Ký ức về những chiếc lược sừng
'Hỡi cô thắt áo lưng xanh/Có về Thụy Ứng với anh thì về/Thụy Ứng có nghiệp có nghề/Có ao tắm mát có nghề lược thưa'. Những nghệ nhân ở Thụy Ứng, Thường Tín, Hà Nội đã dùng 4 câu thơ này để mở đầu câu chuyện về truyền thống làng nghề lược sừng nức tiếng hơn 400 năm qua…
Chiếc lược nhỏ giữ người, giữ nghề
Dù hiện nay trên thị trường có nhiều loại lược và được làm bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như: Lược bí làm bằng gỗ và tre, hay lược nhựa với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá cả cạnh tranh thu hút người dùng… nhưng người Thụy Ứng hàng trăm năm nay vẫn tự hào khi sản xuất ra những chiếc lược sừng (làm từ sừng trâu, bò) với độ bền, sự tiện dụng, tính thẩm mỹ cao và đặc biệt được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đem lại cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây.
Theo ông Vũ Thanh Liêm – Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống lược sừng Thụy Ứng, từ thuở sơ khai được ông Tổ truyền nghề, chiếc lược sừng có hình vuông, sau cải tiến thành hình cong như múi bưởi, chiếc lược không những đẹp hơn mà còn có độ bền lâu. Cũng nhờ sự cải tiến không ngừng, những chiếc lược sừng của Thụy Ứng đã trở thành món hàng được nhiều nơi ưa chuộng. Những người thợ lược cũng cố gắng để cho ra đời những sản phẩm ngày càng đẹp hơn, nhiều tác dụng hơn, việc tạo hình lược cũng đa dạng, thẩm mỹ hơn.
Nguyên liệu chế tác lược chủ yếu từ sừng trâu nên khi mở rộng sản xuất, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, các cơ sở đã phải nhập khẩu thêm sừng trâu từ nước ngoài. Ngoài những quốc gia ở Đông Nam Á, nguyên liệu sừng còn được nhập khẩu từ châu Phi. Khi nhập sừng về, sau công đoạn vệ sinh, những người thợ tiến hành cưa sừng thành từng mảnh sao cho phù hợp với sản phẩm chế tác. Sau đó, cho sừng vào nồi hơi để luộc mềm rồi ép phẳng bằng lò hơi thủy lực và tiến hành cắt răng, chà lát, đánh bóng… để chế tác, hoàn thiện sản phẩm.
Sản phẩm lược sừng không đắt đỏ ở nguyên liệu nhưng hết sức công phu ở khâu chế tác. Mỗi chiếc mỗi khác, người thợ phải tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, pha, cắt, nhưng khó nhất vẫn là lúc tạo dáng hay còn gọi là lấy phôi. Nếu ngay từ khâu lấy phôi không chuẩn thì sẽ mất đi dáng lược, lược bị biến dạng. Công phu như vậy nên những chiếc lược sừng trâu, sừng bò nhỏ bé đã giúp cuộc sống của người dân làng quê thuần nông ổn định hơn. Trong khi nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một thì nghề làm lược sừng vẫn giữ được nhiều người sống với nghề.
Nhận thấy việc chế tác thủ công chỉ cho sản lượng thấp, nhiều hộ làm nghề trong làng đã mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã và áp dụng những kiến thức qua các lớp tập huấn vào làm nghề. Nhờ đó, khi so sánh những sản phẩm làm thủ công hoàn toàn, sản phẩm gia công máy móc có ưu thế, tinh xảo hơn ở nhiều chi tiết, nhất là chi tiết nhỏ, sản lượng cũng được nhân lên nhiều lần, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Việc định hướng phát triển làng nghề kết hợp văn hóa du lịch đang tạo bước đi mới, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch về địa phương tham quan, mua sắm; góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Theo dòng chảy của thời gian, giờ đây, làng nghề Thụy Ứng không chỉ chế tác riêng lược sừng mà còn sáng tạo những mặt hàng mỹ nghệ trang trí, đồ dùng có giá trị kinh tế như đồ trang sức, tranh dân gian, điêu khắc sừng trang trí nội thất... nhưng lược sừng vẫn là mặt hàng chính không chỉ nức tiếng trong Nam, ngoài Bắc mà còn nổi tiếng ở thị trường quốc tế. Đến đâu người ta vẫn nhậnra hình chiếc lược hình múi bưởi thân quen và những chiếc lược bí bằng sừng trâu, bò của Thụy Ứng.
Vươn ra thế giới
Ông Vũ Thanh Liêm không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ về quá trình chinh phục thị trường của lược sừng Thụy Ứng. Ông cho biết, các sản phẩm của làng hiện được bán trên toàn quốc, nhất là trong các siêu thị, cửa hàng mỹ nghệ lưu niệm tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các khu du lịch. Ðặc biệt, các mặt hàng này hiện đang có thế mạnh trong xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Mỹ... và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam.
“Với bàn tay tài hoa, thế hệ trẻ làng nghề Thụy Ứng hôm nay năng động, tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ chất liệu sừng trâu, bò như: Vòng tay, đĩa khay, trâm cài tóc, vật dụng thìa dĩa, khung tranh, các tác phẩm mỹ nghệ, nghệ thuật... để mở rộng thị trường xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới” – ông Liêm chia sẻ và cho biết, việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang được đặt ra để giúp làng nghề Thụy Ứng phát triển bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của Hà Nội. Thêm vào đó, việc định hướng phát triển làng nghề kết hợp văn hóa du lịch trên địa bàn xã Hòa Bình đang tạo bước đi mới, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch về địa phương tham quan, mua sắm; góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Đặc biệt, những năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là thương mại điện tử đang dần trở thành khái niệm quen thuộc tại làng nghề lược sừng truyền thống Thụy Ứng. Các sản phẩm đồ mỹ nghệ làm từ sừng nói chung và sản phẩm lược sừng nói riêng trước đây vẫn chưa quen thuộc với người dân trong nước, nhưng qua hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như shopee, tiki, lazada… các sản phẩm này đã dần được khách hàng trong nước đón nhận, tạo bước tiến lớn đưa thương hiệu sừng Thụy Ứng khẳng định vị thế trên thị trường.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-uc-ve-nhung-chiec-luoc-sung-152042.html