Ký ức về những chiếc phà ngang sông

Qua lại những chuyến phà, đặc trưng nhất là mấy gánh hàng rong xuôi ngược. Cũng nhờ những chuyến phà, người bán hàng rong có thể nương vào buôn bán kiếm chút tiền lời lo cho gia đình…

Chuyến phà cuối cùng kết thúc sứ mệnh lịch sử đưa rước người dân ở Bến Đình.

Chuyến phà cuối cùng kết thúc sứ mệnh lịch sử đưa rước người dân ở Bến Đình.

Từ khi những chiếc cầu được bắc qua nối liền đôi bờ sông, những chuyến phà qua sông chỉ còn là kỷ niệm của người dân Tây Ninh. Qua lại những chuyến phà, đặc trưng nhất là mấy gánh hàng rong xuôi ngược. Cũng nhờ những chuyến phà, người bán hàng rong có thể nương vào buôn bán kiếm chút tiền lời lo cho gia đình…

Những chuyến phà nay chỉ còn trong ký ức.

Tây Ninh không phải là vùng có địa hình đặc thù sông nước, nhưng có hệ thống sông ngòi trải dài và kênh rạch chằng chịt. Đây là một lợi thế giúp đất đai màu mỡ, cây lành trái ngọt nhưng cũng là “rào cản” tự nhiên cho việc lưu thông. Khi những chiếc cầu bê tông bắc ngang sông được khánh thành, kết nối hai bờ cũng là lúc những chuyến phà hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

Huyện Châu Thành có 5 xã biên giới nằm ở phía Tây sông Vàm Cỏ Đông gồm: Biên Giới, Hòa Thạnh, Hòa Hội, Thành Long và Ninh Điền. Chiều dài của đoạn sông qua các xã khoảng 53km, “chia cắt” các địa phương, trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế địa phương.

Chuyến phà chỉ còn trong ký ức.

Chuyến phà chỉ còn trong ký ức.

Nhìn ra hướng cầu Bến Sỏi nối đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông của huyện Châu Thành, bà Nguyễn Thị Cẩm (76 tuổi, ngụ xã Thành Long) kể, thời điểm phà hoạt động là hai bên bờ sông sôi động hẳn lên. Tàu xe qua lại tấp nập, nơi nào có thể vắng người nhưng ở những bến phà lớn lúc nào cũng đông vui náo nhiệt.

22 năm trước, đó là vào năm 2000, UBND tỉnh đã cho xây dựng cây cầu Bến Sỏi dài 186m, rộng 9m, nằm trên đường tỉnh 781 nối liền trung tâm huyện Châu Thành với 5 xã biên giới phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. “Cây cầu mới được khánh thành, lần đầu tiên đường sá ở đây gắn đèn điện cao áp sáng rực nên người dân xung quanh đổ ra cầu chơi rần rần như trẩy hội”- bà Cẩm nhớ lại.

Chuyến đưa cuối cùng của người lái phà Bến Đình.

Chuyến đưa cuối cùng của người lái phà Bến Đình.

Vài năm trở lại đây, người dân ở 2 xã biên giới Hòa Thạnh và Phước Vinh của huyện Châu Thành không còn nhắc đến những chuyến phà. Cuối tháng 7.2020, cầu bến Cây Ổi dài 238m (tổng mức đầu tư 131 tỷ đồng) chính thức được thông xe là chuyến phà cuối cùng ngừng hoạt động.

Người dân ở hai bờ sông mừng rơi nước mắt. Anh Nguyễn Công Thành (31 tuổi, ngụ xã Biên Giới) kể: “Nhà thì chỉ cách có bờ sông nhưng lại thấy xa dữ lắm. Ban ngày đợi phà hơn 10 phút, ngồi trên phà thêm 5 phút nữa mới qua được sông. Còn ban đêm phà không chạy, có hôm đi làm về trễ phà chỉ muốn khóc”.

Phà Bến Đình cũng chấm dứt hoạt động từ năm 2016. Mỗi khi qua cầu, rất nhiều người sẽ nhớ về những chuyến phà bền bỉ một thời gian dài đưa khách sang sông, góp phần vào sự đổi mới, đi lên của quê hương.

Bến phà Bến Đình xưa.

Bến phà Bến Đình xưa.

Sông Vàm Cỏ Đông (bắt nguồn từ Campuchia) chảy qua địa phận các huyện Bến Cầu, Tân Biên, Châu Thành, Gò Dầu và thị xã Hòa Thành, Trảng Bàng với chiều dài 105km. Tính đến nay, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng 7 cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, kết nối trung tâm các huyện, thị trấn đi các xã vùng sâu, biên giới của tỉnh.

Trong đó, phải kể đến cầu bến Cây Ổi nối liền 2 xã biên giới Hòa Thạnh và Phước Vinh; cầu Bến Sỏi nối trung tâm huyện Châu Thành với vùng biên giới hai xã Thành Long, Ninh Điền; hay cầu Gò Chai nối tuyến đường từ Châu Thành và TP. Tây Ninh đi cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu; còn cầu Bến Đình nối 2 huyện Gò Dầu - Bến Cầu…

Từ ngày có những cây cầu, hàng hóa được vận chuyển thông suốt, giao thông vô cùng thuận tiện, nhưng không khỏi bồi hồi khi nhớ về những chuyến phà với bao kỷ niệm.

Phà Bến Cây Ổi trong ký ức của người dân 2 xã Biên Giới và Phước Vinh.

Phà Bến Cây Ổi trong ký ức của người dân 2 xã Biên Giới và Phước Vinh.

Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định xây mới 11 cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Trong đó, riêng sông Vàm Cỏ Đông, sẽ có 8 cầu mới được xây dựng trong tương lai, nâng tổng số 15 cầu bắc qua con sông này.

Cụ thể, cầu Băng Dung sẽ kết nối xã Biên Giới và xã Phước Vinh (huyện Châu Thành); cầu Bến Trường kết nối xã Hòa Hội với xã Hảo Đước (huyện Châu Thành); cầu Ninh Điền kết nối xã Ninh Điền với xã Thanh Điền (huyện Châu Thành); cầu Trường Đông kết nối xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành) với xã Trường Đông (thị xã Hòa Thành); cầu Thạnh Đức kết nối thị trấn huyện Bến Cầu với xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu); cầu Hiệp Thạnh kết nối xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu) với xã Hiệp Thạnh (huyện Gò Dầu); cầu trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và cầu Phước Chỉ - Lộc Giang kết nối Lộc Giang (huyện Đức Hòa, Long An) với xã Phước Chỉ (huyện Bến Cầu, Tây Ninh).

Cầu Bến Đình chính thức thông xe từ năm 2016.

Cầu Bến Đình chính thức thông xe từ năm 2016.

Khi hoàn thành, các cây cầu này sẽ đồng bộ hạ tầng giao thông, phá thế chia cắt tự nhiên, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt với vùng Đông Nam bộ cũng như các đầu mối vận tải hàng hóa với các trung tâm logistics, ICD, cảng thủy nội địa và các vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến.

Phan Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-uc-ve-nhung-chiec-pha-ngang-song-a152205.html