Một xã tại Đà Nẵng làm đám giỗ liệt sĩ ở tất cả các thôn
'Từ bữa cơm cúng giỗ tại gia đình liệt sĩ, chúng tôi muốn nhắn nhủ rằng chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình là nhờ sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, vì vậy không được quên công ơn của các anh cũng như thân nhân. Mỗi người cũng phải sống tốt, nỗ lực cống hiến cho quê hương', bà Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Vang (TP Đà Nẵng) chia sẻ.
Nhiều xã, phường tại Đà Nẵng tổ chức các hoạt động tri ân gia đình liệt sĩ nhân kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh Liệt sĩ. Riêng tại xã Hòa Vang, 21/21 thôn đồng loạt làm đám giỗ đúng vào ngày 27/7.
Nấu cơm cho gia đình liệt sĩ. Video: Thanh Hiền.

Từ sáng, hội viên Hội phụ nữ ở các thôn đã có mặt tại gia đình liệt sĩ để chuẩn bị nấu nướng, soạn mâm cỗ. Năm nay xã Hòa Vang chọn mỗi thôn một gia đình liệt sĩ để làm đám giỗ. Ảnh: T.H.

Ngoài Hội phụ nữ, các đơn vị, trường học trên địa bàn cũng nhiệt tình tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa này. Mọi người đến sớm dọn dẹp nhà cửa, làm đẹp bàn thờ, sau đó nấu nướng, soạn mâm cơm cúng cho các liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong 21 gia đình liệt sĩ tại 21 thôn, có nhà có tới 2 liệt sĩ. Trong ảnh: Nhà hai liệt sĩ Phan Chiêng và Phan Thôi tại thôn Cẩm Toại Đông trưa 27/7 đông người tới thăm hỏi, làm cơm cúng giỗ.

Cả xã đồng loạt làm đám giỗ liệt sĩ trong cùng một ngày.




"Sau sáp nhập, địa giới hành chính có nhiều thay đổi nhưng hoạt động tri ân, ý nghĩa này vẫn được duy trì. Từ bữa cơm cúng giỗ tại gia đình liệt sĩ, chúng tôi muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình là nhờ sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, vì vậy không được quên công ơn của các anh cũng như thân nhân. Đồng thời mỗi người phải sống tốt, nỗ lực cống hiến cho quê hương", bà Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Vang (TP Đà Nẵng) chia sẻ.

Nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7.


Ông Nguyễn Thạch (thôn Dương Lâm 2), cháu liệt sĩ Nguyễn Thị Theo bày tỏ rất xúc động khi các đoàn thể đã quan tâm, tới thắp hương cho liệt sĩ, động viên gia đình. "Đây là hành động thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự quan tâm của chính quyền, địa phương đối với gia đình liệt sĩ. Tôi rất trân trọng", ông nói.

Tại phường Hải Châu, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn viên Thanh niên đã tới làm mâm cơm cúng tại nhà bà Phan Thị Hương - nơi thờ cúng hai liệt sĩ Phan Văn Cân, Phan Văn Dữ và mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Nhượng.

Liệt sĩ Phan Văn Cân hy sinh năm 1965, liệt sĩ Phan Văn Dữ hy sinh năm 1968. Đau đớn hơn, đến nay gia đình vẫn chưa tìm được mộ phần, tro cốt hai anh.




"Năm nào dịp 27/7 các cháu cũng đến thăm hỏi, động viên, tôi xúc động lắm. Không chỉ vậy, tôi cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương rất nhiều, như trong thời điểm dịch COVID-19,mùa mưa bão...", bà Hương tâm sự.

Ngoài nấu cơm tại gia đình liệt sĩ, các đoàn thể cũng đến thắp hương tại các nghĩa trang, nghĩa trủng.