Ký ức về người cha anh hùng

Bà Trần Thị Minh Chánh kể về cuộc đời hoạt động của cha mình. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Nhắc đến liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Quốc Tuấn (bí danh Trần Rến) là nhắc đến người cán bộ kiên trung, tài năng và đầy sáng tạo trong lĩnh vực sáng chế, cải tiến vũ khí thô sơ phục vụ cho việc bố phòng đánh địch trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Không chỉ cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng quê hương, ông còn là người cha mẫu mực, người thầy đáng kính.

Đầu xuân mới, tôi tìm đến ngôi nhà ở địa chỉ 151 Trần Hưng Đạo, phường 6, TP Tuy Hòa gặp gỡ và trò chuyện với trưởng nữ của ông - bà Trần Thị Minh Chánh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Đối diện tôi là người phụ nữ điềm đạm, dễ gần với nụ cười đôn hậu và mái tóc ngắn đã điểm bạc. Bà kể cho tôi nghe về cuộc đời hoạt động của cha mình. Đôi lúc giọng bà chùng xuống vì xúc động khi nhắc đến đấng sinh thành.

Những chiến công thầm lặng

Bà Trần Thị Minh Chánh (SN 1948), nối gót theo cha mình thoát ly ra vùng giải phóng hoạt động cách mạng khi vừa tròn 20 tuổi. Bà nhớ lại: “Ba tôi là người con thứ năm trong gia đình. Năm 1945 (21 tuổi), ông tham gia đội du kích xã Hòa Định, huyện Tuy Hòa 2 (nay là Phú Hòa), đến tháng 7/1949 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và giữ chức vụ xã đội phó”.

Trong công tác và chiến đấu, ông luôn xông xáo, dũng cảm và quyết đoán trong mọi tình huống, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tháng 5/1953, ông làm Xã đội trưởng Hòa Định. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết, ông được lệnh tập kết ra Bắc nhưng xin ở lại quê nhà chiến đấu. Đến năm 1960, cơ sở bị lộ, ông bị địch bắt giam ở nhà lao TX Tuy Hòa. 2 năm sau, ông ra tù và tiếp tục móc nối liên lạc với tổ chức rồi thoát ly ra vùng giải phóng, được phân công làm Trưởng Ban Kinh tài xã Hòa Định từ năm 1962-1965.

Ngoài danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Quốc Tuấn còn được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhì; 2 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp khu và tỉnh; các danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe cơ giới, diệt máy bay và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Những năm 1966-1969 là thời gian ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Địch tăng cường càn quét, đánh phá, đổ bộ lấn chiếm các vùng giải phóng và căn cứ nhằm khống chế mọi hoạt động của quân và dân ta. Trước tình hình khó khăn và thiếu thốn về vũ khí phục vụ cho phong trào du kích chiến tranh, ông vừa làm công tác kinh tài, vừa nghiên cứu cải tiến bom mìn để bố phòng đánh địch.

Sau đó, ông đề xuất với lãnh đạo xã thành lập tổ quân giới do mình làm tổ trưởng. Với khả năng sáng tạo và chịu khó tìm tòi, nghiên cứu và không ngừng học hỏi, ông lặn lội xuống vùng sâu móc nối cơ sở, huy động đóng góp và thu mua nguyên vật liệu, dụng cụ để cải tiến vũ khí như: cưa sắt, ê-ke, kìm, kéo, búa, đe và một số hóa chất khác.

Bên cạnh đó, ông trực tiếp tuyên truyền, phát động toàn dân trong xã hưởng ứng phong trào thu lượm bom, pháo, đạn lép của địch mang nộp cho tổ quân giới xã; viết thư cho các cơ sở nội tuyến lấy cắp lựu đạn, mìn, dây điện, kíp nổ chuyển ra vùng giải phóng. Ông còn cùng tổ quân giới thu nhặt lựu đạn, mìn và cả bom của địch để cải tiến, áp dụng vào thực tiễn.

Tài liệu lịch sử ghi nhận, ông đã sáng chế, cải tiến trên 15.000 quả mìn các loại cung cấp cho du kích, bộ đội đánh giặc và bố phòng; phối hợp chặt chẽ với Đại đội 19 Công binh tỉnh sản xuất một lượng lớn mìn phục vụ cho đánh giao thông làm chủ trên trục đường 7 nhiều năm liền, đánh cháy và phá hủy hơn 75 xe quân sự các loại, hàng trăm tấn vũ khí đạn dược, làm chết và bị thương hàng trăm tên địch.

