Ký ức không quên của cụ bà tham gia kéo lá cờ Tổ quốc trong lễ Độc lập
Mỗi khi có dịp được nhắc nhớ về lễ Độc lập năm 1945, cụ Lê Thi lại không kìm nén được cảm xúc rưng rưng vì xúc động, tự hào. May mắn là một trong hai người tham gia kéo lá cờ Tổ quốc trong ngày đặc biệt, cho đến nay hình ảnh, không khí của ngày lễ ấy vẫn in sâu trong tâm trí cụ bà.
Xúc động khi nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay trước gió
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.
Sự kiện lễ Độc lập ngày 2/9/1945 là một sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ bà Lê Thi vinh dự là một trong hai người tham gia kéo lá cờ Tổ quốc trong lễ Độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Nhân lễ Kỷ niệm ngày Quốc khánh, PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến tư gia của cụ bà Lê Thi trên phố Ngô Quyền, Hà Nội. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa, SN 1926, quê quán Hưng Yên) vẫn rất minh mẫn. Cụ là con gái nhà giáo nổi tiếng và là Hiệu trưởng trường Bưởi - Liệt sĩ Dương Quảng Hàm.
Năm 1945, bà Lê Thi vinh dự là một trong hai người tham gia kéo lá cờ Tổ quốc trong lễ Độc lập, ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Thấy có người đến thăm, cụ bà được mọi người đỡ dậy, cùng chúng tôi trò chuyện về những ký ức vẻ vang trong ngày trọng đại của đất nước 74 năm về trước.
Hồi tưởng lại không khí những ngày hào hùng của lịch sử, cụ Lê Thi kể: "Sau khi nhận được lệnh của cấp trên, cách ngày 2/9/1945 khoảng 1 tuần, tôi có cùng một số chị em ở hội Phụ nữ cứu quốc phố Hàng Bông đến từng nhà vận động chị em khu phố vào đúng ngày 2/9 đóng cửa đi dự Lễ Độc lập tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội".
Theo cụ Lê Thi, khi đó không khí rất rộn ràng, ai cũng rất háo hức. Hội chị em phụ nữ nơi bà sinh hoạt tổ chức tập bước đi đều, tập hát các ca khúc cách mạng như: Tiến Quân ca, Diệt phát xít... gương mặt của ai cũng tươi vui. Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 được diễn ra, cụ Lê Thi hôm đó mặc quần trắng, áo trắng, đi dép ba ta trắng và vác gậy trên vai.
"Tôi năm nay tuổi cũng đã cao, nhưng được sống trong hòa bình, tự do, được chứng kiến sự đổi thay của đất nước tôi mới thấy rằng nước mình có sự thay đổi, phát triển vượt bậc. Đặc biệt trước kia phụ nữ chỉ lấy chồng sinh con thì nay người phụ nữ Việt Nam được tham gia nhiều công việc quan trọng hơn, bình đẳng hơn. Đó là sự đổi mới dễ nhận thấy".
"Tôi đi đầu dẫn các chị em đi, vừa đi vừa hô khẩu hiệu "Việt Nam muôn năm"... Cứ thế, chúng tôi hồ hởi đến khu vực Quảng trường Ba Đình dự mít tinh", cụ Lê Thi bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc di chuyển đến khu vực diễn ra lễ Độc lập.
Theo chia sẻ của cụ Lê Thi, tại lễ Độc lập hôm ấy chia ra nhiều đoàn đứng rất đông: Đoàn phụ nữ, đoàn thanh niên, thiếu nhi, người cao tuổi... Nhóm của cụ Lê Thi đứng ở hàng đoàn phụ nữ. Cụ Lê Thi không giấu nổi cảm xúc vừa bất ngờ, vừa vinh dự khi được chọn là một trong hai người phụ nữ tham gia kéo lá cờ Tổ quốc trong lễ Độc lập.
"Khi đứng ở đoàn Phụ nữ Thủ đô, tôi đứng đầu tiên. Lúc sắp đến giờ khai mạc, bỗng có một người của ban tổ chức xuống khu vực nơi tôi đang đứng và bảo "các chị cử một người lên kéo cờ". Chúng tôi đứng im một lúc, sau đó lại có tiếng giục "các chị nhanh lên". Khi đó, mọi người đồng thanh hô "Thi lên đi", nhưng thú thực lúc đó tôi rất lo sợ vì sự việc xảy ra bất ngờ. Tôi lo rằng mình không được chuẩn bị trước, không kéo được cờ thì mọi người sẽ trách bởi đây là sự kiện vô cùng trọng đại của đất nước. Nhưng, vì khi ấy tôi đứng đầu hàng nên theo phản xạ tôi cũng chạy lên", cụ bồi hồi kể lại thời khắc xúc động.
