Ký ức kinh hoàng ở 'làng động đất'
Dù đã 10 năm nhưng ký ức về những ngày tháng động đất xảy ra như cơm bữa vẫn ám ảnh người dân Cao Xanh (Hạ Long - Quảng Ninh).
10 năm trước, trên vùng đất hàng chục ha ở phường Cao Xanh, Cao Thắng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) thường xuyên xảy ra hiện tượng “động đất”, mặt đất rung chuyển, những “hố tử thần” xuất hiện nuốt chửng nhiều ngôi nhà, tài sản, cây cối.
Dù đã an cư ở nơi mới, song trong ký ức của những người dân, đó thực sự là những ngày tháng kinh hoàng.
Khu đô thị Hà Khánh B - nơi gần 100 hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm được bố trí tái định cư
Những cuộc tháo chạy lúc nửa đêm
Dẫn PV ra mỏm đồi cao khoát tay chỉ vào thung lũng nhỏ um tùm cỏ mọc, ông Lê Anh Tiến, Phó trưởng khu 4B kiêm Tổ trưởng tổ 58, phường Cao Xanh, TP Hạ Long cho hay: “Trong đám bụi rậm rạp này hơn chục năm trước là hơn 70 hộ dân sinh sống khá sung túc, ổn định. Thế rồi, khoảng tháng 5, tháng 6/2011, chỉ trong một đêm, trong khu dân cư này bỗng xuất hiện 4 “hố tử thần” khổng lồ. Rồi cứ thế, đất, đá dưới nền nhà dân càng ngày càng há toác ra. Nhiều chỗ kéo sụp cả bể nước, công trình phụ, cổng nhà xuống lòng đất”.
Sau đó, các hộ dân ở khu vực “hố tử thần” đã được hỗ trợ xuống tái định cư tại khu đô thị Hà Khánh B. Khu vực cũ còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nên chính quyền tạm không cho ai canh tác, xây dựng công trình gì.
Theo ông Tiến, ở khu vực này có rất nhiều vỉa than có giá trị, vì thế, ngay từ thời Pháp thuộc đã tiến hành khai thác hầm lò.
Cách đây vài chục năm, do công tác quản lý tài nguyên lỏng lẻo khiến cho các lò than “thổ phỉ” ngang nhiên hoạt động.
Nhà nhà đào vườn, khoét đồi lấy than; tiếng mìn nổ rung chuyển lòng đất, tiếng ô tô vận tải than ra cảng chạy rầm rập suốt đêm, ngày.
Ông Lê Văn Tiến giới thiệu với PV về khu dân cư hàng trăm hộ dân từng một thời sinh sống
Hậu quả của việc làm này khiến cho lòng đất toàn khu vực bị đục rỗng không được hoàn nguyên, đẩy những dãy đồi đổ ụp xuống khu dân cư, rồi lòng đất sụp xuống nuốt nhiều căn nhà.
Lúc bấy giờ, tình trạng sạt lở, nguy hiểm ngày đêm rình rập hàng trăm hộ dân trên một vùng rộng lớn hàng trăm ha ở khu 3, 4, 5, 6, khu Đồi Chè (khu 4B), phường Hà Khánh và phường Cao Xanh.
Trên các con đường, bờ kè, vườn tược ở khu vực này đều nứt toác, có chỗ trâu mộng chui xuống được.
Thi thoảng, người dân đang ngủ lại hốt hoảng hò hét gọi nhau chạy khi nghe tiếng ầm ầm dưới lòng đất, mặt đất rung chuyển, nhà cửa kêu rắc rắc...
Bà Phạm Thị An, nhà liền kề khu vực bị sạt lở ở tổ 58, khu 4B, phường Cao Xanh nhớ lại: “Có những đêm, cả khu phố náo loạn hò hét nhau chạy ra khỏi nhà vì lòng đất sụt lún ầm ầm.