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Trần Quốc Tuấn. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Trần Quốc Tuấn. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

“Năm 1969, địch dùng trực thăng đổ quân đóng chốt ở khu vực Eo Gió - núi Hòn Hương để giám sát và khống chế những khu căn cứ cách mạng giáp ranh giữa các xã Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Định. Do lính chốt ở độ cao nên Mỹ dùng máy bay trực thăng để tiếp tế lương thực nuôi quân. Hàng ngày, ba tôi bí mật theo dõi máy bay đậu tại sân bay dã chiến tiếp tế lương thực, rồi nghiên cứu tìm ra cách đánh địch. Ông dùng nhiều loại mìn gài liên kết với nhau từ mặt đất lên đến các ngọn cây, bụi rậm; dùng dây điện, pin điểm hỏa lợi dụng cánh quạt của máy để kích điện, làm nổ tung 1 máy bay trực thăng, thiêu cháy 12 tên lính Nam Triều Tiên. Địch điên cuồng tỏa ra lùng sục lại bị vướng mìn bố phòng do ông trực tiếp gài, làm chết thêm 24 tên. Từ đó, địch co cụm lại không dám càn quét lùng sục vào vùng căn cứ. Nhờ vậy giữ được căn cứ bám trụ xen kẽ với nhau để hoạt động”, bà Chánh kể lại.

Tháng 2/1970, hai trung đội lính đánh thuê Nam Triều Tiên đóng chốt ở núi Tranh (xã Hòa Quang) đi tuần tra mở đường dọc theo kênh Nam 1 đến cầu Vôi, xã Hòa Định. Ông cùng du kích xã bố trí gài 50 quả mìn các loại tại khu vực này, tiêu diệt 18 tên tại chỗ và 7 tên khác bị thương.

Tháng 9/1970, ông cùng hai đồng đội đi kiểm tra các tuyến bố phòng xây dựng “Khu tử địa” tại núi Hương, bị địch phục kích và hy sinh. “Lúc ba hy sinh, mẹ tôi (Trần Thị Lý, thương binh hạng 1/4) đang bị giam tại nhà lao Nha Trang (Khánh Hòa). Em gái là Trần Thị Minh Thuận, Xã đội phó Hòa Định tham gia đánh vào Chi cảnh sát ngụy ở đường Duy Tân nhưng bại lộ cũng bị địch bắt giam tại nhà lao Nha Trang. Còn lại đứa em trai mới 7 tuổi phải nhờ bà con lối xóm chăm sóc giúp. Tôi nhận nhiệm vụ về xã Hòa Trị để hoạt động, nằm hầm bí mật nên không hay biết ba mình đã anh dũng ngã xuống. Mãi ba tháng sau, đồng chí Lê Hiệp, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 viết thư báo cho tôi hay nhưng vì đang làm nhiệm vụ nên đến ba tháng sau nữa, tôi mới về thắp cho ông một nén nhang. Tôi chỉ nhớ hình bóng của ba chớ không có di ảnh nào để lại”, bà Chánh bùi ngùi.

Người chồng chung thủy, người cha giàu lòng yêu thương

Dù đã qua 50 năm xa cách, nhưng ký ức về người cha vẫn hiện hữu trong tâm trí, là một nguồn sống vô tận, còn chảy suốt cuộc đời và là niềm tự hào của bà. “Có lẽ tôi là người rất may mắn, lớn lên trong vòng tay yêu thương, dạy dỗ của ông. Lúc còn nhỏ, hai chị em tôi đã được ba dạy học chữ, viết chữ và làm toán chứ không đến trường. Đến khi trường mở đợt thi thì ông dẫn đi thi. Ông luôn dạy tôi làm từ việc nhỏ cho bản thân, rồi làm việc nhà, biết sống hướng thiện, hết mình giúp đỡ người khác. Hồi đó, những công việc cụ thể của ba, tôi không tường tận lắm, chỉ biết là ông hoạt động đánh Mỹ. Tới tuổi trưởng thành, tôi tình nguyện trở thành “đồng đội” của ba, là cán bộ đấu tranh chính trị của xã Hòa Định. Những thông tin về ông có được là trong khi đi làm nhiệm vụ, tôi được nghe các bác, các chú kể lại”, bà Chánh bồi hồi nhớ lại.

Ba tôi rất đa năng, việc gì ông cũng làm được, từ thợ mộc, câu cá, giã gạo…, đặc biệt là đi rừng không bao giờ lạc đường. Mỗi khi ông lên núi để cung cấp tin tức của địch cho cơ sở cách mạng, khi trở về gánh các loại trái sặc, đỏ, xay… cho các con ăn và mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo. Do vậy, suốt bao năm ông hoạt động ở địa phương đều che mắt được mật thám trong vùng. Tấm lòng của ông dạt dào tình cảm thương yêu vợ. Chưa bao giờ chị em tôi nghe ông nặng lời với mẹ, với con, tuy bề ngoài thì nghiêm khắc. Ông rất tâm lý, lắng nghe và uốn nắn cho chị em tôi từng ly từng tí khi còn bé với mong muốn lớn lên trở thành những người tốt, giúp ích cho xã hội. “Tính độc lập của ba tôi rất cao, một mình ông tự làm lấy tất cả, không muốn ảnh hưởng tới công tác của các con. Cả cuộc đời ông đã sống hết mình cho gia đình, cho đất nước”, bà Chánh tự hào nói về đấng sinh thành và kết thúc câu chuyện.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/234969/ky-uc-ve-nguoi-cha-anh-hung.html