Ký ức phố phường

Trần Trung Sáng đam mê nghệ thuật từ thiếu thời. Anh đã có thơ, truyện ngắn đăng ở các tạp chí văn nghệ Sài Gòn trước 1975. Anh mê những 'tác phẩm nổi loạn', những 'con người phản kháng', được phổ biến ở miền Nam trên các phương tiện truyền thông đương thời khi mới được kỹ nghệ hóa, đó cũng là trào lưu thời thượng của tuổi trẻ những năm 1965-1975...

Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), Hội Mỹ thuật, Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức Triển lãm Tranh nghệ thuật mang chủ đề “Ký ức phố phường” của nhà văn, nhà báo Trần Trung Sáng.

Triển lãm sẽ khai mạc vào chiều 19/6/2019 tại trụ sở cơ quan TTXVN miền Trung-Tây Nguyên (81 Quang Trung, Đà Nẵng) gồm 40 tác phẩm thể hiện chất liệu giấy báo, với một phong cách khá phóng túng và mới lạ.

Nhân dịp này, nhà báo Trần Trung Sáng-một cộng tác viên thân thiết của Thời báo Ngân hàng đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi.

Là một nhà văn được biết đến nhiều qua những tác phẩm dành cho thiếu nhi, những năm gần đây anh dành thời gian cho các tiểu thuyết và lĩnh vực báo chí. Từ khi nào lại có thêm một Trần Trung Sáng họa sĩ, thưa ông?

Đây cũng là dịp kỷ niệm 20 năm triển lãm tranh của Trần Trung Sáng lần đầu tiên, cũng do Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức vào 21/6/1999. Lần đó, tôi chọn chủ đề “Nhân vật và sự kiện”, thuần mang ý nghĩa báo chí. Do đó, cũng chọn việc thể hiện chất liệu giấy báo cũ để làm tranh cho dễ ấn tượng. Tình cờ, điều đó lại trở thành cái duyên với tôi. Suốt mấy chục năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến tranh Trần Trung Sáng, mọi người đều nhớ ngay đến tranh giấy báo. Lần này, với chủ đề “Ký ức phố phường”, tôi có khai thác đề tài đa dạng hơn, chú ý nhiều hơn về kỹ thuật và các kỹ xảo phụ trợ, song ý nghĩa của nó vẫn để khẳng định: Một người làm báo vẽ tranh thì phải có chút gì đó gần gũi với đời sống báo chí.

Chợ Hàn - Tranh dán giấy của Trần Trung Sáng tại triển lãm

Chợ Hàn - Tranh dán giấy của Trần Trung Sáng tại triển lãm

Thông điệp anh muốn gửi đến mọi người thông qua chủ chủ đề “Ký ức phố phường” của cuộc triển lãm lần này là gì?

Xu hướng của xã hội, con người luôn hướng về phía trước, ngày càng vươn đến cuộc sống tiện nghi, hiện đại là không thể tránh khỏi. Các đô thị của đất nước ta cũng vậy, đặc biệt là Quảng Nam, Đà Nẵng là những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng… đôi lúc đã vô tình hoặc cố ý đánh mất những di sản vô cùng quý giá không thể nào tìm lại được. Với tình cảm của một người sáng tác văn học nghệ thuật, một họa sĩ, tôi cho là cần phải đánh thức những ký ức bị lãng quên, đồng thời cũng góp phần gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự đánh đổi cho phát triển của tương lai… nếu không biết trân quý quá khứ.

Anh vừa chia sẻ “nói đến Trần Trung Sáng mọi người đều nhớ ngay đến tranh dán giấy báo”, phải chăng đây là một lối đi riêng của anh hiện nay?

Nghệ thuật tranh dán (collage) đã xuất hiện từ xa xưa trong các nền nghệ thuật ở phương Đông cũng như Tây; chúng góp phần đáng kể tạo nên vẻ đẹp tân kỳ của tranh hiện đại với sự sáng tạo của các danh họa phương Tây hồi đầu thế kỷ 20. Tranh collage tiếp cận với vẻ đẹp bình dị, nó sử dụng những vật liệu đơn sơ gắn liền với sinh hoạt hàng ngày nên mang đậm hơi thở cuộc sống.

Còn với “Ký ức phố phường”, anh có thể chia sẻ đôi điều về những bức tranh?

Phần lớn những bức tranh của tôi thường ra đời đồng hành với một bài thơ, một truyện ngắn hoặc một ký sự của chính mình. Chẳng hạn, tranh Mèo và trăng xanh là từ truyện ngắn Những con mèo trên mái ngói; tranh bài thơ về nàng Maja là từ bài thơ Chiều thứ 7 nhớ nàng Ma khỏa thân; Ký ức Ga chợ Hàn từ ký sự Thành phố tiếng còi tàu…

Trong đó, tôi thích nhất bức tranh Ký ức Ga chợ Hàn, bởi đó có thể là một nơi chốn đầy ắp kỷ niệm của một Đà Nẵng xưa, nay đã mất. Nơi ấy, khi còn là một nhà ga bỏ phế đã trở thành một quán rượu bình dân, một thời nhóm thân hữu chúng tôi thường lui tới rượu chè đàn đúm khi thì với họa sĩ Lê Đình Sung, khi thì học giả Nguyễn Văn Xuân…

Đặc biệt, trong thời gian đó, nơi đây, tôi thường gặp và chơi đùa với một cậu bé khoảng hơn 10 tuổi, suốt ngày thường xuyên hí hoáy vẽ tranh tham gia các lớp năng khiếu thiếu nhi. Sau khi địa chỉ ấy bị xóa bỏ, cậu bé ấy cùng gia đình đi đâu không rõ… Và cho đến khi gặp lại, tôi thật bất ngờ biết ra: cậu bé ấy nay là họa sĩ thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí nổi tiếng hàng đầu tại TP. Hồ Chí Minh.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Trần Trung Sáng đam mê nghệ thuật từ thiếu thời. Anh đã có thơ, truyện ngắn đăng ở các tạp chí văn nghệ Sài Gòn trước 1975. Anh mê những “tác phẩm nổi loạn”, những “con người phản kháng”, được phổ biến ở miền Nam trên các phương tiện truyền thông đương thời khi mới được kỹ nghệ hóa, đó cũng là trào lưu thời thượng của tuổi trẻ những năm 1965-1975. Và, cái hơi hám của thời trai trẻ ấy còn lưu nét rất rõ trong tranh hiện nay của Sáng. Đà Nẵng gắn bó với nghệ thuật của Sáng từ thời trẻ, và có lẽ, cho đến cuối cuộc chơi. Trên cái suy tàn và phát triển của phố phường, anh chọn một giọng điệu nhẹ nhàng thể hiện trong một thủ pháp nghệ thuật vừa gợi vừa tả… để diễn đạt những biến động trong tâm thức anh về chốn yêu thương. Trần Phương Kỳ

Thảo Nguyên thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ky-uc-pho-phuong-88927.html