Ký ức Trường Sơn và mối tình nên duyên từ cung đường huyền thoại

Trên cung đường Trường Sơn huyền thoại - nơi 'bom cày, đạn xới', giữa những gian khổ, hy sinh vẫn có những mối tình đẹp nảy nở, trở thành sức mạnh, niềm tin cho những người lính Trường Sơn.

Cựu chiến binh Lê Hữu Long kể về những năm tháng chiến đấu trên cung đường Trường Sơn huyền thoại.

Cựu chiến binh Lê Hữu Long kể về những năm tháng chiến đấu trên cung đường Trường Sơn huyền thoại.

Mối tình giữa anh bộ đội Trường Sơn Lê Hữu Long và cô y tá chiến trường Phan Thị Kim Anh (đều quê ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là một trong những chuyện tình đẹp đã kết thành quả ngọt, được dệt nên giữa đại ngàn Trường Sơn huyền thoại.

Đã gần 85 tuổi nhưng khi được hỏi về ký ức đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, ánh mắt của cựu chiến binh Lê Hữu Long (sinh năm 1940) ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh lại sáng bừng lên. Với ông Long, Trường Sơn không chỉ là ký ức đẹp của một thời thanh niên sôi nổi, căng tràn nhiệt huyết, là những năm tháng oanh liệt, hào hùng của đất nước, mà Trường Sơn còn là nơi “nảy mầm” cho tình yêu đẹp của ông và vợ.

Tháng 8/1968, sau khi được cấp trên cử đi học, chàng thanh niên Lê Hữu Long (sinh năm 1940) được cử vào chiến trường Tây Trường Sơn, công tác tại Binh trạm 15, Đoàn 559.

Ông Lê Hữu Long chia sẻ: Nhiệm vụ của ông lúc bấy giờ là gùi hàng. Mỗi ngày, ông cùng đồng đội gùi hàng từ trạm 22 cho đến trạm 49. Ban ngày, bộ đội đi gùi hàng, đêm về đóng hàng lương thực, vũ khí. Ban đầu khi mới tập gùi, ông gùi từ 20 kg hàng, sau đó lên đến 40 kg rồi 60 kg hàng, cứ thế hàng ngày cõng hàng trên lưng. Có khi trọng lượng của hàng còn nặng hơn trọng lượng cơ thể bộ đội.

Nhớ lại những năm tháng ở Trường Sơn Tây, ông Lê Hữu Long xúc động: Đó là những tháng ngày gian khổ nhưng hào hùng, có khi hàng tháng trời thiếu gạo, bộ đội vừa hành quân vừa tìm rau rừng để cải thiện. Khi thì củ chuối, quả sung, rau tàu bay hay rau má… những nắm rau rừng đã nuôi sống bộ đội.

Đến nay, những địa danh như: dốc U Bò, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phù La Nhích sang đến Lùm Bùm (tây Trường Sơn, thuộc địa phận nước bạn Lào) vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông Lê Hữu Long.

Sau một thời gian gùi hàng, ông Long lại được điều động nhận nhiệm vụ lái thuyền chở hàng trên sông Bạc (nước bạn Lào). Tháng 8/1965, ông Long được điều về nhận nhiệm vụ đánh đồn Phu-la-cay. Cựu chiến binh Lê Hữu Long nhớ lại: Trận đánh đồn Phu-la-cay có 11 bộ đội đặc công tham gia, sau đó có 5 đồng chí hy sinh. Trận đánh này đã tiêu diệt được hoàn toàn biệt kích của địch ở đồn, bắt sống được 3 tên.

Sau trận đánh đồn Phu-la-cay, ông Lê Hữu Long được kết nạp Đảng, nhận Huân chương chiến công hạng 3 và được điều về làm Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 46, Binh trạm 15. Sau đó, ông được cử đi học tại Học viện chính trị.

Trên đường đi, xe chở ông và đồng đội bị cháy, cả đoàn phải đi bộ. Trên đường hành quân, tháng 12/1967, ông Lê Hữu Long tình cờ gặp cô gái thanh niên xung phong Phan Thị Kim Anh (là đồng hương xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đang làm nhiệm vụ y tá chiến trường.

Lúc này, cô y tá Phan Thị Kim Anh chợt nhận ra anh bộ đội Lê Hữu Long là người cùng quê liền ra chặn lại hỏi han, chuyện trò. Ông Long chia sẻ: Những người đồng hương gặp nhau trên chiến trường, trong hoàn cảnh đạn bom khốc liệt xúc động lắm, những câu chuyện cứ nối dài rồi tình cảm nảy nở lúc nào không hay.

Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, ông Lê Hữu Long tiếp tục hành quân ra Hà Nội học tập và mất liên lạc với cô y tá Phan Thị Kim Anh. Thời gian sau, khi về công tác tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 489 ở tỉnh Thanh Hóa, ông Long xin về quê để tìm gặp cô y tá Kim Anh, lúc này đã về công tác tại Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh. Giây phút gặp lại nhau ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng hai người biết bao thương nhớ. Dịp Tết năm 1970, ông Lê Hữu Long xin phép đơn vị về hỏi cưới bà Phan Thị Kim Anh.

Ông Long chia sẻ, mùng 2 Tết cưới thì mùng 4 phải lên đường trở ra đơn vị. Hai vợ chồng lại tiếp tục chặng đường yêu xa, mãi đến năm 1973, hai vợ chồng mới sinh con đầu lòng. Đến tận bây giờ, khi đã ngoài 80, chung sống với nhau được 55 năm, nhưng hai vợ chồng ông chưa một lần to tiếng và luôn một lòng yêu thương, tôn trọng nhau.

Nghỉ hưu năm 1984 với quân hàm Đại úy nhưng ông Lê Hữu Long vẫn miệt mài tham gia các phong trào ở địa phương. Năm 1985, ông làm Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Hương Khê rồi lên Bí thư Đảng ủy thị trấn, đến năm 1995 thì nghỉ hưu. Vợ ông, bà Phan Thị Kim Anh sau khi nghỉ hưu ở Tỉnh đoàn Nghệ Tĩnh cũng về tham gia hoạt động công tác hội tại địa phương, đến nay bà đang là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Hương Khê.

Đại tá Trần Bá Linh, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Với tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, ở cương vị nào, phẩm chất bộ đội Trường Sơn - bộ đội cụ Hồ cũng luôn tỏa sáng trong cựu chiến binh Lê Hữu Long.

Bài và ảnh: Hoàng Ngà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ky-uc-truong-son-va-moi-tinh-nen-duyen-tu-cung-duong-huyen-thoai-20240520172656228.htm