Ký ức vùng trồng cau Phú Hội
Khoảng 10 năm trở về trước, xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) là vùng trồng cau nổi tiếng ở vùng Đông Nam bộ. Cau Phú Hội có đặc điểm trái to, thịt trắng, mềm ngay cả khi phơi khô, cau nhai lâu có vị ngọt nên được người dùng ưa thích.
Một thời gian dài, cau Phú Hội được xuất khẩu tươi sang Đài Loan (Trung Quốc), người trồng cau có thu nhập khá. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, diện tích đất trồng cau giảm đáng kể và đặc sản cau Phú Hội đang có nguy cơ mai một dần...
* Vùng trồng cau nổi tiếng
Những người lớn tuổi ở xã Phú Hội, nơi từng có nhiều vườn cau xanh ngút ngàn nhớ lại, khoảng 10 năm về trước, nhà nào ở vùng này cũng trồng cau, nhà nào ít cũng trồng vài cây, nhà nào nhiều thì trồng vài trăm cây. Người dân trồng cau ở lối đi vào nhà, trồng cau thay thế cho bờ tường rào ngăn cách ranh giới đất nhà này với nhà khác, có nhiều hộ gia đình còn trồng cả một vườn cau lớn ở ngoài đồng. Những cây cau cao hơn mái nhà, ra trái quanh năm vừa làm bóng mát vừa đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho chủ nhà. Thời đó, cây cau ở xã Phú Hội được ví như cây dừa ở tỉnh Bến Tre.
Nghề trồng và chế biến cau ở xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) đã có từ lâu đời, khoảng 10-20 năm về trước là thời kỳ phát triển cao điểm, cả xã có hơn 1 ngàn hộ trồng cau. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm cau ở Phú Hội còn được xuất khẩu sang các nước lân cận.
Việc trồng và chăm sóc cau không mấy vất vả, nhưng phải chọn đúng giống cau mới có hiệu quả kinh tế. Bà Nguyễn Thị Lẹ (ngụ ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội) cho biết, cau vú bò đã trở thành đặc sản của vùng đất Phú Hội. Người ta thường chọn cau vú bò tươi để cúng kiếng các dịp lễ quan trọng như: giỗ chạp, cưới hỏi..., ít người mua được cau vú bò tươi để ăn trầu. Đặc điểm của giống cau này là trái to tròn, vỏ xanh bóng; núm cau và hạt cau nhỏ; thịt cau trắng và khi nhai có vị ngọt hậu chứ không hắc như các giống cau khác. Nếu thuận gió thuận mưa, mỗi năm cây cau vú bò chỉ trổ khoảng 5 buồng, quả sai và đều (khoảng 200 quả/buồng).
Thời cau Phú Hội còn có giá, những người trồng cau có kinh nghiệm ở vùng đất này còn tự nhân giống cau. Người ta chọn một đám đất cao ráo, lên luống và ươm quả. Mỗi quả giống đặt cách nhau 30cm, tưới nước một lần/ngày. Khi cây được 3 lá mầm thì bứng ra vườn trồng với mật độ khoảng 2m/cây. Một cây cau từ khi thu hoạch đến khi lão hóa khoảng 30-40 năm.
Một số người dân ở xã Phú Hội kể lại, có thời điểm, cau Phú Hội được người mua về tận vườn “săn lùng” rồi chở đi TP.HCM, các tỉnh miền Tây, miền Bắc tiêu thụ, người trồng cau nhờ đó có của ăn của để. Khoảng 5 năm trước, cau Phú Hội vẫn còn được xuất khẩu sang Đài Loan với giá 20 ngàn đồng/kg cau tươi. Tính ra, mỗi cây cau cho thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/năm.
