Ký ức trận đại hồng thủy năm 1999 ở Thừa Thiên - Huế
20 năm trước, Thừa Thiên - Huế chịu thiệt hại toàn diện trên mọi lĩnh vực khi một lượng mưa khủng khiếp kèm theo lũ tràn về tàn phá dữ dội làm 373 người chết và mất tích.
5 ngày lũ đầu tháng 11/1999, lượng mưa đo được ở đồng bằng là 2.288 mm, gần bằng tổng trung bình hàng năm. Lượng mưa tạo nên cơn lũ với sức tàn phá dữ dội và khiến toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu thiệt hại trên mọi lĩnh vực.
Đến bây giờ, nhiều người khi nhớ lại 5 ngày lũ năm ấy vẫn cảm thấy kinh hoàng.
Cuộc vật lộn sinh tử bên cửa biển
Phóng viên gặp bà Nguyễn Thị Cao trong ngôi nhà nằm trên một dải đất cát ngoài biển, bên trong đầm phá. Mưa lớn, bà và chồng không đi làm được, ngồi trong nhà nhìn ra. Bà bồi hồi kể lại về cuộc vật lộn sinh tử ngay tại nơi này.
Nhớ như in ngày 31/10/1999, bà Cao kể khi đó bà mới 45 tuổi. Mưa lớn khiến nước từ đầm phá tràn qua mặt đường, dâng cao trước mặt nhà bà rồi đổ ra biển. Ngày hôm sau, nước vẫn dâng cao, bà và hàng xóm cho rằng tình trạng giống như những cơn lũ mọi năm trước. Nhưng không.
Đến chiều, mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về. Một số gia đình đưa con đi lánh nơi khác. Tối 2/11, nước lũ trở nên hung dữ hơn. Ngôi nhà bà Cao và 64 hộ dân nghiêng ngả rồi bị cuốn trôi ra biển.
“Trước đó, không có bất cứ một dấu hiệu mô (nào - PV) báo hiệu lũ dữ hết. Buổi tối, khi tôi đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng cây đổ. Tôi và ông chồng chạy ra xem thì thấy nước chảy xiết. Tôi la toáng lên rồi tìm cách tháo chạy, những hộ dân quanh đó cũng chạy. Được một đoạn thì nước xé toang dải cát, cây cối ngã rạp rồi bị cuốn trôi. Nhà tôi đổ ụp xuống rồi chìm nghỉm trong nước”, bà Cao nhớ lại.
Chạy ra khỏi nhà, bà cùng chồng cố vịn vào các cây phi lao chưa bị cuốn trôi để vượt ra khỏi dòng nước. Nhưng nước chảy quá mạnh, hai vợ chồng bà đuối sức, mỗi người ôm vào một cây phi lao rồi ngâm mình trong nước, chờ đợi sự cứu trợ. Sát ngoài cửa biển, tiếng người bị lũ cuốn la hét trong vô vọng.
“Đừng sợ, cố bám vào cây, bám chặt vào, rồi sẽ qua thôi”, chồng bà Cao lúc đó hét to, động viên vợ.
Chỉ trong chốc lát, cửa biển Hòa Duân bị nước lũ xé rộng 700 mét, độ sâu từ 8-12 mét. 64 ngôi nhà bị cuốn trôi ra biển, 21 người chết và mất tích.
Bà Cao cùng chồng bám vào cây, ngâm dưới nước suốt nhiều giờ đồng hồ. Người trên bờ, muốn cứu nhưng cũng không biết làm cách nào vì nước chảy quá mạnh. Người phụ nữ 45 tuổi lúc ấy ngoảnh mặt nhìn sau lưng, nhiều người dân trong xóm bà vẫn đang vật lộn để tìm sự sống.
10 giờ sau, nước chảy chậm lại. Người dân trên bờ kết dây đôi ra kéo hai vợ chồng bà vào. Thoát khỏi tử thần vợ chồng bà Cao ôm nhau, khóc nức nở.
Đứa con trai đầu của bà dự định cuối tháng 11 đám cưới, nhưng rồi cơn lũ cuốn trôi căn nhà, cả gia đình bà lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".
