Ký ức về bữa cơm tất niên của mẹ
Nhiều người trẻ mong đợi đến Tết để được về nhà, cùng mẹ đi chợ, lau dọn bát đĩa và nấu những món ăn thật ngon cho bữa cơm tất niên.
Ngày cuối năm nào cũng vậy, Minh An (sinh viên, Lâm Đồng) luôn dậy thật sớm để theo mẹ đi chợ, mua sắm thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Chợ quê ngày Tết để lại cho Minh An ấn tượng đặc biệt với người mua kẻ bán dập dìu, những sạp hoa rực rỡ cùng tiếng nhạc xuân rộn vang khắp nơi. Từ bác hàng thịt đến cô hàng rau, ai cũng nói cười niềm nở, tất bật buôn bán nhưng không quên nhắn gửi lời chúc tốt lành cho năm mới.
Đối với Minh An và nhiều người trẻ, khung cảnh nhộn nhịp của phiên chợ cuối năm là một ký ức không thể bỏ qua khi nhắc về Tết cổ truyền. “Nếu bạn muốn cảm nhận không khí Tết rõ ràng nhất, hãy tranh thủ ghé qua chợ. Ngoài chợ vui lắm, đâu đâu cũng thấy sắc xuân, món Tết nào cũng có. Các chủ sạp kỳ kèo với khách từng đồng nhưng xong xuôi lại cho thêm mớ rau, lạng thịt, chúc Tết ríu rít”, Minh An chia sẻ.
Theo mẹ đi chợ mua đồ nấu cơm tất niên là cách để người trẻ tìm hiểu, khám phá nhiều hơn những đẹp nét văn hóa của người Việt trong ngày Tết. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của mẹ, các bạn trẻ biết được mâm ngũ quả gồm loại trái cây nào, ý nghĩa của các món ăn trong bữa cơm đêm giao thừa, chưng hoa gì để bày tỏ sự thành kính với tổ tiên...
“Năm nào cũng theo mẹ đi chợ Tết, nên mình thuộc lòng những món có trong mâm cỗ đêm giao thừa. Với mẹ mình, bữa cơm tất niên rất quan trọng, mọi thứ cần chuẩn bị tỉ mẩn, đâu ra đó. Từ ngày 23 tháng Chạp, mẹ đã nhẩm tính xem cần mua gì, nấu món gì, rồi căn dặn chị em mình dọn rửa chén bát, phụ giúp chuyện chợ búa”, Minh An cho hay.
Theo Minh An, đi chợ từ rất sớm nhưng đến xế trưa hai mẹ con mới “tay xách nách mang” về đến nhà. Lúc này, dưới sự hướng dẫn của mẹ, cả nhà mỗi người một việc, tất bật chuẩn bị mâm cơm tất niên. Mẹ lo phần nấu nướng, bố phụ trách bài trí bàn thờ, con cái nhận nhiệm vụ nhặt rau, dọn bát đĩa, cắm hoa… Tuy bận rộn nhưng ai cũng vui vẻ, cùng làm và chuyện trò rôm rả.
Nhờ cả nhà cùng chung tay, nên chẳng mấy chốc mâm cỗ đã được hoàn thiện với đầy đủ món ngon, bày biện đẹp mắt trên bàn thờ gia tiên. Sau khi nhang tàn, Minh An cùng em trai sẽ dọn mâm cơm tất niên ra bàn để cả gia đình quây quần, thưởng thức những món ngon do chính tay mẹ dày công chuẩn bị. Thời khắc đó đối với cô thật ấm áp và đong đầy ý nghĩa.
“Đi học xa nhà nên chẳng mấy khi mình có cơ hội ngồi lại trò chuyện với gia đình. Bữa cơm chiều 30 là lúc mình cảm thấy bố mẹ và em trai hạnh phúc hơn cả, ai cũng hào hứng kể nhau nghe đủ chuyện và cười thật tươi. Mình chỉ mong sớm đến ngày về quê, phụ mẹ nấu những món ăn thật ngon, giúp bố dọn dẹp nhà cửa”, Minh An nôn nao khi nhớ về bữa cơm tất niên.
Trải qua một năm nhiều biến động, Minh An càng thêm trân trọng những dịp được ở bên gia đình hơn. Cùng với một cái Tết sum vầy, nữ sinh viên 21 tuổi mong ba mẹ và em trai luôn khỏe mạnh. Năm nay, cô quyết định sẽ trổ tài nấu nướng, bổ sung vào thực đơn bữa cơm ngày Tết của mẹ nhiều món ngon tốt cho sưc khỏe như cháo yến mạch, salad, sữa chua, trà trái cây detox… Minh An hy vọng những món ăn này còn mang đến phong vị mới lạ, đem đến cho cả nhà nhiều niềm vui và kỷ niệm đáng nhớ hơn.
Cùng mẹ đi chợ, chuẩn bị và nấu mâm cơm ngày Tết là những ký ức đẹp đẽ, không chỉ riêng Mai An, mà nhiều người trẻ Việt khác vẫn luôn gìn giữ. Tết diệu kỳ với họ đơn giản là được trở về nhà, cùng người thân chờ đón giây phút chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới. Khoảnh khắc đoàn viên ấm áp sẽ giúp mọi người có thêm niềm hy vọng cho một năm mới tốt đẹp, lạc quan hướng vềtương lai tươi sáng.
Zing cùng Coca-Cola đồng hành thực hiện tuyến bài “Điều giản dị làm nên Tết diệu kỳ” nhằm lan tỏa niềm vui và hy vọng về Tết diệu kỳ cùng một năm mới lạc quan. Từ ngày 9/1 đến 5/2, bạn cũng có thể chung tay cùng Coca-Cola thực hiện các hành động nhỏ tại chương trình "Thử thách nhỏ hóa tiệc Tết diệu kỳ”. Chương trình có sự đồng hành của IPP Travel Retail, Gogi House, Kichi-Kichi và Phở 24.
https://cocacolatet.brand.zing.vn/pc-qr
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-uc-ve-bua-com-tat-nien-cua-me-post1178557.html