Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Ngày đó, giữa căn phòng trang nhã ở Hội An, tôi đã thì thầm với những vòng hoa trên linh cữu lời chào tạm biệt, đưa tiễn họa sĩ Nguyễn Phan - người thầy, người anh - đi về một nơi xa khuất.

 Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan do họa sĩ Hoàng Đặng vẽ.

Chân dung họa sĩ Nguyễn Phan do họa sĩ Hoàng Đặng vẽ.

Kết dính hình ảnh thời thật xa

Một chiều, cơn mưa tầm đầu mùa phủ mù mịt góc quán bên bờ biển Thanh Bình (Đà Nẵng), mảng ký ức đóng băng trong tôi bị đánh vỡ ngay khi gặp Phan Trường Sơn, kiến trúc sư, người con thứ của họa sĩ Nguyễn Phan, đang trên đường tìm lại các dấu mốc lúc sinh thời của người cha… Những kỷ niệm với họa sĩ Nguyễn Phan thức giấc, trở về choáng ngợp trong tôi.

Các mảnh vỡ ký ức kết dính về một hình ảnh thời thật xa, xa tít đến hơn nửa thế kỷ: Vào tuần lễ đầu niên khóa, có một người đàn ông trẻ, trông chừng rất phong độ, tay xách chiếc cặp da màu nâu đậm, bước vào lớp 9 Trường Văn Hiến(Huế) với nụ cười trẻ trung nở tươi trên khuôn mặt khả ái, bặt thiệp: Thầy dạy vẽ. Ông thân thiện đưa tay chào cả lớp rồi tự giới thiệu “Tôi, Phan Ngọc Nam, được nhà trường bố trí hướng dẫn các bạn môn vẽ cơ bản”. Chợt thấy phần cách ngôn ghi thường xuyên dưới phần ngày tháng trên bảng đen còn để trống, Thầy-dạy-vẽ ghi bằng phấn trắng dòng chữ “Thành công bao gồm 90% mồ hôi và 10% cảm hứng (Thomas Edison)”.

Họa sĩ Nguyễn Phan tên thật là Phan Ngọc Nam, sinh năm 1939 tại Thừa Thiên Huế, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1962), Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1963). Ông từng đoạt huy chương Bạc giải quốc tế tại La Mã (Rome, 1965) và đã có nhiều cuộc triển lãm riêng thành công tại Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh... Ông là tác giả “Nhà lưu niệm cụ Phan Chu Trinh” ở thành phố Đà Nẵng; tượng đài “Chứng tích Cây cốc” ở xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước và tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Chúng tôi vốn đã đọc qua câu nói bất hủ này "Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là khổ luyện" và lũ “thiên tài” chúng tôi bắt đầu tập vẽ những đường nét cơ bản về con người và các sinh hoạt thường ngày. Đây là những giờ học vẽ thú vị: Dessin của thầy-dạy-vẽ linh hoạt, điêu luyện, xuất hiện lần lượt trên bảng đen các hình ảnh từ chị bán hàng rong đến cửa hàng tạp hóa; từ lão nông dân đến anh công tử; từ dáng dấp thon thả của cô nữ sinh hay vẻ rộn ràng lúc tan trường. Song song hình tượng về người là biểu tượng cảm xúc trên khuôn mặt bằng những nét tếu họa: “Hỷ, nộ, ái, ố”.

Tiếp đến chúng tôi nhận được bài tập làm tại nhà: Vẽ chiếc lá. Bất kỳ chiếc lá nào, vẽ màu nước. Thoạt nghe cái đề bài, tưởng dễ, đến khi làm thì vã cả mồ hôi trán. Trên mỗi chiếc lá có chi chít vô số màu sắc và họa tiết xen kẽ dù lá đã ngả vàng hay lá đang xanh non. Không biết về sau chúng tôi có trở thành thiên tài hay không chứ lúc này, quả đúng là “90% mồ hôi”. Gần cuối niên học bị gián đoạn vì chiến sự “Mậu Thân 1968”. Thầy trò mỗi người mỗi ngã, đường ai nấy đi, không một lời từ biệt…

 Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Hội ngộ trong buổi rượu vui

Sau năm 1975, tất cả các họa sĩ đang sống trong thành phố Đà Nẵng đều được mời đến Khu Triển lãm 84 Hùng Vương để “Tham gia Mỹ thuật”. Trong buổi tề tựu đông đủ này chúng tôi được gặp lại Thầy-dạy-vẽ Phan Ngọc Nam với bút hiệu Nguyễn Phan.