“Thiên tai vậy cũng không ai muốn. Con gái tôi và con trai anh chị cũng đã dạm hỏi trước rồi. Thôi thì hôm nào nhà trai qua bên tôi nói chuyện rồi rước cháu về làm dâu luôn. Mưa lũ, mất nhà giờ cưới xin cũng chẳng vui vẻ chi”, bà Cao thuật lại lời nhà gái nói với vợ chồng bà lúc đó.
Sáu năm sau cơn lũ, chồng bà mất do một cơn tai biến. Nhưng đến giờ, bà vẫn không thể nào quên những ký ức về cuộc vật lộn giữa lằn ranh sinh tử của hai vợ chồng.
Trận lũ không có trong kịch bản phòng, chống
Năm 1999, Thừa Thiên - Huế mưa nhiều và rét. Đây cũng là năm mà hiện tượng La Nina hoạt động mạnh, gây ra những biến động khác thường về thời tiết. La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau.
Đầu tháng 11/1999, đội bóng Huế có trận đấu khai mạc mùa giải 1999-2000 trên sân nhà với Đà Nẵng. Trên khán đài sân Tự Do, ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế dự khán trong khi trời mưa rả rích.
Ngồi trên khán đài, ông Mễ theo dõi trận đấu nhưng cảm thấy bất an khi nhiều đám chuồn chuồn bay khá thấp rồi sà xuống mặt sân. Trông về hướng đông, ông thấy ráng đỏ nổi lên.
Sáng hôm sau, mưa lớn trút xuống Huế. Biết chuyện không lành, ông Mễ báo cho lái xe đến đón lên cơ quan sớm hơn. “Tôi lên cơ quan, ở nhà mưa lớn nếu có gì mấy mẹ con cứ xử lý”, ông kể lại lời dặn vợ con hôm đó khi trời mưa mỗi lúc một nặng hạt.
7h sáng 2/11/1999, mưa như trút nước xuống toàn tỉnh. Nước từ thượng nguồn đổ về. Gỗ, củi trôi lềnh bềnh, nước sông Hương đục ngầu. Ông Mễ bước vào cơ quan, nhìn ra bên ngoài nước đã lênh láng mặt đường. Chỉ vài phút sau, nước dâng, tràn vào đến sân ủy ban tỉnh.
Đúc kết lại các sự kiện thiên nhiên chứng kiến hôm xem trận bóng, ông nghĩ tỉnh sắp có lũ lớn. Chưa kịp điện hỏi các địa phương ảnh hưởng ra sao thì ông đã nhận được tin báo đồi Long Thọ, phường Thủy Biều bị cô lập, nhiều người mắc kẹt trên đó. Trường THCS Hương Thọ, huyện Hương Trà (nay là thị xã Hương Trà) báo về có 57 học sinh cùng thầy cô giáo mắc kẹt trên mái, nước lũ áp sát dưới chân.
“Phải đi lên ngay vùng Hương Thọ xem tình hình thế nào”, ông Mễ phát lệnh. Một chiếc ca-nô của công an được đưa đến, chạy được một đoạn bị cầu Bạch Hổ chắn ngang. Nước lũ ngập tràn qua mặt cầu, ca-nô không vượt qua được. Người dân và xe cẩu phụ đưa qua khỏi đường ray xe lửa, nhưng được một đoạn phải quay lại do nước lũ cuồn cuộn đổ về. Hành trình đi lên vùng dân tiếp tục bị cô lập.
“Trận lũ 1999 nằm ngoài mọi kịch bản thời đó, không có kế hoạch phòng chống lụt bão nào lường trước được sự việc này”, ông Mễ nói.
3 ngày tự cứu lấy nhau trong lũ
Mưa đổ xuống như trút. Mọi ngả đường bị chia cắt. “Anh Giao ơi! Tình hình Huế lúc này quá nguy cấp rồi. Đề nghị anh báo cáo với Chính phủ để có chi viện khẩn, chúng tôi gần như bị bao vây”, ông Nguyễn Văn Mễ điện ra cầu cứu Trung ương. Người nghe máy là ông Đoàn Mạnh Giao, lúc đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Sau cuộc điện ra Trung ương, mọi liên lạc bị ngắt. Các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị phân tán nhiều nơi, không ai kịp đến cơ quan.
