Ký ức về nghề săn thú hoang
Hơn 40 năm qua, ông Hồ Xuân Hùng (70 tuổi) ở bản Pa Nho (nay là Khóm 6), thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, vẫn cẩn thận lưu giữ tấm lưới săn thú rừng như giữ 'kỷ vật' một thời vàng son, khi nghề săn bắt thú rừng bằng lưới được nhiều người dân tộc Bru - Vân Kiều biết đến. Ông Hùng là người cuối cùng còn nắm giữ 'bí quyết' dệt nên tấm lưới săn hoang thú của đồng bào dân tộc Bru -Vân Kiều ở bản Pa Nho.
Muốn giao tiếp với ông Hùng phải có người phiên dịch bởi ông không nói được tiếng Việt. Tôi phải tìm đến nghệ nhân dệt thổ cẩm Hồ Văn Hồi (50 tuổi) ở bản Pa Nho nhờ làm phiên dịch giúp tôi trò chuyện với ông Hùng.
Ông Hùng bắt đầu câu chuyện bằng ánh nhìn xa xăm về phía cuối bản Pa Nho: “Những cánh rừng theo thời gian cứ dần lùi xa bản, xa làng. Thú rừng hiện tại chỉ còn ở các khu bảo tồn thiên nhiên... Mấy chục năm trước, bản Pa Nho còn nằm tiếp giáp với những cánh rừng rậm thâm u, nên thú rừng, nhất là hươu, nai, mang, heo rừng nhiều vô kể... Heo rừng hợp thành đàn vài chục con đi sục sạo kiếm ăn trên nương rẫy, rồi còn kéo về gần bản Pa Nho thâu đêm, suốt sáng.
Nếu không săn bắt thì thú rừng sẽ phá hoại hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống của dân bản. Hồi ấy, trai tráng bản Pa Nho chỉ cần ra khu vực đồi La Va, Tà Ri xung quanh bản Pa Nho là có thể giăng lưới bắt, còn bây giờ thì việc săn bắt thú hoang đã trở thành quá khứ lùi xa trong trí nhớ của người dân bản Pa Nho”.
Theo ký ức của ông Hùng thì ngày xưa hầu như nhà nào ở bản Pa Nho cũng có tấm lưới săn thú rừng. Muốn đan được lưới, người dân bản Pa Nho phải cơm đùm, gạo bới lặn lội vài tuần lễ trong rừng sâu để chặt cây Kdol mang về, sau đó đưa ra dòng suối đầu bản rồi dùng đá nặng lèn chặt để ngâm nước khoảng 7 - 10 ngày.
Tiếp đến, dân bản mang về nhà và tiếp tục phơi nắng 3 - 4 ngày. Khi thân cây Kdol đã khô thì đến công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn đó là đập tơi thân cây Kdol rồi tước ra từng sợi nhỏ, se lại thành sợi lớn bằng chiếc đũa để đan lưới săn. Mỗi tấm lưới có chiều dài khoảng 10 - 15m; chiều rộng khoảng 2 m. Người dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Pa Nho ngày xưa sáng tạo ra 3 loại lưới để săn bắt thú rừng gồm: săn nhím, thỏ, dúi; chồn, cáo, khỉ và mang, nai, hươu, heo rừng…
Bắt đầu từ tháng 9 cho đến tháng 12 âm lịch hằng năm, khi những đám rẫy bỏ hoang ở khu vực đồi La Va, Tà Ri… cỏ lên xanh mơn mởn, cũng là lúc nhiều loại thú rừng như hươu, nai, mang, heo rừng tìm đến kiếm ăn. Trai tráng bản Pa Nho bắt đầu tụ tập ở nhà già làng để lên kế hoạch cho mùa giăng lưới săn bắt thú rừng. Trước ngày ấn định mùa săn, những trai tráng có kinh nghiệm săn bắt thú rừng của bản Pa Nho sẽ theo các lối mòn xung quanh khu vực đồi La Va, Tà Ri… để truy tìm dấu vết con vật.
Thường thì heo rừng sẽ để lại dấu đào bới, ủi đất, còn hươu, mang, nai là vết chân xung quanh những cây rừng có quả chín rụng xuống. Bằng kinh nghiệm được tích lũy qua bao mùa săn, trai tráng bản Pa Nho sẽ biết được đàn heo rừng, hươu, nai, mang… số lượng nhiều hay ít cũng như chúng đang trú ẩn ở đâu.
