Ký ức khó quên về Nhà hát Nhân dân tỉnh Hải Dương

Từng hàng ghế rêu phong phủ kín, cỏ dại mọc bao trùm, vách tường đổ vỡ, hoang tàn là những hình ảnh của Nhà hát Nhân dân tỉnh Hải Dương hiện nay, khác hẳn với ký ức một thời.

Hàng ghế đại biểu hoặc vé giá cao được đánh số, lát đá hoa

Hàng ghế đại biểu hoặc vé giá cao được đánh số, lát đá hoa

Một thời nhộn nhịp

Từng được đánh giá là nhà hát ngoài trời đẹp nhất miền Bắc, Nhà hát Nhân dân tỉnh Hải Dương từng là ao ước của nhiều người dân mong một lần đến xem nghệ sĩ biểu diễn. Đây chính là nơi các đoàn nghệ sĩ kịch, chèo, ca nhạc ở mọi miền Tổ quốc về biểu diễn. Mỗi đoàn về ở lại hàng tuần biểu diễn, giao lưu với nhân dân Hải Dương. Anh Trần Thế Thái, một người dân có nhà ở gần cổng vào nhà hát cho biết anh gắn bó với công trình này từ nhỏ nên giờ đây chứng kiến cảnh hoang tàn này anh không khỏi nuối tiếc. Ở đó anh từng có tuổi thơ vui vẻ, mỗi lần có đoàn kịch đến ai cũng háo hức.

Anh Thái còn nhớ nhà anh có người dưới quê khi thấy có đoàn kịch về Hải Dương biểu diễn, có người đi bộ từ hôm trước, có người đạp xe đến nhà ở lại chờ xem. Ngày đó các đoàn văn nghệ đến còn mượn một gian nhà gia đình anh để bán vé. Vì không có tiền mua vé “VIP” nên anh chỉ nhớ giá vé hàng ghế rẻ từ 2-4 hào/vé. Vé này ngồi ở rất xa sân khấu nhưng đông người mua. Những hàng ghế đại biểu cũng có sự khác biệt hẳn với dãy ghế bình dân. “Có người đến mua vé chờ cả ngày, xếp hàng, chen chúc lẫn nhau mà làm cong cả song cửa sổ nhà tôi”, anh Thái nói. Rồi anh nhớ ngày đó, nghệ sĩ cũng rất bình dân. Khi biểu diễn xong, dời sân khấu họ đi ăn và gặp những người yêu văn nghệ, sẵn sàng trải chiếu ngồi cùng đàn, ca, ăn tối với người dân ở vỉa hè. Anh Thái không thể quên mình đã từng xem biểu diễn của đoàn kịch Trần Hữu Trang, sông Hậu, đoàn cải lương Hòa Bình.

Cổng số 1 vào nhà hát đóng cửa từ lâu

Cổng số 1 vào nhà hát đóng cửa từ lâu

Nhà hát có 4 cổng vào. Dọc phố Lê Lợi là cổng số 1, giáp lưng với trụ sở UBND tỉnh là cổng số 2, cổng thứ 3 ở phố Tô Hiệu, cổng số 4 nằm ở phố Đô Lương, đối diện Sở Nội vụ nhưng nay một số cổng đã bị xây bít lại. Các cổng đều có người bán vé vào xem nhưng sau giải phóng, kinh tế khó khăn nên nhiều thanh niên “bật tường” trốn vé để vào xem biểu diễn.

Ông Phạm Thế Thắng, một người đã sống quá nửa đời cạnh nhà hát cho biết ông bất ngờ vì sự xập xệ, tồi tàn của nhà hát. Ký ức mấy chục năm nhưng với ông vẫn như ngày hôm qua còn ồn ào, náo nhiệt mà hôm nay đã thành quá khứ, dĩ vãng dần phai màu. Từ gian xưởng làm nghề hàn xì của gia đình ông Thắng vẫn có một lối đi sau sang nhà hát, thi thoảng ông Thắng lại sang ngắm lại những chỗ ngồi, sân khấu, nhớ lại khung cảnh xưa kia. Thời đó không có nhiều rạp chiếu phim như bây giờ, không có điện thoại, máy tính nên nhà hát là địa điểm giải trí có một không hai trong cả tỉnh. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa mà người dân Hải Dương rất mong chờ. Không chỉ biểu diễn văn nghệ, nhà hát còn là nơi chiếu nhiều trận bóng đá do các đoàn thể thao mang máy chiếu đến phát thu hút đông đảo nhân dân đến xem.

