Ký ức về Hiệp định Gèneve 1954

Vẫn còn là một cậu thiếu niên vào năm 1954 nên tôi chỉ nắm được khái quát những gì đang được đàm phán tại trụ sở Liên Hợp quốc ở Gèneve. Lúc đó, tôi cũng chưa hình dung được 20 năm sau, Việt Nam sẽ làm nên một 'trang mới' trong cuộc đời tôi.

Quang cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, ngày 8-5-1954. Ảnh tư liệu

Từ thành phố Gèneve

Trong tâm trí tôi khi ấy, hai chữ Việt Nam gợi lên hình ảnh một đất nước vừa xa xôi vừa bí ẩn, nơi quân đội viễn chinh Pháp đang chiến đấu với đối thủ được các phương tiện truyền thông phương Tây gọi là Việt Minh. Thực ra, ký ức của tôi chủ yếu là về trận Điện Biên Phủ mùa hè năm 1954. Sự kiện chấn động được đăng tin dồn dập trên báo và đài phát thanh (khi đó chưa có truyền hình).

Như ta đã biết, các chiến dịch quân sự thường gây tiếng vang truyền thông lớn hơn các cuộc đàm phán ngoại giao thường được tiến hành kín đáo.

Lần này, đàm phán về Đông Dương diễn ra tại Palais des Nation, trụ sở Liên Hợp quốc tại Gèneve. Được ký vào rạng sáng ngày 21-7, Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn 8 năm và quốc tế công nhận nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) vốn đã tuyên bố từ 9 năm trước đó. Tuy nhiên, Hiệp định Gèneve cũng chia cắt đất nước thành hai miền, lấy ranh giới vĩ tuyến 17 trong suốt 2 thập niên.

Hội nghị về Đông Dương bắt đầu đúng vào thời điểm người Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ. Cục diện này cho phép đoàn đại biểu do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham gia đàm phán trên thế chủ động. Đây là lần đầu tiên VNDCCH có cơ hội tham gia ngoại giao đa phương.

Đối với đất nước tôi, đây là cơ hội đăng cai một hội nghị quốc tế quan trọng trên lãnh thổ của mình. Một cuộc đàm phán với đại diện của các khối đối đầu trong đó có các nước còn chưa công nhận nhau. Với nước chủ nhà, công tác tổ chức yêu cầu một sự chuẩn bị kỹ lưỡng với hàng ngàn chi tiết quan trọng khác để hội nghị với hàng trăm đại biểu tham dự diễn ra suôn sẻ.

Do đó, cần một quy trình tổ chức trơn tru, giống như hoạt động của một chiếc đồng hồ cơ tinh xảo, trong đó bất kỳ bộ phận nhỏ nào nếu trục trặc đều sẽ làm ảnh hưởng tới sự vận hành của cả cỗ máy.

Đến hành trình thú vị mang tên Việt Nam

Vẫn còn là một cậu thiếu niên vào năm 1954 nên tôi chỉ nắm được khái quát những gì đang được đàm phán tại trụ sở Liên Hợp quốc ở Gèneve. Lúc đó, tôi cũng chưa hình dung được 20 năm sau Việt Nam sẽ làm nên một “trang mới” trong cuộc đời tôi.

Tôi vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ năm 1965. Sau khi thực tập tại Madrid (Tây Ban Nha), tôi được cử đi nhiệm kỳ tại Venezuela, và sau đó là tại Tổng Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại Los Angeles (Mỹ) tháng 12-1971. Sau khi chính phủ Thụy Sỹ quyết định mở cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội, mùa thu năm 1972, tôi nhận được điện báo đề cử tôi vào vị trí người thứ hai cho vị trí Trưởng cơ quan đại diện của Thụy Sỹ tại VNDCCH.

