Ký ức không thể nào quên của cựu chuyên gia tình báo Mỹ về sự kiện 30/4/1975
Là một nhà phân tích tình báo của Mỹ tại Sài Gòn trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Chuck Searcy chưa bao giờ nghĩ rằng 50 năm sau, ông sẽ sống ở Việt Nam và hỗ trợ người dân trong cuộc chiến khác - chống lại bom mìn chưa nổ.
Cuộc chiến ở Việt Nam cũng để lại vết sẹo cho một thế hệ binh lính Mỹ. Tuy nhiên, giống như nhiều người khác, Searcy đã trở lại chiến trường cũ và tận mắt chứng kiến quan hệ ấm lên đáng kể trong mối quan hệ giữa hai cựu thù.
Ông Searcy, 81 tuổi, đang sống ở miền Bắc, vào thời điểm đất nước Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước 30/4.

Ông Chuck Searcy vẫn nhớ những thời khắc mang tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. (Ảnh: Reuters)
Ông Searcy vẫn nhớ những lời nói của một người lính miền Nam Việt Nam mà ông gặp trong những năm 1960 tại Sài Gòn, nơi sau này được đổi tên thành thành phố mang tên Bác.
"Khi nào các ông chưa rời khỏi đất nước chúng tôi, chúng tôi sẽ không thể có hòa bình", ông Searcy nhớ lại lời người đó nói với ông, nhưng không tiết lộ tên. Dù làm việc cho chính phủ đồng minh của Mỹ, người lính đó vẫn tin Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể mang lại hòa bình.
Ngày nay, những quán cà phê Mỹ Starbucks có mặt trên khắp Việt Nam, còn người tiêu dùng Mỹ mua hàng hóa "Made in Vietnam”. Hai nước cựu thù đã trở thành đối tác kinh tế thân thiết. Các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Apple, Nike và Intel đang có nhà máy sản xuất quy mô lớn ở Việt Nam.
Chữa lành vết thương
Sau khi tận mắt chứng kiến những sự kiện bước ngoặt của cuộc chiến như Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, ông Searcy rời quân ngũ và trở về Mỹ. Ông đang ở Atlanta khi trên TV chiếu cảnh Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30/4/1975, trong khi chiếc trực thăng cuối cùng rời nóc nhà đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thành phố.
"Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng khi mọi chuyện đã kết thúc sau thời gian dài đau đớn", ông Searcy nói với Reuters. Vào thời điểm đó, ông Searcy kiên quyết phản đối chiến tranh, nhưng ông cũng cảm thấy lo lắng.
Tuy nhiên, kỳ vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi đã đưa ông trở lại Việt Nam 20 năm sau đó, với một dự án phục hồi chức năng cho trẻ em bị bại liệt và các bệnh khác.
Ông cho biết, điều đó diễn ra ngay sau khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam năm 1994, mang lại hy vọng hai bên có thể bình thường hóa quan hệ. Ông Searcy ở lại Việt Nam kể từ đó. Sau này ông trở thành người đồng sáng lập Dự án Renew, để giúp đỡ những người bị thương nặng do bom mìn và triển khai các đội rà phá, sau khi Mỹ đã rải 5-8 triệu tấn bom mìn xuống Việt Nam.
Ông cho biết rất ấn tượng trước khả năng phục hồi và tính thực tế của người Việt Nam, kể cả khi đang phải ứng phó với tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.