Ký ức không thể nào quên tại tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Tham gia tuyên truyền về lực lượng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tôi có cơ hội hiếm có để trải nghiệm 'những lần đầu tiên' nơi đây.

Lần đầu chứng kiến cảnh hoang tàn vì động đất

Còn nhớ, chúng tôi mất gần 1 ngày di chuyển từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) sang Istanbul, rồi từ đây bay tới Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay - đích đến của đoàn cứu hộ, cứu nạn QĐND Việt Nam. Đặt chân xuống sân bay Hatay ở Antakya lúc trời nhá nhem tối, đoàn cơ động đến vị trí đóng quân tại sân vận động Hatay. Trước đây, Antakya nổi tiếng là một đô thị hiện đại thịnh vượng với gần 400.000 dân, đồng thời là cái nôi của lịch sử các đế chế La Mã, Byzantine và Ottoman. Tuy nhiên, thảm họa động đất đã ập đến Antakya. Hai trận động đất mạnh hôm 6-2 đã tàn phá khắp miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Antakya chính là nơi hứng chịu sự hủy hoại nặng nề nhất.

Động đất đã phá hủy nặng nề Antakya cũng như nhiều tỉnh, thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Động đất đã phá hủy nặng nề Antakya cũng như nhiều tỉnh, thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên đường đi về sân vận động Hatay, qua cửa chiếc xe buýt giữa màn trời tối đen chỉ được thắp sáng bởi những ngọn đèn đường le lói, đập vào mắt tôi là khung cảnh hoang tàn, vắng vẻ không khác gì xem những bộ phim viễn tưởng về thảm họa thiên nhiên. Dọc hai bên đường là những đống đổ nát, những ngôi nhà nghiêng ngả chực đổ sập với chỉ một dư chấn nhẹ. Ngay cả những ngôi nhà còn đứng vững thì cũng chằng chịt những vết nứt ngoằn ngoèo đáng sợ. Xen kẽ với đó là các khu đất trống với nhiều dãy lều màu trắng đặt san sát nhau, được cung cấp bởi cơ quan điều phối tình trạng khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) để người dân tạm thời trú ẩn.

Khung cảnh hoang tàn nơi đoàn QĐND Việt Nam trinh sát tại khu vực đảm nhiệm ở Antakya.

Khung cảnh hoang tàn nơi đoàn QĐND Việt Nam trinh sát tại khu vực đảm nhiệm ở Antakya.

Trong thời gian đoàn thực hiện nhiệm vụ ở Antakya, mỗi khu vực tôi đến, cảnh tượng luôn như vậy. Những tòa nhà đứng vững sau trận động đất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết không có ngôi nhà nào còn nguyên vẹn bởi không bị sập mái thì cũng nứt tường. Có những nơi, nhà hai bên đường đổ sập lấp cả lối đi và lực lượng cứu hộ địa phương buộc phải dùng máy ủi để mở đường mới có thể tiếp cận được vào sâu bên trong. Những cơn gió lạnh khô kết hợp với bụi dày đặc khiến không khí càng ngột ngạt. Vì vậy, khẩu trang trở thành vật bất ly thân của bộ đội ta.

Hình ảnh quay từ xe chở đoàn QĐND Việt Nam đến hiện trường đổ sập tại Antakya.

Ngay từ những ngày đầu, hình ảnh về hậu quả của động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xuất hiện dày đặc trên phương tiện truyền thông khiến mỗi người xem đều cảm thấy hậu quả nặng nề của thảm họa thiên nhiên này. Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn ấy, tôi càng cảm nhận được mức độ tàn phá cực kỳ nghiêm trọng do động đất mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu.

Lần đầu biết đến... động đất

Theo hiệp đồng với AFAD, lực lượng QĐND Việt Nam đảm nhiệm trinh sát, tìm kiếm rồi đánh dấu các vị trí có người mắc kẹt trong đống đổ nát, sau đó bàn giao cho lực lượng cứu hộ địa phương sử dụng trang thiết bị hạng nặng để đưa nạn nhân ra ngoài. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có đôi ba lần đoàn gặp phải những cơn dư chấn. Tuy nhiên, điều đó chưa là gì so với lần thực sự thót tim.

Một góc ở khu vực đóng quân của đoàn QĐND Việt Nam trong lúc động đất xảy ra vào tối 20-2.

