Ký ức thời gian trên những tấm mộc bản hàng trăm năm tuổi
Mộc bản vừa chứa đựng những giá trị thông tin, sử liệu quan trọng vừa mang những giá trị nghệ thuật độc đáo, thể hiện nghệ thuật khắc gỗ tinh xảo của thợ thủ công xưa.
Mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược, được sử dụng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến để in các loại sách, tài liệu.
Đây là tư liệu quan trọng để nghiên cứu công nghệ in ấn, xuất bản và việc truyền bá tri thức ở Việt Nam thời kỳ trước.
Mộc bản vừa chứa đựng những giá trị thông tin, sử liệu quan trọng vừa mang những giá trị nghệ thuật độc đáo (thể hiện nghệ thuật khắc gỗ tinh xảo của thợ thủ công xưa).
Nhìn chung, chữ trên mộc bản được khắc bằng dạng khác nhau như lệ thư, thảo thư, cổ tự, giản tự… Đa số mộc bản được khắc hai mặt, thể hiện nội dung sách. Ngoài ra, một số tấm mộc bản khắc một mặt. Đó là bìa, lời tựa hay tờ đầu, tờ cuối của cuốn sách.
Một số loại mộc bản phổ biến còn lưu giữ được đến ngày nay là: mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, mộc bản triều Nguyễn, mộc bản trường học Phúc Giang (đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới - thuộc “Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương”) và mộc bản chùa Bổ Đà (đã được công nhận là bảo vật quốc gia)…
Những loại mộc bản này hiện được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4 (Lâm Đồng), một số ngôi chùa ở Bắc Giang…
Ván khắc mộc bản thường được làm từ gỗ cây thị. Loại gỗ này có đặc điểm thớ nhỏ, mềm, mịn nhưng bền chắc, dễ khắc. Miếng ván gỗ có kích thước tùy theo sản phẩm sẽ in (sách, tranh…). Bên cạnh đó, ván in mộc bản còn được làm từ một số loại gỗ khác như gỗ táo, gỗ lê…
Ngày nay, mộc bản đã trở thành một loại hình di sản văn hóa, đang được bảo vệ và phát huy giá trị. Công tác lưu trữ đang tồn tại song song hai phương pháp: lưu trữ bằng hiện vật và lưu trữ điện tử. Việc số hóa các tài liệu mộc bản đang được đẩy nhanh tiến độ./.