Bà Đoàn Thị Kiều (ngụ ấp Phú Mỹ 2, xã Phú Hội) nhớ lại, hồi đó, ở xã Phú Hội có đến hơn chục cơ sở thu mua cau. Có thời điểm thương lái còn về tận nơi thu mua cau tươi xuất khẩu, bà thu được từ 50-60 triệu đồng/năm tiền bán cau. Thời đó thương lái không mua theo buồng, theo ký như hiện nay mà mua theo cây, với giá từ 2-5 triệu đồng/cây (tùy theo bẹ ôm). Càng nhiều bẹ ôm giá tiền càng cao (mỗi bẹ ôm ứng với 1 buồng cau). Người dân không phải lo cau thất mùa, cũng không phải thuê người trèo hái.
Không chỉ bán cau tươi, người dân địa phương còn tận dụng mo cau để đan quạt, kết rổ rá, túi xách; lá cau được bó thành chổi quét nhà; những hạt cau già được phơi khô, bán cho các cơ sở làm nhang. Cây cau đem lại nhiều việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là những người quá tuổi lao động.
* Mai một dần đặc sản
Vài năm trở lại đây, những bóng cau ở đất Phú Hội ngày một thưa dần. Nhiều diện tích đất trồng cau bị thu hồi làm dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị để phát triển kinh tế của địa phương. Một số hộ dân chặt cau xây nhà trọ hoặc chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đa phần các hộ không ươm cau trồng mới, nghề ươm cau giống mất hẳn.
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng cau giảm, cùng với đó là quá trình đô thị hóa làm cho đặc sản cau Phú Hội dần bị mai một. Hiện cả xã chỉ còn trên dưới 100 hộ trồng cau, chủ yếu những cây trên 10 năm tuổi. Nhiều hộ giữ lại cau không vì mục đích kinh tế mà làm bóng mát và tạo cảnh quan cho ngôi nhà.
Ông Mười Thìn, chủ vườn cau ở ấp Đất Mới (xã Phú hội) chia sẻ, người dân nơi đây không còn mặn mà với cây cau vì giá quá thấp. Hiện tại, mỗi cây cau thương lái chỉ trả 200-500 ngàn đồng/năm, bằng 1/10 so với trước. “Vài năm nay tôi không ươm cau để trồng và bán giống nữa. Tôi dự định chỉ giữ lại vài cây làm bóng mát hai bên ngõ vào nhà, còn lại sẽ chặt đi trồng chuối vào dịp thích hợp” - ông Thìn nói.
Cau rớt giá, diện tích đất trồng cau giảm, thương lái thu mua, cơ sở chế biến cau cũng không còn nhiều như trước.
Chủ cơ sở chế biến cau khô duy nhất còn lại ở xã Phú Hội Nguyễn Thị Lẹ cho biết, hiện tại chỉ có khoảng 5 lái thu mua cau ở Phú Hội nhưng đa phần mua cau bán tươi, chỉ duy nhất bà mua cau phơi khô để bán. Hiện tại cơ sở của bà Lẹ đang hợp đồng thu mua với 11 chủ vườn cau. Cau tươi bà mua về sau đó thuê người tách lấy hạt, sấy khô bán cho thương lái ở TP.HCM. Hạt cau sấy khô được phân loại thành: cau già, cau gân, cau non và cau yến, tương ứng với đó là giá tiền 30-40-70-100 ngàn đồng/kg. Bà Lẹ cho biết, hạt cau khô được dùng để ăn trầu, là nguyên liệu làm nhang, làm dược liệu và chế tạo thuốc nhuộm.
“Chế biến cau ngày nay không có lời nhiều như trước. Tôi làm cau vì “cái nghiệp” 3 đời nay của gia đình, nhưng chắc cũng “cố” được vài năm nữa thôi, tôi nay 87 tuổi rồi” - bà Lẹ tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Mười Hai, thương lái mua cau tươi ở Phú Hội cho biết, hiện nay tiêu thụ cau tươi chậm vì số lượng người ăn trầu rất ít. Cau tươi chỉ bán được dịp cúng lễ hoặc có người đặt cau cưới hỏi. Nhiều hộ gia đình không bán được cau tươi để chín đỏ rụng quanh gốc. Những người buôn cau chuyển sang làm công việc khác hoặc thu mua thêm cái loại nông sản để bán.