Ký ức tháng 3

Đã 45 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng 3 lịch sử, ký ức về thời khắc tiếp quản vùng đất giải phóng quận Phước An lại ùa về trong tâm tưởng của những người ở căn cứ Khuê Ngọc Điền được vinh dự nhận sứ mệnh thiêng liêng ấy.

Đã 45 năm trôi qua, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng 3 lịch sử, ký ức về thời khắc tiếp quản vùng đất giải phóng quận Phước An lại ùa về trong tâm tưởng của những người ở căn cứ Khuê Ngọc Điền được vinh dự nhận sứ mệnh thiêng liêng ấy.

Bà Ngô Thị Phúc - thành viên Ủy ban quân quản.

Bà Ngô Thị Phúc - thành viên Ủy ban quân quản.

Theo giới thiệu của ông Nguyễn Văn Trương - Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền (H. Krông Bông, Đắk Lắk), tôi đến gặp ông Đỗ Cửu (82 tuổi, cán bộ hưu trí, 51 năm tuổi Đảng), người trực tiếp tham gia chiến dịch xuân 1975 và là thành viên Ủy ban quân quản trong những ngày đầu mới giải phóng quận Phước An (nay là H. Krông Păk).

Quận Phước An là một cứ điểm quân sự quan trọng nằm ở hướng Đông của tỉnh, địch coi đây là tấm lá chắn thép đối với căn cứ H9 (Krông Bông). Đầu tháng 3-1975 sau khi tiếp thu kế hoạch chiến dịch giải phóng Tây nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột và tỉnh Đăk Lăk, bản thân ông Đỗ Cửu được điều động vào Huyện đội H9 giữ chức vụ Trung đội trưởng phụ trách 27 đồng chí trực tiếp tham gia tiếp quản quận Phước An.

Với cách nói hào sảng ông kể lại: Trước sức tấn công như vũ bão của ta, ngày 16-3-1975, địch tháo chạy về Chư Cúc lập tuyến phòng thủ mới, thực hiện phương châm lúc bấy giờ là "Hòa hợp, hòa giải dân tộc", tiếp quản đến đâu phải nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân vùng giải phóng, tránh gây thương vong đổ máu. Vì thế, khi vào tiếp quản, nhiệm vụ của đơn vị ông là đi sâu vào các buôn làng từ cây số 42 lên Phước An tuyên truyền chính sách 12 điều của Cách mạng để người dân am hiểu. Từ đó, ta đã biến khó khăn thành thuận lợi, thông qua các buổi họp tuyên truyền, người dân tin tưởng nên đơn vị ông đi đến đâu cũng được bà con đồng bào dân tộc ở các buôn mang thức ăn, đồ uống ra mời.

Đặc biệt, khi vào một làng "Thương phế binh" ở cây số 42 (Quốc lộ 26 ngày nay) cũng như khi đến vận động những người trước đây có tham gia chế độ cũ, do còn hy vọng Chính quyền Sài Gòn sẽ tái chiếm như hồi Tết Mậu Thân 1968, tìm cách cất giấu vũ khí, nhưng sau khi nghe giải thích họ hiểu ra nên đã tự giác đào lên đem giao nộp cho cách mạng. Số vũ khí đó được ông và những người trong Ủy ban quân quản mang vác trên vai, lội bộ gần chục cây số đưa về kho. Trong thời gian công tác ở Ủy ban quân quản Phước An tuy còn khó khăn thiếu thốn mọi bề nhưng ông cùng các chiến sĩ giải phóng không hề tơ tưởng đến "cây kim sợi chỉ" của dân, mặc dù lúc đó nhà cửa, tài sản bỏ lại không có người trông coi. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông được cấp trên điều động về làm Bí thư Chi bộ xã Khuê Ngọc Điền (1975 - 1978) rồi lên công tác ở huyện cho đến ngày về hưu.

Cũng là một thành viên trong Ủy ban quân quản Phước An, bà Ngô Thị Phúc (84 tuổi, trú thôn 7 xã Khuê Ngọc Điền) cho biết: Tin giải phóng Buôn Ma Thuột lan nhanh, lúc đó bà cùng bà Võ Thị Sa - cán bộ phụ nữ xã Lễ Giáo được huyện điều động vào Ủy ban quân quản Phước An. Tuy đoạn đường chỉ cách khoảng ba chục cây số, nhưng tình hình chiến sự lúc bấy giờ vẫn còn căng thẳng, nên 2 bà đã phải vượt rừng sâu, núi thẳm, suốt ba ngày đêm mới đến nơi kịp nhận nhiệm vụ. Khi vào buôn Jắt bà phải cải trang thành người đồng bào dân tộc để dễ tiếp cận. Riêng tình hình đối với vùng đồng bào Kinh cũng vô cùng phức tạp. Lợi dụng việc người dân sợ hãi di tản, một số phần tử xấu còn ở lại ban đêm lén lút cậy cửa, phá nhà cướp của, sau khi giải phóng Phước An khoảng 15 ngày bà con trở về chỉ còn hai bàn tay trắng. Để nhanh chóng ổn định tư tưởng cho người dân, bên cạnh việc tuyên truyền chính sách, vận động chị em phụ nữ kêu gọi chồng, con ra đăng ký khai báo để hưởng sự khoan hồng của cách mạng, thì bà còn tiếp nhận lương thực để cứu đói kịp thời cho người dân... Đồng thời, phối hợp với các đồng chí trong Ủy ban quân quản, thành lập các tổ chức đoàn thể ở từng buôn làng. Với bản lĩnh của người dân vùng hậu cứ từng chịu gian khổ, không ngại hy sinh, cộng với kinh nghiệm công tác của mình, bà thâm nhập vào những gia đình quen biết trước đây ở căn cứ bị địch bắt ra Ấp chiến lược, dùng tình cảm để cảm hóa những người có người thân tham gia chế độ cũ rồi vận động những người chung quanh, nhờ vậy mà bà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một trong những kỷ niệm mà đến nay vẫn còn in đậm trong bà đó là: Khi lên đến Phước An, bên cạnh xác máy bay trực thăng của địch bị ta bắn hạ, có một phụ nữ ngồi ôm con nguyên một chỗ. Quan sát suốt ba ngày mà người phụ nữ vẫn không đi, thấy vậy bà tiến lại gần thì mới phát hiện đây là một thi thể phụ nữ trên tay còn ôm đứa con đang bị phân hủy, bên cạnh là một thùng đạn bên trong chứa tài sản giá trị. Bà đã không lấy làm của riêng mà kịp thời báo cáo lên cấp trên đến bàn chuyện chôn cất và thu số tài sản nộp vào công quỹ. Sau 3 tháng, các đoàn thể đi vào hoạt động có nền nếp, bà trở về tham gia công tác ở địa phương cho đến ngày về hưu.

Chiến tranh lùi xa, ký ức những ngày hào hùng vẫn còn đó và những tấm gương về lòng trung thực sẽ mãi là bài học cao quý về phẩm giá, để thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

MAI VIẾT TĂNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_221457_ky-uc-thang-3.aspx