Ký ức một thời hoa lửa

50 năm sau ngày quê hương giải phóng, chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời hoa lửa thiêng liêng và hào hùng vẫn còn in đậm trong tâm trí của các CCB. Trong dòng chảy ký ức ấy, bao cảm xúc bồi hồi, xúc động lại ùa về...

Các CCB Tiểu đoàn 13 và đại biểu chụp hình lưu niệm tại Bia chiến công Cầu Cháy trong ngày giỗ đồng đội tại trận đánh này vào ngày 19/3. Ảnh: YÊN LAN

Các CCB Tiểu đoàn 13 và đại biểu chụp hình lưu niệm tại Bia chiến công Cầu Cháy trong ngày giỗ đồng đội tại trận đánh này vào ngày 19/3. Ảnh: YÊN LAN

Hành trình người lính

Một chiều tháng 3, ngồi trong ngôi nhà 184 Nguyễn Huệ (phường 7, TP Tuy Hòa), đôi tay đại tá, CCB Lưu Công Thục, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 13, Phó ban Liên lạc Tiểu đoàn 13 run run lật giở lá thư của một người phụ nữ ở Hải Dương đã nhờ ông tìm phần mộ của cha mình hy sinh ở chiến trường Phú Yên. Lá thư khiến ông Thục không khỏi xúc động. Là người lính đi ra từ cuộc chiến, hơn ai hết ông Thục thấu hiểu được nỗi mất mát của các gia đình liệt sĩ, nên bao năm nay ông dành thời gian, công sức tìm kiếm giúp thân nhân các liệt sĩ. Gần 20 năm, những bước chân ông không ngừng băng rừng lội suối, in dấu trên từng tấc đất thấm máu đồng đội nơi chiến địa xưa, quy tập với gần 30 ngôi mộ liệt sĩ và kết nối với hàng trăm gia đình liệt sĩ có người thân hy sinh trên chiến trường Phú Yên.

50 năm sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, nhưng mỗi khi nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống hóa thân vào hình hài xứ sở quê hương, giọng ông nghẹn ngào xúc động: “Tôi may mắn sống sót qua nhiều trận chiến, nhưng nhiều đồng đội tôi mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Anh em hy sinh cho mình được sống. Vì vậy, mình phải làm gì đó để trả ơn cho những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc và gia đình họ…”.

CCB Lưu Công Thục sinh năm 1950, quê ở huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định). Năm 17 tuổi, chàng trai ấy đã hăng hái viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau một thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị lên đường vào miền Nam chiến đấu ở chiến trường Kon Tum. Cuối năm 1968, ông được bổ sung về Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), đến năm 1969, khi Trung đoàn 10 được lệnh vào Nam Bộ, Tiểu đoàn 13 chuyển về Tỉnh đội Phú Yên.

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Thục đã tham gia và chỉ huy nhiều trận đánh địch ác liệt, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công hiển hách ở đồi Đá Ong (Sơn Hòa), ấp Quán Cau, đèo Tam Giang (Tuy An) hay như trận đánh cứ điểm Cầu Cháy, Hòa Mỹ (Tuy Hòa 1) vào ngày 19/3/1975. Đây là trận đánh then chốt mở màn chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 trên chiến trường Phú Yên. Tại đại hội chiến sĩ thi đua công nông binh của tỉnh Phú Yên tổ chức tại Hội trường mùa xuân năm 1973, ông Thục vinh dự được chọn báo cáo thành tích cá nhân trước đại hội.

Trong niềm vui của ngày chiến thắng, ông không khỏi ngậm ngùi khi nhớ những đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận phản kích địch ác liệt ở ấp Bắc Lý (Sơn Hòa) vào năm 1971. Khi đó địch tập trung một lực lượng lớn bao vây Đại đội 2, anh em kiên cường chiến đấu và lần lượt hy sinh. Sau trận đánh vô cùng ác liệt, 57 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 của ông bị địch chôn lấp trong một hố bom ở Bắc Lý.

Sau ngày đất nước thống nhất, để ghi nhớ công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ trong trận đánh ấp Bắc Lý, ông Thục cùng đại tá Trần Văn Mười, Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn 13 (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13) cùng với địa phương vận động xây dựng mộ tập thể cho 57 liệt sĩ hy sinh tại ấp Bắc Lý khang trang như ngày hôm nay để cán bộ, Nhân dân và người thân của liệt sĩ đến thắp hương, thăm viếng và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ; đồng thời lấy ngày 18/6 hằng năm làm ngày giỗ chung các liệt sĩ. Công trình mộ liệt sĩ này được hoàn thành năm 2012, với kinh phí hơn 2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, ông Thục còn cùng Ban Liên lạc CCB Tiểu đoàn 13 đứng ra vận động quyên góp xây dựng các nhà bia tưởng niệm đồng đội đã hy sinh trong các trận đánh ở Mỹ Thành và Cầu Cháy với hàng trăm triệu đồng.

