà bỏ hoang, rồi lại về nơi họ đóng quân để được bữa cơm. Nó nói tiếng Khmer, họ nói tiếng Việt. Nhưng qua nét mặt và cử chỉ, nó và họ hiểu nhau.

Tiếng pháo bắt đầu nổ lớn, những người áo xanh kéo nhau đi hơn một nửa, nó níu tay đi theo nhưng họ nói gì đó, ý là hãy ở lại đây, yên tâm! Nó ở lại với một nửa đoàn quân, với số lương thực ít ỏi còn lại. Tiếng pháo về đêm lại lớn hơn, pháo nổ sau lưng trại lính. Họ được lệnh di chuyển, nó không thể đi theo, một người thông dịch được điều động tới. Ông nói với Sun, nay mai gia đình sẽ về, nó cứ yên tâm mà ở lại đây. Mấy người lính trong đoàn mở ba lô, chia cho nó một nửa phần lương thực và mấy viên thuốc. Họ nhìn Sun cười, nó ngơ ngác nhìn theo đoàn quân đi đến khi bóng họ khuất dần ở phía xa.

Lương thực của Sun đã cạn nhưng cả làng chẳng có một bóng người, tiếng pháo tan dần ở phía xa. Mọi người về, nhưng nhà nó đã chết hết, chết trong cơn đói và bị thất lạc nhau. Những người lính áo xanh từ phía tây trở về, Sun được gặp lại họ, nó mừng rỡ như gặp lại gia đình. Đoàn quân dừng chân lại mấy hôm, giúp dân làng che lại nhà. Sau đó họ đi, nó chạy theo họ. Ông hàng xóm ngồi trước nhà gọi theo ới ới:

- Sun... Sun... Sun...

Đêm ở rừng, thằng Sun đau bụng, nó chòi lên chòi xuống như bị cắt từng đoạn ruột. Ba nhà báo chiến trường, cũng là lính áo xanh, thức giấc theo nó. Bọc thuốc đã hết. Ba người đồng đội kèm thằng Sun đi về hướng trạm quân y. Họ đi trong cơn mưa rừng. Thằng Sun vẫy vùng lăn lộn. Khi đi một đoạn khá xa thì ba người lính phát hiện thằng Sun giả bệnh mà thôi. Nó dắt họ đi suốt một ngày đường nhưng vẫn không thể nào ra khỏi rừng. Người lính cầm chiếc máy ảnh, bắt đầu nghi ngờ thằng nhóc dẫn đường này. Nhưng lúc ấy, hai người lính còn lại vẫn tin, tin ánh mắt thành thật ấy của thằng Sun không hề có chút tia gian dối nào. Đến một ghềnh đá, bỗng có tiếng nổ lớn, một người lính ngã xuống, đôi mắt trợn lên rồi tắt thở. Hai người còn lại cuống cuồng, níu tay người xấu số, kêu ơi ới. Một loạt pháo từ rừng cháy sáng bừng bừng. Người lính cầm máy ảnh quyết định bỏ đi, ông nắm lấy tay đồng đội chạy đi như sẹt trong đám rừng hoang vu. Trước khi đi quá xa, ông kịp chụp lại tấm ảnh thằng Sun mắt như ướt, bước lại, lấy tay đặt lên má của người lính hy sinh.

Một loạt pháo nữa rơi xuống cánh rừng, lửa cháy phừn phựt, như thiêu đốt cả cánh rừng. Người lính cầm máy ảnh chụp lia lịa:

- Thấy chưa! Tụi nó lấy thằng nhỏ ra làm mồi dụ mình đó. Tội cho anh Thịnh, mà may là mình ra kịp...

Người lính còn lại đứng lặng im, thầm thương xót “chắc nó chết trong loạt pháo vừa rồi, trời ơi!”.

Hai người lính về trại kịp lúc đoàn quân chuẩn bị rời đất bạn. Người lính viết báo vẫn rai rức lòng. Đất mẹ bên kia ngọn núi thôi nhưng ông thấy một chút lòng ông đã neo lại nơi đây. Đoàn quân hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, trở về tới biên giới. Trong lớp quân đi, có một người lính ngoái mắt lại nhìn như muốn nói gì đó với rừng, với người nơi ấy, chỉ lời nói thôi mà sao vẫn không nói được, cứ nghẹn lại ở trong lòng ông suốt những năm tháng sau này.

Nhưng... có một điều ở bên kia biên giới, nơi ấy, bên cây thốt nốt to đùng, thằng Sun đứng như chết trân, đôi mắt nó nhìn đăm đăm vào đoàn quân đang di chuyển như muốn nói một điều gì đó. Và một người lính đã chụp lại được tấm ảnh ấy, để mấy mươi năm sau, khi tuổi già có những đêm trằn trọc mất ngủ. Nỗi nhớ năm nao gọi về, người lính ấy quyết định đem câu chuyện kể lại cho đồng đội nghe nhân ngày gặp mặt.

Họ quyết định trở về chiến trường xưa, tìm tung tích thằng Sun. Và đã tìm lại được sau gần một tháng ròng. Họ mừng vui khôn tả. Niềm vui được nhân đôi khi thằng Sun dẫn họ đi tìm và bốc hài cốt người đồng đội đưa về đất mẹ. Ngôi mộ nằm trong cánh rừng, mộ đắp đất không cao, trên đầu mộ có tảng đá, ghi chữ Khmer “Người áo xanh”. Đến lúc chia tay rừng ra về, ánh mắt thằng Sun nhìn hai người lính Việt như muốn níu họ lại, như muốn nói lên được cả lời... Và ánh mắt ấy vẫn y hệt năm nào, đó là ánh mắt vẫn thường hiện ra trong giấc mơ lưng chừng của ông. Nhưng bây giờ, ánh mắt ấy trọn vẹn như một vầng trăng, thứ ánh sáng ấm vàng trong đêm, làm lòng cha tôi và những người lính già cảm thấy rằng sự hy sinh nào cũng mang một ý nghĩa thiêng liêng và hạnh phúc!

Truyện ngắn của LÊ QUANG TRẠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ky-uc-hinh-doi-mat-658797