'Ký ức'… Thành Cổ
Hơn 50 năm đã trôi qua, biết bao thay đổi của cuộc đời con người với những nhớ - quên. Vậy nhưng, 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị thì vẫn vẹn nguyên trong ký ức những cựu chiến binh (CCB) xứ Thanh từng chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ địch. Ký ức ấy, như 'thước phim' đen trắng bất tử, dẫu đau thương mà rất đỗi hào hùng về một thời 'hoa lửa' mãi không quên.
Tôi tìm về thôn Cần Kiệm, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) để gặp CCB Nguyễn Ngọc Vớn sau cuộc điện thoại hẹn trước. Với nụ cười hào sảng, CCB Nguyễn Ngọc Vớn hồ hởi: “Nhà báo đợi một chút, tôi có hẹn với mấy đồng đội cùng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm đó, các anh ấy đang đến rồi. Trong chiến trận, chúng tôi là đồng đội, sau bao năm chúng tôi vẫn là đồng đội”.
Nhờ sự nhiệt tình của CCB Nguyễn Ngọc Vớn, tôi lần lượt được gặp các CCB: Lê Văn Nguyên, Đào Kim Chỉ, Lê Minh Sơn. Họ là những người lính từng trực tiếp chiến đấu và đã để lại một phần xương máu tại Thành cổ Quảng Trị trong những tháng ngày đạn bom khốc liệt nhất cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Với sự khẳng khái của người lính, CCB Nguyễn Ngọc Vớn dõng dạc: “Đó là cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc, người lính vào chiến trường đều chung một mục tiêu. Vậy nên, dù có ở vị trí nào, cấp bậc lớn, nhỏ ra sao thì cũng rất khó để nói ai đóng góp nhiều hơn, công lao lớn hơn. Hôm nay, chúng ta hãy chỉ kể câu chuyện của người lính chiến trận mà thôi”.
Đầu năm 1971, họ là những chàng trai ở tuổi đôi mươi lên đường nhập ngũ với khát vọng hiến dâng cho Tổ quốc. Dù khác quê hương, vào bộ đội huấn luyện cũng không cùng đơn vị. Vậy nhưng, tháng 2-1972, họ cùng có mặt ở Quảng Trị, thuộc quân số Trung đoàn 48 - trung đoàn giữ vai trò quan trọng trong giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cuối tháng 3-1972 chiến dịch Trị - Thiên bắt đầu. Sau nhiều ngày chiến đấu kiên cường của Bộ đội Cụ Hồ, Quảng Trị đã được giải phóng toàn bộ. Sau đó, đơn vị chúng tôi được lệnh vượt sông Mỹ Chánh vào Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, mới vào đến Phong Điền thì nhận được thông tin địch trở lại tái chiếm Quảng Trị với âm mưu giành lợi thế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris sắp diễn ra. Lúc này Trung đoàn 48 được lệnh “rút” quay trở ra Quảng Trị. Chiến sĩ Trung đoàn 48, trên, dưới đều được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Tôi ở Tiểu đoàn 1, với nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ chiến đấu. Hằng ngày, tổng hợp quân số chiến sĩ thương vong báo về Sở Chỉ huy. Cùng với việc đưa thương binh ra ngoài chữa trị thì cũng liên tục tiếp nhận tân binh vào bổ sung. Tôi không còn nhớ chính xác, trong những tháng ngày đó, bản thân đã bao lần vượt sông Thạch Hãn với những chuyến đưa - đón đồng đội” - CCB Nguyễn Ngọc Vớn mở đầu câu chuyện kể về những tháng ngày chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị.
Cũng theo chia sẻ của CCB Nguyễn Ngọc Vớn, khi Trung đoàn 48 vào Quảng Trị, chiến sĩ trung đoàn đều phải “nằm lòng” khẩu hiệu quyết tâm: “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn” (Quang Sơn là mật danh của Trung đoàn 48 khi đó). Có nghĩa, việc bảo vệ Quảng Trị nói chung, Thành cổ Quảng Trị nói riêng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Và có thể khẳng định, Trung đoàn 48 ngày đó gắn bó máu thịt với chiến trường Quảng Trị. Về sau, khi Trung đoàn 48 được tuyên dương anh hùng đã “lấy tên” dòng sông Thạch Hãn, tức Trung đoàn Thăng Long - Thạch Hãn, với 16 chữ vàng được trao tặng vào cuối năm 1972: “Tiến công dũng mãnh, phòng ngự kiên cường, đánh thắng giòn giã, lập công xuất sắc”.