Tôi và người bạn, họa sĩ Duy Ninh với họa sĩ Nguyễn Phan, cùng hội ngộ trong buổi rượu vui, thầy trò tương tác, hàn huyên sau một thời gian dài cách biệt. Họa sĩ Nguyễn Phan không giấu được sự xúc động khi gặp lại hai học trò chúng tôi. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, nửa chữ cũng là thầy huống hồ chúng tôi đã vào đời nghề vẽ bằng những bài học đầu tiên của thầy Phan Ngọc Nam - họa sĩ Nguyễn Phan. Nhưng ông cảm ơn chúng tôi và nói như họa sĩ Đinh Cường ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế: “Chúng ta vừa là thầy trò, vừa là bè bạn, hãy cư xử với nhau thân tình như anh em, huynh đệ.”

Một lần, họa sĩ Nguyễn Phan đưa tôi về thăm tệ xá của anh. Căn nhà gỗ màu xanh ngọc nằm trong con đường nhỏ, song song với đường Ông Ích Khiêm, một vị trí gần biển. Ông và gia đình cư ngụ ở đây khá lâu rồi. Nơi đây thư thái, an bình. Chúng tôi chỉ đến thăm một lần duy nhất vì họa sĩ Nguyễn Phan thường vắng nhà để thực hiện những công trình mỹ thuật trong thành phố.

Với cách làm việc tỉ mỉ, thân trọng và chuẩn xác, họa sĩ Nguyễn Phan luôn vẽ phác thảo, thiết kế công trình ở những căn phòng rộng của khách sạn. Họa sĩ Nguyễn Phan thực hiện nhiều đơn đặt hàng vẽ tranh, trang trí mỹ thuật kể cả tượng đài. Ông là tác giả “Nhà lưu niệm cụ Phan Chu Trinh” ở thành phố Đà Nẵng, tượng đài “Chứng tích Cây cốc” ở xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước và tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Một thời gian sau, tệ xá của họa sĩ Nguyễn Phan đã đi vào quá khứ sau đợt giải tỏa phục vụ xây dựng công trình cộng đồng.

Theo chỉ dẫn của một người quen, tôi tìm đến “Đầm Rong”, khu vực nằm cuối biên vùng Thanh Bồ. Gọi là đàm rong nhưng không thấy rong chỉ thấy rêu mục lừ nhừ bám tấp hai bờ dòng nước đen ngầu, cạn cặn, đêm ngày róc rách chảy. Một căn nhà gỗ, gọi nhà sàn thì đúng hơn, lắp ráp ván tôn tạm bợ trên các cây trụ gỗ cũ xiêu vẹo, nằm chênh vênh giữa dòng kênh nước đục. Đây là “căn hộ” thứ hai của họa sĩ Nguyễn Phan.

Vào nhà phải bước lên mấy bậc cấp bằng ván kêu răng rắc dưới chân, tay vịn chặt vào tấm phên bằng ván ép mỏng bên cạnh, ngập ngừng từng bước một, e chừng như thử có thể rơi tõm xuống “kênh nước đen” đầy rác và muỗi bên dưới.

Tôi không rõ gia đình anh sống ở căn nhà “có một không hai” này trong thời gian bao lâu, chỉ biết rằng họa sĩ Nguyễn Phan vẫn không hề vắng bóng ở một vài cuộc triển lãm tranh từ Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thành phố Hồ Chí Minh và các công trình trang trí mỹ thuật.

Hễ có dịp gặp nhau, tôi vẫn thấy nụ cười tươi tắn, lạc quan như hồi thanh xuân, thời anh dạy chúng tôi ở Huế. Có một lần vui, hôm ấy vào ngày Chủ nhật, bán được tranh giá cao, tôi vội vàng lấy xe chạy ra phố, nghĩ bụng rằng, gặp bất kỳ người nào thân tình trên đường sẽ khoản đãi trọng hậu. Gặp họa sĩ Nguyễn Phan cùng người cộng sự đang đứng trước hiên một cơ quan. Hình như hai người đang bàn bạc chuyện tiền nong sau một dịch vụ. Lẽ ra không nên nhưng tôi cứ xộc đến, vui vẻ: “Mời hai anh đi uống tí xíu”. Thật không đúng lúc. Dù đang bận việc “tế nhị” nhưng họa sĩ Nguyễn Phan vẫn ôn tồn, nhẹ nhàng: “Ở quán nào, lát nữa chúng tôi sẽ đến”. Rồi ông đến thật. Xong cuộc, không đồng ý để tôi thanh toán, họa sĩ Nguyễn Phan chi trả tất cả: “Khoản tôi mời” bằng tiền túi của mình!