Quân khu 5 cử người và trực thăng bay ra viện trợ nhưng mưa mù trời, tầm nhìn hạn chế phải quay trở lại. Lực lượng công binh được chi viện di chuyển từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đi theo đường 13 của Lào qua Savannakhet, quay về lại đường 9 (Quảng Trị) dò dẫm từng đoạn một để tiếp cận vùng lũ.
3 ngày trong cơn lũ, người dân phải tự cứu giúp, đùm bọc lẫn nhau. Người có ăn giúp cho người không có ăn, nhà cao cứu trợ những người nhà thấp. Bộ đội biên phòng xuất gạo nấu rồi cấp cho dân. 500 người ở Đồn Biên phòng Thuận An chen chúc nhau đứng trên tầng hai, thay phiên nhau đứng, ngồi cho đỡ mỏi.
Một đoàn cán bộ của Thái Lan mắc kẹt lại ở khách sạn Century, lương thực cạn kiệt. Lúc đầu, một người một gói mỳ tôm nhưng sau này thì hai người ăn chung một gói. Trực thăng quần thảo trên không, tìm cách đáp xuống đất, nhưng bất lực. Sự chi viện, tiếp cận của các địa phương khác và Trung ương cho Thừa Thiên - Huế hầu như không thể.
Hành trình cứu 57 người của cậu học sinh lớp 7
Trường THCS Hương Thọ (huyện Hương Trà) nằm trên một mô đất cao, cách bờ sông Hương hơn 2 km. Năm lũ cao nhất cũng chỉ vào đến sân trường.
Ngày 1/11, lịch học vẫn diễn ra như mọi hôm. Võ Đại Đại - cậu học sinh lớp 7, dáng người được mô tả là “thấp, gầy, chỉ cần một cơn gió cũng có thể thổi bay” - cùng các bạn đến trường. Khoảng 8h sáng, các thầy cô giáo được lệnh cho học sinh về nhà tránh lũ. Một số em nhà gần cuốc bộ về, số khác phải ở lại vì nhà xa, cộng thêm nước ngập chia cắt đường về.
Tổng cộng có 57 học sinh cùng thầy cô ở lại trường. Chiều hôm đó, nước dâng lên, không có ai đến cứu, mọi người kết bàn ghế lại với nhau thành bè rồi ngồi lên.
Sáng 2/11, nước lũ từ thượng nguồn càng đổ về hung dữ. Mưa lớn, không đi học, Đại chèo ghe ra neo lồng cá lại. Khi vừa neo được hai lồng cá, Đại nghe tiếng kêu cứu phát ra từ trường. Lấy sức chống ghe quay lại, cậu thấy một nhóm người đang chen chúc đứng trên mái. Xung quanh, nước bủa vây không có một bóng người. Đại chèo ghe tiếp cận mái nhà, chở từng người di chuyển đến quả đồi cách đó 300 m.
Nước chảy xiết, chiếc ghe chồng chềnh. “Có ai bị gì không. Lên ghe đi em chở lên đồi, nước lên nhanh lắm”, Đại hỏi, rồi hối thúc nhóm người đang đứng trên mái ngói.
Trời vẫn đổ mưa nặng hạt. Nước lũ từ thượng nguồn kéo theo củi, gỗ tràn về. Chàng thiếu niên nhỏ tuổi, người gầy cố sức chèo ngược con nước chở các bạn và thầy cô đi tránh lũ.
Một mình Đại chở 8-9 chuyến. Chuyển gần hết các bạn và cô giáo, khi vừa đói vừa đầm mình trong mưa gió, Đại kiệt sức. Nhưng cậu học trò lớp 7 vẫn gắng gượng vì không thể để bạn và các thầy cô gặp nạn.
“Nhanh lên, nước sắp ngập hết mái ngói rồi”, Đại nói vọng ra khi thấy những chiếc ghe tiến đến. Cậu bất ngờ khi thấy mẹ và chú của mình trên ghe. “Răng không kêu mẹ với chú đi chở với? Mi chèo một mình rứa lỡ có chuyện chi thì răng”, mẹ Đại gắt giọng, giục con trai: “Chèo nhanh đi, chậm là không kịp”.
