Ký ức ngày đất nước thống nhất

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, câu chuyện về những tháng năm tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, Tổ quốc được các cựu chiến binh trên quê hương Yên Châu nhắc lại rất nhiều. 47 năm đã đi qua, nhưng ký ức về không khí hào hùng của đại thắng mùa xuân năm 1975 như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính Cụ Hồ năm ấy.

Ông Nguyễn Quý Đôn bên những kỷ vật thời chiến đấu tại chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Quý Đôn bên những kỷ vật thời chiến đấu tại chiến trường miền Nam.

Với cựu chiến binh Quàng Văn Thiềng, tiểu khu 2, thị trấn Yên Châu, mỗi khi nhắc đến ngày đại thắng 30/4/1975, ông lại bùi ngùi xúc động, xen lẫn tự hào khi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng kiến những giây phút cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ và niềm vui chiến thắng của quân và dân ta. Năm 1972, chàng trai trẻ Quàng Văn Thiềng lên đường nhập ngũ, biên chế tại Tiểu đoàn 5, Sư 316, Đ5, E148, F316A đóng quân ở Xiêng Khoảng (nước CHDCND Lào). Tháng 10/1974, hành quân về Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và vào nam Tây Nguyên chuẩn bị giải phóng Buôn Ma Thuột, sau khi chiến dịch giành thắng lợi, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ hành quân xuống Tây Ninh chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cựu chiến binh Quàng Văn Thiềng xúc động nhớ lại: Tham gia nhiều trận đánh, nhưng tôi không thể nào quên ngày 10/3/1975 cùng đơn vị tấn công thị xã Buôn Ma Thuột. Lúc đó, đơn vị được quán triệt mệnh lệnh hành quân, quy mô chiến dịch, mục tiêu tiến công và hành quân bằng ô tô, cứ 1 trung đội đủ 32 chiến sỹ ngồi chật một xe, bịt kín thùng... Mỗi chiến sỹ phải mang quân tư trang đầy đủ, chuẩn bị lương khô ăn trong 7 ngày. Đúng 12 giờ trưa ngày 9/3, bắt đầu xuất phát đến điểm tập kết để đào hầm xong trước 2 giờ sáng ngày 10/3. Khi đó bộ đội đặc công bắt đầu nổ súng tiêu diệt kho Mai Hắc Đế - Sư đoàn bộ 23 ngụy quân, đánh sập nguồn phát điện thị xã Buôn Ma Thuột. Các đơn vị bộ binh ém quân tại vị trí tập kết, cách địch 100m chờ lệnh tấn công, đơn vị của tôi chiến đấu từ sáng đến 11 giờ vẫn chưa chiếm lĩnh được trận địa, nên quân ta phải tìm cách tiêu diệt những mục tiêu nhỏ lẻ. Địch phát hiện bộ binh ta nằm cách khoảng 50-70m, chúng dùng súng bắn xối xả làm đồng chí trung đội trưởng bị thương ở chân trái và một đồng chí khác hy sinh. Lúc đó, xe tăng của ta tấn công yểm trợ tiêu diệt lô cốt đầu cầu mở đường cho bộ binh tiến công; đến 12 giờ, đơn vị đã chiếm lĩnh và làm chủ hoàn toàn mục tiêu khu pháo binh ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 26/4/1975, đơn vị được lệnh hành quân tiếp cận khu Trảng Bàng (Tây Ninh) theo trục đường 14 thị xã Bù Đốp xuống cánh đồng Dù để chặn Sư đoàn 25 quân ngụy, phía Tây Sài Gòn. Đến ngày 29/4, đơn vị đã đánh thắng quân địch, anh em chiến sỹ vui mừng hò reo, cười nói và ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

Còn đối với ông Nguyễn Quý Đôn, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn vẫn nhớ như in ký ức những ngày tháng hào hùng. Năm 1970, mới 20 tuổi, công tác tại Ty thông tin tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hưng Yên và Hải Dương). Lúc đó, ông Đôn đã tình nguyện nhập ngũ và biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 630, huấn luyện tại xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh. Đến năm 1971, ông được bổ sung vào Đại đội X18 (Đại đội phòng không 12 ly 7). Đến năm 1974, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mạnh mẽ, chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, ông Đôn tiếp tục nhận nhiệm vụ lính trinh sát, dùng chiến thuật “nở hoa trong lòng địch”, hóa trang mở trận địa. Đến năm 1975, ông được điều động về Đại đội 2 tiến về Sài Gòn, đánh trực tiếp vào Dinh Độc Lập.

Hai người lính, mỗi người lại một nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng được chứng kiến những phút giây hào hùng của ngày toàn thắng, non sông thu về một dải. Năm 1978, ông Đôn ra quân về quê lập gia đình và làm Trưởng ban văn hóa xã Phú Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; đến năm 1985, cùng gia đình lên Tây Bắc tham gia phát triển kinh tế mới tại bản Chiềng Thi và tham gia công tác nhiều vị trí ở huyện, xã. Còn ông Quàng Văn Thiềng, sau nhiều năm phục vụ trong quân đội, trở về địa phương, ông làm cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Yên Châu, hơn 10 năm làm bí thư chi bộ tiểu khu 2, thị trấn Yên Châu. Dù trên cương vị công tác nào, các ông vẫn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quê hương và là tấm gương sáng cho các thế hệ con, cháu noi theo.

Vinh dự, tự hào, những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa vẫn kể cho con cháu nghe về quá khứ hào hùng của thế hệ cha ông, nhắc nhở con cháu phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, ra sức thi đua học tập, lao động xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ky-uc-ngay-dat-nuoc-thong-nhat-49625