Ký ức về một miền quê

Đã bao lần tôi muốn viết về quê nhà của mình nhưng rồi ái ngại, bởi vùng quê ấy sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng quá nghèo khổ, lam lũ, cơ cực, thiếu thốn trăm bề.

 Con đường mới ở phường Đông Giang được mở rộng, thảm nhựa -Ảnh: NAM BẰNG

Con đường mới ở phường Đông Giang được mở rộng, thảm nhựa -Ảnh: NAM BẰNG

Quê tôi mãi mãi là xóm, không thể gọi là thôn, làng vì nó nhỏ bé. Cả xóm chỉ có 14-15 hộ gia đình, dân số khoảng 50-60 nhân khẩu, kể cả người già và trẻ nhỏ. Đây là một xóm trực thuộc làng Đại Độ, xã Cam Giang, huyện Cam Lộ. Sau này nhập vào thành phố Đông Hà và xã Cam Giang cũng được đổi tên thành phường Đông Giang, làng quê cũng đổi tên thành khu phố, cho tương thích với đơn vị hành chính mới.

Trong xóm hầu hết là bà con thân thuộc, với đặc điểm chung là ai cũng nghèo. Từ bao đời nay người dân trong xóm chỉ biết làm ruộng. Trước mặt và sau lưng nhà là những cánh đồng. Mùa mưa ngập nước bùn lầy lội, mùa nắng thì đất như nứt nẻ, gió thổi bụi cuốn mù mịt. Đây là vùng quê độc canh cây lúa, ngoài ra chẳng có nghề phụ gì, được mùa thì đủ ăn, mất mùa thì đói kém. Do hoàn cảnh đó chúng tôi đã trải qua một tuổi thơ nhiều vất vả, thiếu thốn.

Tôi vẫn còn nhớ sau năm 1975 cho đến gần cuối những năm 1980 người dân trong xóm không mấy khi có được lương thực dư dả, bữa ăn thường là khoai, sắn nhiều hơn cơm gạo, thức ăn hằng ngày cũng chỉ có rau muống, rau khoai, bầu, bí, mè, đậu và bắt thêm con cá, con tôm ngoài đồng. Nhiều bữa phải ăn muối trắng, nước ruốc, cũng có không ít lần vì nhà thiếu gạo mà luộc thêm cây chuối non, hoặc củ môn để ăn. Những thức ăn này rất khó nuốt, nhất là với người già và trẻ em nhưng ai cũng cố gắng ăn, không than vãn. Cả xóm có chừng ấy gia đình nhưng hầu như không ai sắm nổi chiếc xe đạp, chỉ riêng một gia đình có chiếc xe Thống Nhất và cũng chỉ có một nhà có chiếc Radio để nghe tin tức thời sự. Cuộc sống trôi qua hằng ngày với vẻ bình lặng, buồn bã, không có được chút sôi động. Buổi tối khoảng chừng 19-20 giờ là nhiều gia đình tắt đèn đi ngủ để quên đi một ngày lao động mệt nhọc.

Về phương tiện đi lại, những lần có việc đi xa vài cây số đến vài chục cây số như lên chợ phiên Cam Lộ hay lên Cồn Tiên, ra chợ Cầu, Gio Linh… để thăm viếng hay mua bán ai cũng phải đi bộ. Tuổi nhỏ tôi rất thèm ổi, mía, mít chín, đu đủ nhưng trong vườn nhà không bao giờ có những thứ ấy, bởi xung quanh vườn chỉ có cây tre và những cây chuối gầy còm. Sau những bữa cơm chính, trẻ em hầu như không có quà cáp, thức ăn gì thêm, bởi thế nhiều đứa cứ nhìn khẳng khiu, đen đủi.

Nhà tôi vì cha mẹ đều già yếu nên cuộc sống càng vất vả. Nhiều năm phải sống trong một ngôi nhà tranh, vách đất được dựng lên sau ngày trở về quê. Ngày nay nói tới vách đất nhiều người không biết, bởi thế xin giải thích rõ vách đất là loại vách được làm bằng đất sét ướt, trộn với rơm khô và phân trâu nên vừa dẻo vừa có độ bền. Ngôi nhà ấy trải qua bao mùa mưa nắng, oằn mình trong những cơn lũ bão, không ít lần hư hỏng, phải sửa chữa để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Tuy nghèo khó nhưng hạnh phúc lớn nhất của anh em tôi là được cha mẹ cho tới trường, không phải nghỉ học sớm như các bạn cùng xóm. Trong xóm có bạn học giỏi nhưng cũng bị cha mẹ bắt ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, phụ việc đồng áng. Từ nhà đến trường (trường cấp 2 và cấp 3 Đông Hà) khoảng 6 km, phải vượt qua hai cánh đồng, với những con đường đất nhỏ bé, đầy cỏ dại, luôn ẩm ướt sương đêm. Mẹ tôi hằng đêm phải đi ngủ sớm để khi gà cất những tiếng gáy đầu tiên (khoảng 1-2 giờ sáng là phải dậy nấu ăn cho con được đến trường). Vì nhà không có đồng hồ lại phải đi bộ nên chúng tôi phải luôn đi học sớm, lúc tờ mờ sáng là phải xong xuôi mọi việc để tới trường. Có những lúc đi học quá sớm mà lên tới cầu Đông Hà trời vẫn chưa sáng rõ, buổi trưa thường đi về tới nhà cũng vào khoảng hơn 12 giờ.

