Khám phá di sản tư liệu Cửu đỉnh ở Huế

'Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế' được ghi danh vào danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cửu đỉnh trước Thế Miếu - nơi thờ các vua nhà Nguyễn.

Cửu đỉnh trước Thế Miếu - nơi thờ các vua nhà Nguyễn.

Sự kiện trên diễn ra vào ngày 9/5 trong kỳ họp thứ 10 tại Mông Cổ, qua đó nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 10.

Biểu tượng vương quyền triều Nguyễn

Theo Bộ VH,TT&DL, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Di sản tư liệu đã được nhất trí ghi danh với sự đồng thuận đánh giá cao của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới và 23/23 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự hội nghị này. Vậy, những bản đúc ấy có gì đặc biệt?

Ngoài ý nghĩa quyền uy trường tồn, mỗi đỉnh còn khắc họa các họa tiết thể hiện địa lý - thiên nhiên liên quan đến đất nước.

Ngoài ý nghĩa quyền uy trường tồn, mỗi đỉnh còn khắc họa các họa tiết thể hiện địa lý - thiên nhiên liên quan đến đất nước.

Theo hồ sơ di sản, những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là dương bản duy nhất, hiện đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế, gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835 và hoàn thành năm 1837.

Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.

Đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Vua Minh Mạng đã dùng hình thức đặt tên người phụ nữ lên dòng kênh để ghi dấu công lao, điều rất hiếm thấy dưới chế độ phong kiến.

Trước khi hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh, giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước đã phải rất kỳ công và tỉ mẩn trong việc tìm hiểu giá trị cũng như các hình đúc nổi trên chín đỉnh đồng.

Cửu đỉnh được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu - nơi thờ các vua nhà Nguyễn. Cửu đỉnh được ví như tượng đài, tượng trưng cho sự vĩnh trường của vương triều, thể hiện quyền uy vững mạnh của một triều đại thống nhất.

Với chức năng là trọng khí được đặt trước sân Thế Miếu của nhà Nguyễn, mỗi đỉnh theo chủ ý của vua Minh Mạng là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn, được xếp theo thứ tự: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. Trên thân mỗi đỉnh đúc nổi 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư với ý tưởng thể hiện sự chính thống, trường tồn của triều đại.

Theo tư liệu lịch sử, từ tháng 5 năm Bính Thân (tháng 6/1836), các nghệ nhân triều đình Huế đã đúc xong phần thô của chín chiếc đỉnh. Còn phần quan trọng nhất là các họa tiết để thể hiện nội dung, được vua Minh Mạng sai Nội các tuyển chọn nghệ nhân, tập trung sức lực, trí tuệ của cả nước về Kinh đô.

Bằng những dụng cụ tự chế để sử dụng được thích hợp hơn trong việc trau chuốt, tạo nên các đường nét trên khuôn hình và bằng phương pháp thủ công như tỉa, gọt, đục đẽo, chạm trổ… phải mất tám tháng thì 162 họa tiết trên Cửu đỉnh mới được hoàn thành.

Từ những họa tiết, có thể thấy các nghệ nhân thời Minh Mạng đã thể hiện nhiều cảnh vật nổi tiếng: Tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa đỏ, động vật, binh khí, xe thuyền…

Nếu ở Tuyên đỉnh có sông Hồng thì Huyền đỉnh có sông Cửu Long và Nhân đỉnh có sông Hương. Nếu Cao đỉnh có hổ trên rừng, thì Nhân đỉnh có cá voi dưới biển. Các hình ảnh ở Cửu đỉnh đều biểu hiện những cảnh vật rất thật và quen thân với dân tộc Việt Nam.

Chín ngọn núi được chọn

Núi Tản Viên khắc trên Thuần đỉnh.

Núi Tản Viên khắc trên Thuần đỉnh.

Kênh Vĩnh Tế khắc trên Cao Đỉnh để nhớ ơn bà Châu Thị Vĩnh Tế (vợ của Thoại Ngọc Hầu) - người có công đào kênh Vĩnh Tế dài hơn 87km chảy qua 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Kênh Vĩnh Tế khắc trên Cao Đỉnh để nhớ ơn bà Châu Thị Vĩnh Tế (vợ của Thoại Ngọc Hầu) - người có công đào kênh Vĩnh Tế dài hơn 87km chảy qua 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Hồ sơ di sản cũng cho biết: Vào tháng 10/1835, khi ban chỉ dụ sai đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng căn dặn bộ Công rằng: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét.

Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật”. Dụ của vua Minh Mạng có lẽ là lời giải thích cho câu hỏi vì sao một số ngọn núi thiêng bậc nhất Việt Nam lại không có tên trong danh sách 9 ngọn núi trên Cửu đỉnh Huế.

