Ký ức Vị Xuyên

'Chúng ta nhắc về Cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979 - 1989 không phải để khoét sâu hận thù mà cho con cháu chúng ta được biết về sự thật lịch sử, từ đó tự hào cũng như nỗ lực tiếp nối truyền thống yêu nước mà cha ông ta để lại'. Đó là những tâm nguyện mà cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Minh Thịnh - người lính từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang) nhắn nhủ khi nói về cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng, ác liệt để bảo vệ từng tấc đất nơi địa đầu Tổ quốc.

(baophutho.vn) - “Chúng ta nhắc về Cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979 - 1989 không phải để khoét sâu hận thù mà cho con cháu chúng ta được biết về sự thật lịch sử, từ đó tự hào cũng như nỗ lực tiếp nối truyền thống yêu nước mà cha ông ta để lại”. Đó là những tâm nguyện mà cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Minh Thịnh - người lính từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang) nhắn nhủ khi nói về cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng, ác liệt để bảo vệ từng tấc đất nơi địa đầu Tổ quốc.

“Lò vôi thế kỷ” là cụm từ để miêu tả sự ác liệt của mưa bom bão đạn đã trút xuống chiến trường Vị Xuyên trong suốt 10 năm của cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc, nhất là trong giai đoạn 1984 - 1989. Nhập ngũ tháng 2 năm 1976, khi chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra vào tháng 2/1979, CCB Nguyễn Minh Thịnh (nay ở phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì) đang là học viên Trường Quân chính Quân khu Việt Bắc. Tháng 6/1979, ông thuộc biên chế Sư đoàn 314 và đã cùng đơn vị đóng quân tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Biên giới Việt Nam - Trung Quốc sau sự kiện tháng 2/1979 vẫn luôn căng thẳng. Trung Quốc thường xuyên dùng pháo, đạn cối bắn vào lãnh thổ Việt Nam, tấn công vào một số đồn biên phòng và trận địa của nước ta. Vì thế, quân và dân Việt Nam luôn phải cảnh giác, sẵn sàng đánh trả tất cả các cuộc tấn công lấn chiếm biên giới để bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

CCB Nguyễn Minh Thịnh nghiên cứu cuốn sách và tài liệu của các đồng đội về Chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979 - 1989

Trong những năm tháng ác liệt ấy, CCB Nguyễn Minh Thịnh dường như còn nhớ rõ tất cả những trận đánh giữa ta và địch. Ông kể lại rành rọt từng sự kiện như thể đó là một phần ký ức không bao giờ quên. Ngày 28/4/1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công lấn chiếm biên giới Việt Nam, huy động lần lượt nhiều đơn vị với tổng số trên 50 vạn quân thuộc 20 sư đoàn bộ binh, 171 trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh, ba sư đoàn pháo binh (400 khẩu pháo các loại), 1.000 xe cơ giới tiến công toàn diện vào Vị Xuyên.

Từng là trợ lý cán bộ của Sư đoàn 316, CCB Nguyễn Minh Thịnh có nhiều năm nghiên cứu, đọc các tư liệu về Cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc giai đoạn 1984 - 1989. Ông cũng lý giải, tại sao khi ấy, trên tuyến Biên giới dài 1.400km, Trung Quốc lại chọn Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang) và lấy Vị Xuyên là điểm tấn công lấn chiếm sau khi sự kiện 1979 kết thúc?

Quân đội ta chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang trong chiến tranh Biên giới phía Bắc (Ảnh tư liệu)

Ông cho biết: Vị Xuyên là huyện hẻo lánh, xa trung tâm và cách xa Thủ đô hơn 300km. Địa hình phía Việt Nam là núi đá cao, thấp dần về nội địa. Địa hình bên Trung Quốc là cao nguyên rộng lớn, dễ triển khai đội hình lớn để tấn công Việt Nam. Thứ hai, mục đích của quân Trung Quốc lúc ấy là thu hút lượng lớn binh lực của Việt Nam lên vùng biên giới, sẽ làm suy yếu công cuộc tái thiết kinh tế sau chiến tranh của nước ta. Không phát động chiến tranh trên diện rộng sẽ tránh được dư luận quốc tế và nếu chiếm được Hà Giang có thể thuận lợi lấn sâu vào biên giới nước ta.

Trong khoảng thời gian từ năm 1984 - 1989, tính riêng mặt trận Vị Xuyên đã có trên mười sư đoàn bộ binh tham gia chiến đấu. Các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã quyết tâm chiến đấu, giành giật với địch từng chiến hào, từng cao điểm để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Quân đội ta chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang trong chiến tranh Biên giới phía Bắc (Ảnh tư liệu)

Trong vòng năm năm, Trung Quốc đã bắn vào Mặt trận Vị Xuyên gần 1,8 triệu viên đại bác. Sau khi kết thúc chiến tranh, những ngọn núi đá bị đạn pháo thổi bay đi đến 5m, cây cối trơ trụi để lộ ra những rặng núi đã vôi trắng xóa. 4.000 cán bộ chiến sĩ, đồng bào từ mọi miền Tổ quốc đã hy sinh. Riêng Sư đoàn 314, Quân khu 2 đã có 800 liệt sĩ và hơn 1.000 thương binh.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, trên chiến trường ác liệt khi xưa, bình yên và màu xanh cây cỏ đã trở lại. Tinh thần yêu nước, sự xả thân sự toàn vẹn lãnh thổ của những người lính Vị Xuyên luôn được nhắc nhở. Thế hệ cha anh như CCB Nguyễn Minh Thịnh và các CCB đã tham gia chiến đấu trên tất cả các mặt trận sẽ mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp cháu con noi theo, học tập và lao động để tiếp nối truyền thống kiên cường, vẻ vang, bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202202/ky-uc-vi-xuyen-183008