Ký ức một thời hào hùng của người lính Điện Biên
Ở nơi ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, người lính sẵn sàng hy sinh, bảo vệ đồng đội mình
“Tôi rất vinh dự và tự hào được tham gia từ những ngày đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, được chứng kiến từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đến nay, lại chuẩn bị chứng kiến lễ kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng vẻ vang của cả dân tộc...”, Đại tá, cựu chiến binh Lê Quyên tự hào.
Được hỏi về kỷ niệm sâu sắc nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, ông Quyên sôi nổi kể: “Tôi được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ đầu, đến nay vẫn còn nhớ như in một số trận đánh. Đây là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời quân ngũ của tôi. Đó là trận đánh cảnh giới phòng ngự ở đồi Tà Lèng, đào giao thông hào về hướng đồi A1, trận dương công đêm 13/3/1954 vào đồi A1 tạo điều kiện cho Sư đoàn 308 đánh đồi Độc lập.
Cảnh giới, phòng ngự đồi Tà Lèng
“Ngày 29/1/1954 (trước tết Giáp Ngọ 2 ngày) toàn mặt trận được lệnh “kéo pháo ra”. Sáng 30/1/1954 được tin địch thăm dò hậu phương ta từ phía Đông Điện Biên Phủ, cấp trên đã giao nhiệm vụ cho tôi đưa nửa quân số trung đội 15 người thuộc đại đội 653, tiểu đoàn 255, trung đoàn 174, sư đoàn 316 tổ chức cảnh giới phòng ngự ở bản Tà Lèng. Khi chúng tôi chiếm lĩnh trận địa đào công sự gần xong, thì chiến sỹ cảnh giới về báo cáo địch triển khai tấn công vào trận địa của ta, toàn là lính Tây, lúc này khoảng 9h. Tên chỉ huy tay cầm ba toong, bên cạnh 1 tên đeo đài liên lạc, khi cách chúng tôi chừng 15m, tôi đã ra lệnh nổ súng bắn chết tên chỉ huy, tên mang điện đài và một số tên khác. Bị tấn công bất ngờ chúng vội lùi lại phía sau, gọi máy bay yểm trợ và pháo binh ở Mương Thanh bắn tới tấp vào trận địa của chúng tôi. 2 chiến sĩ trong đơn vị của tôi đã hy sinh trong trận phản công này, 1 khẩu trung liên bị vỡ nòng và một số chiến sĩ bị thương.
Cuộc chiến đấu kéo dài đến quá 12h vẫn chưa thấy quân ta chi viện, lúc này chúng tôi chỉ còn 5 người (tôi và 4 chiến sỹ Bạc, Kiện, Phán, Sáng), trận địa bị sới tung, lực lượng ta còn quá mỏng nên chúng tôi đã rút lên quả đồi phía sau có nhiều cây để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị chiến đấu tiếp. Khoảng 14h không tìm thấy mục tiêu nào, địch cũng cho quân rút.
Đúng lúc địch rút về Mường Thanh thì cấp trên cử đại đội 925 cùng tiểu đoàn chi viện cho chúng tôi vào tới. Trong khi truy kích địch, đồng chí Hoàng Văn Nô đã xông xáo dùng lê súng trường đâm chết 2 tên lính Pháp. Trong lúc xông vào đâm tiếp tên thứ 3 thì bị một tên khác bắn, đồng chí Nô đã hy sinh anh dũng tại trận địa. Cũng khoảng thời gian đó, một quả đạn AT của địch bắn rơi trước công sự của 3 chúng tôi, mảnh đạn bắn ra làm tôi bị thương vào mắt, đồng chí Kiêm bị thương vào tay, đồng chí Bạc bên trái tôi bị thương vào đầu. Về đến quân y, 3 ngày sau đồng chí Bạc hy sinh.
Sau này, năm 1959, khi được cử về Hà Nội đi học, tôi tìm đến thăm gia đình liệt sỹ Lê Văn Bạc, và được gia đình nhận làm con nuôi. Tình cảm đó được giữ mãi đến bây giờ. Trong trận ấy tôi được tặng huân chương chiến công hạng 3 vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Văn Nô được phong danh hiệu dũng sỹ đâm lê và sau này còn được truy phong danh hiệu anh hùng quân đội”.