Một góc ở khu vực đóng quân của đoàn QĐND Việt Nam trong lúc động đất xảy ra vào tối 20-2.

Bữa cơm tối 20-2 sẽ vẫn như mọi bữa cơm tối khác của đoàn khi thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không có “vị khách” không mời mà đến. Chuyện là, khoảng 20 giờ 4 phút (giờ địa phương), một trận động đất mạnh bất ngờ xuất hiện. Khoảng 2 giây đầu mặt đất rung nhẹ. Đèn đường và điện lưới tắt phụt. 15 giây tiếp theo thì rung lắc mạnh. Còi báo động kêu ầm ĩ. Tôi cảm tưởng như đang ngồi trên ô tô, lúc bất ngờ bẻ lái trái phải liên hồi. Anh em bộ đội đang cầm bát cơm cũng ngã nhào xuống đất. Người bấu cạnh bàn, người bị lăn ra giữa khu lán trại trống trải, có người chạy hốt hoảng từ trong lều ra ngoài. Trong đêm tối, tiếng bát đũa rơi loảng xoảng. Chưa kịp định thần, chỉ 3 phút sau lại có thêm một trận động đất nhưng cường độ nhẹ hơn chút. Phải hết đợt này, điện lưới mới bật trở lại.

Xa xa, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe ưu tiên nối thành hàng dài, nháy đèn sáng một vùng trời. Tiếng còi báo động vẫn rú lên lên inh ỏi. Trên trời, tiếng máy bay trực thăng rầm rầm. Anh em tỏa đi kiểm tra nhau và tình hình xung quanh. Hai đồng chí trong tổ hậu cần đang đun nước sôi thì bị đổ xoong làm bỏng chân. Đội Quân y lập tức sơ cứu rồi băng bó vết thương. Trên nền bê tông nơi đoàn dựng lều dã chiến mới xuất hiện một vài vết nứt. Những thùng đựng vật chất của đoàn bị đổ nằm la liệt. Một số lều xiêu vẹo. May mắn là lực lượng QĐND Việt Nam không ai bị thương nặng.

Khoảng 10 phút sau, đại diện AFAD tới tận nơi đề nghị đoàn nếu có yêu cầu thì có thể xuất phát đi thực hiện nhiệm vụ trong đêm được không. Đồng chí Trưởng đoàn nêu rõ đoàn luôn sẵn sàng. Sau khi sắp xếp lại đồ đạc và chuẩn bị trang thiết bị, một số thành viên vào lều chờ lệnh. Thế nhưng, nghỉ cũng chẳng dễ dàng bởi cứ khoảng 30 phút lại có một dư chấn nhẹ khiến người rung lên.

Sáng hôm sau, chúng tôi mới biết hai trận động đất trên lần lượt mạnh 6,4 và 5,8 ở vùng Defne và Samandag, đều thuộc tỉnh Hatay và cách Antakya chỉ chưa đầy 30km. Hai trận động đất đã khiến 6 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương, phá hủy các tòa nhà đang nghiêng, nứt bởi những trận động đất trước đó. Ở các nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ như Lebanon, Syria và Cyprus cũng cảm nhận được rung chấn.

Lần đầu tiên bản thân trải qua động đất, tôi mới hiểu được những khó khăn, mất mát không gì đong đếm được của những người dân sở tại khi động đất cướp đi người thân và tài sản của họ.

Tình quân dân nơi tâm chấn động đất

Còn nhớ, ngay ngày 14-2, ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, bộ đội công binh và chó nghiệp vụ đã tìm được 3 vị trí có nạn nhân, trong đó điểm đầu tiên là tòa nhà bị sập nằm ở đầu đường Rustem Tumer Pasa. Phải nói thêm rằng, trận động đất đã làm tòa nhà này sập 3 tầng đầu tiên, trụ bê tông nát vụn, nhìn bên ngoài như chiếc bánh kẹp, trong khi 3 tầng trên cùng bị nghiêng hẳn sang một bên. Máy xúc của lực lượng cứu hộ hạng nặng địa phương đã có mặt nhưng không thể triển khai vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến cả ngôi nhà đổ sập xuống. Sau khi đánh giá tình hình, đồng chí Trưởng đoàn ra lệnh cho Đội sử dụng chó nghiệp vụ tiến vào. Ở bên ngoài, các thành viên khác cũng hỏi han, an ủi gia đình nạn nhân. Nhiều khi do khác biệt ngôn ngữ, nhưng những lời “bằng tay” hay cái vỗ vai là đủ nói lên tất cả.