Tình huống thật khó xử khi phải đứng trước lựa chọn ở lại Mỹ hay sang Hà Nội, nhất là vào thời điểm thủ đô của VNDCCH tiếp tục hứng chịu các đợt ném bom B52 của Mỹ. Bức điện yêu cầu tôi phải quyết định sớm. Mặc dù không có thông tin về điều kiện sống ở miền Bắc Việt Nam và cũng như không chắc chắn chiến tranh sẽ tiến triển theo hướng nào, tôi đã không suy nghĩ lâu. Chưa đầy 24 giờ sau, trong bức điện khẩn trả lời, tôi ghi 2 chữ “nhất trí”.

Thụy Sỹ đã công nhận VNDCCH một năm trước đó. Ngoại giao Thụy Sỹ nuôi hy vọng đóng vai trò trong hồi kết của cuộc đàm phán hòa bình đã được bắt đầu tại Paris giữa các nhà đàm phán của Mỹ và VNDCCH ngay từ năm 1968. Vai trò trên có thể được thể hiện qua việc đăng cai một hội nghị quốc tế mới tại Gèneve, nơi đã từng diễn ra hội nghị năm 1954 với việc ký kết Hiệp định ngày 21-7-1954 về Đông Dương.

Tuy nhiên, việc tổ chức một hội nghị mới tại Thụy Sỹ lúc đó rất khó nếu không công nhận VNDCCH và thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Quyết định trên chỉ được thực hiện muộn màng vào năm 1971 với việc bổ nhiệm một Đại sứ không thường trú tại Hà Nội, người đến tháng 11-1972 mới trình quốc thư. Tại thời điểm đó, cuộc hòa đàm chủ yếu diễn ra tại Paris.

2 tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi đã đến Việt Nam sau một chuyến bay dài gần 25 giờ trên chiếc máy bay Iliouchine 18 của hãng Aéroflot. Tôi cùng vợ hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm.

Trên hành trình ngồi trên ô tô, một chiếc xe thuê hiệu Volga thời Xô Viết hướng về thành phố Hà Nội, hậu quả của các trận ném bom vẫn còn hiện hữu. Nhà máy xe lửa Gia Lâm bị phá hủy hoàn toàn sau các đợt ném bom. Xe của chúng tôi chạy từ từ qua cầu Long Biên nối 2 bờ sông Hồng, rồi sau đó vào trung tâm thành phố và dừng lại tại Khách sạn Thống Nhất, tên gọi trước đây của Khách sạn Métropole.

Khách sạn Thống Nhất cũng là địa chỉ nhà riêng và Sứ quán chúng tôi trong khi chờ thu xếp mở Đại sứ quán hai năm sau tại tòa nhà ở số 27 phố Quang Trung. Lúc đó, nền kinh tế của VNDCCH bị ảnh hưởng nghiêm trọng dưới tác động của nhiều năm dài chiến tranh, do đó thiếu thốn đủ thứ. Tuy nhiên, dưới góc độ nghề nghiệp, thời gian công tác tại Hà Nội quả là vô cùng thú vị.

Với VNDCCH, Thụy Sỹ là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971 và mở Đại sứ quán vào năm 1973. Trước nhu cầu tái thiết lúc bấy giờ, Thụy Sỹ đã giải ngân một gói tín dụng để giúp VNDCCH xây dựng một nhà máy tấm lợp tiền chế.

Dự án trên cùng nhiều dự án khác, trong đó có một trung tâm đào tạo về đồng hồ tại Hà Nội là những điểm sáng góp phần vào phát triển từng bước quan hệ song phương. Ngay từ năm 1973 có thể dự đoán sau khi hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi hơn, Việt Nam nhanh chóng phát triển kinh tế nhờ vào sự năng động và sáng tạo của người Việt, giống như hình ảnh cây tre, nghiêng ngả trong bão giông, nhưng luôn vươn lên.

Nhân dân Việt Nam đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập và khả năng vươn lên sau những tàn phá của chiến tranh luôn làm người ta phải ngưỡng mộ.

Francis Cousin, cựu Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/ky-uc-ve-hiep-dinh-geneve-1954-post113821.html