Đào giao thông hào hướng vào đồi A1
Sau khi ra viện tôi được điều về đại đội 925 chỉ huy 1 trung đội đi đào giao thông hào hướng vào đồi A1. Trung đội tôi được biên chế 30 người, có nhiệm vụ đào một đoạn giao thông hào khoảng 50m. Chúng tôi tổ chức thành hàng dọc mỗi người cách nhau khoảng 1,5m, người đi đầu phải giữ một quả cầu rơm đường kính khoảng 0,5m để chặn đạn bắn thẳng của địch cho cả đội hình. Lúc đầu nằm đào, sau dần dần chuyển sang cúi và ngồi đào..., vừa đào vừa phải tránh đạn pháo và đạn bắn thẳng của địch vì cứ 10-15 phút chúng lại bắn một đợt đạn cối.
Các đơn vị chủ lực của ta củng cố trận địa, đào giao thông hào (Ảnh tư liệu)
Trong thời gian hơn một tuần liền, cứ 5 giờ chiều chúng tôi lại sẵn sàng vũ khí, cuốc sẻng tiến ra trận địa để đào giao thông hào cho đến gần sáng. Trong 3 đêm đầu, trung đội tôi đã mất 15 người cả hy sinh và bị thương, nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ trên giao.
Trong một lần đi dọc đội hình nằm đào, khi nghe tiếng đề pa (đầu nòng) pháo cối của địch, đồng chí Phạm Văn Dục quê ở Ninh Giang, Hải Dương là liên lạc của tôi đã ôm kéo tôi nằm xuống, nhưng quả pháo cối đã rơi vào lưng, xuyên qua bụng đồng chí Dục xuống đất, tuy pháo không nổ, nhưng đồng chí Dục đã hy sinh tại chỗ. Cho đến nay tôi vẫn nhớ như in lời nói và hành động dũng cảm, kiên cường của đồng chí Phạm Văn Dục và những người đồng đội thân yêu của tôi hồi đó. Thương vong trong khi đào giao thông hào ở Điện Biên Phủ không kém gì các trận đánh công đồn.
Dương công đồi A1 để đánh đồi Độc lập
Chiều và đêm 13/3/1954, Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 312) đã tiêu diệt cứ điểm Hin Lam. Đêm hôm sau, đơn vị tôi - trung đội 1, đại đội 925, tiểu đoàn 255, trung đoàn 174, sư đoàn 316 nhận nhiệm vụ đánh dương công (nghi binh) hướng phía Nam đồi A1. Trung đội tôi được tăng cường 1 tiểu đội Bazoca, 1 tiểu đội 12,7 ly, 2 tiểu đội phóng lôi do đồng chí Nguyễn Hữu An trung đoàn trưởng lúc đó (sau này là Thượng tướng) trực tiếp chỉ huy đơn vị.
Tấn công cứ điểm Him Lam (Ảnh tư liệu)
Đúng 12 giờ đêm, được lệnh phát hỏa, đơn vị tôi đã nổ súng dồn dập làm giả như mũi tiến công chủ yếu, khiến địch tập trung phản ứng quyết liệt. Pháo từ trung tâm Mường Thanh và các đồn gần đó dồn dập dội vào đội hình của chúng tôi. Do có công sự tốt, đơn vị tội đã hạn chế được thương vong. Sau khi phát hỏa khoảng 15 phút, địch cho khoảng một tiểu đội tiến đến phía đồi cháy phía sau trận địa. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng nhưng không để lộ, có thể chúng đã phát hiện ta đánh nghi binh, nên chúng quay về và ngừng không bắn pháo nữa. Trận đánh dương công đã tạo điều kiện cho sư đoàn 308 tiếp cận và tấn công tiêu diệt toàn bộ địch ở đồi Độc Lập.
Trong trận đánh này, trung đội tôi hy sinh 3 đồng chí và 3 đồng chí bị thương. Cấp trên đánh giá trận dương công là thắng lợi lớn so với kế hoạch dự kiến và trong trận này tôi được tặng Huân chương chiến công hạng 3 lần thứ 2. Khoảng 1h sáng ngày 15/3/1954 chúng tôi được lệnh rút lui an toàn về phía sau.
Sáu mươi năm đã trôi qua, trong ký ức của tôi vẫn sống mãi những hình ảnh, những tiếng nói của đồng đội bên chiến hào ngày ấy./.
Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/ky-uc-mot-thoi-hao-hung-cua-nguoi-linh-dien-bien/324727.vov