Từ sáng sớm ngày ấn định mùa giăng lưới săn bắt thú rừng, trai tráng bản Pa Nho cùng với những tấm lưới săn sẽ tập trung ở khu vực rừng xung quanh đồi La Va, Tà Ri để tham gia vào lễ cúng giàng Xứ - Knie. Theo quan niệm của người Bru - Vân Kiều ở bản Pa Nho, giàng Xứ - Knie cai quản đất đai, vì thế trước khi tổ chức săn bắt, dân làng khấn xin giàng phù hộ để không ai bị thương tích trong cuộc săn bắt thú rừng.
Sau lễ cúng giàng Xứ - Knie là đến lễ cúng giàng Pran để cầu xin săn bắt được nhiều thú rừng. Lễ vật cúng giàng Xứ - Knie, giàng Pran chỉ là thuốc lá, trầu, cau, rượu. Lễ vật cúng giàng được để trên những tấm lưới săn thú rừng và hướng về khu vực rừng mà trai tráng bản Pa Nho sẽ giăng lưới để săn bắt hoang thú. Khi lễ cúng giàng xong, tất cả trai tráng bản Pa Nho sẽ vào vị trí giăng lưới. Mỗi lần săn bắt thú rừng, bản Pa Nho có khoảng 20 - 30 tấm lưới săn được giăng theo hình chữ V.
Mỗi tấm lưới sẽ có 1 - 2 trai bản cầm giáo dài đứng canh. Ở khu vực giăng lưới, tất cả đều tuyệt đối im lặng. Khi phát hiện nơi thú rừng đang ẩn náu, trai tráng bản Pa Nho sẽ hò hét, gây ra tiếng động mạnh để lùa những con thú hoảng sợ chạy về phía tấm lưới giăng sẵn. Ngay lập tức, những người cầm giáo dài giữ lưới sẽ lao đến để hạ gục con thú. Có nhiều lần giăng lưới săn được hàng chục con heo rừng, mang, nai… Kết thúc buổi đi săn, những con thú rừng săn được sẽ được phân chia cho những người tham gia cuộc săn thú và dân bản.
Ông Hồi góp chuyện, ngày xưa khi săn được thú rừng, dân bản Pa Nho luôn để dành phần đầu, bộ lòng của con vật làm lễ cúng tạ ơn giàng Xứ - Knie, giàng Pran. Ngoài ra, trong lễ cúng tạ ơn không thể thiếu con gà, quả trứng, rượu để mời các giàng đến dự tiệc với dân bản, cầu mong giàng Xứ - Knie, giàng Pran phù hộ cho dân bản Pa Nho săn được nhiều thú rừng trong những lần săn sau và thú rừng không về phá hoại nương rẫy của dân bản.
Cúng tạ ơn giàng Xứ - Knie, giàng Pran xong, trai tráng bản Pa Nho sẽ uống rượu, nhảy múa thâu đêm, suốt sáng như vào mùa lễ hội. Cũng trong những cuộc đi săn thú rừng, nhiều điều kiêng kỵ được người dân bản Pa Nho triệt để chấp hành như việc cấm phụ nữ không được bước qua hay đụng chạm đến giáo, mác, lưới săn… bởi dân bản cho rằng nếu phụ nữ chạm vào các dụng cụ săn bắt sẽ mang đến xui xẻo và không săn bắt được nhiều thú rừng.
“Bây giờ, Nhà nước cấm săn bắn, mua bán thú rừng, nên dân bản Pa Nho không còn ai lưu giữ những tấm lưới săn bắt thú rừng mà cha ông để lại. Riêng tôi vẫn cẩn thận lưu giữ lại tấm lưới do chính tay tôi tự tay đi chặt cây Kdol trong rừng sâu về tách sợi rồi đan gần 10 ngày mới xong. Chính tấm lưới này đã cùng tôi tham gia nhiều cuộc săn bắt thú rừng của dân bản Pa Nho ngày xưa. Nay nó được xem như là “nhân chứng” của nghề săn thú bằng lưới độc đáo đã đồng hành với đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Pa Nho từ thuở lập bản, lập làng”, ông Hùng chia sẻ.