Ký ức trong chiếc tủ kính
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, vợ chồng y sĩ già Đinh Hồng Khánh - Lê Thị Thanh Hồng (Quảng Ngãi) vẫn nâng niu hơn 100 kỷ vật một thời cứu người giữa bom đạn. Những ống nghe, dao mổ, lọ thuốc cũ kỹ nay vẫn lấp lánh như chứng nhân của ký ức và tình yêu nghề không phai.
Chiến tranh lùi xa, những người lính năm xưa giờ đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Ở một góc nhỏ yên bình thuộc phường Cẩm Thành (tỉnh Quảng Ngãi), vợ chồng ông Đinh Hồng Khánh và bà Lê Thị Thanh Hồng (đều 80 tuổi) vẫn cất giữ cẩn thận hơn 100 kỷ vật của nghề y từ giai đoạn 1961-1975.

Vợ chồng ông Đinh Hồng Khánh và bà Lê Thị Thanh Hồng bên chiếc tủ kính chứa đầy kỷ vật.
Mỗi lần mở cánh tủ kính đặt trang trọng giữa phòng khách, ký ức năm xưa lại ùa về trong tâm trí cặp vợ chồng già. Những ống thuốc đã ngả màu, chiếc ống nghe sờn cũ, máy đo huyết áp, dao kéo phẫu thuật… mỗi món đồ là một mảnh ghép ký ức của thời đạn bom.
Bà Hồng mỉm cười, giọng trầm ấm: “Có lẽ vì yêu nghề, cả hai vợ chồng tôi gắn bó cả đời với ngành y. Giữ lại những thứ này cũng là giữ lại câu chuyện đời mình”.
Năm 14 tuổi, cô gái nhỏ Lê Thị Thanh Hồng khoác ba lô làm nhiệm vụ giao liên cho Huyện ủy Tư Nghĩa (cũ). Bao bức thư mật, mệnh lệnh khẩn được bà len lỏi chuyển đến từng đơn vị, góp phần chuẩn bị cho Chiến dịch Ba Gia – chiến thắng mở màn cao trào cách mạng ở miền Nam từ tháng 5 đến tháng 7/1965.
Cuối năm 1964, khi khói lửa chiến tranh càng lúc càng dữ dội, bà xin học lớp y tế và về công tác tại “Bệnh xá chú Tám”. Từ năm 1965, bà chính thức là y sĩ của Bệnh xá B21 – nơi thu dung, cứu chữa thương bệnh binh từ khắp các mặt trận. Mỗi tháng có 70-80 ca, cao điểm trong các Chiến dịch Ba Gia và Vạn Tường có khi hơn 300 ca. Bệnh xá phải chia làm 3 khu A, B, C, đóng quân giữa trọng điểm bom tọa độ, nhiều lần bị địch vây kín.

Những kỷ vật đơn sơ nhưng chứa đựng cả câu chuyện đời người.
Bà Hồng nhớ như in lần suýt mất mạng năm 1967. “Trên đường mang thư tiếp tế cho bệnh xá, băng qua cánh đồng Đá Sơn (Tư Nghĩa), bất ngờ 2 trực thăng địch xuất hiện. Trong tích tắc, tôi lao xuống ruộng ẩn nấp. Chỉ một sơ sẩy thôi, chắc đã không còn ngày trở lại chiến trường…”- bà nói.
Giữa chiến khu khốc liệt, năm 1965 bà Hồng gặp ông Đinh Hồng Khánh, y sĩ cùng công tác ở Bệnh xá B21. Những đêm trực nối dài, ánh đèn dầu leo lét soi rõ hình ảnh 2 người trẻ cặm cụi băng bó, cứu người. Từ đồng đội, họ thành tri kỷ. Năm 1968, họ nên duyên, đám cưới được tổ chức giản dị ngay tại bệnh xá giữa tiếng đạn pháo rền xa.
Ông Khánh kể, giọng vẫn còn xúc động: “Chúng tôi vừa là đồng đội, vừa hỗ trợ nhau trong từng ca cấp cứu. Nhờ có nhau mà chúng trôi đã vượt qua được những năm tháng ấy.”
Sau này, ông học thêm, trở thành Trạm trưởng Trạm phẫu thuật A80. Ông từng mổ cho hàng trăm thương binh giữa rừng sâu thiếu thốn. Có lần phải dùng nẹp tre để cố định xương gãy, dùng nước tro thay xà phòng giặt đồ. Ngoài cứu người, ông còn cõng gạo, cõng mắm, kiếm củi… để có bữa ăn tươm tất cho thương bệnh binh, giúp họ sớm trở lại chiến trường.
Trong cuốn sổ tay còn giữ tới nay, từng ca phẫu thuật, từng ngày nằm viện của thương binh đều được ông tỉ mỉ ghi lại. “Tôi nhớ nhất thời gian ở Bệnh xá chú Tám. Giữa bom đạn, chỉ mong giữ được mạng sống cho anh em là đủ”- ông bùi ngùi.
Sau năm 1975, bà Hồng về làm Phó Ban tổ chức Xí nghiệp Ba Gia. Ông Khánh tiếp tục học lớp gây mê hồi sức, làm trợ lý quân y Sư đoàn 342, Quân khu 4, mãi đến năm 1985 mới trở về đoàn tụ với vợ. Dù xa nhau, ông vẫn dặn bà giữ lấy những kỷ vật của nghề.

Những dụng cụ nghề y được lưu giữ cẩn thận.
Ông Khánh nhìn vào chiếc tủ kính, ánh mắt trìu mến: “Nhiều người bảo những ống thuốc cũ kia chẳng còn giá trị, nhưng với chúng tôi, đó là chứng tích của một thời. Giữa bom đạn, để có được chúng, chúng tôi đã chắt chiu từng chút một”.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian khỏa dần những đau thương của chiến tranh mang lại, nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấy, tình yêu nghề, tình yêu đồng đội và ký ức một thời “một mất một còn” vẫn vẹn nguyên, lấp lánh sau cánh tủ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-uc-trong-chiec-tu-kinh-1.786298.html