Ký ức về một trời pháo hoa

Đối với thế hệ chúng tôi, ký ức về pháo hoa nổ gắn liền từ khi còn là những đứa trẻ. Ở cái thời khó khăn và chưa cấm pháo nổ, ước muốn của nhiều đứa trẻ mỗi khi Tết đến ngoài được ăn đủ loại kẹo thỏa thuê thì còn là được nghe tiếng pháo và đốt pháo.

Người dân luôn hào hứng chờ đón pháo hoa vào thời khắc giao thừa - Ảnh: LAM THANH

Người dân luôn hào hứng chờ đón pháo hoa vào thời khắc giao thừa - Ảnh: LAM THANH

Tết cổ truyền năm 2021 là năm đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng pháo và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đặc biệt, Nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra không ít nhầm lẫn đối với một số người. Có những cư dân mạng khi đón nhận thông tin này đã bày tỏ sự vui mừng, số khác thì nhanh nhảu rủ nhau “khởi nghiệp” bằng việc thu mua pháo nổ để bán trong dịp Tết...

Nhưng sự thật thì Nghị định nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Khái niệm này được quy định cụ thể như sau: Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp. Khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Vậy là trạng thái đón nhận thông tin này bỗng nhiên trở thành “được 1 phút vui mừng rồi chợt tắt”. Mong muốn “khởi nghiệp” dịp Tết của không ít thanh niên trẻ đã bị nhấn chìm. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp do chưa tìm hiểu kỹ về các quy định mà nhiều người đã nhanh nhảu tham gia buôn bán pháo hoa nổ và bị bắt giữ. Hậu quả tất phải đón Tết ở một nơi xa gia đình.

Nhiều đối tượng tàng trữ, vận chuyển pháo lậu đã bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý

Nhiều đối tượng tàng trữ, vận chuyển pháo lậu đã bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý

Đối với thế hệ chúng tôi, ký ức về pháo hoa nổ gắn liền từ khi còn là những đứa trẻ. Ở cái thời khó khăn và chưa cấm pháo nổ, ước muốn của nhiều đứa trẻ mỗi khi Tết đến ngoài được ăn đủ loại kẹo thỏa thuê thì còn là được nghe tiếng pháo và đốt pháo. Ngoài để thỏa mãn thú vui của tuổi nhỏ, pháo diêm còn được dùng để trêu nhau. Kiểu như thấy đám bạn đang tụ tập thì lôi một que pháo ra quẹt rồi ném vào giữa, nhìn cả lũ, nhất là con gái chạy toán loạn lại lấy làm vui. Những năm 1994, khi Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo được ban hành, phong trào nổ pháo đã tạm lắng. Nhưng từ đó cho đến nay, việc nổ pháo những dịp Tết có thể nói là “tạm rút vào hoạt động bí mật”, không phô trương như xưa, nhưng tình trạng mua bán lén lút vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Ở quê, Tết là dịp để con cháu từ phương xa trở về đoàn viên. Nhưng người quê vẫn nói với nhau rằng, Giao thừa cứ ra nhìn pháo hoa nổ vút lên cao ở mỗi nhà là biết nhà nào khá giả nhất. Dù vẫn bị cấm, nhưng nhiều người nếu năm đó làm ăn phát đạt vẫn coi việc nổ thật nhiều pháo là một sự phô diễn mức độ thành công của mình trong năm. Bố tôi trước kia là một cán bộ ủy ban, trước khi nghỉ hưu ông còn là Trưởng Công an xã. Những ngày Tết ông luôn về sau Giao thừa, tức là sau khi tiếng pháo đã tạm ngưng trên địa bàn của mình. Dĩ nhiên, đã là cán bộ ủy ban, lại còn làm Trưởng Công an xã thì tôi bị cấm tiệt việc nổ pháo dù ở bất cứ đâu. Thậm chí đứng gần đứa đốt pháo cũng bị ông quy cho là có tội. Lúc đó hậu quả sẽ được trả bằng những vết lằn trên mông.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Có thời điểm, ngoài công việc ở xã, ông còn làm thêm nghề tổ chức đám cưới (bây giờ gọi là MC đám cưới). Thế nên trong nhà tôi có một dàn loa thùng có thể nói là âm thanh to rền nhất xóm lúc đó. Khi đến Giao thừa, ông kích hoạt hệ thống loa, vặn ở mức cao nhất rồi dí míc (Micro) đến sát ti vi, thời bấy giờ cũng đã có màn trình diễn pháo hoa nổ ở những địa điểm được cho phép. Dù không đốt pháo nhưng nhà tôi vẫn có tiếng pháo hết sức hoành tráng bởi những âm thanh được phát ra từ... loa đám cưới.

Năm nay, khi việc đốt pháo hoa không nổ được chấp nhận thì tiếc thay bố tôi đã bỏ nghề làm MC đám cưới. Dàn loa cũng vì thế mà “hưu trí” từ lâu. Nó chỉ còn là thứ trang trí, nếu không sẽ có một màn kết hợp hết sức “sang chảnh” và rực rỡ. Ngoài vườn tôi sẽ dùng pháo hoa không nổ, còn bên trong bố tôi sẽ lại dí míc vào tivi để thu lấy tiếng. Vậy là Giao thừa năm nay đã khác hẳn những năm trước rồi. Nhưng thà xem và nghe nổ pháo hoa trên tivi cũng còn hơn việc bị bắt giữ khi đang thực hiện hành vi trái phép. Mua vui cho mình như vậy thì cái giá phải trả thật quá đắt, còn hơn cả vết lằn trên mông mà bố dành tặng những ngày ấu thơ.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-uc-ve-mot-troi-phao-hoa-post456826.antd