Ngoài giỗ chung liệt sĩ trận Bắc Lý, Ban Liên lạc Tiểu đoàn 13 còn cùng với địa phương tổ chức giỗ 16 liệt sĩ hy sinh tại trận đánh cứ điểm Cầu Cháy ngày 19/3/1975.

Đại tá Lưu Công Thục xúc động tưởng niệm đồng đội. Ảnh: YÊN LAN

Đại tá Lưu Công Thục xúc động tưởng niệm đồng đội. Ảnh: YÊN LAN

Ngày trở về

Ngày 19/3 vừa qua, gần 200 CCB Tiểu đoàn 13 từ khắp các tỉnh, thành về thăm lại chiến trường xưa, dâng hương, giỗ đồng đội tại Di tích lịch sử Địa điểm diễn ra trận đánh Cầu Cháy, nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng cứ điểm này.

Ngay từ sáng sớm, các CCB từ khắp mọi miền đất nước khoác lên mình bộ quân phục đã bạc màu theo năm tháng về lại chiến trường xưa. Những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia tại trận đánh Cầu Cháy ngày ấy, giờ đây đã ở vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Họ vui mừng ôm nhau thắm thiết, những bàn tay bắt chặt bàn tay ấm nồng tình đồng đội. Những khóe mắt rưng rưng ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt hào hùng và dâng nén hương tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống trên đất này trong niềm xúc động nghẹn ngào. Họ chụp cùng nhau những tấm ảnh kỷ niệm dưới tấm bia khắc ghi tên đồng đội thân yêu của mình.

Mặc dù đi lại khó khăn vì vết thương cũ tái phát nhưng năm nào CCB Trần Đức Như (ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cũng cùng đồng đội về dự ngày giỗ 16 đồng đội đã hy sinh trong trận đánh này. Ông Như khi ấy đã cùng đồng đội phá hủy nhiều xe tăng, dò phá nhiều bãi mìn để tạo điều kiện cho quân ta tiến lên. Ông Như kể: “Ngày đó, tôi được vinh dự kết nạp Đảng ngay tại trận địa vào đêm 21/3/1975”. Sau khi chiến thắng trận Cầu Cháy ra tham chiến trận Đường 5, ông Như bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu điều trị. Ông Như bảo, ông có tình cảm sâu nặng với Phú Yên, Mỗi lần về Phú Yên, ông như được về nhà.

Còn với ký ức của Chính trị viên phó của Tiểu đoàn 13 Phan Tấn Hùng (hiện ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An), khi nhận nhiệm vụ tại cứ điểm Cầu Cháy, các chiến sĩ quyết tâm chiến thắng, bởi đây là trận đánh khó khăn vì Cầu Cháy là cứ điểm lớn, quân địch rất đông và chống trả quyết liệt. Khi ấy, Tiểu đoàn trưởng bị thương nặng và Chính trị viên của tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh, ông trở thành người chỉ huy trận đánh này. Sau hơn một giờ chiến đấu ác liệt, được chi viện trực tiếp hỏa lực của Tiểu đoàn Pháo binh 189, Tiểu đoàn 13 đã làm chủ trận địa, tiêu diệt quân địch, bắt tù binh, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng hoàn toàn hai xã Hòa Mỹ và Hòa Thịnh. Chiến thắng giòn giã ở trận Cầu Cháy góp phần quan trọng cho quân và dân ta trong chiến thắng lịch sử Đường 5, chặn đường rút lui của quân địch từ Tây Nguyên về Tuy Hòa, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975.

Sau ngày giải phóng, ông Thục cũng như các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 13 dù ở bất cứ nơi đâu, làm công việc gì vẫn luôn nhớ về những năm tháng lịch sử hào hùng nơi chiến địa xưa và những đồng đội thân yêu còn nằm lại nơi này. Ban Liên lạc của Tiểu đoàn 13 đã kết nối, quy tập hài cốt liệt sĩ, giúp đỡ gia đình các chiến sĩ đã hy sinh…

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/50-nam-giai-phong-phu-yen/202504/ky-uc-mot-thoi-hoa-lua-1582a26/