 Làng quê - Ảnh: T.L

Làng quê - Ảnh: T.L

Niềm vui lớn nhất trong những ngày thơ ấu của chúng tôi là được đi bơi lội, bắt chim sẻ, chim chiền chiện, chim cu trên những cánh đồng sau mùa gặt hay trong các ổ rơm, khóm tre. Có khi vào những đêm trăng thanh gió mát, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau tham gia các trò chơi, khi đã thấm mệt thì nằm ngửa ngắm trời cao lồng lộng trong những ngày hè dài đằng đẵng, nắng khô rát bỏng cả da thịt. Tôi nhớ nhiều nhất là những ngày nghỉ hè rủ nhau đi tát nước, bắt cá ở các hố bom. Hồi ấy sau chiến tranh nên có nhiều hố bom để lại trên những thửa ruộng. Khi người nông dân gặt hái xong thì những cánh đồng cũng khô cạn, cá tập trung ở những hố bom có nước sâu. Chúng tôi rủ nhau hai người cầm một chiếc gàu, có dây dài ở hai bên để người cầm đứng cách xa nhau mà tát nước, có hố bom tát gần một buổi, có hố bom sâu tát gần một ngày nước mới khô cạn, lúc đó mới xuống bắt cá tôm, cua, nhiều nhất là cá tràu, cá rô, cá trê. Đó là thức ăn quý giá của cả gia đình, sau nhiều ngày chỉ biết ăn rau muống, rau khoai, muối đậu, muối mè. Thỉnh thoảng vào tháng 6, tháng 7 cũng có những trận lụt, nước tràn lên các bờ ruộng, đàn cá mương, cá mại, cá rô, cá diếc, cá ngạnh…chạy theo dòng nước mà lên, khi nước lụt rút đi cũng là lúc những đứa trẻ chúng tôi tha hồ đi bắt cá. Không ít lần đi học về, nước lũ còn lênh láng tràn qua những con đường, bờ ruộng, chúng tôi lại có dịp bắt cá ngay trên đường đi. Thật đúng như trong bài hát “ Quê hương tuổi thơ tôi” của Từ Huy “ Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường”. Thuở ấy vào những năm 1975-1980, ngoài những buổi học ở trường, chúng tôi phải đi chăn trâu, chăn bò hoặc làm một số việc của hợp tác xã để có công điểm, cuối mùa còn được chia lúa, chia khoai. Những khi mùa vụ gặt xong, tha hồ thả trâu bò trên những cánh đồng của xóm hoặc thả trâu rong ruổi qua những cánh đồng của làng bên cạnh. Mà muốn qua được những cánh đồng ấy thì trâu phải bơi qua sông. Cũng nhờ được chăn trâu bò mà những đứa trẻ trong xóm tôi ai cũng biết bơi. Những buổi trưa hè trời nắng chang chang, cứ rủ nhau ra bờ sông, lội xuống nước, đạp chọi, vẫy vùng, tự tập luyện rồi ai cũng biết bơi, vì không biết bơi thì không thể qua sông, đưa trâu bò từ những cánh đồng xa trở về.

Nhờ chịu khó làm việc và học tập nên cả hai anh em tôi đều trúng tuyển vào trường đại học năm 1976 và năm 1979, trong thời điểm mà đất nước chưa thoát ra khủng hoảng thiếu lương thực. Những năm đó được tốt nghiệp cấp 3, rồi vào đại học là niềm vui lớn, vì có năm cả xã chỉ có một vài người đỗ đại học. Và khi đã vào đại học rồi thì không còn phải lam lũ với đồng ruộng, con trâu, mà một tương lai tươi sáng đang rộng mở phía trước.

Sau này đi làm, có khi phải xa quê vài năm không trở về nhưng miền quê ấy bao giờ cũng thao thức, chờ đợi như tấm lòng một người mẹ luôn rộng mở chờ đón những người con trở về. Tết vừa rồi, khi tôi mới về tới đầu xóm, chị Hà đã huyên thuyên trò chuyện. Chị kể về những đổi thay của quê hương mình. Nào là những con đường đất năm nào đã không còn nữa mà thay vào đó là đường nhựa phẳng lỳ được mở rộng, trải thảm, đủ cho cả 2 làn xe ô tô, đường đi lại trong xóm cũng được bê tông hóa. Nhà cửa được xây dựng kiên cố, khang trang, có không ít nhà cao tầng sắm được xe ô tô. Nhờ có nước từ đập thủy lợi Trúc Kinh mà những cánh đồng ở quê luôn đầy ắp nước, không còn khô hạn, thiếu lương thực hoặc nạn đói lúc giáp hạt như ngày trước. Cuộc sống ở xóm nhỏ đã thực sự sôi động, trở thành một phần của phố thị khi người dân đã sử dụng các phương tiện hiện đại cho cuộc sống gia đình. Những đứa trẻ trong xóm không còn đen nhẻm, chạy theo con trâu, con bò như thửa xưa, mà đều được đi học, rồi đi làm công nhân hoặc cán bộ nhà nước. Một cuộc sống no ấm, bình yên hiện diện mỗi ngày trên quê nhà.

Ghi chép: Phước An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=156311&title=ky-uc-ve-mot-mien-que