Tuần lễ sau họa sĩ Nguyễn Phan đến nhà, vẫn nụ cười trẻ trung và giọng nói hòa nhã: “Hôm trước, biết cậu mời, rất cảm ơn. Hôm nay mình mới kẹt!” Ôi chao, tôi lại không còn đồng nào trong túi. May quá, anh ấy chỉ cần ít màu dầu. Tôi mang số màu để dành, còn nguyên nhãn mác, tặng anh.

Hiện thực ước mơ chốn bình yên

Dù cuộc sống không trải chiếu vàng cho ai nhưng không phụ lòng những người luôn hết mình cho công việc. Những năm tháng sau, họa sĩ Nguyễn Phan tậu được một căn nhà khang trang ở Hội An. Vừa là nhà ở, vừa là xưởng vẽ. Sự nỗ lực đã đưa đẩy ước mơ có một nơi chốn bình yên sau tuổi bảy mươi của anh trở thành hiện thực.

Hội An có những mái ngói âm dương san sát liền kề đầy rêu phủ, không những quyến rũ bởi nét đẹp cổ kính mà là còn nơi hội tụ nhiều cây cọ vẽ đương thời, một thị trường tranh nhộn nhịp khách nước ngoài ra vào ở các gallaries.

Ngày lại ngày, từ bình minh đến hoàng hôn, họa sĩ Nguyễn Phan đã vẽ, triển lãm trong niềm hưng phấn, yêu mến sẻ chia tấm lòng với phong cảnh, con người Hội An - Phố cổ. Vẽ say sưa hối hả như chưa từng được vẽ. Dường như anh mơ hồ, mường tượng ra rằng, thời gian sống nơi đây cũng là thời gian sau cùng.

Ngoài trời mưa vẫn tầm tã, nước trắng phủ mờ dãy núi Hải Vân. Đã mười bốn năm trôi qua từ ngày họa sĩ Nguyễn Phan lìa trần. Cũng ở chiếc quán bên ven biển nói về những kỷ niệm với Phan Trường Sơn như hôm nay, tôi thường có dịp ngồi với họa sĩ Nguyễn Phan trước đây.

Ngớt mưa, chúng tôi rời quán. Phan Trường Sơn đưa tôi về nhà thăm bà mẹ, chị Trần Thị Ngọc Bình. "Phía sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng phụ nữ". Ngồi đối diện với “bóng dáng phụ nữ” phía sau họa sĩ Nguyễn Phan trong căn khá rộng ở Thanh Khê - căn nhà thứ tư. Nhìn chị Bình ở tuổi đã xấp xỉ chín mươi vẫn còn minh mẫn, nói năng hoạt bát cùng với dáng vẻ dịu dàng, khuê các, dễ nhận ra gốc gác từ gia tộc trung lưu, danh vọng.

Khoảng thời gian ngắn nên câu chuyện giữa chị và tôi không dài. Hẹn sẽ tiếp tục vào tháng tới, nhân ngày kỷ niệm tưởng nhớ họa sĩ Nguyễn Phan lần thứ 14.

Trước khi chia tay chị Bình và Sơn, tôi đến bàn thờ thắp nén nhang. Trong lòng gợi lên sự xúc động mạnh mẽ khi nhìn lại chân dung họa sĩ Nguyễn Phan trong khung kính đặt sau bát nhang.

Kính mến chào tạm biệt người thầy, người anh lần nữa. Nhớ câu nói của ai đó “Hãy nhớ tới tôi và cười, bởi thà quên tôi đi còn hơn nhớ tới tôi và khóc”. Tôi không khóc chỉ là khói nhang làm mắt tôi cay cay, ươn ướt hay do những tiếng nấc ức ngẹn nằm sâu bên trong của một phần ký ức vỡ.

Đà Nẵng, tháng 10-2024

Theo HOÀNG ĐẶNG (ĐNO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ky-uc-vo-post299042.html