Ngọn núi đầu tiên được chọn là Thiên Tôn Sơn khắc ở Cao đỉnh. Núi Thiên Tôn nằm ở phía Tây Bắc huyện Tống Sơn (Hà Trung - Thanh Hóa). Trong vùng núi có Gia Miêu ngoại trang - nguyên quán của dòng họ Nguyễn Phúc, có lăng Triệu tổ Nguyễn Kim nhà Nguyễn, thế nên Thiên Tôn Sơn còn được gọi là “núi Tổ”.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mạch núi Thiên Tôn chạy dài từ huyện Thạch Thành như chuỗi ngọc kéo xuống, rồi nổi lên 12 ngọn liền nhau. Ở phía Đông Bắc có dãy Tam Điệp, rồi đến núi Thần Phù chạy dài ở phía trái.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng tổ khí thiêng chung đúc, chứa chất phúc lành, phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn thần”.

Ngọn núi thứ hai là Ngự Bình ở Thừa Thiên Huế chạm trên Nhân đỉnh. Núi nổi giữa thế đất bằng phẳng giống bức bình phong, cao trên trăm mét, được xem là tặng vật trời ban để làm lớp án thứ nhất trấn giữ trước Kinh thành Huế.

Đời Gia Long khi xây dựng kinh thành, vua lên núi thấy đỉnh bằng phẳng, hình dáng uy nghi, cân đối nên cho tên núi là Ngự Bình. Sau này, vua Minh Mạng và Thiệu Trị cũng lên núi chơi, cho bá quan theo hầu dự yến, ngự soạn thơ vịnh.

Ngọn núi thứ ba là Thương Sơn khắc trên Chương đỉnh. Núi ở phía Nam huyện Hương Trà có hình thế trông như vựa thóc. Tương truyền trên núi có giếng ngọc dành cho tiên xuống tắm. Các nhà địa lý xưa xem Thương Sơn là ngọn núi chủ của hệ sơn mạch xứ Huế.

Ngọn núi thứ tư là Hồng Sơn, tức núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh khắc trên Anh đỉnh. Tương truyền trước kia, có rất nhiều chim hồng cư trú. Núi ở vị trí giữa hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân bắt nguồn mạch từ Trà Sơn kéo đến, hình thế hùng vĩ, uy nghiêm.

Dãy núi này có 99 ngọn, trong đó có ngọn Am cao nhất mây mù bao phủ. Tiếp đến là ngọn Hương Tích hễ mây phủ là mưa. Trên núi có thành đá, trong thành có 99 đài đá, gọi là đài Trang Vương, dưới thành có am đá gọi là am Thánh Mẫu, dựng từ thời Trần.

Ngọn núi thứ năm là Tản Viên Sơn khắc trên Thuần đỉnh. Núi ở giữa địa giới hai huyện Tùng Thiện và Bất Bạt xưa (nay thuộc Hà Nội). Núi có 3 ngọn cao chót vót, hình tròn như cái tán, trên núi có dựng đền thiêng.

Nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết rằng, núi Tản Viên ở địa giới các huyện Bất Bạt và Minh Nghĩa (tức huyện Tùng Thiện), mạch núi từ Mường Thanh liên tiếp chạy dài, đến đây thì nổi vọt 3 ngọn thành hàng ở giữa hai sông Thao và sông Đà.

Ngọn núi thứ sáu là Duệ Sơn khắc trên Tuyên đỉnh. Núi ở phía Nam huyện Hương Trà có hình nhọn, dáng đẹp, phía Đông núi gối đầu lên sông Tả Trạch. Duệ Sơn được coi là vị thần trấn giữ phía đầu nguồn sông Hương, làm án che chở cho vùng đất tọa lạc Văn Miếu và Võ Miếu.

Ngọn núi thứ bảy là Đại Lĩnh - ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Theo sách “Đại Nam dư địa chí ước biên” do Cao Xuân Dục ghi: “Đại Lãnh là ngọn núi nổi tiếng.

Cực Nam vốn không có địa giới, sách Đường thư chép có cột đồng Mã Viện ở đó là sai. Đông đầu lại có hình người, vua Lê Thánh Tông khắc dấu biên cương lên bia đá. Mạch núi Đại Lãnh từ núi Chủ (Chủ Sơn) tới, phía Đông giáp biển, phía Nam có suối lớn”.

Ngọn núi thứ tám là Hải Vân Quan được khắc trên Dụ đỉnh. Núi nằm phía Đông Nam huyện Phú Lộc. Trên đỉnh dãy Hải Vân có xây cổng ở độ cao hơn 496m so với mặt nước biển. Trên ngạch phía trước đề ba chữ Hán “Hải Vân Quan”, trên ngạch phía sau đề sáu chữ Hán lớn “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Cuối cùng là Hoành Sơn tức Đèo Ngang khắc trên Huyền đỉnh. Đây là dãy núi phân định giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đây là dãy núi từ phía Tây chạy dài mà đến, ngọn chỏm chồng chất kéo ngang ra tận biển, trông như bức trường thành.

