Ký ức Trung thu
Dịp Trung thu năm nay, thời tiết Đà Nẵng khá mát mẻ, nắng không gay gắt và mưa cũng không rơi. Thế nhưng, không khó nhận thấy Trung thu năm nay không rộn rã như mọi năm. Múa lân năm nay có vẻ 'im ắng' hơn trước rất nhiều, nghe đâu các đội múa lân chủ yếu chỉ hoạt động theo đặt hàng của một doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân đại gia nào đó chứ không đi khắp phố như trước đây.
Dịp Trung thu năm nay, thời tiết Đà Nẵng khá mát mẻ, nắng không gay gắt và mưa cũng không rơi. Thế nhưng, không khó nhận thấy Trung thu năm nay không rộn rã như mọi năm. Múa lân năm nay có vẻ "im ắng" hơn trước rất nhiều, nghe đâu các đội múa lân chủ yếu chỉ hoạt động theo đặt hàng của một doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân đại gia nào đó chứ không đi khắp phố như trước đây.
Đối với người viết, không biết bao mùa Trung thu đã qua, nhìn tụi trẻ bây giờ không còn phải "tự chế" đồ chơi Trung thu như trước nữa, cảm thấy mất đi một cái gì đó "rất Trung thu". Bấy giờ, ở đâu cũng ngập tràn mặt nạ, ông địa, đầu lân, đèn lồng các loại, nhất là các loại đền lồng có xuất xứ từ Trung Quốc... Nhìn những thứ đồ chơi lung linh nhưng xa lạ đó, tự dưng nhớ đến nao lòng tiếng trống ếch và những chiếc đèn ông sao tự chế, đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa của thời ấu thơ.
Cái thuở còn "chơi Trung thu", tụi nhỏ thế hệ 6X như chúng tôi ở miền Bắc trước ngày đất nước thống nhất, rất nhiều đứa phải tự đi làm đèn ông sao, chứ làm gì có chuyện đi mua như bây giờ. Nào là vót tre, kết hình ngôi sao, dán giấy kính màu đỏ, làm cán, chỗ để gắn nến... nhìn tưởng đơn giản nhưng không kém phần công phu, không khéo là đèn không sáng, hoặc sáng nhưng cháy giấy kính thì coi như... hết trung thu.
Tối trăng rằm, đứa nào có đèn ông sao là đem ra khoe với nhau và cùng nhau rước chạy cùng xóm. Hồi đó, đầu lân và ông địa cũng không phải muốn là có, có được một cái đầu lân là quý lắm rồi và cũng không đẹp, cầu kỳ và sặc sỡ, hiện đại như bây giờ. Nhớ một lần, khi nhà tôi ở khu tập thể nằm ngay trong trường của ba tôi dạy, tối Trung thu, tôi dẫn đầu đoàn rước đèn của đám trẻ khu tập thể "hiên ngang" diễu hành khắp xóm, mải ngắm đèn, ngó trăng mà không để ý phía trước nên bước luôn xuống cái hố nước to bằng cái ao nhỏ trong vườn sinh vật mà nhà trường dùng để tôi vôi, bỏ không dùng đã lâu, nước mưa đọng lại đầy cái hố đó, may mà không còn vôi trong đó. Người ướt như chuột lột, đèn thì tắt ngấm, cả bọn được một trận cười vỡ bụng. Đến bây giờ, hơn 40 năm đã trôi qua, gặp lại "lũ nhóc" bạn ngày xưa, tụi nó vẫn còn nhắc lại "sự tích" ấy để trêu chọc tôi.
Chuyện phá cỗ hồi đó cũng đơn giản, có được cái bánh Trung thu là quý lắm, chứ đâu có bán tràn lan khắp nơi với đủ loại mẫu mã, giá cả như bây giờ. Trung thu hồi nhỏ của tôi, có cảm tưởng như trăng sáng hơn, có lẽ vì không phải "Trung thu phố" mà người ta cảm nhận được cái sự thanh khiết, thơ mộng của trăng rằm tháng 8 của vùng thôn quê. Đến bây giờ, mình vẫn còn nhớ bài thơ của Trần Đăng Khoa hồi ấy, đã được phổ nhạc:
Ông trăng tròn sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em,
Trăng khuya sáng hơn đèn,
Hàng cây cau lặng đứng,
Còn chim quên không kêu
Gió thì thầm nói nhỏ,
Trăng sáng tỏ hơn đèn.
Tuổi thơ của tôi, Trung thu chỉ có thế, rong ruổi nhau đêm trăng rằm với những đồ chơi dân dã, nhưng những kỷ niệm ấy không bao giờ phai nhạt. Có lẽ bởi vì, cái nhìn trong trẻo của tuổi thơ khi ấy, đã giúp tôi sống tốt hơn trong những ngày trưởng thành.
Trung thu lại về với một năm thêm trải nghiệm trong đời. "Trung thu của tôi" đã đi qua những tháng năm xưa cũ. Với tôi, những kỷ niệm đó thật ý nghĩa và tôi sẽ còn giữ mãi những kỷ niệm trong trẻo đó đến bây giờ và sau này, để biết yêu thương con người và luôn hướng đến cái "chân- thiện- mỹ".
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_212525_ky-uc-trung-thu.aspx