Ký ức ngày về tiếp quản Thủ đô

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quân ta tiếp tục về Hà Nội tiếp quản Thủ đô (ngày 10/10/1954). Trong đoàn quân trở về năm ấy có nhiều chàng trai Bắc Giang, tất cả nay đã ngoài 90 tuổi. Nhớ lại thời khắc hào hùng, ai nấy đều bồi hồi, xúc động.

Rừng cờ hoa chào đón

Tháng 10, nắng thu vàng như rót mật, gió nhè nhẹ thổi đã gợi lại trong ông Nguyễn Viết Thế (SN 1932) ở tổ dân phố số 6, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) về những ngày cùng đồng đội tiến về tiếp quản Thủ đô cách đây 70 năm. Ông kể: “Với mong muốn đi bộ đội nhưng mới 16 tuổi chưa đủ điều kiện, tôi đã lén khai tăng thêm 2 tuổi để được nhập ngũ. Lập công xuất sắc trong một trận phục kích địch tại phà Bến Đục (chùa Hương), tôi được kết nạp Đảng năm 1949”. Sau chiến công này, ông Thế nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn Công binh 151. Suốt từ đó cho đến khi giải phóng Điện Biên năm 1954, trong các chiến dịch lớn như: Thượng Lào, Tây Bắc, Hòa Bình… ông đều có mặt. Lực lượng công binh đã mở được những con đường cho xe cơ giới và xe kéo pháo hạng nặng cơ động tham gia chiến dịch.

 CCB Nguyễn Viết Thế (thứ hai từ trái sang).

CCB Nguyễn Viết Thế (thứ hai từ trái sang).

Nay ở tuổi 92 với 75 năm tuổi Đảng, ông Thế vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, hiện sống cùng người bạn đời cũng là cựu chiến binh - bà Lê Thị Đảm, 84 tuổi. Ký ức ngày tiến về Thủ đô 70 năm trước ông còn nhớ rõ. Năm ấy, ông là một người lính Điện Biên trẻ, trở về Thủ đô trong hàng ngũ của đơn vị công binh. Chiều 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng đã theo hướng cầu Long Biên rút hết khỏi Hà Nội, cả thành phố như vỡ òa trong đêm hòa bình đầu tiên. “Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản, chúng tôi đi trong hàng ngũ chỉnh tề, nhân dân các cửa ô kéo ra đón bộ đội chật ních hai bên hè đường, cờ hoa nhiều vô kể”- ông Thế kể lại.

Giây phút đứng trong sân vận động Cột Cờ cùng đồng đội và nhân dân hướng về lá cờ Tổ quốc thiêng liêng tung bay giữa trời thu Hà Nội, ông xúc động khi nhớ lại những năm tháng gian nan chiến đấu của mình và bao đồng đội. Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng của Bác Hồ như vọng lại: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”.

 Hình ảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” trong chương trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Hình ảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” trong chương trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

Gần một tháng ở lại tiếp quản Hà Nội, ông Thế và những người lính Cụ Hồ được tận hưởng bầu không khí giải phóng. Đâu đâu cũng vui vẻ hát hò, nhảy múa nhưng những người lính không quên thực hiện nghiêm kỷ luật mà Chính phủ ban hành, phổ biến. Đó là trong thời gian tiếp quản tuyệt đối không tự tiện vào nhà dân để khám xét, không được vào nhà dân ngủ trọ, gây phiền nhiễu cho nhân dân; mua bán phải công bằng, không được phạm đến cái kim, sợi chỉ của dân; khi mới vào thành phố không được tự ý mua hàng để ảnh hưởng đến giá cả trong thành phố; phải tôn trọng trật tự, tập quán của nhân dân, giữ tư cách trong sạch, đứng đắn của bộ đội và nhân viên cách mạng...

Tự hào người lính Trung đoàn Thủ đô

Trong ngôi nhà ở đường Xương Giang, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang), CCB Đỗ Văn Huấn (SN 1933) còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về những ngày ông tham gia tiếp quản Thủ đô, vợ ông - bà Hà Thị Ly (SN 1938) giới thiệu với tôi một bức ảnh đen trắng chụp ông năm 21 tuổi được phóng to treo ở vị trí trang trọng. Đó là chàng thanh niên mặc áo lính, đội chiếc mũ nan bọc vải, phía trước có đính huy hiệu ngôi sao 5 cánh. Ông bảo đây là trang phục đặc trưng của người lính khi về tiếp quản Thủ đô.