Khác với CCB Nguyễn Ngọc Vớn, CCB Lê Văn Nguyên thuộc quân số đại đội pháo binh. Sau lời kể của người đồng đội, CCB Lê Văn Nguyên tiếp lời: “Trong thời gian chiến đấu bảo vệ Thành cổ, tôi nhớ nhất là trận chiến ngày 13-7. Lúc bấy giờ, cuộc chiến giữa quân ta và kẻ địch vẫn đang vô cùng cam go, ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất nhằm chiếm được thế chủ động trên bàn đàm phán Hiệp định Paris sắp diễn ra. Ngày hôm đó, một tốp lính ngụy tiến vào với âm mưu cắm được cờ trên Thành cổ, nhằm loan báo rằng chúng đã chiếm được Thành. Lúc này, đại đội pháo binh của chúng tôi đã dồn lực nhanh chóng tiêu diệt gọn tốp lính địch, thu được toàn bộ vũ khí, cờ địch, máy ảnh, không cho địch thực hiện âm mưu. Những ngày đó, mưa bom bão đạn của kẻ địch liên tục dội xuống Thành cổ, ranh giới sinh - tử thực sự mong manh, không ai có thể nói trước điều gì. Duy chỉ có một điều không thay đổi, là phải quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.
“Trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tôi chỉ chiến đấu cùng đồng đội được một nửa thời gian thì bị mảnh pháo găm vào bụng, phải ra ngoài điều trị. Sau khi Hiệp định Paris được ký, tôi quay trở về chiến đấu cùng đồng đội ở Cửa Việt. Đã vào chiến trường, chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, người lính không nghĩ nhiều đến sự sống - chết. Chỉ có một mục tiêu duy nhất là chiến đấu và chiến đấu, khát vọng sớm đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối” - CCB Lê Văn Nguyên xúc động chia sẻ.
“Thành cổ Quảng Trị những ngày đó “nóng” vô cùng. Suốt 81 ngày đêm, bầu trời và mặt đất giống một chảo lửa với đạn bom trút xuống như mưa, sẵn sàng thiêu đốt tất cả. Thật sự, dù có ngàn vạn lời để nói cũng không miêu tả hết sự khốc liệt của chiến trận Thành cổ Quảng Trị ngày ấy. Mỗi ngày, khi mặt trời xế bóng, từ trên cao, địch lại rải pháo sáng mọi ngóc ngách trong Thành cổ nhằm phát hiện lực lượng bộ binh của quân ta để tiêu diệt. Tuy nhiên, bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu không nao núng, chiến tranh càng đau thương, người lính càng phải quyết tâm để có thể đi đến ngày toàn thắng. Sinh ra, lớn lên trong những năm tháng đất nước chiến tranh, trưởng thành trong chiến trận, dẫu phải để lại một phần xương máu nơi chiến trường, đến hôm nay vẫn còn di chứng nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn số phận, vì mình may mắn hơn những đồng đội đã vĩnh viễn ngã xuống trên chiến trường năm xưa”, CCB Đào Kim Chỉ trầm ngâm.
Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại trên dải đất chữ S đầy yêu thương, những đồng đội cùng chiến trận năm xưa mỗi người lại công tác ở vị trí khác nhau. Đi qua thời gian, trở về với cuộc sống thanh bình nơi quê nhà, những người lính xứ Thanh từng có những tháng ngày “sống mãi” với Thành cổ Quảng Trị lại tìm đến nhau, trong một tập thể có tên hội chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị Trung đoàn 48 - Đoàn Thạch Hãn Anh hùng tại Thanh Hóa. CCB Trịnh Đình Việt - trưởng ban liên lạc hội cho biết: “Trung đoàn 48 năm 1972 có rất nhiều chiến sĩ người Thanh Hóa. Bởi vậy, năm 1994, sau nhiều cố gắng thì ban liên lạc hội chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị Trung đoàn 48 - Đoàn Thạch Hãn Anh hùng tại Thanh Hóa đã được thành lập. Sau gần 30 năm thành lập, dù đến nay, hầu hết hội viên đều đã tuổi cao, sức yếu song chúng tôi vẫn cố gắng giữ mối liên hệ đồng đội với nhau”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ky-uc--thanh-co/28184.htm