Ký ức nghề dạy học

Công nghệ 4.0 đã được đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh ứng dụng hiệu quả, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian qua. Mỗi lần ngồi 'lướt mạng' soạn bài, các thầy cô lại nhớ về một thời gian khó để nỗ lực hơn cho sự nghiệp trồng người.

Cô trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Na Hang. Ảnh: Huy Hoàng

Cô trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Na Hang. Ảnh: Huy Hoàng

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục gắn liền với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học là mục tiêu xuyên suốt được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong những năm qua. Đội ngũ giáo viên trong tỉnh đã nỗ lực ứng dụng tin học vào soạn giảng giáo án, dạy học như một yêu cầu tự thân.

Cô giáo Đỗ Thị Huế, giáo viên trường Tiểu học Phúc Ứng (Sơn Dương) chia sẻ, chị có hơn 20 năm trong nghề dạy học, bao kỷ niệm buồn vui với chiếc máy vi tính thật khó quên, tạo động lực cho chị nỗ lực cho từng tiết học của học sinh. Cách nay khoảng mươi năm, khi nhà trường triển khai soạn giảng giáo án trên máy vi tính, bản thân chị cũng như nhiều giáo viên trong trường rất lo lắng. Là bởi, chị chỉ nhìn thấy những chiếc máy tính của bạn bè, chứ chưa một lần sử dụng. Thế rồi, trước yêu cầu đổi mới phương pháp soạn giảng giáo án, bản thân chị cùng đồng nghiệp tự mua máy vi tính rồi tham gia các lớp tập huấn do trường, huyện tổ chức, đó là những bài học “vỡ lòng” đầu tiên về tin học của chị và đồng nghiệp - chị Huế chia sẻ.

Chị Huế bảo, có hôm thức trắng đêm mày mò tìm hiểu từ cách di chuột, tính năng của các thanh công cụ, rồi học đánh chữ, dấu huyền là “f”, dấu sắc là “s”… cứ thế mà nhẩm cả lúc đi ngủ. Việc rồi cũng trôi, văn bản chị đánh máy lúc đầu chưa được chuẩn, còn xộc xệch nhưng đó là thành công ban đầu. Các giáo viên tăng cường trao đổi, cái gì chưa hiểu là hỏi ngay, người biết nhiều bảo người biết ít, không ai giấu dốt cả. Nhớ lại những năm tháng chưa xa, chị Huế và đồng nghiệp trong trường thực sự tự hào về những gì đã làm được hôm nay. Tất cả giáo viên trong trường đã sử dụng thành thạo tin học, Internet phục vụ soạn bài và giảng dạy. Chị Huế chia sẻ, ứng dụng công nghệ thông tin giúp chị soạn bài nhanh và hiệu quả hơn, những gì còn thiếu có thể truy cập Internet để bổ sung cho bài giảng sinh động hơn. So với ngày trước, soạn giáo án hoàn toàn viết tay, mất rất nhiều thời gian, có khi viết nhầm lại phải viết lại, rất vất vả. Nhưng đó là ký ức đẹp về một thời chưa xa để nỗ lực hơn trong công tác giảng dạy khi được tiếp cận với tin học, Internet.

Một buổi bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường Tiểu học Bắc Mục (Hàm Yên). Ảnh: K.T

Một buổi bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường Tiểu học Bắc Mục (Hàm Yên). Ảnh: K.T

Đối với chị Vũ Vân Anh, giáo viên môn Sinh - Hóa, trường THCS Phúc Sơn (Chiêm Hóa) ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy là cả sự nỗ lực không ngừng. Chị đã miệt mài tự học, rồi học từ bạn bè, người thân, trình độ tin học của chị đã được nâng lên. Giờ chị không chỉ soạn giảng giáo án bằng máy vi tính mà còn có thể dạy học bằng phần mềm trình chiếu đối với những tiết học đòi hỏi cần có nhiều hình ảnh minh họa. Chị bảo, hiệu quả bất ngờ, học sinh hiểu bài nhanh hơn nhờ có hình ảnh sinh động trên màn hình. Những bài tập về phản ứng hóa học hay những dẫn chứng về tế bào, mô, cấu tạo cơ thể người… được minh họa trên màn hình làm cho học sinh thích thú với môn học.

Chị Vân Anh bảo, chị công tác ở vùng đất này đã 20 năm, xưa ở đây heo hút lắm, chả nghĩ internet về tận nơi này. Quê chị ở thành phố Tuyên Quang, chị lên đây lập nghiệp, gắn bó với vùng đất này từ khi ngoài 20 tuổi. Giờ chị thấy thành phố và Phúc Sơn như gần lại bởi Internet được kết nối, gặp gỡ người thân qua mạng, vơi đi cảm giác nhớ nhà, nhớ thành phố trẻ. Ngày trước, khi chưa có mạng, chị muốn mua cuốn sách nào đó để nghiên cứu phục vụ giảng dạy rất khó vì ít thông tin, nhưng nay, chị chỉ cần vào mạng là mua ngay được, cơ sở kinh doanh gửi về tận nơi cho mình.

Điểm trường Bản Bung, trường Tiểu học Thanh Tương (Na Hang) bi bô tiếng trẻ đọc chữ. Cô giáo Nông Thị Ty, dạy điểm trường này chia sẻ, ở trên này dường như biệt lập, bởi đường xá xa xôi, đi lại khó khăn. Bản Bung là thôn ba không, không điện, không sóng điện thoại và không có Internet. Khó khăn nhiều thứ nhưng đây là lần thứ 3 cô tự nguyện lên bản xa xôi này gieo chữ cho bọn trẻ người Tày, Dao, Mông. Cô Ty chia sẻ, dẫu ở đây không có điện, Internet nhưng việc dạy học vẫn phải bắt nhịp với điểm trường chính.

Cô vẫn thực hiện soạn giảng giáo án bằng máy tính, mỗi tuần cô về nhà một lần, tranh thủ từng giờ soạn bài trên máy. Cô bảo, mãi mới bắt nhịp được với cái mới, ngày đầu làm vi tính thì ai cũng bảo viết tay còn nhanh hơn, nhưng khi thạo rồi thì quả thực tin học đã hỗ trợ thật nhiều cho công tác giảng dạy. Một buổi chị có thể soạn được nhiều bài phục vụ việc giảng dạy tốt hơn. Trước đây, chị cũng từng “cắm bản” ở nhiều địa phương như Thượng Lâm, Yên Hoa, khi ấy chưa soạn bài bằng máy vi tính, giáo viên vất vả lắm, ngày dạy học, tối chong đèn soạn bài đến khuya. Nay soạn bằng máy vi tính rất nhanh, thời gian còn lại cô dành cho nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức từ sách. Nhờ đó, chất lượng dạy và học của điểm trường được bảo đảm, không có học sinh yếu kém.

Ký ức nghề dạy học một thời miệt mài cây bút, trang giấy soạn bài vẫn còn đọng mãi trong mỗi giáo viên để nỗ lực thật nhiều cho hôm nay. Khi công nghệ 4.0 được ứng dụng hiệu quả tạo sức bật mới trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước.

Thành Công

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/ky-uc-nghe-day-hoc-139312.html