Ký ức không quên của những người phụ nữ từng làm nên 'Huyền thoại Trường Sơn'

Họ là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng bỏ lại sau lưng tất cả: bố mẹ, con thơ,…để cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Những chia sẻ của các nữ cựu chiến binh, thanh niên xung phong trong chương trình 'Huyền thoại Trường Sơn' khiến ai nấy đều cảm động.

Chương trình “Huyền thoại Trường Sơn”do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức ngày 24/4/2025 tại Hà Nội.

Trốn bố mẹ đi bộ đội

Năm 1968, trên tuyến đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ huy động lực lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm, nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam càng trở nên cấp bách, lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hòa (trái), nguyên Chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn.

Bà Nguyễn Thị Hòa (trái), nguyên Chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn.

Đại đội nữ lái xe Trường Sơn 45 nữ tài xế ngày ấy nay chỉ còn 31 người.

Tại buổi giao lưu, Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, Trưởng ban liên lạc nhớ lại: “Đại đội có 45 chị em thì có 40 người là lái xe, 5 người là thợ sửa. Lái cái xe tải to như thế, chúng tôi chỉ được học lái có 45 ngày. Từ năm 1968, xuất hiện đội nữ lái xe vòm. Đến cuối năm 1969, chiến tranh ác liệt, chúng tôi bắt đầu tham gia chiến dịch, lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Chị em lái xe, người nào khỏe thì một mình một xe, ai yếu hơn thì hai người một xe, thay nhau lái cho đỡ mệt. Những cung đường chị em lái xe qua, Bộ Tư lệnh Công binh đánh dấu để có phương án bảo vệ. Lái xe qua các trạm giao liên, các anh thương chúng tôi lái xe vất vả, có đồ ăn ngon gì cũng phần. Lái xe trên đường rừng vào ban đêm, đường đi nhiều hố bom, nam giới đã vất vả rồi, nữ giới còn vất vả bội phần, tuy nhiên ai cũng mang trong mình nhiệt huyết cùng cả nước quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà động viên nhau vượt qua. Người nào mệt thì ở nhà làm lốp, làm nhíp, không lúc nào nghỉ ngơi.

Trên tuyến đường Trường Sơn, có nhiều trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt như Ngã ba Đồng Lộc, 050, Cổng Trời,... có hôm Đại đội chúng tôi có tiểu đội 4 chị đi trước. Biết tuyến đường này nguy hiểm, đi mà chẳng biết có ngày về nên trước khi đi, đơn vị làm lễ truy điệu sống cho các chị. Vất và, nguy hiểm như thế nhưng chị em ai cũng hăng hái đi làm nhiệm vụ”.

Là đồng đội với bà Hòa, bà Bùi Thị Vân kể lại: “Năm 1965, khi Mỹ đánh phá rất ác liệt, tôi khi đó mới 16 tuổi đã trốn nhà tình nguyện đi TNXP. Do có nhiều thành tích nên năm 1968, tôi được chuyển sang bộ đội, thuộc trạm 12, trực thuộc Bộ Tư lệnh 559. Khi có lệnh chọn một số nữ có sức khỏe, nhanh nhẹn sang lái xe, tôi tình nguyện xin học lái xe. Những chị em được chọn được đưa ra sân bay Nam Đàn (Nghệ An) học trong 45 ngày và được cấp một giấy phép lái xe tạm thời. Sau đó về binh trạm, binh trạm đặt cho chị em cái tên đơn vị nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh. Đi vào hoạt động, chúng tôi chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường miền Nam; đưa thương binh, bệnh binh, cán bộ từ chiến trường ra miền Bắc điều dưỡng, học tập… Là nữ giới nhưng chúng tôi lái xe, bốc vác hàng hóa, gặp thương binh thì trở thành hộ lý. Công việc nào nam giới làm được, chúng tôi cũng làm được. Vất vả, nguy hiểm không làm chúng tôi chùn bước”.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Bùi Thị Vân và Hoàng Thị Kim Vinh tại buổi giao lưu.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Bùi Thị Vân và Hoàng Thị Kim Vinh tại buổi giao lưu.