Biển đánh dấu dãy ghế ngồi han gỉ

Biển đánh dấu dãy ghế ngồi han gỉ

Hồi sinh khu đất hoang hóa

Nhà hát Nhân dân được xây dựng vào những năm 70 của thế kỷ trước với diện tích hơn 6.000 m2 trong khuôn viên Vọng cung trước đây (nơi để tế lễ, bái vọng, thể hiện lòng yêu kính vua, cầu cho mưa thuận gió hòa, chỉ có quan chức mới được đến đây). Cho đến nay, dấu tích của Vọng cung vẫn còn thể hiện ở trụ cổng số 1 vào nhà hát. Tuy cổng này đã được xây đắp nhưng bên trong vẫn còn hoa văn của trụ Vọng cung. Theo ký ức của nhiều người sống cạnh nhà hát, sau năm 1990, các đoàn kịch, chèo không còn về Hải Dương biểu diễn, trong tỉnh thi thoảng tổ chức văn nghệ nhưng ít người đến xem rồi thưa dần. Sau này không còn ai lui tới, nhà hát đóng cửa, bên trong cỏ mọc um tùm, rác thải từ đâu cũng kéo về như một khu ổ chuột. Khung cảnh nhìn vừa tiếc nuối, vừa lãng phí.

Những dãy ghế ngồi xem biểu diễn rêu phong cùng thời gian

Những dãy ghế ngồi xem biểu diễn rêu phong cùng thời gian

Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, TP Hải Dương đã xây dựng phương án quy hoạch tổ hợp công trình thể thao, vườn hoa tại khu vực Nhà hát Nhân dân thành 4 khu với tổng diện tích hơn 8.400 m2, tổng mức đầu tư dự kiến gần 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và nguồn đấu giá quyền sử dụng đất của dự án.

Theo quy hoạch, khu 1 được bố trí vườn hoa, cây xanh kết hợp bãi đỗ xe và thể thao ngoài trời cho nhân dân với diện tích hơn 2.100 m2. Khu 2 xây dựng tổ hợp công trình trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ bóng bàn của tỉnh và thể thao cộng đồng với quy mô 4 tầng, diện tích nền hơn 1.800 m2. Khu 3 bố trí quỹ đất tái định cư, khoảng 822 m2 để di chuyển các hộ dân trong phạm vi quy hoạch. Khu 4 quy hoạch quỹ đất ở với quy mô phù hợp để tạo nguồn đầu tư xây dựng.

Sân khấu biểu diễn của Nhà hát Nhân dân tỉnh Hải Dương hoang tàn

Sân khấu biểu diễn của Nhà hát Nhân dân tỉnh Hải Dương hoang tàn

Tại khu vực này, các công trình, biểu tượng và dấu tích giữ lại sau khi xây dựng đều gắn với lịch sử và ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm Hải Dương, nói chuyện với nhân dân thị xã Hải Dương (ngày nhà hát còn là Vọng cung). Ông Phạm Thế Thắng chậm rãi nói: “Xã hội phát triển, để nhà hát cũ giờ không còn phù hợp nữa. Chúng tôi mong sớm có những công trình văn hóa hiện đại để người dân xung quanh được hưởng thụ. Thế nhưng một thời sôi động về Nhà hát Nhân dân mà lớp tuổi chúng tôi vẫn không bao giờ quên”. Hy vọng các công trình sớm được thực hiện, tránh lãng phí khu đất vàng của thành phố, người dân được sử dụng tổ hợp công trình văn hóa- thể thao cộng đồng.

MINH NGUYÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ky-uc-kho-quen-ve-nha-hat-nhan-dan-tinh-hai-duong-364850.html