Thương bà con, đêm đến, những nhà an toàn hơn đều cho đám trẻ nhỏ của những hộ nguy hiểm sang tá túc ngủ nhờ”.
An yên cuộc sống mới
Gia đình ông Lê Văn Thăm được sinh sống trong căn hộ khang trang, an toàn tại khu đô thị Hà Khánh B
Ngồi trong căn nhà 3 tầng khang trang, ông Lê Văn Thơm, 70 tuổi, Tổ trưởng tổ 18A khu đô thị mới Hà Khánh B thuộc phường Hà Khánh, TP Hạ Long nhớ lại: “Nhà tôi khi đó thuộc tổ 38, khu 4B hay còn gọi là khu Vườn Ổi. Cái cảnh đất dưới chân chuyển động rập rình, đêm đến đất dưới gầm giường cứ ùng ục chuyển động, mỗi sáng thức dậy, tường nhà há thêm vài cm; có cây ăn quả tối qua vẫn xanh um, sáng sau dậy đã mất tích sâu trong lòng đất. Sợ lắm”.
Sống trong cảnh bất an như thế, nên khi được hỗ trợ di dời, cả nhà ông Thơm đều mừng. Nhà ông được hỗ trợ 500 triệu đồng và được cấp miễn phí 80m2 đất ở trong khu đô thị Hà Khánh B.
“Giờ xuống đây ở vừa thuận tiện giao thông lại an toàn. Bà con chúng tôi thực sự biết ơn các cấp chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện cho nhân dân có được nơi ở mới khang trang, an toàn như hiện nay”, ông Thơm nói.
Kế bên nhà ông Thơm là hộ ông Đoàn Văn Giáp trước kia cũng ở tổ 38, khu 4B, phường Cao Xanh. Ông Giáp là công nhân Công ty Tuyển than Hòn Gai -TKV.
Nhà ông và nhà con gái cùng bị “hố tử thần” nuốt trong một đêm mưa gió, sau đó được hỗ trợ di dời đến khu đô thị Hà Khánh B.
“Chứng tích” về sự sụt lún làm sập nhà cửa của hàng trăm hộ dân tại khu 4B, phường Cao Xanh
“Ở nơi cũ, chúng tôi cũng chỉ chăm được con gà, con vịt, trồng ít cây ăn quả, nên kinh tế không khá giả gì. Nay về nơi ở mới được hỗ trợ tiền xây nhà cao tầng kiên cố, gia đình tôi đã mở cửa hàng tạp hóa, mỗi tháng cũng thu nhập thêm vài triệu đồng, vừa nhàn lại được an toàn”, ông Giáp chia sẻ.
Thời điểm đó, việc sụt lở ảnh hưởng đến 1.200 hộ dân, trong đó khu 4B có gần 100 hộ dân phải di chuyển khẩn cấp.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo TP Hạ Long đánh giá tổng thể, xây dựng phương án di chuyển người dân đến khu đô thị Hà Khánh B với tổng kinh phí di dời, hỗ trợ lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ông Triệu Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Cao Xanh, TP Hạ Long cho biết: Sau khi di dời hơn 100 hộ dân vùng tâm điểm sụt lún đến nơi an toàn, việc ổn định địa chất ở vùng sạt lở đã được triển khai để đảm bảo cuộc sống cho trên 1.000 hộ dân còn lại.
Quan trọng nhất, vấn nạn khai thác than lậu gây ảnh hưởng đến địa chất đã bị dẹp bỏ, những “hố tử thần” được khắc phục, nên nhiều năm qua, “làng động đất” không còn chứng kiến thêm cơn địa chấn nào.
“Tuy nhiên, hiện khu vực từng xảy ra sụt lở ở phường Cao Xanh vẫn được các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra chặt chẽ để có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho nhân dân”, ông Triệu Đức Nghĩa cho hay.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-uc-kinh-hoang-o-lang-dong-dat-d529459.html