Bỏ con thơ ở nhà đi thanh niên xung phong

Năm 1965, chồng bà Hoàng Thị Kim Vinh đang ở chiến trường, con nhỏ mới 2 tuổi, bà Vinh ở hậu phương hăng hái tham gia hoạt động đoàn. Hà Nội sơ tán, bà Vinh lúc đó là Bí thư Chi đoàn đã vận động thanh niên chi đoàn viết đơn tình nguyện tham gia thanh niên xung phong (TNXP) và bản thân bà cũng viết đơn. Thành đoàn tưởng bà viết đơn để động viên thanh niên thôi chứ con nhỏ thế thì đi thế nào được. Nhưng như các thanh niên khác, phong trào 3 sẵn sàng chống Mỹ cứu nước hừng hực trong huyết quản, bà Vinh đã gửi con nhỏ lại cho ông bà để tham gia TNXP.

“Vào ngày 13/7/1965, chúng tôi tập trung ở sân nhà văn hóa thiếu nhi (Cung thiếu nhi ở Lý Thái Tổ bây giờ). Học tập xong, đơn vị chia làm các A, từ A1 đến A6, tôi làm trưởng A6. Xong xuôi, mọi người được về nhà chuẩn bị, rồi hôm sau tập trung ở Quận đoàn Hoàn Kiếm, đi ô tô sang Cổ Loa học. Đến ngày 17/7, chúng tôi về tập trung ở nhà hát Nhân Dân. Một số anh em tranh thủ về thăm nhà. Có người đã tìm đến bảo tôi gọi: “Bà ơi, bà bế cháu ra tiễn chị Vinh ở Nhà hát Nhân dân”. Mẹ tôi vội vàng bế cháu đi xích lô ra. Lúc đó là 4h chiều, mọi người đứng xếp hàng chuẩn bị lên tàu. Tôi làm A trưởng, đứng ngay hàng đầu, thấy mẹ bế cháu ra, vội chạy lại bế con. Vừa ôm con vào lòng, tiếng đại đội trưởng hô “Nghiêm!” làm cháu giật mình, tôi càng ôm chặt con trong lòng. Rồi chúng tôi hành quân ra ga Hàng Cỏ. Ba lô của tôi được người ta xách hộ để tôi được bế con lâu thêm chút nữa. Lên tàu, tôi làm nhiệm vụ sắp xếp vị trí cho mọi người. Đến khi mọi người ổn định chỗ ngồi, tàu chuyển bánh, tôi ngó ra vẫn thấy hai bà cháu đứng dưới vẫy tay. Tôi nhìn hai bà cháu không ngăn được nước mắt, bùi ngùi, xúc động lắm. Kỷ niệm ấy, khoảnh khắc ấy tôi nhớ mãi" - bà Vinh chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Kim Vinh, nữ cựu Thanh niên xung phong thuộc Đội TNXP Thủ đô.

Bà Hoàng Thị Kim Vinh, nữ cựu Thanh niên xung phong thuộc Đội TNXP Thủ đô.

Phát biểu tại chương trình, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội khẳng định, Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 không chỉ là thành quả của ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước bất diệt, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; là sự hy sinh to lớn của hàng triệu người dân yêu nước từ Bắc chí Nam, trong đó có những người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Chương trình giao lưu là lời tri ân gửi tới những người phụ nữ đã góp phần làm nên “Huyền thoại Trường Sơn”. Đó là những nữ chiến sĩ thuộc Trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh (sau là Đại đội nữ lái xe Trường Sơn C13) - đại đội nữ lái xe duy nhất của quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là một biểu tượng sống động về tinh thần anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó còn là những nữ TNXP mảnh mai năm xưa, sục sôi nhiệt huyết, xếp lại bút nghiên, rời xa gia đình, tình nguyện tham gia các đơn vị thanh niên xung phong của Thủ đô, dấn thân vào “tuyến lửa”, chẳng ngại gian khổ, hy sinh, dâng hiến tuổi xuân, cùng quân và dân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Thanh Vân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ky-uc-khong-quen-cua-nhung-nguoi-phu-nu-tung-lam-nen-huyen-thoai-truong-son-post1194483.vov