Hoành Sơn cũng gắn với bước ngoặt khi chúa Nguyễn Hoàng còn ở Đông Kinh (Thăng Long), muốn thoát khỏi chúa Trịnh mới sai người đến gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi kế lâu dài. Nguyễn Bỉnh Khiêm liền nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

Trái lòn bon nuôi sống chúa Nguyễn

Cửu đỉnh Huế là di sản tư liệu thứ 4 của Huế và là di sản tư liệu thứ 10 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Cửu đỉnh Huế là di sản tư liệu thứ 4 của Huế và là di sản tư liệu thứ 10 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Hình vẽ Cửu đỉnh triều Nguyễn trên tập san 'Bulletin des amis du vieux Húe' năm 1914.

Hình vẽ Cửu đỉnh triều Nguyễn trên tập san 'Bulletin des amis du vieux Húe' năm 1914.

Trải qua thời gian thăng trầm của đất nước và thời cuộc, chín đỉnh vẫn là những bản gốc, duy nhất hiện vẫn đặt ở vị trí như ban đầu khi mới tạo thành. Những hiện vật gốc, hoàn toàn chưa có sự thay đổi, điều chỉnh hay làm mới chính là tiêu chí xác thực của một di sản tư liệu.

Giới khảo cổ cho rằng, Cửu đỉnh gắn liền với con số 9 - số thiêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho Trời, sự hoàn thiện tuyệt đối, quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ.

Điều đó phần nào lý giải tại sao số 9 là tư tưởng chủ đạo vua Minh Mạng trong việc đúc Cửu đỉnh. Theo đó, tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9. Chín tinh tú trong vũ trụ, chín ngọn núi lớn, chín con sông lớn, chín cửa biển, cửa quan, chín con thú lớn bốn chân, chín linh vật…

Qua phân tích, các nhà khảo cổ thấy rằng trên Cửu đỉnh cũng có những hình ảnh sản vật liên quan đến thời cam go của vương triều nhà Nguyễn. Cây Nam trân (lòn bon) được khắc chạm trên Nhân đỉnh.

Tương truyền, những năm cuối thế kỷ 18, khi bị quân Tây Sơn săn đuổi, Nguyễn Phúc Ánh ẩn náu ở nguồn sông Vu Gia (rừng Quảng Nam), nhờ ăn quả lòn bon này mà sống sót.

Khi lên ngôi vua Gia Long đã đặt tên cho cây trái này là phụng quân mộc (cây gặp vua). Có lẽ vì thế mà vua Minh Mạng cho khắc cây lòn bon vào Nhân đỉnh. Ngoài cây lòn bon, vua còn cho khắc hình ảnh cá sấu trên Chương đỉnh.

'Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế' được ghi danh với số phiếu 23/23 nước tham gia. (nguồn ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế).

'Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế' được ghi danh với số phiếu 23/23 nước tham gia. (nguồn ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế).

Tương truyền Nguyễn Phúc Ánh qua sông, nhờ cá sấu cản mà không sa vào tay kẻ thù. Khi vượt biển ra đảo Thổ Chu, thuyền của Ánh không bị lật nhờ rắn thần giữ thăng bằng.

Với chức năng là trọng khí, tên gọi của mỗi đỉnh theo chủ ý của vua Minh Mạng tượng trưng cho thụy hiệu của các vua triều Nguyễn. Cao đỉnh chính là thụy hiệu của Thế tổ Cao hoàng đế, Nhân đỉnh là thụy hiệu của vua Minh Mạng, Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị, Anh đỉnh là thụy hiệu của vua Tự Đức, Nghị đỉnh là thụy hiệu vua Kiến Phúc, Thuần đỉnh là thụy hiệu của vua Đồng Khánh, Tuyên đỉnh là thụy hiệu của vua Khải Định.

Các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại đều không được đặt tên miếu hiệu và thụy hiệu. Do đó, tên của Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của bất kì vị vua nào.

“Đáng lưu ý nhất về “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là nghệ thuật đúc đồng và kỹ thuật của người thợ. Các bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đảm bảo tính nguyên vẹn, là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại nhà Nguyễn. Điều quan trọng nhất là di sản tư liệu này được thể hiện dưới dạng hình ảnh và chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn và ngay cả vị trí đặt chín chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển”, ông Võ Lê Nhật – nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kham-pha-di-san-tu-lieu-cuu-dinh-o-hue-post685487.html