Vị trí đầu tiên mà đoàn QĐND Việt Nam xác định có nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát tại Antakya.

Vị trí đầu tiên mà đoàn QĐND Việt Nam xác định có nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát tại Antakya.

Để tiếp cận gần hơn tới các vị trí nghi có nạn nhân, các huấn luyện viên nằm rạp xuống nền đất, bò từ từ vào phía trong rồi ra tín hiệu cho chó vào. Chỉ chưa đầy ba phút sau, chú chó Pokka cào, kêu liên tục, báo cho huấn luyện viên đã phát hiện một vị trí khả nghi nằm ở khe hở góc phải ngoài cùng, giữa nền đất đá đổ nát và trần tầng 1 của tòa nhà. Nhằm thêm phần chắc chắn, đội kiểm tra chéo kết quả với những chú chó khác. Sau đó, bộ đội công binh cũng chui xuống, dùng tay vét đất đá để dễ dàng đưa máy dò quan sát sâu bên trong. Màn hình xuất hiện một cánh tay. Như vậy là vị trí nghi có nạn nhân đã chính xác.

Bộ đội Việt Nam không quản hiểm nguy, tích cực tìm kiếm nạn nhân.

Bộ đội Việt Nam không quản hiểm nguy, tích cực tìm kiếm nạn nhân.

Toàn bộ 31 điểm mà đoàn trinh sát, tìm kiếm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ đều có hiện trường tương tự và phương pháp triển khai lực lượng như vậy. Nhờ được trang bị cả các thiết bị dò tìm đặc chủng công binh lẫn chó nghiệp vụ, lực lượng QĐND Việt Nam luôn là một trong số những đội cứu hộ luồn sâu, tiếp cận nhiều vị trí hẹp và hiểm nguy nhất để xác định vị trí nạn nhân mắc kẹt. Trong khung cảnh đổ nát, hoang tàn vì động đất ở Antakya, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ nổi bật trong bộ quân phục dã chiến luôn tất bật, không quản ngại khó khăn từ sáng đến khi mặt trời chuẩn bị khuất bóng.

 Đổi lại, người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng dành những tình cảm ấm áp, sự quan tâm tới những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Đổi lại, người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng dành những tình cảm ấm áp, sự quan tâm tới những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Ngoài việc tìm kiếm, đoàn cũng giúp nhiều gia đình lấy lại tài sản, chuyển đồ ra khỏi những căn nhà đổ nát hay trao tặng những đồ dùng thiết yếu cho nhiều hộ dân bởi trước đó họ chỉ kịp chạy thoát thân khi động đất xảy ra. Trên đường cơ động, đoàn còn mang theo nhiều lương khô, sữa, bánh kẹo để tặng cho trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ. Những lúc đoàn dừng nghỉ hay chờ đợi để triển khai tìm kiếm, người dân lại mang tặng cho đoàn khi thì chai nước lọc, hoa quả hay là chiếc bánh mì nóng hổi. Thậm chí, có người còn mang cả nước cho những chú chó nghiệp vụ của QĐND Việt Nam.

Hình ảnh người dân Antakya luôn đón chào, cảm ơn sự giúp đỡ của đoàn QĐND Việt Nam.

Tiếng lành đồn xa. Mỗi khi gặp đoàn QĐND Việt Nam, người dân và lực lượng cứu hộ địa phương đều vẫy tay hay đưa tay phải lên ngực trái như bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc. Đáp lại, chúng tôi cũng đặt tay phải lên ngực trái, nơi có lá cờ đỏ sao vàng trên bộ quân phục dã chiến. Trước khi về nước, đoàn đã trao tặng hơn 25 tấn hàng gồm lương khô, sữa, gạo và nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, đoàn còn trao tặng vật dụng thiết yếu cho một số gia đình địa phương.

Đó chính là những viên gạch đầu tiên của tình quân dân Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ nơi tâm chấn động đất.

Bài, ảnh:VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/ky-uc-khong-the-nao-quen-tai-tam-chan-dong-dat-tho-nhi-ky-720668