Ký ức lô tô
Đôi mắt bà tôi đượm buồn nhìn về phía khoảng đất trống cuối xóm, ở đó, mấy hôm trước có gánh hát lô tô về ngang qua, thấy đất lành thì ghé lại xin chính quyền cho dựng sân khấu hát mấy hôm. Giọng bà tôi buồn buồn:
- Tội mấy người đi hát lô tô rày đây mai đó, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, có khi bụng chẳng đủ no mà còn bị người đời khinh khi cười cợt…
Trong tâm hồn của một đứa trẻ năm, sáu tuổi sống giữa vùng quê thanh bình yên ả, mỗi dịp đoàn lô tô về xóm là đám trẻ quê chúng tôi lại nhốn nháo cả lên. Buổi chiều, tôi tắm rửa sạch sẽ, tỉ mẩn moi ống heo được mấy nghìn nhét vào túi rồi í ới gọi thằng Hòa, thằng Hưng, con Tím… tụ lại “đi coi lô tô”. Quê tôi-cái xóm nhỏ êm đềm có những cánh đồng bao bọc xung quanh, dòng sông vắt ngang như dải lụa mềm chảy hoài, chảy hoài về đâu chẳng biết. Lần nào có gánh hát cải lương hay đoàn lô tô về neo lại xóm quê là chúng tôi lại háo hức trong lòng, ai biết đâu những thú vui giản dị, bình dân ấy đã thêu dệt nên bức tranh ký ức tươi đẹp hiện hữu trong lòng tôi cho đến khi chúng tôi đã lớn.
Chập choạng tối, nhạc đã bắt đầu lên, ba bốn đứa chúng tôi túm tụm ngồi xổm gần sân khấu để nhìn cho rõ những nghệ sĩ tay ngang hóa trang, vẽ vời mặt mũi, xúng xính váy áo thành những cô gái dịu dàng, thùy mị, chiều lòng khách bằng những bài hát ngọt ngào, những điệu múa dẻo dai, những màn kịch chọc cười khán giả. Trong đêm hội chợ lô tô có đông đảo bà con đến góp vui, 500 đồng-một con số may mắn rồi đợi chờ thời khắc xổ số trúng thưởng. Đến khi trăng sắp lên đỉnh đầu thì đèn sân khấu cũng vừa vụt tắt, chúng tôi đốt đuốc soi đường trở về nhà với cái bụng no cành, trên tay cầm lỉnh kỉnh mấy chai nước ngọt xanh đỏ mà tôi may mắn trúng được từ những con số mua tại hội chợ.
Bà tôi kể năm xưa ở xóm bên, có đứa trẻ mồ côi, một thân một mình sống với người chú ruột. Bất hạnh thay, vợ của chú là một người phụ nữ tâm địa độc ác, đang tâm bán cháu ruột của mình cho chủ một gánh hát lô tô. Mang tiếng là “mua”, nhưng thực chất người chủ gánh hát lô tô rất thương cậu bé. Dần dần cậu bé ấy lớn lên, ban đầu là con trai mạnh mẽ, khỏe khoắn bình thường, nhưng thời gian thấm thoắt trôi qua, một ngày nọ người xóm cũ gặp lại cậu bé ấy trong một hình hài con gái dịu dàng, mảnh khảnh. Kẻ đồng cảm, thương thay kiếp đời bất hạnh. Kẻ không hiểu chuyện thì coi thường, nhìn bằng đôi mắt lạnh lùng, vô cảm. Thật xót xa! Trên chiếc ghe nhỏ, năm, sáu người túm tụm lại sinh hoạt như một gia đình. Sáng gọi nhau, chiều cơm lên khói, đêm ngồi ngắm sao trời mà nghĩ về đời, về phận mình như cánh lục bình trôi trên sông về đâu chẳng biết. Tôi lại nhớ đến chuyện năm ngoái có đoàn lô tô ghé ngang qua xóm, cũng neo ghe dựng sân khấu chỗ khoảng đất trống ngoài kia. Dạo ấy mưa to, gió lớn, có đến ba, bốn đêm liền họ không hát được. Mà không hát được đồng nghĩa với việc nhịn đói. Thương những con người bơ vơ cầu thực, người trong xóm góp gạo, góp cá để họ sống đắp đổi qua ngày chờ nắng lên, trời ráo thì tiếng ca lại vang lên. Bao giờ cũng vậy, nhìn vào đôi mắt những “cô gái” theo đoàn lô tô cũng trông thấy những giọt buồn sóng sánh. Mỗi người một thân phận, một nỗi đau riêng. Mà đời thì trăm chiều đau khổ, biết khi nào biển người mới được bình yên?
Những đoàn lô tô đã đi vào ký ức tuổi thơ tôi. Bây giờ, mỗi lần về xóm tôi lại hỏi bà dạo này đoàn lô tô có ghé xóm mình nữa hay không? Tôi lại nhớ những tháng ngày trong veo lưng trời cùng đám trẻ trong xóm đi xem hát lô tô, vỗ tay, cười đùa, chẳng màn đến chuyện cơm áo gạo tiền khiến lòng bời bời tơ rối. Đoàn lô tô xưa chẳng về ngang qua xóm, hoặc có về ngang nhưng tôi không nhớ rõ những khuôn mặt mang hình hài cũ xưa. Chúng tôi, lũ trẻ năm nào từng í ới gọi nhau đi coi lô tô cũng lớn lên, rời xóm, mỗi đứa một phương lao vào cuộc đời có bình lặng, có bão dông, thi thoảng nhớ về nhau mà thương trào nước mắt. Mà tiếng hát, bóng dáng “cô gái” trong đoàn hội chợ lô tô năm nào cứ hiện hình trong ký ức tôi, giúp tôi nhớ về cái thuở khổ nghèo mà yên lành mây gió…
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ky-uc-lo-to-599940