Từ dưới đi lên lễ đài đứng, lúc này Lê Thi gặp một phụ nữ người dân tộc Tày. Hai người dắt tay nhau bước tới lễ đài. Cụ kể: "Đến nơi, tôi mới bảo với chị ấy là "chị thấp thì chị đỡ cờ còn em cao thì em kéo cờ", chị ấy đồng ý. Khi Quốc Thiều vang lên, chúng tôi từ từ kéo cờ, khi cờ vừa lên đến đỉnh tung bay trước gió cũng là lúc Quốc Thiều kết thúc trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Đến lúc này, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành nhiệm vụ".
Lần đầu tiên nhìn thấy Bác Hồ
Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, cụ bà Lê Thi luôn nhấn mạnh việc mình được lựa chọn lên kéo cờ trong lễ Độc lập 2/9/1945 là ngẫu nhiên. Đó là giây phút thiêng liêng, ý nghĩa mà cụ không bao giờ quên, đặc biệt là khi cụ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ Lê Thi xúc động nói: "Sau khi kéo cờ lên, tôi lùi lại, ở phía xa xa tôi nhìn thấy Bác Hồ, đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Bác ở một cự li gần đến thế, còn thường ngày tôi chỉ nhìn thông qua ảnh. Trong suy nghĩ tôi khi ấy, tôi cho rằng hôm nay là một ngày đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ăn mặc comple, thắt cà vạt, đi giày đen bóng loáng... Nhưng không, Bác Hồ ăn mặc rất giản dị, Bác mặc quần áo bộ đội, đi dép cao su. Nhìn Bác, tôi thấy Bác gần gũi, thân quen làm sao.
Đến lúc Bác bắt đầu hỏi "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", tôi thấy Bác đặc biệt quá, Tiếp đến, Bác nói "Chúng ta thề giữ gìn nền độc lập", ở dưới vạn người hô "xin thề, xin thề, xin thề". Từ giây phút ấy đã thôi thúc tôi (khi ấy mới là thiếu nữ mới 19 tuổi) thay vì làm cô giáo, tôi quyết định chuyển hướng tham gia các công tác phong trào, vận động mọi người làm việc tốt. Tôi may mắn được nhìn thấy Bác Hồ, cho đến bây giờ, tôi vẫn hay kể cho con, cháu mình nghe về ngày đặc biệt đáng nhớ ấy".
Chia sẻ thêm về người phụ nữ cùng kéo cờ với mình hôm 2/9/1945, cụ bà Lê Thi bảo, "chị ấy bây giờ cũng đã thành người thiên cổ rồi. Mãi 44 năm sau, trong cuộc họp mặt truyền thống tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 22/12/1989, chúng tôi mới gặp lại nhau. Hôm đó, tôi mới biết tên chị là chị Đàm Thị Loan, dân tộc Tày, là vợ của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái. Khi gặp nhau, chị em ôn lại kỷ niệm ngày 2/9/1945 và hàn huyên đủ cung bậc cảm xúc khi ấy. Thật sự, được gặp lại nhau là điều khiến tôi rất vui".
Trở về với cuộc sống thường nhật, cụ bà Lê Thi cũng như bao người dân thời điểm ấy xắn tay áo vào công cuộc dựng xây, phát triển đất nước. "Tôi tham gia rất nhiều việc, đi xuống nhà dân để hiểu hơn về cuộc sống của những người dân, tôi lên Tuyên Quang, Vĩnh Phúc làm công tác phụ nữ, sau đó tôi chuyển về Hà Nội thi đỗ làm cô đỡ (hộ sinh bây giờ- PV), làm việc tại bệnh viện Bạch Mai".
Kết thúc cuộc trò chuyện với PV, cụ bà Lê Thi nắm chặt tay chúng tôi nhắn nhủ: "Tôi chỉ mong sao thế hệ trẻ cảm nhận được không khí của những ngày lễ đặc biệt ở quảng trường Ba Đình lịch sử năm ấy, hiểu được những gì mà cha ông ta đã không tiếc máu xương để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Và từ ấy, thế hệ trẻ cần tôi luyện, phấn đấu hơn nữa để đất nước của chúng ta ngày càng phồn vinh, giàu đẹp, tự tin sánh vai với các cường quốc năm châu".
Hoàng Bích – Tuấn Linh