Khi chuyến ghe cuối cùng chở các thầy cô giáo đi cũng là lúc nước ngập hết phần mái ngói, Đại quay về nhà. Lúc này, nước đã lên ngập lênh láng, gà, vịt, heo không kịp chạy lũ bị cuốn trôi khắp nơi.
5 ngày sau, Đại trở lại trường, biết các bạn và thầy cô hôm cậu chuyển đi vẫn khỏe mạnh. Sau khi cơn lũ đi qua, Đại được tuyên dương. Xấp giấy khen được trao trong những lần cậu ra Hà Nội được xếp dày cộm.
20 năm trôi qua, giờ đây, Đại đã trưởng thành, lập gia đình và có 2 con. Anh mở xưởng làm lồng chim, giỏ hoa và tạo công ăn việc làm người trong làng.
Tái thiết sau lũ
Cơn lũ lịch sử đi qua, đầu năm 2000, nhiều cuộc họp của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ GTVT được triển khai, tìm phương án hàn khẩu cửa biển Hòa Duân. Bởi nếu để như vậy thì cư dân các xã của huyện Phú Vang, Phú lộc nằm dọc biển sẽ bị cô lập.
Nhiều ý kiến trái chiều về việc hàn khẩu cửa biển. Một số các nhà khoa học, báo chí thời đó cho rằng chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đang "bẻ nạng chống trời", "ném tiền qua cửa sổ".
Khó khăn không chỉ đến từ sự chỉ trích mà còn đến từ thiên nhiên. Cầu cống để vận chuyển vật liệu cũng trở nên khó khăn khi xe tải hạng nặng không dám đi qua, phải vận chuyển bằng ghe, thuyền.
Tập kết đủ cát, rọ đá, cuộc hàn khẩu chính thức bắt đầu. Rọ đá được đưa xuống neo gia cố chặt rồi lần lượt đổ bao tải cát xuống, hai nhánh quân bắt từ hai bên bờ, chặn dần ra giữa.
Khi hàn khẩu xong, tối đến, sóng biển đánh vào, đập lại bị vỡ một cửa miệng 4 m. Phương án mới được đưa ra để tiếp tục làm, và rồi cửa biển Hòa Duân hàn khẩu thành công.
Công cuộc tái thiết sau lũ là một hành trình gian nan. Bùn đất có nơi dày nửa mét. Công trình giao thông, hạ tầng đô thị bị hư hỏng nghiêm trọng. Một núi công việc đặt ra trước mắt lãnh đạo tỉnh.
Năm 2000, Festival Huế vẫn diễn ra đầy ấn tượng, mặc dù Huế vừa mới trải qua cơn lũ lịch sử.
Cũng trong năm đó, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào thăm và động viên người dân. Theo âm lịch, năm đó là Canh Thìn, vậy nên nguyên Tổng bí thư đã chọn Làng Rồng để đặt cho khu tái định cư thị trấn Thuận An.
“Mấy năm nay, tình hình sức khỏe bác Phiêu không tốt nên ít vô, nhưng Tết nào cũng gửi quà vào cho người dân liên hoan, ăn tết”, bà Cao, cư dân Làng Rồng nói.
Làng Rồng sau 20 năm
Sau 20 năm, cư dân Làng Rồng đông đúc hơn. Những ngôi nhà được người dân sửa lại, cuộc sống của bà con nơi đây đổi thay nhiều.
Thừa Thiên - Huế đã có một cuộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” sau cơn lũ năm 1999, kinh tế - xã hội tỉnh tăng trưởng ổn định. Cơ sở hạ tầng, giao thông được xây dựng, đảm bảo liên kết cho các vùng nếu kịch bản lũ 1999 có lặp lại. Bên cạnh việc tìm cách chống chọi lại với thiên tai thì cuộc tái thiết vẫn tiếp tục. Những căn nhà chống lũ được dựng lên cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cư dân vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng được di dời, tái định cư ở nơi kiên cố, cao ráo hơn.
Các ứng dụng khoa học công nghệ, dự báo, cảnh báo mưa lũ được đầu tư. 60 tháp báo lũ trải đều trên địa bàn các huyện. Sự chủ động với lũ lụt luôn được người dân cảnh giác, không còn tính chủ quan, bị động như trước.
Tháng 11/2019, tròn 20 năm xảy ra cơn đại hồng thủy 1999.