Ký ức về lần gặp Bác của anh phóng viên trẻ

Tròn 60 năm sau ngày được gặp Bác Hồ nhưng hình ảnh vị Cha già đáng kính của dân tộc Việt Nam luôn ở trong tâm trí ông Phan Duy Hương. Bức ảnh chụp chung với Bác được ông cất giữ cẩn thận hàng chục năm qua như là động lực để rèn luyện bản thân, phấn đấu trong công việc cũng như cuộc sống.

Ông Hương chia sẻ về bức ảnh chụp chung với Bác.

Ông Hương chia sẻ về bức ảnh chụp chung với Bác.

Bức ảnh quý giá

Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà được độc lập và tận những năm cuối đời, Bác Hồ chỉ sắp xếp được 2 lần về thăm quê hương Nghệ An. Nhưng đến hôm nay, trong lòng người dân xứ Nghệ vẫn còn vẹn nguyên kỉ niệm về những lần Bác về thăm quê. Một trong những người được gặp và chụp chung bức ảnh với Bác là ông Phan Duy Hương (SN 1939, trú phường Bến Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).

Nhớ lại vinh dự được có mặt trong dịp Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 (tháng 12/1961), ông Hương kể: “Thời điểm đó tôi mới về công tác tại Báo Nhân dân Nghệ An (nay là Báo Nghệ An) được mấy tháng. Lúc đầu, tôi không nằm trong danh sách được lên Nông trường Đông Hiếu trong chuyến Bác đi thăm công nhân trên ấy nên không chuẩn bị gì cả. Sáng 10/12/1961, tôi bất ngờ được cắt cử đi cùng đoàn từ thị xã Vinh lên huyện Nghĩa Đàn. Thời điểm đó tôi gầy và nhìn trẻ lắm nên một người đã mượn cho tôi cái áo Tôn Trung Sơn (còn gọi là áo đại cán), chiếc quần thụng nhìn cho già dặn. Đoàn của chúng tôi đi thẳng lên Nông trường Đông Hiếu. Đoàn của Bác đi bằng trực thăng vì hôm đó còn có buổi đến thăm Hợp tác xã cao cấp Vĩnh Thành - lá cờ đầu về phong trào trồng cây toàn miền Bắc”.

Được tin Bác Hồ về thăm, từ sáng sớm, hàng vạn người dân huyện Nghĩa Đàn đã tập trung tại sân Nông trường, ai cũng háo hức, mong chờ được gặp, được nghe Bác nói chuyện. Bác đến lán ở của công nhân, ân cần thăm hỏi đời sống, công việc của các công nhân. Sự quan tâm của Bác khiến mọi người ấm lòng. Tại buổi nói chuyện hôm ấy, Bác dặn: Nông trường có điểm mạnh về kỹ thuật, phải hỗ trợ đồng bào địa phương về kỹ thuật sản xuất, hợp tác xã và đồng bào cũng phải giúp đỡ nông trường. Chúng ta phải đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ.

Trưa hôm đó, Bác về nông trường nghỉ ngơi. “Biết đây là cơ hội hiếm có để được gặp và chụp chung tấm ảnh với Bác nên cả trưa hôm đó tôi cứ đứng trước phòng Bác nghỉ. Thấy vậy, mấy anh phóng viên “xúi” tôi lát nữa xin Bác chụp ảnh. Vì thế, khi Bác vừa thức dậy, đi ra ngoài, tôi mạnh dạn đến gần để xin Bác chụp tấm ảnh. Thú thực, lúc đó, tôi rất sợ Bác từ chối vì lịch trình đang nhiều. Nhưng Bác đã khoát thêm các chị công nhân người dân tộc ở gần đó ngồi xuống bãi cỏ trước nông trường chụp ảnh. Rất đông nhà báo, phóng viên đã nhanh chóng ghi lại khoảnh khắc đáng quý này”, lời ông Hương.

Sau chuyến đi ấy, ông Hương đã viết bài thơ “Bác lên nông trường” và được đăng trên số báo ngày hôm sau. Bài thơ có đoạn: “Nông trường một sáng mờ sương. Bác về nắng tỏa lên sườn non cao. Núi rừng quây lại đón chào. Rì rừng suối hát xôn xao lá cành... Bác đi suối lặng đứng nhìn. Rừng giơ tay vẫy, suối tìm hướng chân. Bác về mang lại mùa xuân. Bác đi hạnh phúc nảy mầm đơm hoa”.

Kỷ vật cuộc đời

Sau lần vinh dự được gặp và chụp chung bức ảnh với Bác Hồ, ông Hương trở lại cơ quan làm việc. Ông kể, vì thời điểm đó thông tin kết nối còn hạn chế nên dù bản thân rất muốn nhìn lại bức ảnh được chụp chung với Bác nhưng không biết đi đâu, tìm ai.

Bác Hồ về thăm quê năm 1961. Ảnh tư liệu

Bẵng đi 20 năm sau, ông Hương mới có cơ hội nhìn lại bức ảnh. Ông kể: “Vào năm 1981, một người bạn của tôi lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Kim Liên được một người ở miền Nam gửi tặng bức ảnh ghi lại cảnh Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 vào năm 1961 tại Nông trường Đông Hiếu. Sau khi nhìn qua bức ảnh, người bạn ấy đã nhận ra gương mặt quen thuộc nên gọi điện cho tôi xác minh. Sau khi nghe bạn thông báo, tôi vội thu xếp công việc chạy đến bảo tàng để nhìn bức ảnh ấy. Thật bất ngờ, hạnh phúc khi tôi vinh dự có mặt trong bức ảnh Bác về thăm Nông trường Đông Hiếu. Được đứng gần Bác ở cự ly gần, tôi rất vinh dự, hạnh phúc xen lẫn tự hào”.

Bức ảnh quý trên đã được ông Hương sao chép rồi đưa về nhà đóng khung, lưu giữ đến hôm nay. Với ông, đó là kỷ niệm quý của cuộc đời mình. Từ lần vinh dự được gặp và chụp chung hình với Bác Hồ, ông Hương đã rút ra cho mình những bài học. Đó là sự giản dị, sống gần gũi với mọi người, biết quan tâm đến những người khác; luôn đúng giờ và chỉn chu trong công việc. Những bài học ấy đã theo ông Hương từ những ngày làm báo Đảng cho đến khi sang công tác đơn vị khác.

Đến nay, dù đã về hưu nhưng ông Hương vẫn không ngừng rèn luyện, học tập theo tấm gương của Người. Ông còn dạy con cháu học tập nhân cách giản dị, gần gũi, chịu khó của Bác để áp dụng vào trong cuộc sống cũng như công việc. Riêng tấm ảnh chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hương cẩn thận cất giữ trong phòng mình như một kỷ vật vô giá.

Kim Long

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/ky-uc-ve-lan-gap-bac-cua-anh-phong-vien-tre-591744.html