Ký ức kinh hoàng của 'người hùng' vụ sập cầu Ghềnh Đồng Nai
'Cảnh tượng lúc đó hết sức khủng khiếp, 2 nhịp cầu Ghềnh từ từ đổ ập xuống sông Đồng Nai…' - anh Huỳnh Ngọc Hoàng, 'người hùng' vụ sập cầu Ghềnh kể lại.
Nhắc lại thời khắc xảy ra tai nạn kinh hoàng sà lan đâm sập cầu Ghềnh - cầu đường bộ và đường sắt bắt ngang sông Đồng Nai- đúng 1 năm về trước, anh Huỳnh Ngọc Hoàng, “người hùng” cứu nguy thảm họa đoàn tàu lao xuống sông, vẫn còn nguyên vẻ bàng hoàng, khiếp sợ.
Gặp lại “người hùng”
Đúng 1 năm trước, giữa trưa ngày 20/3/2016, một chiếc sà lan đang lưu thông trên sông Đồng Nai, khi chuẩn bị qua cầu Ghềnh (phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đột nhiên va vào trụ mố cầu giữa sông khiến 2 nhịp cầu Ghềnh rơi xuống sông. Lúc này một đoàn tàu hàng chục toa đang từ ga Sài Gòn về Hà Nội ầm ầm lao tới và may mắn dừng lại kịp thời vì lái tàu đã nhận được tín hiệu báo dừng khẩn cấp từ 1 người dân.
“Nếu ngày hôm đó, người đàn ông này không kịp ngăn chặn đoàn tàu đang lao tới thì “thảm họa kép” đã xảy ra, chắc rằng hàng chục toa tàu hàng và những người có mặt trên tàu đã không còn sống sót”, 1 người dân, bày tỏ.
Người đã phát hiện cầu Ghềnh sập và kịp ngăn chặn đoàn tàu đang lao tới là anh Huỳnh Ngọc Hoàng (47 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa) và sau đó được xem là “người hùng cầu Ghềnh”.
Ngày 19/3, chúng tôi đã quay trở lại cầu Ghềnh và đến thăm nhà anh Hoàng sau đúng 1 năm xảy ra vụ tai đường sắt đặc biệt nghiêm trọng. Đứng nhìn tại một góc sông Đồng Nai, bất cứ ai cũng đều công nhận cây cầu Ghềnh mới được xây dựng an toàn chắc chắn hơn cầu cũ, là điểm tựa vững chắc cho những chuyến tàu qua lại. Cầu được thiết kế đẹp, có 2 làn đường dành riêng cho xe máy và người đi bộ giúp người dân đi lại thuận lợi và an toàn hơn.
Vượt qua con hẻm ngoằn nghèo ngay dưới chân cầu Ghềnh mới, chúng tôi đã gặp được anh Hoàng. Người đàn ông gầy guộc, dáng khắc khổ với làn da đen nhẻm cũng không khác với 1 năm trước. Vừa rót xong ly nước mời khách, anh Hoàng liền khoe với chúng tôi tấm huy chương mới được một cơ quan Trung ương trao tặng. Anh Hoàng niềm nở cho biết, cách đây 3 tháng anh đã vinh dự được mời đi Hà Nội nhận thêm huy chương cứu hộ, cứu nạn của Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Việt Nam (Bộ Công an).
Ký ức về vụ tai nạn kinh hoàng
Trò chuyện với PV Kiến Thức, anh Hoàng luôn nhắc về khoảnh khắc không thể nào quên khi cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập. Vẻ mặt đăm chiêu, nhìn về hướng cầu Ghềnh, anh Hoàng bồi hồi kể lại: “Lúc đó là giữa ngày 20/3/2016, khi tôi đang ngồi ăn cơm trong nhà, bỗng bất ngờ nghe tiếng động long trời phát ra từ dưới sông Đồng Nai, bất chợt căn nhà rung lắc giống như có động đất”.
Ngay lập tức, anh Hoàng chạy ào ra bờ sông xem chuyện gì đang xảy ra. Khi vừa chạy ra đến bờ sông thì người đàn ông này nhìn thấy cảnh tượng thật không thể tin nổi: Cây cầu Ghềnh gãy rời, 2 nhịp từ từ đổ ập xuống sông cùng nhiều người đi xe máy, một chiếc sà lan bị lật úp…
Chỉ tay về mố cầu giữa sông Đồng Nai, anh Hoàng cho biết, ngay sau khi chứng kiến cảnh tượng cầu Ghềnh bị sập, anh thật sự rất hoảng loạn.
“Sau vài giây trấn tĩnh, trong đầu tôi liền nhớ đến vào thời gian này, sẽ có đoàn tàu sắp chạy qua đây. Cầu đã sập, nếu không ngăn đoàn tàu chạy đến thì sẽ là thảm họa nên tôi hoảng hốt chạy thục mạng đến chỗ các nhân viên gác chắn (cách cầu Ghềnh khoảng 200m), hét toáng lên cầu Ghềnh sập rồi, chặn tàu lại đi. Nhân viên gác chắn cứ tưởng tôi nói đùa. Thế nhưng trước thái độ kiên quyết của tôi, nhân viên gác chắn đã ra tín hiệu bắt tàu dừng lại. Khi tàu dừng ngay tại ngã tư Chợ Đồn, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm rồi về nhà”, “người hùng”, kể lại.
May mắn thay, tổ trực tàu hôm đó đã nhanh nhạy triển khai công tác xử lý tình huống. Sau khi nhận thông báo từ anh Hoàng, tổ gác chắn đã bình tĩnh một mặt cử người đi xác minh và ra tín hiệu dừng tàu khẩn cấp. Nhờ có tin báo kịp thời, đoàn tàu đang chạy gần đến cầu Ghềnh đã kịp hãm phanh, dừng cách cầu Ghềnh khoảng 200m. Nếu không có sự ứng phó kịp thời, việc đoàn tàu này lao lên phía trước phát hiện cầu gẫy rồi phanh gấp có thể khiến các toa tàu văng khỏi đường ray đổ vào nhà dân cũng sẽ là thảm họa.
Cũng trên đoạn sông này, điều làm anh Hoàng nhớ nhất là gần 30 năm về trước, lúc anh Hoàng còn là 1 thanh niên địa phương, anh cũng từng cứu 2 học sinh tắm sông bị dòng nước xoáy cuốn trôi.
Ngay sau phát hiện các em chới với giữa dòng nước, anh Hoàng đã nhảy ào xuống sông, kịp thời đưa 2 nam sinh vào bờ, tiến hành sơ cứu và giành mạng sống từ tay “tử thần”. Anh Hoàng cho biết, anh từng là nhân viên Hội chữ thập đỏ ở TP Biên Hòa, tham gia nhiều chương trình nhân đạo cứu hộ, cứu nạn trong vùng nên việc giúp được người trong lúc hoạn nạn luôn được “người hùng” thực hiện 1 cách nhiệt tình và chuyên nghiệp.