 CCB Đỗ Văn Huấn và vợ xem lại bức ảnh chụp khi ông tiến vào tiếp quản Thủ đô (năm 1954).

CCB Đỗ Văn Huấn và vợ xem lại bức ảnh chụp khi ông tiến vào tiếp quản Thủ đô (năm 1954).

Được biết, tròn 20 tuổi, ông đi bộ đội rồi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng vang dội này, ông cùng đơn vị về Bắc Giang, đánh trận Cầu Lồ (Lục Nam). Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông và đồng đội di chuyển về khu Trại Cờ (Hiệp Hòa). Trước ngày tiếp quản Thủ đô, đạo diễn người Liên Xô - Roman Karmen đã thực hiện một số cảnh quay tại đơn vị của ông cho bộ phim tài liệu nổi tiếng “Việt Nam trên đường thắng lợi”.

Đúng 7 giờ đoàn xe chở bộ binh Việt Nam vượt qua ngã tư và lăn bánh theo những chiếc xe bọc sắt. Tiếp theo sau đoàn xe là bộ đội đi thành hàng giữa lòng đường. Tiếng động cơ những chiếc xe bọc sắt đi ra còn chưa lặng, hàng nghìn cờ đỏ đã tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào, trên các mái nhà. Lập tức trên các đường phố trở nên chật hẹp bởi những con người hoan hỉ, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ lên trên đầu, vỗ tay, khóc vì sung sướng, ca hát, cười”.

Đạo diễn phim "Việt Nam trên đường thắng lợi" Roman Karmen kể về khung cảnh Ngày giải phóng Thủ đô.

Có một điều đặc biệt khiến ông Huấn rất tự hào, đó là ông thuộc quân số của Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) thuộc Đại đoàn 308 – đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng, trong Khu di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308: “Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ông Huấn nhớ rất rõ cảm giác những ngày chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Từ Trại Cờ, đơn vị nhận lệnh hành quân về thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Tây cũ) rồi đến Cầu Diễn, huyện Từ Liêm cũ (Hà Nội) và ngủ lại đây. Đêm ấy, ai cũng thao thức. Đêm đầu tiên Hà Nội không còn bóng giặc ngoại xâm, cảm nhận rõ những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã qua, những ngày hòa bình đầu tiên đang đến. Nhân dân vui mừng, nhà nhà thắp đèn đến sáng đợi đón "lớp lớp đoàn quân tiến về".

Sáng 10/10/1954, cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao được hát vang trên những con đường Thủ đô. Tầm 9 giờ sáng, những cánh quân từ các cửa ô hành quân tiến vào trung tâm thành phố trong tiếng hoan hô, rừng cánh tay giơ cao vẫy chào nồng nhiệt. Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy, rầm rập đầy khí thế đi trên những con phố cổ kính. "Trung đoàn Thủ đô của chúng tôi tham gia cánh quân thứ nhất, tiến từ khu vực Mai Dịch, qua Ô Cầu Giấy, phố Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam ra hồ Hoàn Kiếm, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc để vào thành Hà Nội. Trên những con đường, tuyến phố đi qua, người dân mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mang cờ, hoa, hát vang đón chào đoàn quân chiến thắng trở về”.

Buổi chiều, người dân dồn về sân Cột Cờ, Hoàng thành Thăng Long dự lễ chào cờ. Hàng đầu là Trung đoàn Thủ Đô, đại diện các đơn vị Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57. Tiếp theo là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe, đông đảo nhân dân đứng xung quanh. Những thời khắc lịch sử huy hoàng năm ấy mãi mãi không thể phai mờ trong trái tim tôi".

Sau 70 năm giải phóng, Hà Nội hôm nay rộng mở, phố phường đông đúc, hiện đại hơn, một Hà Nội văn minh, văn hiến. Hà Nội ngày càng phát triển đi lên, xứng đáng là đầu tàu, là thành phố vì hòa bình, trái tim của cả nước.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ky-uc-ngay-ve-tiep-quan-thu-do-072946.bbg